Bầu thiếu đại biểu Quốc hội và quy trình thực hiện bầu thêm
Cập nhật thông tin công bố kết quả bầu cử từ các địa phương trong cả nước cho thấy một số địa phương bầu thiếu đại biểu Quốc hội khóa XIV, bầu thiếu đại biểu Hội đồng Nhân dân cấp xã, phường nhiệm kỳ 2016-2021.
Ngày 31-5, đồng chí Lê Minh Thông, Phó Chánh Văn phòng Hội đồng Bầu cử quốc gia đã có cuộc trao đổi với phóng viên về vấn đề bầu thêm đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng Nhân dân cấp xã, phường và quy trình bầu cử thêm.
- Vừa qua, một số địa phương bầu thiếu số lượng đại biểu Quốc hội đã được ấn định. Xin đồng chí cho biết hướng giải quyết việc này như thế nào?
Đồng chí Lê Minh Thông: Theo Luật Tổ chức Quốc hội, "Tổng số đại biểu Quốc hội không quá 500 người". Điều đó có nghĩa là Luật vẫn cho phép không nhất thiết phải bầu đủ 500 đại biểu nếu như do những lý do khách quan không bầu đủ số lượng đại biểu. Nếu không bầu đủ 500 đại biểu, việc xem xét bầu cử thêm do Hội đồng Bầu cử Quốc gia quyết định.
Việc bầu cử thêm phụ thuộc vào hai yếu tố: Một là, đề xuất của địa phương nơi bầu thiếu bởi vì xuất phát từ lợi ích và quyền đại diện của cử tri cũng như tình hình thực tế của địa phương. Hai là, Hội đồng Bầu cử Quốc gia cân nhắc các yếu tố để căn cứ vào đề nghị của địa phương quyết định cho bầu cử thêm hay không.
Với tất cả những vấn đề như vậy, vừa qua, một số địa phương như thành phố Cần Thơ, tỉnh Sóc Trăng bầu thiếu số lượng đại biểu Quốc hội đã được ấn định. Trong đó, thành phố Cần Thơ có văn bản chính thức đề nghị Hội đồng Bầu cử Quốc gia xem xét việc cho phép Cần Thơ được bầu cử thêm.
Căn cứ vào đề xuất của địa phương và tình hình thực tiễn về mức độ thiếu số lượng đại biểu Quốc hội phân bổ cho địa phương, Hội đồng Bầu cử Quốc gia đã đồng ý cho thành phố Cần Thơ bầu cử thêm. Cuộc bầu cử đã diễn ra vào ngày Chủ nhật vừa qua 29-5, với kết quả tốt, đã bầu đủ số lượng đại biểu Quốc hội cần bầu thêm.
Cho đến bây giờ, việc bầu cử đại biểu Quốc hội cơ bản hoàn tất.
- Qua thống kê sơ bộ cho thấy, tại nhiều địa phương, số lượng đại biểu Hội đồng Nhân dân cấp xã, phường bị bầu thiếu nhiều, đồng chí nhìn nhận vấn đề này như thế nào?
Đồng chí Lê Minh Thông: Trước hết phải khẳng định rằng công tác bầu cử đã thành công với số lượng cử tri đi bầu cao và các hoạt động bầu cử diễn ra đúng quy định của pháp luật.
Việc kết quả số lượng ứng cử viên trúng cử, tôi nghĩ không có gì phải băn khoăn nhiều vì đó là tất yếu của bầu cử. Việc bầu không đủ, phải bầu thêm cũng là câu chuyện bình thường trong công tác bầu cử. Tuy nhiên, việc bầu đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng Nhân dân cấp tỉnh, cấp huyện tương đối đủ, một số địa phương bầu thiếu đại biểu Hội đồng Nhân dân cấp xã điều này khẳng định trước hết phải tôn trọng ý chí của cử tri, cử tri đã lựa chọn, chúng ta trân trọng kết quả đó.
Một khi ý thức của dân ngày càng cao, trách nhiệm chính trị của dân ngày càng nâng lên, việc người dân không tín nhiệm ai đó trong danh sách ứng cử viên cũng là câu chuyện bình thường. Điều đó cho thấy mức độ trưởng thành dân chủ của chúng ta rất tốt, ý thức của nhân dân ngày càng cao.
Rõ ràng, đại biểu Hội đồng Nhân dân gắn liền với người dân, gần dân, do đó họ rất quan tâm. Cử tri đã lựa chọn cẩn thận cấp Hội đồng Nhân dân cuối cùng bởi vì đó là những người đại diện trực tiếp cho dân và giải quyết những công việc trực tiếp nơi người dân sinh sống.
Việc phải bầu thêm đại biểu Hội đồng Nhân dân cấp xã, phường cho thấy cử tri rất quan tâm và kỳ vọng vào Hội đồng Nhân dân cấp cơ sở. Sự lựa chọn cẩn trọng đó xuất phát từ sự đánh giá cao Hội đồng Nhân dân cơ sở, cử tri lựa chọn những người họ biết vì những ứng cử viên đó là những người sống với họ, họ chia sẻ thông tin và đánh giá được năng lực của các ứng cử viên. Đây là điều rất đáng mừng.
Việc này cũng cho thấy bài học về việc lựa chọn ứng cử viên để giới thiệu cho cử tri bầu. Có thể công tác chọn nhân sự ứng cử đại biểu Hội đồng Nhân dân cấp xã, phường chưa đáp ứng được yêu cầu, đòi hỏi của cuộc sống ở cơ sở. Đồng thời, công tác vận động bầu cử, cách thuyết trình của các ứng cử viên cần phải tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện để cử tri lựa chọn được đúng người, nói lên tiếng nói của mình.
Bên cạnh đó, cần phải nghiên cứu về những mối quan hệ phức tạp ở nông thôn, ở cơ sở. Đây cũng là một yếu tố có thể tác động đến kết quả bầu cử. Những yếu tố như dòng họ, văn hóa của từng thôn bản, lệ làng.. cũng tác động tới việc lựa chọn đại biểu trúng cử. Bên cạnh đó, công tác tác chỉ đạo bầu cử của địa phương cũng có những điểm cần tiếp tục hoàn thiện.
- Thưa đồng chí, việc bầu cử thêm đại biểu Hội đồng Nhân dân cấp xã, phường sẽ được tiến hành như thế nào?
Đồng chí Lê Minh Thông: Quy trình bầu cử thêm phải tiến hành theo đúng quy định của Luật bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng Nhân dân. Theo đó, khoản 2, 3 Điều 79 nêu rõ trong cuộc bầu cử đầu tiên, nếu số người trúng cử đại biểu Hội đồng nhân dân chưa đủ hai phần ba số lượng đại biểu được bầu đã ấn định cho đơn vị bầu cử, Ban bầu cử phải ghi rõ vào biên bản xác định kết quả bầu cử và báo cáo ngay cho Ủy ban bầu cử chịu trách nhiệm tổ chức bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân ở cấp đó để quyết định ngày bầu cử thêm ở đơn vị bầu cử đó ( khoản 2).
Trong trường hợp bầu cử thêm, ngày bầu cử được tiến hành chậm nhất là 15 ngày sau ngày bầu cử đầu tiên. Trong cuộc bầu cử thêm, cử tri chỉ chọn bầu trong danh sách những người ứng cử tại cuộc bầu cử đầu tiên nhưng không trúng cử.
Người trúng cử là người được quá một nửa tổng số phiếu bầu hợp lệ và có số phiếu bầu cao hơn. Nếu bầu cử thêm mà vẫn chưa đủ số lượng đại biểu được bầu đã ấn định cho đơn vị bầu cử sẽ không tổ chức bầu cử thêm lần thứ hai (khoản 3).
- Trân trọng cảm ơn ông./.
Việt Nam đóng góp vào các vấn đề y tế chủ chốt toàn cầu  (31/05/2016)
Việt Nam hoan nghênh Nghị quyết bãi bỏ giám sát cá da trơn của Hoa Kỳ  (31/05/2016)
- Một số vấn đề về chuyển đổi nội dung số trong các tạp chí của Việt Nam hiện nay
- Tỉnh Nam Định xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội
- Phát huy vai trò của công tác cán bộ để nâng cao năng lực lãnh đạo, cầm quyền của Đảng
- Ấn Độ: Hướng tới cường quốc kinh tế và tri thức toàn cầu trong nhiệm kỳ thứ ba của Thủ tướng Na-ren-đra Mô-đi
- Một số vấn đề về xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa: Thành tựu phát triển lý luận của Đảng qua gần 40 năm tiến hành công cuộc đổi mới (kỳ 1)
-
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm