TCCSĐT - Sau hơn 10 năm trở thành thành phố trực thuộc Trung ương, thành phố Cần Thơ đã có những bước phát triển mạnh mẽ, từng bước khẳng định vai trò là một trung tâm, động lực kinh tế của vùng đồng bằng sông Cửu Long. Trong giai đoạn 2016-2020, Thành phố xác định thương mại - dịch vụ chiếm vị trí hàng đầu trong cơ cấu kinh tế, với mục tiêu đưa thành phố Cần Thơ vươn lên xứng tầm là một trung tâm thương mại - dịch vụ của vùng.

Lợi thế trung tâm vùng và bước tiến của thương mại - dịch vụ

Nằm ở hạ lưu sông Mê Kông, thành phố Cần Thơ là đô thị lớn nhất vùng đồng bằng sông Cửu Long. Đây được xem là đầu mối giao thương nối liền các tỉnh trong vùng đến thành phố Hồ Chí Minh và Cam-pu-chia với nhiều công trình hạ tầng giao thông trọng điểm đã được Nhà nước tập trung đầu tư xây dựng và đưa vào sử dụng trong những năm gần đây như: cầu Cần Thơ, sân bay quốc tế Cần Thơ, cảng Cái Cui, cảng Cần Thơ, các tuyến quốc lộ: 1A, 80, 91, 91B, Nam sông Hậu,... Ngoài hệ thống đường bộ, đường hàng không, Cần Thơ còn có lợi thế về giao thông vận tải thủy với gần 160 sông, kênh, rạch. Hệ thống sông, kênh, rạch này tạo điều kiện thuận tiện cho việc giao lưu buôn bán, phát triển nông nghiệp, thủy sản, du lịch giữa thành phố với các tỉnh trong vùng và Thành phố Hồ Chí Minh.

Trên địa bàn thành phố có hiện có 5 trường đại học, 1 phân hiệu đại học, 5 trường cao đẳng, 1 phân hiệu cao đẳng, 63 cơ sở, trung tâm, trường trung cấp, trung học chuyên nghiệp. Hệ thống bệnh viện, trung tâm y tế, trạm y tế ngày càng hoàn thiện, từng bước đáp ứng nhu cầu chăm sóc sức khỏe cho người dân thành phố và các tỉnh lân cận trong vùng. Đây là tiền đề quan trọng giúp Cần Thơ phát triển và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực và nguồn lao động. Đến nay, các ngân hàng thương mại lớn của cả nước đều có chi nhánh, cơ sở giao dịch tại Cần Thơ với dịch vụ tài chính đa dạng, phong phú, đáp ứng nhu cầu của người dân, doanh nghiệp, bước đầu giúp Cần Thơ khẳng định vị thế trung tâm tài chính của vùng đồng bằng sông Cửu Long.

Giai đoạn 2011-2015, tốc độ tăng trưởng kinh tế (GDP) bình quân hằng năm của thành phố đạt 12,19%, trong đó, khu vực thương mại - dịch vụ tăng bình quân 14,07%/năm và đến năm 2015 chiếm tỷ trọng 57,8% trong cơ cấu GDP. Lĩnh vực thương mại có tốc độ phát triển nhanh, đa dạng với nhiều loại hình và ngày càng mang tính chi phối, tác động đến nhiều lĩnh vực phát triển khác; kết cấu hạ tầng thương mại ngày càng được hoàn thiện, nâng cao năng lực bán buôn, bán lẻ. Đến cuối năm 2015, toàn thành phố có 107 chợ truyền thống, 12 siêu thị, trung tâm thương mại lớn của các tập đoàn kinh tế trong và ngoài nước như: Big C, Metro, Coop.Mart, Sense City, Vinatext Mart, KCMart, Lotte Mart, Vincom Cần Thơ,… Hệ thống hạ tầng thương mại này đáp ứng nhu cầu cung cấp hàng hóa không chỉ cho thành phố Cần Thơ mà còn cho nhiều địa phương trong vùng đồng bằng sông Cửu Long.

Trong giai đoạn 2011-2015, các loại hình hoạt động dịch vụ ở thành phố Cần Thơ tăng nhanh cả số lượng, chất lượng theo hướng đa dạng hóa loại hình, hướng tới những ngành dịch vụ có giá trị gia tăng cao. Hệ thống dịch vụ vận tải phát triển mạnh cả đường bộ, đường thủy và đường không, khối lượng vận chuyển hàng hóa tăng bình quân 3,34%, vận chuyển hành khách tăng bình quân 4,15%, đứng đầu các địa phương trong vùng đồng bằng sông Cửu Long. Các dịch vụ tài chính - ngân hàng phát triển mạnh, trên địa bàn thành phố hiện có 51 tổ chức tín dụng, với 232 điểm giao dịch, vốn huy động năm 2015 đạt 44.800 tỷ đồng, tăng gấp đôi so với năm 2010.

Thương mại - dịch vụ phát triển nhanh, cùng với việc phát triển nhiều công trình hạ tầng giao thông, khu đô thị mới, xây dựng nông thôn mới đã tạo thêm điều kiện cho thành phố Cần Thơ thu hút khách du lịch trong và ngoài nước đến tham quan, nghỉ dưỡng, mua sắm ở đô thị trung tâm vùng đồng bằng sông Cửu Long. Từ năm 2011-2015, các doanh nghiệp kinh doanh du lịch ở Cần Thơ đã đón 6,65 triệu lượt khách lưu trú và lữ hành, tăng bình quân 12%/năm, doanh thu ngành du lịch đạt hơn 5.000 tỷ đồng, tăng từ 12-20%/năm. Công tác xúc tiến thương mại ngày càng được quan tâm, chú trọng. Đến nay, các doanh nghiệp của thành phố Cần Thơ đã có quan hệ xuất nhập khẩu với hơn 97 quốc gia và vùng lãnh thổ. Kim ngạch xuất khẩu hàng hóa và dịch vụ thu ngoại tệ năm 2015 đạt 1,85 tỷ USD, tăng hơn 1,46 lần so với năm 2011, tốc độ tăng trưởng xuất khẩu bình quân giai đoạn 2011-2015 là 3,9%/năm.

Song song với việc tăng cường xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường ra nước ngoài, thành phố cũng đẩy mạnh các hoạt động, chương trình hợp tác với các tổ chức, địa phương trong nước, trong đó có hoạt động thương mại - dịch vụ. Trong giai đoạn 2006-2012, thành phố đã ký kết chương trình hợp tác với các tỉnh Trà Vinh, Đồng Tháp, Tiền Giang, Bạc Liêu; giai đoạn 2011-2015 ký kết chương trình hợp tác với các tỉnh Hậu Giang, Bến Tre; ký kết chương trình hợp tác giai đoạn 2013-2015 với Trường Đại học Cần Thơ; hợp tác đến năm 2020 với Thành phố Hồ Chí Minh; sơ kết chương trình hợp tác giai đoạn 2006-2014 và ký kết chương trình hợp tác giai đoạn 2015-2020 với các tỉnh Vĩnh Long, Sóc Trăng.

Những “điểm nghẽn” cần sớm được tháo gỡ

Bên cạnh những thành tựu, thời gian qua, hoạt động thương mại - dịch vụ trên địa bàn thành phố Cần Thơ vẫn còn một số hạn chế, bất cập - thậm chí đang là những “điểm nghẽn”, ảnh hưởng đến sức phát triển kinh tế - xã hội của thành phố nói riêng và vùng đồng bằng sông Cửu Long nói chung. Cụ thể là:

- Hệ thống các siêu thị, trung tâm thương mại, dịch vụ tập trung chủ yếu tại các khu vực trung tâm thành phố, trong khi ở các quận, huyện xa trung tâm hệ thống này còn rất ít. Tính liên kết giữa hệ thống kết cấu hạ tầng thương mại, dịch vụ của thành phố với các tỉnh lân cận còn lỏng lẻo; hệ thống phân phối bán lẻ còn yếu, chưa phát huy đúng mức vai trò của một trung tâm thương mại - dịch vụ cấp vùng.

- Hệ thống hạ tầng giao thông vận tải tuy có phát triển nhưng chưa phát huy đúng mức công năng là đầu mối giao thông vận tải của vùng. Sân bay quốc tế Cần Thơ đến nay chủ yếu vẫn phát triển một số đường bay nội địa; các cảng Cần Thơ, Cái Cui chưa phát huy hết công suất vì luồng tàu từ cửa biển Định An vào sông Hậu thường xuyên bị bồi lắng, không thông suốt, ảnh hưởng lớn đến năng lực xuất nhập khẩu của thành phố và các tỉnh trong vùng.

- Công tác thông tin thị trường, xúc tiến thương mại, tạo dựng thương hiệu chưa được quan tâm đúng mức, còn nhiều bất cập; nhiều doanh nghiệp chưa chú trọng xúc tiến các hoạt động thương mại điện tử; thiếu các giải pháp mang tính chủ động chuyển dịch nhanh cơ cấu mặt hàng xuất khẩu từ chủ yếu là nông sản sang các mặt hàng công nghiệp và hàng tinh chế từ nông sản.

- Chất lượng nguồn nhân lực còn nhiều hạn chế; nguồn nhân lực tuy dồi dào về số lượng nhưng trình độ chuyên môn kỹ thuật, kỹ năng của phần lớn người lao động chưa theo kịp tốc độ phát triển kinh tế - xã hội của thành phố, chưa đáp ứng yêu cầu của người sử dụng lao động, nhất là các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, doanh nghiệp sử dụng công nghệ - kỹ thuật hiện đại; quy mô, ngành nghề, mục tiêu đào tạo nghề chưa sát với yêu cầu phát triển thành phố thành trung tâm thương mại - dịch vụ của vùng đồng bằng sông Cửu Long.

- Chưa quan tâm phát triển lĩnh vực dịch vụ hỗ trợ kinh doanh; chưa hình thành được những hiệp hội có đủ năng lực tự chủ để phục vụ cho nhiều chức năng như giáo dục cộng đồng kinh doanh về giá trị của dịch vụ hỗ trợ, thẩm định khách quan năng lực của người cung cấp dịch vụ (thông qua cấp phép hoặc chứng nhận), xây dựng và thực thi những quy tắc về hành vi ứng xử (gắn kết với những thông lệ, quy tắc của quốc tế) để bảo đảm cho việc nâng cao chất lượng nguồn nhân lực và cải thiện môi trường kinh doanh ở một trung tâm thương mại - dịch vụ của vùng.

Một số giải pháp góp phần đưa thành phố Cần Thơ xứng tầm là trung tâm thương mại - dịch vụ của vùng đồng bằng sông Cửu Long

Nghị quyết Đại hội Đảng bộ thành phố Cần Thơ lần thứ XIII, nhiệm kỳ 2015-2020 đã xác định để phát triển kinh tế thành phố với tốc độ cao phải tiếp tục đổi mới mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế. Theo đó, cần tập trung nâng cao chất lượng tăng trưởng kinh tế, gắn với chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng dịch vụ - công nghiệp - nông nghiệp (công nghệ cao). Để đạt mục tiêu đưa thương mại - dịch vụ vươn lên vị trí hàng đầu trong cơ cấu kinh tế những năm tới, Nghị quyết nêu rõ: “Đẩy mạnh tốc độ tăng trưởng và phát triển đa dạng khu vực thương mại - dịch vụ, nhất là dịch vụ tài chính, thương mại, du lịch và các dịch vụ có giá trị gia tăng cao; khai thác có hiệu quả các tiềm năng, lợi thế của thành phố như: giao thông - vận tải, khoa học công nghệ, thông tin - truyền thông…” (*).

Trên cơ sở những định hướng và mục tiêu đó, để xây dựng thành phố Cần Thơ thật sự trở thành trung tâm thương mại - dịch vụ của vùng đồng bằng sông Cửu Long, cần chú trọng thực hiện đồng bộ một số giải pháp sau:

Một là, tiếp tục cải cách, hoàn thiện thể chế, chính sách, khai thác tối đa các nguồn lực đầu tư nhằm phát triển toàn diện và đồng bộ kết cấu hạ tầng kinh tế của thành phố Cần Thơ tương xứng với vai trò trung tâm kinh tế của vùng đồng bằng sông Cửu Long. Trong đó, chú trọng xây dựng, hoàn thiện và phát huy đúng mức vai trò, công năng của các trung tâm thương mại, siêu thị, chợ đầu mối, hệ thống đường thủy, đường bộ, đường hàng không, bến cảng, các điểm tập kết hàng hóa, dịch vụ logistics - xem đây là thế mạnh để phát huy sức ảnh hưởng, tác động, sự lan tỏa về hiệu ứng phát triển thương mại - dịch vụ và các ngành kinh tế khác với các tỉnh trong vùng đồng bằng sông Cửu Long.

Hai là, cải thiện năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) của thành phố. Trong đó, cần quan tâm đến một số vấn đề như: đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính theo hướng đơn giản, thuận tiện, công khai, minh bạch các thủ tục hành chính; bổ sung hoàn thiện các cơ chế, chính sách nhằm tạo ra môi trường cạnh tranh bình đẳng, công bằng cho các doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế; xây dựng và hoàn thiện quy chế đối thoại, liên lạc thường xuyên, thông suốt giữa các sở, ngành, chính quyền các quận, huyện trên địa bàn thành phố với doanh nghiệp để kịp thời tư vấn, giải đáp, tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp.

Ba là, phát triển đồng bộ và khai thác có hiệu quả hệ thống dịch vụ giao thông vận tải (đường bộ, đường thủy, đường hàng không) để thành phố Cần Thơ thật sự trở thành đầu mối quan trọng về giao thông vận tải nội vùng đồng bằng sông Cửu Long và liên vận quốc tế. Đồng thời, tạo điều kiện, môi trường thuận lợi để các thành phần kinh tế phát triển đa dạng các loại hình dịch vụ tài chính gắn với mở rộng, nâng cao chất lượng hoạt động các dịch vụ ngân hàng, bảo hiểm, thị trường chứng khoán, các dịch vụ kế toán, kiểm toán, tư vấn tài chính,…

Bốn là, đa dạng hóa các loại hình thị trường bán lẻ, có cơ chế, chính sách khuyến khích đầu tư phát triển các trung tâm thương mại, siêu thị quy mô lớn, hiện đại ở các địa bàn trọng điểm có đông dân cư và các khu đô thị mới. Huy động các nguồn lực nâng cấp, mở rộng hệ thống chợ truyền thống; khuyến khích sử dụng hàng hóa trong nước có chất lượng cao, tăng cường hoạt động xúc tiến thương mại, xây dựng và quảng bá thương hiệu - nhất là thương hiệu các sản phẩm chủ lực của thành phố và các tỉnh trong vùng đồng bằng sông Cửu Long - ở thị trường trong và ngoài nước.

Năm là, nâng cao chất lượng công tác dự báo thị trường, đặc biệt chú trọng khâu tổ chức và cung cấp thông tin thị trường cho các doanh nghiệp, tập trung vào các thị trường có kim ngạch xuất khẩu lớn; tăng cường đầu tư nghiên cứu, ứng dụng các tiến bộ khoa học - công nghệ hiện đại từ sản xuất đến chế biến để sản xuất theo chuỗi giá trị, tạo ra giá trị gia tăng cao đối với những sản phẩm, mặt hàng có lợi thế cạnh tranh của thành phố, hạn chế tối đa tình trạng xuất khẩu nguyên liệu và sản phẩm thô.

Sáu là, tập trung các nguồn lực đầu tư để phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của thành phố và Cần Thơ trở thành một trọng điểm du lịch của vùng. Trong đó, chú trọng phát triển đa dạng các sản phẩm du lịch như: du lịch di tích lịch sử - văn hóa, du lịch sông nước miệt vườn; du lịch nghỉ dưỡng, mua sắm; du lịch chữa bệnh; du lịch sinh thái; du lịch vui chơi - giải trí; du lịch hội nghị - hội thảo. Đồng thời, quan tâm củng cố, xây dựng các làng nghề truyền thống tạo ra nhiều điểm tham quan mang đậm sắc thái văn hóa đặc trưng vùng sông nước miệt vườn đồng bằng sông Cửu Long.

Bảy là, quan tâm phát triển nguồn nhân lực; tăng cường đầu tư cho các lĩnh vực giáo dục - đào tạo, y tế, văn hóa, du lịch để nâng cao trình độ dân trí, nâng cao sức khỏe người dân, nâng cao tỷ lệ lao động được đào tạo. Chú trọng phát triển nguồn nhân lực có kỹ thuật, tay nghề, trình độ cao cho các ngành sản xuất, kinh doanh được xác định là thế mạnh của thành phố; đẩy mạnh hoạt động đào tạo nghề và hỗ trợ các hoạt động xúc tiến, giải quyết việc làm cho lao động chuyển đổi từ các ngành nghề nông nghiệp sang các ngành nghề trong lĩnh vực thương mại - dịch vụ, công nghiệp.

Tám là, đẩy mạnh hoạt động liên kết, hợp tác kinh tế giữa thành phố Cần Thơ với các bộ, ngành Trung ương, với các địa phương trong vùng đồng bằng sông Cửu Long, với thành phố Hồ Chí Minh và các địa phương khác trong nước. Các hoạt động liên kết, hợp tác kinh tế, trong đó có hoạt động thương mại - dịch vụ, cần được thực hiện theo hướng xác định rõ từng lĩnh vực, từng phần việc và trách nhiệm của từng bên tham gia, theo hướng vừa phát triển kinh doanh vừa hỗ trợ hợp tác; kết hợp hài hòa lợi ích của mỗi địa phương với lợi ích chung của toàn vùng./.

-----------------------------------------

(*) Đảng bộ thành phố Cần Thơ, Văn kiện Đại hội Đại biểu Đảng bộ thành phố Cần Thơ lần thứ XIII, nhiệm kỳ 2015-2020, tr.34