Nhận lời mời của Quốc hội Mông Cổ, đoàn đại biểu Quốc hội Việt Nam do Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu dẫn đầu đã tham dự Hội nghị Đối tác nghị viện Á-Âu lần thứ chín (ASEP 9), tổ chức tại thủ đổ Ulan Bator của Mông Cổ, từ ngày 21 đến ngày 22-4-2016.
Khoảng 200 đại biểu của của 32 nước nghị viện thành viên và một số tổ chức quốc tế đã tham dự hội nghị với tư cách khách mời của nước chủ nhà. Hội nghị ASEP 9 là một trong hai sự kiện quan trọng nhất mà Mông Cổ chủ trì tổ chức cùng với Hội nghị Cấp cao Á-Âu lần thứ 11 (ASEM 11) trong năm 2016, diễn ra vào thời điểm kỷ niệm 20 năm thành lập ASEM. Phiên khai mạc có sự tham dự của Tổng thống Mông Cổ; Chủ tịch Quốc hội Mông Cổ, Chủ tịch ASEP 9 và Chủ tịch Thượng viện Italy, Chủ tịch ASEP 8.

Với chủ đề “Vai trò của ASEP đối với ASEM,” hội nghị đã thảo luận hai nội dung “Kết nối và hiệu quả của các cơ chế đa phương” và “Đối tác hướng tới tương lai”. Các đại biểu đánh giá cao những kết quả ASEM đạt được trên ba trụ cột, nhấn mạnh tầm quan trọng của các tổ chức liên khu vực trong tăng cường đối thoại chính trị giữa hai châu lục Á-Âu về nhiều vấn đề khu vực và toàn cầu nhằm củng cố các mối quan hệ kinh tế-thương mại, mở rộng hợp tác xã hội, văn hóa, giáo dục và các vấn đề quan trọng khác.

Đối với nội dung “Kết nối và hiệu quả của các cơ chế đa phương,” các đại biểu thừa nhận tầm quan trọng của kết nối trong tất cả các khuôn khổ hợp tác ASEM, nhất trí cần đẩy mạnh kết nối hơn nữa giữa nhân dân, nghị viện và chính phủ các nước châu Á với châu Âu thông qua việc đầu tư cho cơ sở hạ tầng giao thông, kết nối giữa các khu vực. Các chương trình trao đổi cũng góp phần nâng cao lưu thông hàng hóa, dịch vụ và giao lưu giữa nhân dân Á-Âu nhằm tăng cường sự hiểu biết và quan hệ hữu nghị, hợp tác giữa hai khu vực.

Các đại biểu cho rằng, quá trình toàn cầu hóa đòi hỏi hai khu vực tăng cường hơn nữa hợp tác vì quá trình này cũng tạo nên những mất cân bằng trong hệ thống thương mại quốc tế, làm gia tăng khoảng cách giàu nghèo… Vì vậy cần chia sẻ thông tin và trao đổi kinh nghiệm giữa hai khu vực để vượt qua những khó khăn kinh tế và giải quyết tận gốc nguyên nhân của khủng hoảng tài chính. Các đại biểu nhấn mạnh tầm quan trọng của Chương trình nghị sự 2030 của Liên hợp quốc về Phát triển bền vững, trong đó tập trung vào xây dựng nền kinh tế năng động, bền vững, sáng tạo và lấy con người làm trung tâm, đề cao vai trò của thanh niên và phụ nữ.

Hội nghị cũng đánh giá cao kết quả của Hội nghị Thượng đỉnh lần thứ 21 của Liên hợp quốc về chống biến đổi khí hậu (COP21) và Tuyên bố Sendai và Khuôn khổ Sendai về giảm thiểu nguy cơ thiên tai giai đoạn 2015-2030. Các nghị sỹ ASEP kêu gọi hợp tác khu vực và tiểu khu vực và đề ra sáng kiến nhằm gắn kết hai khu vực Á-Âu, tăng cường đối thoại, xây dựng lòng tin và hợp tác vì hòa bình, an ninh, ổn định ở châu Á-Thái Bình Dương và trên thế giới. Hội nghị cũng nhấn mạnh vai trò của các thành phần tư nhân, bao gồm các doanh nghiệp vừa và nhỏ, sự cần thiết mở rộng quan hệ đối tác công-tư, tầm quan trọng của công nghệ thông tin trong việc kết nối hai khu vực, thúc đẩy hợp tác giáo dục, phát triển nguồn nhân lực, tăng cường liên kết du lịch, giao lưu thanh niên và thực hiện bình đẳng giới.

Đối với nội dung “Quan hệ Đối tác hướng tới tương lai,” các đại biểu khẳng định cam kết tiếp tục ủng hộ ASEM củng cố quan hệ đối tác giữa hai khu vực trên cơ sở bình đẳng, tôn trọng lẫn nhau, bảo vệ quyền con người và các quyền tự do cơ bản khác. Các nghị sỹ cũng đề nghị Hội nghị Quan chức cấp cao ASEM xem xét đề xuất của Mông Cổ về việc thành lập Trung tâm ASEM và nghiên cứu khả năng sửa đổi điều lệ của ASEP để đảm bảo sự liên tục trong hoạt động của tổ chức này giữa các hội nghị thượng đỉnh.

Các đại biểu cũng lên án mạnh mẽ những hành động khủng bố đang gia tăng tại nhiều nơi trên thế giới, đe dọa nghiêm trọng tới hòa bình và ổn định, nhấn mạnh vai trò của nghị viện trong cuộc chiến chống khủng bố thông qua việc ban hành luật pháp phù hợp, giám sát việc thực hiện và việc phân bổ các nguồn tài chính. Các nghị sỹ cũng bày tỏ sự lo ngại về việc Cộng hào Dân chủ Nhân dân Triều Tiên tiến hành thử nghiệm vũ khí hạt nhân ngày 06-01 vừa qua và phóng tên lửa tầm xa ngày 07-02 vừa qua là vi phạm nghiêm trọng các nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc và làm ảnh hưởng tới hòa bình, ổn định tại khu vực Bắc Á.

Đặc biệt, hội nghị khẳng định cam kết duy trì hòa bình và an ninh, tự do hàng hải và hàng không, ngăn chặn những hành động đơn phương làm căng thẳng tình hình khu vực và giải quyết các tranh chấp bằng biện pháp hòa bình trên cơ sở tuân thủ Hiến chương Liên hợp quốc, và các nguyên tắc của luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước Liên hợp quốc 1982 về Luật Biển (UNCLOS). Ngoài ra, các vấn đề như người tị nạn, người nhập cư gây nên cuộc khủng hoảng nhân đạo tại châu Âu gần đây cũng thu hút sự quan tâm đặc biệt của các đại biểu, đòi hỏi phải có những chính sách giải quyết cả về mặt chính trị, an ninh, kinh tế, xã hội mới có thể đạt được giải pháp lâu dài cho vấn đề này.

Phát biểu tại hội nghị, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu cho rằng, hợp tác Á-Âu có ý nghĩa hết sức to lớn khi các nước châu Âu thành viên ASEM đã trở thành một trung tâm kinh tế quan trọng, trong khi đó vai trò của châu Á cũng ngày càng được củng cố với tiềm năng to lớn. Sự liên kết giữa hai khối kinh tế lớn này thông qua ASEM sẽ tạo một động lực mới thúc đẩy trao đổi thương mại, đầu tư và các vấn đề quan trọng khác giữa hai châu lục phát triển. Đặc biệt, với việc thành lập Cộng đồng ASEAN (2015), Việt Nam cùng các nước thành viên tích cực củng cố vai trò trung tâm của ASEAN, thúc đẩy xu thế hợp tác và liên kết giữa ASEAN với các đối tác.

Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu nêu rõ trong 15 năm qua, Việt Nam đã thiết lập được quan hệ Đối tác chiến lược và Đối tác toàn diện với tất cả các nước láng giềng và các nước có vai trò, vị trí quan trọng trên thế giới. Việt Nam đã và đang đi đầu trong ASEAN hoàn tất các hiệp định thương mại tự do (FTA) quan trọng với các trung tâm kinh tế, chính trị hàng đầu thế giới như Liên minh châu Âu (EU), Liên minh Kinh tế Á-Âu…

Về vấn đề an ninh chính trị, Trưởng đoàn Việt Nam cũng nhấn mạnh việc giải quyết các tranh chấp thông qua các biện pháp hòa bình trên cơ sở Hiến chương Liên hợp quốc và các nguyên tác cơ bản của luật pháp quốc tế; tôn trọng quyền tự do, an toàn hàng hải, hàng không, thực hiện nghiêm túc UNCLOS, Tuyên bố về ứng xử của các bên trên Biển Đông (DOC), tiến tới xây dựng Bộ quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC). Trưởng đoàn Việt Nam Uông Chu Lưu cũng đề xuất các biện pháp nhằm tăng cường hiệu quả hợp tác giữa hai châu lục Á-Âu, được các nước đánh giá cao và ghi nhận trong Tuyên bố chung của hội nghị.

Hội nghị đã thông qua Tuyên bố chung nhấn mạnh đến vai trò của các nghị sỹ trong quá trình liên kết Á-Âu để đảm bảo hòa bình, ổn định và thịnh vượng ở khu vực. Dự kiến ASEP 10 sẽ được tổ chức tại châu Âu vào năm 2018.

Trong thời gian diễn ra hội nghị, Chủ tịch Quốc hội Mông Cổ đã thân mật tiếp Phó Chủ tịch Quốc hội Việt Nam, trao đổi các biện pháp tăng cường quan hệ giữa hai nước, hai Quốc hội. Trưởng đoàn Việt Nam cũng có các cuộc gặp song phương với các đoàn như Italy, Nga, Australia, Phần Lan, Lào, Campuchia, Singapore. Đại sứ nước Việt Nam tại Mông Cổ Phan Đăng Đương đã tham gia các hoạt động cùng đoàn. Việc Việt Nam cử đoàn tham dự hội nghị tiếp tục khẳng định sự chủ động tham gia các hoạt động ngoại giao nghị viện đa phương, phát huy vai trò và vị thế của Việt Nam tại diễn đàn, đồng thời góp phần thúc đẩy quan hệ hữu nghị, hợp tác tốt đẹp giữa Quốc hội và nhân dân hai nước Việt Nam-Mông Cổ. Đây cũng là dịp để các đại biểu Quốc hội Việt Nam tiếp xúc và trao đổi với nghị sỹ các nước về những vấn đề cùng quan tâm của khu vực và thế giới./.