Thông tin kinh tế đáng chú ý trong tuần (từ ngày 28-3 đến ngày 03-4-2016)

Gia Bảo (tổng hợp từ TTXVN, vov, vtv.vn)
16:34, ngày 04-04-2016

TCCSĐT - Các chính sách mới có hiệu lực từ tháng 4-2016 gồm: Các điều kiện người nước ngoài làm việc tại Việt Nam; quy định việc mua sắm tài sản nhà nước theo phương thức tập trung; chính sách với công dân đăng ký nghĩa vụ quân sự...

Cơ hội và thách thức về việc làm khi hội nhập ASEAN, TPP

Việc gia nhập Cộng đồng Kinh tế ASEAN, tham gia Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) và các Hiệp định FTA khác, mang lại cho Việt Nam nhiều cơ hội, nhưng đồng thời cũng có những thách thức không nhỏ đối với lao động Việt Nam.

Việc hội nhập quốc tế giúp Việt Nam có cơ hội thu hút đầu tư, góp phần tạo nhiều việc làm mới trong nước cho người lao động. Lao động được tự do di chuyển, đặc biệt là lao động có kỹ năng, ngoại ngữ.

Việt Nam cũng có điều kiện để thu hút được lao động chất lượng cao từ các nước đến làm việc, bù đắp sự thiếu hụt lao động chất lượng cao cho các ngành kinh tế. Năng suất lao động của Việt Nam được dự báo sẽ tăng lên giúp cho sự phát triển của nền kinh tế giảm khoảng cách so với các nền kinh tế khác trong khu vực và trên thế giới…

Tuy nhiên những thách thức đối với thị trường lao động Việt Nam trong quá trình hội nhập cũng không hề nhỏ, trong đó, chất lượng và cơ cấu lao động là những thách thức lớn nhất đối với Việt Nam. Hội nhập, tự do di chuyển lao động sẽ tạo nên môi trường cạnh tranh gay gắt, đặc biệt đòi hỏi về lao động có kỹ năng, trình độ cao, có nguy cơ lao động nước ngoài sẽ chiếm lĩnh các vị trí việc làm đòi hỏi trình độ cao trong thị trường lao động của Việt Nam. Nếu không có giải pháp, hướng đi đúng đắn, những thách thức của quá trình hội nhập sẽ tác động đến vấn đề việc làm của người lao động, một bộ phận người lao động sẽ bị thất nghiệp, khó cạnh tranh trong sản xuất kinh doanh do người lao động không đáp ứng được yêu cầu.

Để khắc phục điều đó, hệ thống chính sách về lao động - việc làm phải tiếp tục được đánh giá, bổ sung và sửa đổi bảo đảm ngày càng thông thoáng, phù hợp với cơ chế thị trường và hội nhập. Bên cạnh đó, nhằm hạn chế những tác động tiêu cực của quá trình hội nhập, cần tăng cường các chính sách hỗ trợ cho người lao động, nhất là nhóm lao động yếu thế như các chế độ ưu đãi đối với lao động là người khuyết tật, các cơ sở sản xuất kinh doanh của người khuyết tật, lao động là người dân tộc thiểu số, chính sách về bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, hỗ trợ lao động dôi dư... góp phần hỗ trợ người lao động có được việc làm ổn định.

Trước những cơ hội và thách thức đan xen trong quá trình hội nhập, người lao động và người sử dụng lao động cần chủ động tìm hiểu các quy định của pháp luật lao động nói chung và bảo hiểm thất nghiệp nói riêng đặc biệt là các quy định về quyền và nghĩa vụ để bảo vệ và thực hiện đúng pháp luật.

Người lao động cần tận dụng cơ hội của các chính sách về hỗ trợ người thất nghiệp, về tư vấn, giới thiệu việc làm, hỗ trợ học nghề, thông tin thị trường lao động để có việc làm ổn định và thăng tiến trong công việc

Các chính sách quan trọng có hiệu lực từ tháng 4-2016

Quy định điều kiện người nước ngoài được phép làm việc tại Việt Nam

Nghị định số 11/2016/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Bộ luật Lao động về cấp giấy phép lao động cho lao động là công dân nước ngoài làm việc tại Việt Nam có hiệu lực từ ngày 01-4-2016.

Theo đó, điều kiện để người nước ngoài được cấp giấy phép lao động khi có đủ năng lực hành vi dân sự đầy đủ theo quy định của pháp luật; có sức khỏe phù hợp với yêu cầu công việc; là nhà quản lý, giám đốc điều hành, chuyên gia hoặc lao động kỹ thuật; không phải là người phạm tội hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật Việt Nam và pháp luật nước ngoài; được chấp thuận bằng văn bản của cơ quan nhà nước có thẩm quyền về việc sử dụng người lao động nước ngoài.

Quy định việc mua sắm tài sản nhà nước

Quyết định số 08/2016/QĐ-TTg ngày 26-02-2016 của Thủ tướng Chính phủ quy định việc mua sắm tài sản nhà nước theo phương thức tập trung. Quyết định quy định cụ thể về nguồn kinh phí mua sắm tập trung; áp dụng cách thức thực hiện mua sắm tập trung; danh mục tài sản mua sắm tập trung; trách nhiệm của đơn vị mua sắm tập trung; lộ trình áp dụng mua sắm tập trung; quản lý, sử dụng nguồn thu, kinh phí tiết kiệm được thông qua mua sắm tập trung; công khai mua sắm tập trung.

Cho phép mua bán chỗ để xe trong khu chung cư

Quyền sở hữu và quản lý chỗ để xe ô tô tại chung cư là một trong những nội dung nổi bật tại Thông tư 02/2016/TT-BXD ngày 15-02-2016 của Bộ Xây dựng về quy chế quản lý, sử dụng nhà chung cư, từ ngày 02-4-2016, chủ căn hộ được phép mua bán chỗ để xe ô tô trong khu chung cư mình đang sinh sống. Chủ đầu tư phải giải quyết bán chỗ để xe ô tô cho mỗi căn hộ và người mua căn hộ có nhu cầu khi chung cư đủ chỗ để xe ô tô.

Trường hợp nhà chung cư không có đủ chỗ để xe ô tô dành cho mỗi căn hộ thì chủ đầu tư giải quyết bán, cho thuê chỗ để xe này trên cơ sở thỏa thuận của những người mua căn hộ với nhau; trường hợp những người mua căn hộ không thỏa thuận được thì chủ đầu tư giải quyết theo phương thức bốc thăm để được mua, thuê chỗ để xe này.

Việc mua bán chỗ để xe ô tô có thể ghi chung trong hợp đồng mua bán, thuê mua căn hộ hoặc có thể lập thành một hợp đồng riêng. Trường hợp người mua căn hộ không mua chỗ để xe ô tô thì phải ghi rõ trong hợp đồng mua bán căn hộ.

Thủ tục biên phòng điện tử tại các cảng biển

Quyết định 10/2016/QĐ-TTg ngày 03-3-2016 quy định thực hiện thủ tục biên phòng điện tử tại các cảng biển do Bộ đội Biên phòng thuộc Bộ Quốc phòng quản lý có hiệu lực từ 18-4-2016.

Việc thực hiện các thủ tục biên phòng cảng biển phải bảo đảm sự bình đẳng, an toàn, công khai, minh bạch, nhanh chóng, thuận tiện và tuân thủ các quy định của pháp luật Việt Nam về giao dịch điện tử và xuất, nhập cảnh phù hợp với các điều ước quốc tế có liên quan mà Việt Nam là thành viên.

Tăng mức bồi thường bảo hiểm tai nạn xe cơ giới

Theo Thông tư 22/2016/TT-BTC ngày 16-02-2016 về mức trách nhiệm bồi thường của doanh nghiệp bảo hiểm đối với thiệt hại về người do xe cơ giới gây ra là 100 triệu đồng/1 người/vụ.

Cùng với đó, mức trách nhiệm bảo hiểm đối với thiệt hại về tài sản do xe mô tô hai bánh, xe mô tô ba bánh, xe gắn máy và các loại xe cơ giới tương tự (kể cả xe cơ giới dùng cho người tàn tật) gây ra là 50 triệu đồng/1 vụ tai nạn.

Mức trách nhiệm bảo hiểm đối với thiệt hại về tài sản do xe ô tô, máy kéo, xe máy thi công, xe máy nông nghiệp, lâm nghiệp và các loại xe đặc chủng khác sử dụng vào mục đích an ninh, quốc phòng (kể cả rơ-moóc và sơ mi rơ-moóc được kéo bởi xe ô tô hoặc máy kéo) gây ra là 100 triệu đồng/1 vụ tai nạn.

Chính sách với công dân khi đăng ký nghĩa vụ quân sự

Theo Nghị định số 13/2016/NĐ-CP ngày 19-02-2016 của Chính phủ quy định trình tự, thủ tục đăng ký và chế độ, chính sách của công dân trong thời gian đăng ký, khám, kiểm tra sức khỏe nghĩa vụ quân sự có hiệu lực từ ngày 08-4-2016, công dân đang làm việc tại cơ quan, tổ chức hưởng lương từ ngân sách nhà nước, doanh nghiệp nhà nước trong thời gian thực hiện đăng ký nghĩa vụ quân sự; khám, kiểm tra sức khỏe theo lệnh gọi của Chỉ huy, Trưởng ban Chỉ huy quân sự cấp huyện được hưởng nguyên lương, phụ cấp hiện hưởng và tiền tàu xe đi, về theo chế độ quy định hiện hành của pháp luật.

IMF kêu gọi các quốc gia thúc đẩy kinh tế toàn cầu

Tổng Giám đốc Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) Christine Lagarde ngày 08-10 đã lên tiếng kêu gọi các nhà hoạch định chính sách toàn cầu hỗ trợ cho sự tăng trưởng kinh tế song song với việc giải quyết các nguy cơ tài chính trong một thế giới "liên tục biến đổi và không chắc chắn".

Phát biểu trước thềm Hội nghị thường niên của IMF - Ngân hàng Thế giới (WB) ở thủ đô Lima của Peru, Tổng Giám đốc Lagarde hối thúc các nhà hoạch định chính sách các nước cần cải tiến và đổi mới chính sách kinh tế để có thể thúc đẩy tăng trưởng cũng như giảm bớt sự bất ổn toàn cầu.

Theo bà Lagarde, các nhà hoạch định chính sách toàn cầu nên chia sẻ kinh nghiệm và thảo luận cách thức xây dựng một chính sách hiệu quả hơn để thúc đẩy sự tăng trưởng "mạnh mẽ hơn, lâu bền và toàn diện hơn".

Tổng Giám đốc IMF cũng đánh giá đà phục hồi tại Mỹ đã đi đúng hướng và thời điểm tăng lãi suất cơ bản đang "đến gần". Tuy nhiên, tình trạng giảm tốc của nền kinh tế Trung Quốc cùng những biến động thị trường gần đây đã gây ra những tác động "lớn hơn dự báo" đối với nền kinh tế toàn cầu.

Các nền kinh tế mới nổi - vốn là động lực chính đóng góp cho sự tăng trưởng toàn cầu trong những năm gần đây - đã bị ảnh hưởng nghiêm trọng từ việc giá hàng hóa sụt giảm mạnh.

Đối với Trung Quốc, người đứng đầu IMF nhận định tình trạng giảm tốc tại nền kinh tế lớn thứ hai thế giới không phải hoàn toàn nằm ngoài dự tính. Theo bà, đối với quá trình chuyển đổi kinh tế ở Trung Quốc, việc tăng trưởng chậm lại là một hiện tượng "có thể dự đoán được".

Bà Lagarde cho rằng tốc độ tăng trưởng tại Trung Quốc được dự báo đạt 6,8% trong năm nay và 6,3% trong năm tới với một mô hình tăng trưởng không còn dựa vào hoạt động xuất khẩu "đồ sộ" mà cân xứng với các dự án đầu tư nội địa là "một chuyển biến tốt". Tuy nhiên, bà Lagarde cũng cảnh báo việc chuyển đổi không phải lúc nào cũng có thể diễn ra hoàn toàn suôn sẻ và đôi khi cũng bị gián đoạn và biến động.

Trước đó, trong báo cáo được công bố trước thềm cuộc họp thường niên của IMF, định chế tài chính này dự báo kinh tế thế giới sẽ tăng trưởng 3,1% trong năm nay, thấp hơn so với các mức dự báo 3,3% đưa ra hồi tháng Bảy vừa qua và 3,4% của năm ngoái.

Các nhà kinh tế của IMF cũng cho rằng sự giảm tốc của nền kinh tế Trung Quốc đang và sẽ tiếp tục tác động đáng kể tới các nền kinh tế đang phát triển vốn dựa vào nguồn cung nhiên liệu thô của nước này.

ECB: Khu vực tư nhân ở Eurozone tiếp tục vay tiền trong tháng Hai

Theo Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB), trong tháng Hai vừa qua, số tiền cho khu vực tư nhân tại Khu vực sử dụng đồng euro (Eurozone) vay tăng lên; trong đó các khoản tiền mà các hộ gia đình và các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực phi tài chính vay tăng lần lượt 1,6% và 0,9% so với mức tăng tương ứng 1,4% và 0,6% trong tháng Một vừa qua.

Đối với ECB, thống kê trên là số liệu chủ chốt để đánh giá tình hình “sức khỏe” của nền kinh tế Eurozone, trong bối cảnh các khoản vay mượn cho thấy hoạt động đầu tư của doanh nghiệp, có thể tạo đà cho nền kinh tế còn yếu tại Eurozone đi lên.

ECB đã cho khởi động một loạt các biện pháp chính sách để tạo thuận lợi cho hoạt động tín dụng; trong đó ECB tung ra một chương trình mua trái phiếu quy mô lớn, nhằm hỗ trợ thanh khoản cho hệ thống tài chính.

Sau khi mở rộng chương trình này thêm 6 tháng để đưa tỷ lệ lạm phát tại Eurozone tăng lên, đầu tháng này Chủ tịch ECB Mario Draghi thông báo tiếp tục nâng quy mô của chương trình, cắt giảm lãi suất; đồng thời đưa thêm chương trình cho vay lãi suất thấp bổ sung dành cho các ngân hàng.

ECB cũng cho biết nguồn cung tiền M3 tăng 5% trong tháng Hai vừa qua, bằng với mức tăng trong tháng Một vừa qua. Nguồn cung tiền M3 được ECB coi là một “dụng cụ đo lường” triển vọng lạm phát./