TCCSĐT - Ngày 03-4, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, Chủ tịch Ủy ban An toàn giao thông quốc gia đã đến thị sát và chỉ đạo khắc phục, xây dựng lại cầu Ghềnh (tỉnh Đồng Nai) bị sập trước đó vào ngày 20-3; dự và trao tặng danh hiệu Anh hùng Lao động cho Tổng Công ty Khí Việt Nam.

Chỉ đạo khắc phục, xây dựng lại cầu Ghềnh

 
 Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đề nghị đẩy nhanh tiến độ thi công hơn nữa, cố gắng rút ngắn thời gian, hoàn thành sớm hơn dự kiến 15 ngày.
Theo Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Hồng Trường, ngay sau sự cố sập cầu Ghềnh vào trưa ngày 20-3, Bộ Giao thông vận tải thành lập tổ công tác đặc biệt, huy động các đơn vị xây dựng mạnh tập trung phương tiện, nguồn lực xây dựng lại cầu Ghềnh, dự kiến hoàn thành trước ngày 15-7.

Việc xây dựng lại cầu Ghềnh được triển khai khẩn trương, quá trình thi công được tính theo giờ, theo ngày để sớm hoàn thành cây cầu đường sắt quan trọng này.

Đến nay, công tác vận tải hàng hóa và hành khách đã hoạt động ổn định trở lại trong điều kiện hạ tầng hiện có. Hành khách đi tàu giữa Hà Nội-TP. Hồ Chí Minh và ngược lại sẽ được trung chuyển bằng xe buýt từ ga Sóng Thần đến ga Biên Hòa. Hàng hóa tại khu vực phía Nam được tổ chức tập kết, xếp dỡ và vận chuyển tại các ga Hố Nai và Trảng Bom suốt ngày đêm.

Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam đã tổ chức vận chuyển các toa xe hành khách và hàng hóa từ ga Sài Gòn đến các ga nói trên để tăng cường phương tiện, bảo đảm nâng cao hơn nữa khả năng vận tải.

Bên cạnh đó, các ga Hố Nai, Biên Hòa, Trảng Bom đang gấp rút triển khai thi công, cải tạo phục vụ cho việc vận tải trước mắt khi chưa khắc phục xong cầu Ghềnh cũng như để sử dụng trong tương lai.

Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo rõ việc thi công xây dựng cầu Ghềnh theo lệnh khẩn cấp và giao cho Bộ Giao thông vận tải chỉ đạo Chủ tịch Hội đồng thành viên Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam quyết định đầu tư và chịu trách nhiệm về tổ chức quản lý dự án này với kinh phí là 298,5 tỉ đồng. Cụ thể, sẽ làm mới 3 nhịp cầu, 2 trụ, mố và nâng cao khổ thông thuyền, khẩu độ mỗi nhịp là 75 m.

Phát biểu chỉ đạo tại cuộc làm việc, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nêu rõ: Sự cố sập cầu Ghềnh đã gây thiệt hại không nhỏ về kinh tế, ảnh hưởng lớn đến vận tải đường sắt và đi lại của nhân dân.

Qua kiểm tra tại công trường, Phó Thủ tướng biểu dương sự vào cuộc nhanh chóng, cố gắng của lãnh đạo Bộ Giao thông vận tải, các đơn vị thiết kế, thi công đã tập trung xe máy, thiết bị, phương tiện để xây dựng lại cầu Ghềnh.

Trong thời điểm lưu lượng hàng hóa và đi lại của nhân dân lớn vào thời gian tới, Phó Thủ tướng yêu cầu ngành Giao thông vận tải tổ chức phối hợp tốt nhất để vận chuyển hàng hóa, hành khách đi lại thông suốt, nhất là dịp lễ 30-4 và 01-5 tới đây.

Việc thi công phải khẩn trương nhưng bảo đảm chất lượng, tiến độ với phương châm “thiết kế tại chỗ, phương tiện tại chỗ, thiết bị tại chỗ”. Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đề nghị đẩy nhanh tiến độ thi công hơn nữa, cố gắng rút ngắn thời gian hoàn thành sớm hơn dự kiến 15 ngày (01-7). Điều này sẽ giúp tiết kiệm được 150 tỉ đồng, bởi theo tính toán, sự cố sập cầu Ghềnh làm thiệt hại mỗi ngày khoảng 10 tỉ đồng.

Các đơn vị của Bộ Giao thông vận tải, UBND tỉnh Đồng Nai và các cơ quan liên quan chỉ đạo thi công, tổ chức giao ban 5 ngày một lần ngay tại công trường để tháo gỡ các vướng mắc, khó khăn.

Cũng tại cuộc làm việc, Phó Thủ tướng cũng yêu cầu ngành Giao thông vận tải rà soát lại hệ thống cầu yếu trên tuyến đường sắt, đồng thời nghiêm túc kiểm tra lại hệ thống cảnh báo an toàn giao thông đường sắt trên tinh thần quyết liệt, khẩn trương. Bộ Công an sớm hoàn tất kết luận điều tra để chuyển các cơ quan truy tố, xét xử trong thời gian tới, bảo đảm xử lý nghiêm trước pháp luật.

Trao danh hiệu Anh hùng Lao động cho Tổng Công ty Khí Việt Nam

Trước đó, sáng 03-4, tại TP. Hồ Chí Minh, thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước, đồng chí Nguyễn Xuân Phúc dự và trao tặng danh hiệu Anh hùng Lao động cho Tổng Công ty Khí Việt Nam.

 
 Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trao tặng danh hiệu Anh hùng Lao động cho Tổng Công ty Khí Việt Nam.
Phát biểu tại buổi lễ, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nêu rõ: Nghị quyết số 41 về định hướng chiến lược phát triển ngành dầu khí Việt Nam đến năm 2025 và tầm nhìn đến năm 2035 đã khẳng định công nghiệp khí là một trong năm lĩnh vực chính của ngành dầu khí và đặt mục tiêu xây dựng công nghiệp khí hoàn chỉnh, đồng bộ tất cả các khâu của chu trình sản xuất. Đồng thời giảm dần tỷ trọng sử dụng khí cho điện và chất đốt, tăng cường chế biến sâu, phát triển hệ thống đường ống dẫn khí quốc gia.

Để sớm đạt được những mục tiêu này, Phó Thủ tướng đề nghị Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam, Tổng Công ty Khí Việt Nam làm tốt một số nhiệm vụ: Cụ thể hóa chỉ đạo của Bộ Chính trị; bố trí nguồn lực phù hợp cho từng năm, từng giai đoạn thúc đẩy ngành công nghiệp khí phát triển; đẩy mạnh tái cơ cấu doanh nghiệp, ứng dụng công nghệ tiên tiến trong quy trình sản xuất nhằm nâng cao năng suất lao động, giảm giá thành và tăng sức cạnh tranh của sản phẩm.

Đồng thời, bảo đảm an toàn trong sản xuất, sử dụng, bảo vệ môi trường; quan tâm đến công tác đào tạo, phát triển nguồn nhân lực chất lượng, chuyên nghiệp cao. Quan tâm đến văn hóa doanh nghiệp và không ngừng nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của người lao động; chủ động tìm kiếm các nguồn khí mới, phát triển cơ sở hạ tầng kho cảng và hệ thống đường ống dẫn khí kết nối các khu vực, từng bước hình thành đường ống dẫn khí quốc gia.

Qua 25 năm xây dựng và trưởng thành, các thế hệ lãnh đạo và cán bộ, công nhân viên Tổng Công ty Khí Việt Nam luôn không ngừng phấn đấu, lao động sáng tạo, cung cấp nguyên liệu sản xuất 35% sản lượng điện; 70% nhu cầu phân đạm, góp phần bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia), đóng góp 10% doanh thu của Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam và 2% GDP của đất nước.

Các kết quả đạt được của Tổng Công ty Khí, của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam cho thấy một ngành công nghiệp khí đang hình thành và phát triển vững chắc, đồng bộ, hiện đại trong tương lai không xa./.