Tuần qua thị trường dầu mỏ chứng kiến tuần tăng thứ tư liên tiếp và làm dấy lên những nhận định rằng sự giảm giá của thị trường hàng hóa có thể đã kết thúc.

Tuy nhiên, các nhà phân tích vẫn tỏ ra thận trọng khi cho rằng đà phục hồi gần đây của giá dầu có thể chỉ là một sự điều chỉnh trong ngắn hạn do thị trường vẫn trong tình trạng thừa cung, và những yếu tố cơ bản chưa thay đổi nhiều.

Trong một nghiên cứu mới đây, các nhà phân tích của Goldman Sachs cũng cho rằng giá hàng hóa đang trải qua một đợt phục hồi ban đầu, “chưa thật bền vững.”

Sau các phiên tăng giảm xen kẽ trong tuần, trong đó xu hướng đi lên là chính, giá dầu đã khép tuần bằng một phiên phục hồi. Đóng cửa phiên cuối tuần 11-3 tại thị trường New York, giá dầu ngọt nhẹ Mỹ giao tháng Tư tăng 66 cent lên chốt tuần ở mức 38,50 USD/thùng sau khi trước đó đã có thời điểm tăng lên mức cao nhất ba tháng là 39,02 USD/thùng.

Trong khi đó tại thị trường London, giá dầu Brent giao tháng Năm cũng tăng 34 cent lên chốt phiên và chốt tuần ở mức 40,39 USD/thùng. Trước đó, trong tuần, đã có thời điểm (phiên ngày 08-3) giá dầu Brent đã tăng lên 41,48 USD/thùng - mức cao nhất kể từ ngày 09-12-2015.

Đà tăng của "vàng đen" trong thời gian gần đây đã khiến Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) hôm cuối tuần đưa ra nhận định rằng giá dầu “có thể đã chạm đáy.” Trong báo cáo công bố ngày 11-3, IEA nói rằng nỗ lực của Nga và Saudi Arabia nhằm tập hợp các nhà sản xuất dầu khí sau thỏa thuận "đóng băng" sản lượng đã đạt được, là “bước đi đầu tiên” trong việc phối hợp hành động nhằm bình ổn giá dầu với mục tiêu đẩy giá dầu lên mức 50 USD/thùng.

Tuy nhiên, cơ quan này cũng khuyến cáo rằng hiện nguồn cung vẫn đang dồi dào và sẽ còn một chặng đường dài để cung-cầu cân bằng thực sự trên thị trường dầu mỏ. Theo IEA, thời điểm đó có thể sẽ là vào năm 2017./.