Bình đẳng giới và trao quyền cho phụ nữ: Cam kết hành động
TCCSĐT - Năm 2015 đánh dấu bước ngoặt trong phát triển quốc tế với sự kiện các nhà lãnh đạo thế giới thông qua Chương trình nghị sự về Phát triển bền vững đến năm 2030. Khi đó, hơn 90 nước đã đồng thuận hưởng ứng lời kêu gọi của Liên hợp quốc về việc “tăng cường bình đẳng giới”. Chính phủ của những nước này đã cam kết thực hiện các biện pháp nhằm loại bỏ những rào cản, thách thức góp phần duy trì sự bình đẳng giới, mang lại quyền thực sự cho phụ nữ.
Vì sự bình đẳng của phụ nữ. Ảnh: Reuteur
“Tăng cường hành động”
Mới đây, ngày 08-3-2016, Liên hợp quốc đã ra thông điệp “Tăng cường hành động” với việc giành nhiều nguồn lực và hành động chính trị hơn nữa để đạt được bình đẳng giới vào năm 2030. Theo đó, Tổng Thư ký Liên hợp quốc Ban Ki-moon nhấn mạnh vẫn còn nhiều phụ nữ và bé gái bị tước mất nhiều quyền cơ bản của con người.
Điểm lại những thành tựu mà Liên hợp quốc đã đạt được trong thời gian qua liên quan đến bình đẳng giới và trao quyền cho phụ nữ có thể thấy, khắp mọi nơi trên thế giới đã có nhiều người đang hành động dựa trên niềm tin rằng, trao quyền cho phụ nữ là chìa khóa để thúc đẩy sự tiến bộ xã hội. Giành những nguồn lực tài chính mạnh mẽ, sự dũng cảm và cả quyết tâm chính trị để đạt được sự bình đẳng giới trên toàn cầu, đó là cách đầu tư hiệu quả nhất vào tương lai.
Chương trình nghị sự 2030 với 17 Mục tiêu Phát triển Bền vững (SDGs) đã được Đại hội đồng Liên hợp quốc nhất trí thông qua ngày 25-9-2015 là sự tiếp nối của các Mục tiêu Phát triển Thiên niên kỷ (MDGs) được Liên hợp quốc thông qua năm 2000. Đặc biệt có một mục tiêu riêng dành cho bình đẳng giới, hay còn gọi là SDG 5 về “đạt được bình đẳng giới và trao quyền cho tất cả phụ nữ và trẻ em gái” bên cạnh SDG 10 về “giảm bất bình đẳng nói chung”. SDG 5 gồm 6 chỉ tiêu cụ thể: Chấm dứt phân biệt đối xử với phụ nữ và trẻ em gái; xóa bỏ mọi hình thức bạo lực đối với tất cả phụ nữ và trẻ em gái; xóa bỏ các tập tục có hại; công nhận việc chăm sóc và việc nhà không được trả công và khuyến khích chia sẻ trách nhiệm trong gia đình; bảo đảm phụ nữ tham gia đầy đủ, hiệu quả và có các cơ hội bình đẳng để nắm giữ các vị trí lãnh đạo ở tất cả các cấp ra quyết định về chính trị, kinh tế và trong cuộc sống; bảo đảm tiếp cận phổ quát với các dịch vụ chăm sóc sức khỏe và quyền tình dục, sinh sản. SDG 5 cũng đưa ra 3 cách thức thực hiện, đó là: Cải tổ để trao quyền bình đẳng cho phụ nữ đối với các nguồn lực; Tăng cường sử dụng công nghệ, đặc biệt là công nghệ thông tin; Thông qua và thực hiện các chính sách tốt và pháp luật có tính hiệu lực cao, qua đó thúc đẩy bình đẳng giới và trao quyền cho phụ nữ và trẻ em gái ở tất cả các cấp.
Như vậy, với mục tiêu trên, các nước tích cực nội hóa chương trình nghị sự về bình đẳng giới, cụ thể là vận động chính sách để bảo đảm ưu tiên mục tiêu bình đẳng giới và trao quyền cho phụ nữ trong các chủ trương, chính sách của quốc gia; áp dụng “cách tiếp cận toàn bộ chính phủ”, bao gồm cả việc xây dựng cơ chế, bộ máy về bình đẳng giới vững mạnh hơn; lồng ghép giới trong các kế hoạch và chương trình quốc gia một cách tổng thể và theo ngành/lĩnh vực; tăng cường đầu tư cho bình đẳng giới; cải thiện công tác thống kê giới và sử dụng số liệu thống kê giới; tăng cường tiếng nói, sự tham gia và lãnh đạo của các tổ chức phụ nữ và tổ chức xã hội trong quá trình giám sát, phản biện và giải trình.
Năm 2030 là thời hạn chót phải đạt được SDGs, trong đó bao gồm cả những mục tiêu tăng cường sự bình đẳng giới và trao quyền cho tất cả phụ nữ và bé gái, cũng như bảo đảm sự giáo dục có chất lượng và tăng thời gian được học tập cho toàn bộ nữ giới. Năm 2016, Liên hợp quốc đặc biệt thúc đẩy Sáng kiến Tăng cường hành động của Tổ chức Phụ nữ Liên hợp quốc, trong đó yêu cầu các chính phủ đưa ra những cam kết tầm quốc gia về việc xóa bỏ tình trạng bất bình đẳng giới với hạn chót là năm 2030. Giám đốc Tổ chức Phụ nữ Liên hợp quốc bà Phumzile Mlambo-Ngcuka cho biết, trong khuôn khổ của sáng kiến này, hơn 90 quốc gia thành viên đã cam kết có hành động cụ thể để phá vỡ những rào cản cơ bản đối với nỗ lực đạt được bình đẳng giới.
Chặng đường dài
Kể từ sau Tuyên bố và Cương lĩnh hành động Bắc Kinh được thông qua tại Hội nghị thế giới về phụ nữ lần thứ 4 tại Bắc Kinh (Trung Quốc) năm 1995, một bước ngoặt lớn trong việc thúc đẩy quyền bình đẳng và tiến bộ của phụ nữ trên phạm vi toàn cầu, thế giới đã có những bước tiến lớn trong việc thực hiện bình đẳng giới, song vẫn còn những mục tiêu chưa đạt được, như tình trạng bạo lực, phân biệt đối xử và bị tước quyền lợi dưới mọi hình thức đối với phụ nữ và trẻ em gái.
Trên thực tế, năm 1999, Đại Hội đồng Liên hợp quốc đã thông qua nghị quyết lấy ngày 25-11 hằng năm là Ngày Quốc tế xóa bỏ bạo lực đối với phụ nữ nhằm nâng cao nhận thức cộng đồng về tình trạng bạo hành giới. Đây là dịp để các cá nhân, tổ chức bảo vệ quyền phụ nữ trên thế giới, không phân biệt ngôn ngữ, màu da, dân tộc phát động những chiến dịch thắp sáng ngọn lửa đấu tranh xóa bỏ bạo lực đối với phụ nữ. Tuy nhiên, cùng với những nỗ lực của cộng đồng quốc tế, nạn bạo lực đối với phụ nữ hiện nay vẫn đang tồn tại tại tất cả mọi nơi trên thế giới dưới nhiều hình thức khác nhau, trong đó có tình trạng bạo hành gia đình, quấy rối tình dục, tình trạng tảo hôn sớm ở trẻ em gái, thậm chí bị xâm hại tại những nơi xảy ra xung đột. Bạo hành đối với phụ nữ ngày càng gây tổn hại về nhiều mặt đối với nữ giới. Theo thống kê của Liên hợp quốc (tháng 11-2015), khoảng 35% phụ nữ trên thế giới từng là nạn nhân của bạo lực về thể chất hay tình dục. Có hàng triệu phụ nữ và bé gái phải sống ở những nơi mà mọi hành động bạo lực đối với họ không bị xã hội coi là tội phạm.
Một mục tiêu khác vẫn chưa thể giải quyết, đó là sự bất bình đẳng trong cơ hội việc làm, chia sẻ trách nhiệm cũng như nắm giữ các vị trí trong xã hội. Theo Tổ chức Lao động quốc tế (ILO), mặc dù đã đạt được một vài tiến bộ tại một số khu vực trên thế giới, song vẫn còn hàng triệu phụ nữ bị phân biệt đối xử khi tìm kiếm việc làm. Báo cáo có tên “Phụ nữ đi làm: Những xu hướng trong năm 2016” của ILO đã nghiên cứu dữ liệu của 178 nước và đi đến kết luận rằng, tình trạng bất bình đẳng nam nữ vẫn tồn tại khá nghiêm trọng trên khắp các thị trường lao động toàn cầu. Đáng chú ý, trong 2 thập niên qua, những tiến bộ đáng kể trong công tác giáo dục cho phụ nữ vẫn chưa tạo được bước chuyển tương xứng cho vị thế của phụ nữ tại nơi làm việc. Ở cấp độ toàn cầu, khoảng cách bất bình đẳng nam nữ tại nơi làm việc chỉ được thu hẹp có 0,6% kể từ năm 1995, với việc trong năm 2015, tỷ lệ có việc làm trên tổng dân số là 46% ở nữ giới và gần 72% ở nam giới. Trong năm 2015, trên thế giới có 586 triệu phụ nữ làm những công việc gia đình hoặc tự buôn bán nhỏ. Tính chung trên toàn thế giới, có 38% số nữ giới và 36% số nam giới làm những công việc được trả lương, song không được hưởng an sinh xã hội. Tỷ lệ này ở phụ nữ tại khu vực tiểu vùng Sahara của châu Phi lên tới 63,2% và 74,2% ở Nam Á, nơi lực lượng lao động chủ yếu làm các công việc tạm thời.
ILO cũng đưa ra những số liệu mới về giờ làm việc được trả lương và không được trả lương cũng như quyền tiếp cận lương hưu và bảo vệ thai sản tại 100 quốc gia. Theo đó, trong một ngày, phụ nữ tiếp tục phải làm nhiều thời gian hơn nam giới xét cả về công việc được trả lương lẫn không được trả lương. Tính trung bình tại cả quốc gia thu nhập thấp lẫn thu nhập cao, phụ nữ mỗi ngày phải làm nhiều hơn nam giới ít nhất là 2 tiếng rưỡi công việc nhà hoặc việc chăm sóc người thân (không được trả lương). Ngoài ra, tại hơn 100 quốc gia được khảo sát, có hơn 1/3 số nam giới đi làm (35,5%) và gần 1/3 số phụ nữ đi làm (25,7%) làm việc hơn 48 giờ/tuần. Điều này cũng dẫn đến việc phân chia công việc nhà và việc chăm sóc người thân (không được trả lương) không đồng đều giữa nam giới và nữ giới.
Không chỉ có vậy, những bất lợi chồng chất mà nữ giới phải đương đầu trên thị trường lao động sẽ để lại những tác động đáng kể cho cả những năm sau đó. Xét về lương hưu, tiền chi trả (cả hợp pháp lẫn trên thực tế) cho phụ nữ thấp hơn nam giới, dẫn đến sự chênh lệch về giới tính trong vấn đề bảo trợ xã hội. Trên toàn cầu, tỷ lệ phụ nữ được hưởng lương hưu thấp hơn 10,6% so với nam giới. Phụ nữ cũng chiếm gần 65% số người ở tuổi nghỉ hưu (60 - 65 tuổi) không được hưởng bất kỳ khoản hưu trí nào. Điều này có nghĩa là có khoảng 200 triệu phụ nữ cao tuổi đang không được hưởng bất kỳ thu nhập thường xuyên nào dành cho người già, trong khi con số này ở nam giới chỉ có 115 triệu người.
Xét về lương, thu nhập của phụ nữ vẫn thấp hơn 77% so với nam giới. Nguyên nhân dẫn đến sự chênh lệch này không chỉ là sự khác biệt về giáo dục hay tuổi tác. Sự chênh lệch này có liên quan đến việc đánh giá thấp công việc của nữ giới, sự phân biệt đối xử và việc phụ nữ phải chịu sự gián đoạn trong sự nghiệp hay phải giảm bớt giờ làm việc được trả lương để gánh vác những trách nhiệm chăm sóc người thân như nuôi con nhỏ.
Theo Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF), tiến trình xóa bỏ khoảng cách chênh lệch về tiền lương giữa nam giới và nữ giới trên toàn cầu đã bị chững lại sau cuộc khủng hoảng kinh tế năm 2008, và phải mất ít nhất 118 năm nữa mới có thể hy vọng xóa nhòa cách biệt này. WEF chỉ ra rằng, chênh lệch khoảng cách giữa hai giới xét trên mọi khía cạnh từ giáo dục, y tế đến vị thế chính trị là rõ ràng. Ngay cả ở những nơi mà các chính sách chính trị và thương mại đang được cải tiến thì rất nhiều chủ sử dụng lao động vẫn bố trí ngày làm việc và trả lương cho người lao động với quan niệm phụ nữ có trách nhiệm chăm lo cho gia đình còn đàn ông giữ vai trò trụ cột trong công việc.
Thế giới hướng tới sự công bằng cho nữ giới
Đề cập tới những thành tựu của nữ giới và cuộc đấu tranh cho bình đẳng giới, đồng thời kêu gọi tạo điều kiện cho phụ nữ có nhiều đóng góp hơn nữa cho xã hội, Tổng thư ký Liên hợp quốc Ban Ki-moon cho biết, ông đã tranh đấu cho việc tiếp thêm sức mạnh cho phụ nữ trong thời gian 9 năm trong cương vị người đứng đầu tổ chức quốc tế này. Ông nhấn mạnh: “Trong hơn 9 năm, tôi đã đưa triết lý này vào thực tiễn tại Liên hợp quốc. Chúng tôi đã đập tan trần kính cản trở sự thăng tiến của phụ nữ. Chúng tôi đang quét sạch những mặc định và thiên kiến của quá khứ để phụ nữ có thể tiến qua những ranh giới mới”. Ông cũng bày tỏ sự phẫn nộ về những quyền cho phụ nữ và trẻ em gái bị chối bỏ, đồng thời tỏ ra lạc quan về người dân ở khắp mọi nơi hành động dựa trên sự hiểu biết vững chắc rằng tiếp thêm sức mạnh cho phụ nữ dẫn đến sự tiến bộ của xã hội.
Nhân kỷ niệm ngày Hội nghị lịch sử Bắc Kinh về bảo vệ phụ nữ diễn ra cách đây gần 40 năm (năm 1977), một số nguyên thủ quốc gia của những nước lớn cũng đã bày tỏ ủng hộ quan điểm vì sự tiến bộ của phụ nữ. Tổng thống Mỹ B. Obama cam kết theo đuổi một thế giới, trong đó mỗi người phụ nữ và trẻ em gái được hưởng đầy đủ những quyền và quyền tự do mà họ vốn có lúc chào đời. Ông B. Obama nhấn mạnh đầu tư vào phụ nữ và trẻ em gái không chỉ giúp đỡ họ mà còn giúp cho cả hành tinh. “Một tương lai mà trong đó tất cả phụ nữ và trẻ em gái khắp thế giới được phép vươn lên và đạt đến trọn vẹn tiềm năng của mình sẽ là một tương lai tươi sáng hơn, hòa bình hơn, và thịnh vượng hơn cho tất cả chúng ta”. Tổng thống Mỹ cũng cho biết Ngoại trưởng John Kerry sẽ sớm công bố Chiến lược toàn cầu của Mỹ tiếp sức cho trẻ em gái vị thành niên, theo đó những thế hệ phụ nữ kế tiếp sẽ được cung cấp những công cụ mà họ cần để theo đuổi khát vọng của mình.
Cao ủy Liên hợp quốc về Người tị nạn Filippo Grandi cho biết, 138.000 người tị nạn và di cư đã đến miền nam châu Âu trong năm nay, trong đó gần hai phần ba là phụ nữ và trẻ em, tăng lên so với tỉ lệ 41% vào năm ngoái. Ông F. Grandi cho biết, hơn 35.000 người tị nạn và di dân đang bị mắc kẹt ở Hy Lạp, đã bị từ chối nhập cảnh Macedonia. Điều này có tác động trực tiếp đối với phụ nữ và trẻ em gái, những người chịu khổ sở nhiều bất tương xứng và có nhiều nguy cơ lớn bị bóc lột và buôn bán tình dục.
Tổng thống Nga V. Putin nói rằng, “chính người phụ nữ, chính nhân phẩm và từ tâm của họ, mới hé lộ linh hồn Nga thực sự”. Ông nhấn mạnh, phụ nữ mang tới “vẻ đẹp, ánh sáng và hy vọng cho thế giới này”.
Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan nói, ông tin rằng “người phụ nữ, trên hết, là một người mẹ”.
Trước việc một số phụ nữ bị xâm hại đã đồng ý làm nhân chứng trên các chương trình phát thanh, Tổng thống Pháp F. Hollande đã kêu gọi nước Pháp phải nhìn thẳng vào với tình trạng bạo hành đối với phụ nữ, đang ngày càng gia tăng tại Pháp. Hằng năm tại Pháp, có hơn 86.000 phụ nữ là nạn nhân của các vụ xâm hại. Tuy nhiên, chỉ có 13% trong tổng số các nạn nhân đó thưa kiện và chỉ có 1% trong số các vụ kiện đó bị đưa ra xét xử.
Tại một số châu lục như châu Phi, châu Á, vai trò của người phụ nữ cũng ngày càng được quan tâm và bảo vệ. Ngày 07-6-2015 tại thủ đô Pretoria (Nam Phi), Liên minh châu Phi (AU) đã tổ chức Hội nghị thượng đỉnh thường niên của khối, với chủ đề “Năm trao quyền cho phụ nữ và Phát triển hướng tới Chương trình nghị sự châu Phi 2063”. Hội nghị kêu gọi đã đến lúc vai trò của phụ nữ cần được nhìn nhận một cách công bằng như đối với nam giới khi hơn một nửa dân số châu Phi hiện nay là nữ giới và họ chiếm tới 75% lực lượng lao động trong ngành nông nghiệp của khu vực.
Đại hội lần thứ XI Ủy ban ASEAN về Thúc đẩy và bảo vệ các quyền của phụ nữ và trẻ em (ACWC, tháng 10-2015) tại Makati (Philippines) đã xem xét các Điều khoản tham chiếu và Kế hoạch công tác 2012 - 2016 của Ủy ban; phân tích và đánh giá các hệ thống pháp luật, chính sách, chương trình, nguồn lực,... nhằm bảo vệ, giúp đỡ phụ nữ, trẻ em gái; đánh giá tiến độ về quyền của phụ nữ, bình đẳng giới và trao quyền cho phụ nữ; đánh giá sự tiến bộ trong việc thúc đẩy, các quyền kinh tế và xã hội chính trị của phụ nữ ở cấp độ khu vực và quốc gia. Ủy ban ACWC cũng đã thảo luận với Ủy ban Phụ nữ ASEAN (ACW) các bước ban đầu để thực hiện Kế hoạch hành động khu vực về xóa bỏ bạo lực đối với phụ nữ (RPA EVAW) sau năm 2015.
Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF) và Quỹ Dân số Liên hợp quốc (UNFPA) cũng đã công bố sáng kiến mới để thúc đẩy những nỗ lực nhằm chấm dứt tình trạng tảo hôn trên thế giới vào năm 2030, đồng thời bảo vệ quyền của hàng triệu trẻ em gái đang trong tình trạng dễ bị tổn thương nhất trên khắp thế giới. Sáng kiến này là một phần của nỗ lực toàn cầu nhằm ngăn chặn nạn tảo hôn ở trẻ em gái vị thành niên ở châu Phi, châu Á và Trung Đông, nơi tỷ lệ hôn nhân khi chưa đến tuổi trưởng thành rất cao.
Ngay sau khi các nhà lãnh đạo trên thế giới thông qua Chương trình nghị sự về Phát triển bền vững đến năm 2030, Liên hợp quốc đã đưa ra một chiến lược mới đầy táo bạo để ngăn ngừa những trường hợp tử vong không đáng có ở phụ nữ, trẻ em và trẻ vị thành niên. Theo chiến lược được phối hợp thực hiện giữa khu vực nhà nước và khu vực tư nhân này, trong 5 năm tới, sẽ có hơn 25 tỷ USD được chi cho phòng ngừa những căn bệnh có thể gây chết người ở nhóm đối tượng nêu trên, từ tiêm chủng cho tới chăm sóc phụ nữ trong thời kỳ sắp sinh nở.
Toàn thế giới nêu cao tinh thần trách nhiệm trong việc thúc đẩy bình đẳng giới và trao quyền cho phụ nữ. Chặng đường còn dài, nhưng chúng ta hoàn toàn có thể tin tưởng rằng, cùng với nỗ lực hành động chung, cộng đồng quốc tế sẽ ngăn chặn, tiến tới xóa bỏ mọi hình thức bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em gái, đưa ra những biện pháp cụ thể và quyết liệt nhằm giúp phụ nữ thực hiện các quyền về học hành và phát triển, bình đẳng giới, trong đó có quyền tham gia đầy đủ vào các hoạt động kinh tế, văn hóa, chính trị và xã hội tại tất cả những nơi họ đang sinh sống. Đây cũng là những nội dung của Phiên họp lần thứ 60 của Ủy ban Liên hợp quốc về vị thế của phụ nữ (CSW) tổ chức ngày 10-3-2016./
Quan chức Mỹ - Nga chuẩn bị họp bàn về lệnh ngừng bắn ở Syria  (13/03/2016)
Thông cáo báo chí phiên bế mạc Hội nghị Trung ương lần 2  (12/03/2016)
Thông báo Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng lần thứ hai  (12/03/2016)
Chủ tịch nước Trương Tấn Sang gặp Chủ tịch Quốc hội Mozambique; Tổng Thư ký Đảng FLERIMO và tham dự Diễn đàn Doanh nghiệp Mozambique - Việt Nam  (12/03/2016)
Toàn văn bài phát biểu bế mạc Hội nghị Trung ương 2 khóa XII của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng  (12/03/2016)
Chủ tịch nước Trương Tấn Sang bắt đầu chuyến thăm Mozambique  (12/03/2016)
- Bảo đảm quyền lợi của người lao động trong mô hình kinh tế chia sẻ
- Vai trò của Nhà nước trong giải quyết mối quan hệ giữa phát triển kinh tế - xã hội với phục dựng, bảo tồn di sản văn hóa
- Hoàn thiện một số quy định của Luật Hòa giải, đối thoại tại tòa án, đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp theo tinh thần Đại hội XIII của Đảng
- Hợp tác Việt Nam - Liên minh châu Âu trong bảo đảm an ninh lương thực: Cơ hội và thách thức
- Tăng cường củng cố, xây dựng tổ chức cơ sở đảng và nâng cao chất lượng đội ngũ đảng viên trong bối cảnh mới
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay