Sự kiện trong nước nổi bật tuần qua (từ ngày 29-2 đến ngày 06-3-2016)

Nhân Hòa (Tổng hợp theo TTXVN, Chinhphu.vn, TCCSĐT)
00:44, ngày 07-03-2016
TCCSĐT - Chủ tịch Quốc hội yêu cầu nâng cao chất lượng đại biểu; Quy hoạch Vùng Thủ đô Hà Nội được mở rộng ra thêm 3 tỉnh; Chủ tịch nước Trương Tấn Sang kêu gọi cử tri lựa chọn người có tâm, có tài, hết lòng vì dân, vì nước để bầu vào Quốc hội khóa mới; Hơn 100 đại biểu dự đối thoại chính sách về bình đẳng giới; Hà Nội tổ chức phá dỡ công trình sai phạm tại 8B Lê Trực… là những sự kiện nổi bật tuần qua

Phấn đấu tăng trưởng GDP khoảng 7% trong năm 2016

Sáng 29-02-2016, Chính phủ đã họp Phiên thường kỳ tháng 2, dưới sự chủ trì của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã đánh giá toàn diện tình hình thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2015; xem xét tình hình kinh tế xã hội tháng 02 và 2 tháng đầu năm 2016.

Kinh tế 2015 tăng trưởng 6,68%, cao nhất 8 năm qua 

Báo cáo bổ sung kết quả thực hiện Kế hoạch Phát triển kinh tế - xã hội năm 2015 tại phiên họp cho thấy, đến hết năm 2015, tăng trưởng GDP cả năm đạt khoảng 6,68%, mức tăng cao nhất kể từ năm 2008, cao hơn con số đã báo cáo Quốc hội (khoảng 6,5%) và cao hơn mục tiêu đề ra là 6,2%; trong đó, dẫn đầu tỷ lệ tăng trưởng năm 2015 là khu vực kinh tế liên quan đến công nghiệp và xây dựng với mức tăng 9,2%, cao hơn nhiều so với mức tăng của năm 2014 (7,14%).

Số liệu thống kê cuối cùng đã cho thấy có 12/14 chỉ tiêu Quốc hội giao đã đạt và vượt kế hoạch. Hai chỉ tiêu chưa đạt là tỷ lệ che phủ rừng và chỉ tiêu tốc độ tăng kim ngạch xuất khẩu. So với ước thực hiện đã báo cáo Chính phủ, có 5 chỉ tiêu đạt cao hơn, 2 chỉ tiêu đạt thấp hơn.

Hai tháng đầu năm, kinh tế dịch vụ tăng trưởng mạnh

Báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư tại Phiên họp cho thấy, những kết quả tốt trong việc triển khai thực hiện nhiệm vụ chuẩn bị cho nhân dân đón Tết Nguyên đán Bính Thân vừa qua với nhiều chỉ số tăng khả quan, nhất là trong lĩnh vực dịch vụ như: Lượng khách du lịch quốc tế đến Việt Nam, sự cải thiện về sức mua và tổng cầu hàng hóa, tăng trưởng tín dụng, thu nội địa…Các chính sách bảo đảm an sinh xã hội được thực hiện, đời sống của người dân, đặc biệt là người có công, hộ nghèo, đồng bào dân tộc, vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo được quan tâm cả về vật chất lẫn tinh thần; an ninh chính trị được giữ vững…bảo đảm mọi người dân được đón Tết vui Xuân đầm ấm, vui tươi. Cũng do đặc thù Tháng 2 diễn ra Tết Nguyên đán, chỉ số CPI tăng 0,42% so với tháng trước, tăng 1,27% so với cùng kỳ năm trước.

Phát biểu chỉ đạo tại Phiên họp, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cho rằng, thành tích quan trọng nhất là mức tăng trưởng GDP đạt 6,68%, cao hơn mức báo cáo trước Quốc hội trong bối cảnh diễn biến phức tạp của tình hình thế giới và khu vực, nhất là sự sụt giảm mạnh của giá dầu. Trên tinh thần dó, định hướng phấn đấu của Chính phủ trong năm 2016, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng gợi ý các thành viên Chính phủ nỗ lực phấn đấu nâng chỉ tiêu từ 6,7% lên mức khoảng 7% trong năm 2016 trên cơ sở đà phục hồi kinh tế đất nước năm 2015 và những năm vừa qua. Về tình hình 2 tháng đầu năm 2016, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đánh giá, mặc dù là thời điểm diễn ra Tết Nguyên đán Bính Thân, có thời gian nghỉ dài tới 9 ngày nhưng tình hình kinh tế - xã hội đất nước tiếp tục đạt nhiều kết quả khả quan trên mọi lĩnh vực, nhất là kinh tế dịch vụ.

Về những nhiệm vụ chung, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng yêu cầu các thành viên Chính phủ quan tâm hàng đầu đến việc triển khai các công trình trọng điểm quốc gia, bởi đây là những công trình có ý nghĩa to lớn đối với phát triển kinh tế - xã hội của đất nước nhất là các công trình đường cao tốc, cảng hàng không. Bên cạnh đó, chủ động và tích cực nâng cao chất lượng công tác an sinh xã hội như: Chăm sóc sức khỏe nhân dân, khám chữa bệnh ban đầu, y tế dự phòng, giảm quá tải bệnh viện; tạo mọi điều kiện tốt nhất cho người dân trong tuyển sinh, đào tạo đại học…

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cũng yêu cầu chuẩn bị tốt báo cáo Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm vừa qua, báo cáo tổng kết nhiệm kỳ của Chính phủ để trình Trung ương và báo cáo Quốc hội tại Kỳ họp cuối tháng 3 tới theo tinh thần chính xác, công khai, minh bạch; xác định rõ nhiệm vụ, chỉ tiêu kế hoạch năm 2016 và 5 năm tới với định hướng cơ bản của Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII; đồng thời căn cứ vào tình hình thực tế, linh hoạt, kịp thời đề xuất Trung ương, Quốc hội điều chỉnh cho phù hợp.

Chủ tịch Quốc hội yêu cầu nâng cao chất lượng đại biểu

Chiều 02-3, phát biểu tại Hội nghị triển khai thực hiện Quy chế phối hợp công tác năm 2016 giữa Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng, Chủ tịch Hội đồng bầu cử quốc gia nhấn mạnh, yếu tố quan trọng hàng đầu của cuộc bầu cử vẫn là chất lượng đại biểu, trên cơ sở tuân thủ đúng các quy định và quy trình bầu cử theo luật định.

Đồng chủ trì Hội nghị còn có Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân; sự tham dự của các vị lãnh đạo Quốc hội, Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, các Ủy viên Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.

Nhấn mạnh đến ý nghĩa to lớn của cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIV, đại biểu Hội đồng Nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2016 - 2021 - sự kiện chính trị trọng đại của đất nước năm 2016, Chủ tịch Quốc hội mong muốn Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam phối hợp chặt chẽ với Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Hội đồng bầu cử quốc gia để tổ chức thành công đợt bầu cử năm 2016; nhất là những nội dung liên quan đến cơ cấu, thành phần đại biểu Quốc hội khóa XIV.

Bên cạnh những kết quả đã đạt được, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng cho rằng, việc thực hiện quy chế phối hợp giữa Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Quốc hội, Hội đồng Nhân dân các cấp và hệ thống Mặt trận Tổ quốc còn chưa thực sự phù hợp, đồng bộ, thường xuyên… cần khắc phục trong thời gian tới.

Đánh giá cao công tác phối hợp giữa hai cơ quan thời gian qua, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân khẳng định Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam sẽ tiếp tục tuyên truyền sâu rộng về hoạt động bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIV và đại biểu Hội đồng Nhân dân nhiệm kỳ 2016 - 2021; đặc biệt là những điểm mới của đợt bầu cử lần này tới các tổ chức xã hội, tầng lớp nhân dân.

Thông qua việc tiếp xúc cử tri, Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã phối hợp tập hợp được hơn 8.346 ý kiến, kiến nghị của cử tri và nhân dân để báo cáo tại các Kỳ họp thứ 9, thứ 10 của Quốc hội khóa XIII. Hai cơ quan đã phối hợp giám sát nhiều chuyên đề về chấp hành pháp luật, phát triển kinh tế - xã hội qua đó, đánh giá cụ thể những kết quả đạt được, để đề xuất các giải pháp, kiến nghị xác đáng, góp phần tiếp tục hoàn thiện chính sách pháp luật tăng cường trách nhiệm cơ quan chịu sự giám sát.

Tại buổi làm việc, Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đánh giá cao những cải tiến, đổi mới mạnh mẽ trong công tác của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội; cho rằng hoạt động của Quốc hội, đại biểu Quốc hội ngày càng gần gũi với cử tri, ngày càng đi vào những vấn đề bức xúc là tâm tư, nguyện vọng của nhân dân, được cử tri và nhân dân đồng tình, ủng hộ và đánh giá cao.

Chủ tịch Quốc hội yêu cầu tăng cường tuyên truyền về bầu cử

Chiều 03-3, Hội đồng Bầu cử quốc gia đã họp phiên thứ ba dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng, Chủ tịch Hội đồng bầu cử quốc gia.

Phát biểu nhận định chung tại phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng, Chủ tịch Hội đồng Bầu cử quốc gia ghi nhận và đánh giá cao tiến độ triển khai công tác chuẩn bị bầu cử của hệ thống các cơ quan liên quan, đặc biệt là việc phát huy vai trò của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các Tiểu ban, thành viên của Hội đồng Bầu cử.

Lưu ý khoảng thời gian gấp rút để chuẩn bị cho Ngày bầu cử 22-5-2016 chỉ còn chưa đầy 3 tháng, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng nêu rõ, công việc và trách nhiệm đặt ra đối với các ngành, các cấp, các thành viên Hội đồng Bầu cử quốc gia là rất nặng nề.

Trong bối cảnh đó, Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội cũng đang khẩn trương chuẩn bị cho phiên họp thứ 46 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhằm hoàn tất các nội dung trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 11, Quốc hội khóa XIII.

Với yêu cầu đó, Chủ tịch Quốc hội mong muốn Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên, lực lượng vũ trang tiếp tục phát huy vai trò to lớn của mình, sớm ban hành Nghị quyết chỉ đạo cụ thể công tác bầu cử, có sự phân công trách nhiệm chi tiết để bảo đảm các yêu cầu đề ra cho Ngày bầu cử.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng đề nghị các thành viên Hội đồng trước mắt, tổ chức tốt việc tiếp nhận hồ sơ của người ứng cử Quốc hội, Hội đồng nhân dân theo quy định đến thời điểm 13-3 là thời hạn cuối cùng.

Theo kế hoạch đề ra, thời gian tới, các thành viên Hội đồng Bầu cử quốc gia sẽ tích cực đôn đốc, chỉ đạo các cơ quan, tổ chức, đơn vị ở trung ương và địa phương giới thiệu người ứng cử đại biểu Quốc hội Khóa XIV, đại biểu Hội đồng nhân dân nhiệm kỳ 2016 - 2021 và tổ chức tốt việc lấy ý kiến cử tri nơi công tác đối với người ứng cử.

Đặc biệt, Hội đồng sẽ chỉ đạo tiến hành Hội nghị Hiệp thương lần thứ hai lập danh sách sơ bộ những người ứng cử đại biểu Quốc hội khóa XIV ở trung ương và địa phương; người ứng cử đại biểu Hội đồng nhân dân nhiệm kỳ 2016 - 2021. Phiên họp cũng thống nhất việc triển khai kế hoạch kiểm tra, giám sát công tác chuẩn bị bầu cử ở các địa phương theo 3 đợt bắt đầu từ ngày 05-3 đến ngày 25-3-2016.

Quy hoạch Vùng Thủ đô Hà Nội được mở rộng ra thêm 3 tỉnh

Ngày 03-3 tại Hà Nội, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng chủ trì Hội nghị Báo cáo đồ án điều chỉnh quy hoạch xây dựng vùng Thủ đô Hà Nội đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050 do Ban Chỉ đạo quy hoạch và đầu tư xây dựng vùng Thủ đô Hà Nội tổ chức.

Đồ án điều chỉnh quy hoạch xây dựng vùng Thủ đô Hà Nội nhận được ý kiến tư vấn, đóng góp của nhiều chuyên gia, tổ chức quốc tế uy tín và các hội nghề nghiệp chuyên môn.

Phạm vi điều chỉnh quy hoạch vùng Thủ đô gồm toàn bộ ranh giới của Hà Nội với 9 tỉnh xung quanh, trong đó Phú Thọ, Thái Nguyên và Bắc Giang là 3 tỉnh được mở rộng thêm vào quy hoạch với tổng dân số 17,6 triệu người. Toàn bộ quy hoạch vùng Thủ đô sẽ có tổng diện tích trên 24.300km², tăng gần gấp đôi so với trước đây, chiếm 7,3% diện tích tự nhiên toàn quốc và bằng 80% diện tích so với vùng Thành phố Hồ Chí Minh. Tầm nhìn vùng Thủ đô Hà Nội đến năm 2050 sẽ là vùng đô thị lớn, có chức năng kinh tế tổng hợp không chỉ của quốc gia mà cả khu vực châu Á - Thái Bình Dương.

Phát biểu kết luận Hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng hoan nghênh Ban Chỉ đạo quy hoạch và đầu tư xây dựng vùng Thủ đô Hà Nội mà trực tiếp là Bộ Xây dựng đã chủ trì xây dựng đồ án quy hoạch bám sát các mục tiêu đề ra.

Thủ tướng nhấn mạnh, quy hoạch xây dựng vùng Thủ đô bao gồm Hà Nội là trung tâm và 9 tỉnh có địa giới giáp với Hà Nội có tính đến sự liên kết nhằm phát triển vùng nhanh bền vững, đi nhanh lên công nghiệp hóa, hiện đại hóa, gắn chặt với nhiệm vụ phát triển kinh tế là trung tâm, văn hóa là nền tảng và quốc phòng, an ninh là nhiệm vụ trọng yếu, thường xuyên…

Chủ tịch nước Trương Tấn Sang kêu gọi cử tri lựa chọn người có tâm, có tài, hết lòng vì dân, vì nước để bầu vào Quốc hội khóa mới

Ngày 04-3-2016, tại Thành phố Hồ Chí Minh, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang có buổi tiếp xúc với cư tri Quận 4. Tại đây, Chủ tịch nước đã chia sẻ với cử tri nhiều vấn đề bất cập, đồng thời kêu gọi cử tri sáng suốt lựa chọn bầu đúng người đại diện cho ý chí, nguyện vọng chính đáng của mình vào Đại biểu Quốc hội và Hội đồng nhân dân các cấp.

Tại buổi tiếp xúc với cử tri Quận 4, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang chia sẻ: Đây là buổi gặp gỡ cuối trong nhiệm kỳ làm đại biểu dân cử của mình, vì vậy tôi xin gửi lời gửi lời cảm ơn đến cử tri và nhân dân Thành phố, những người đã đồng hành với đoàn Đại buổi Quốc hội trong suốt nhiệm kỳ qua. Chủ tịch nước Trương Tấn Sang cho biết, đối với những việc gì đã làm được sẽ nghiêm túc ghi nhận, còn những kiến nghị của cử tri mà chưa làm được sẽ chuyển lại cho anh em khóa sau tiếp tục giải quyết. Tất cả kiến nghị của cử tri đều được ghi nhận và chuyển đến đúng nơi có thẩm quyền.

Kết thúc buổi tiếp xúc, Chủ tịch nước gửi gắm, “tôi mong mỏi đồng bào, đồng chí tiếp tục phát huy truyền thống xây dựng chính quyền. Tới đây, nước ta sẽ tiến hành bầu cử Đại biểu Quốc hội và Hội đồng nhân dân các cấp. Vì thế, bà con cần đi bỏ phiếu bầu đầy đủ, lựa chọn và bầu đúng người có trí tuệ, hết lòng vì dân, vì nước”.

Hơn 100 đại biểu dự đối thoại chính sách về bình đẳng giới

100 đại biểu đại diện các bộ, ngành, các nhà tài trợ, tổ chức phi chính phủ, chuyên gia trong nước và quốc tế về bình đẳng giới đã tham gia Đối thoại chính sách về bình đẳng giới, tổ chức ngày 4-3, tại Hà Nội.

Đối thoại sẽ tạo cơ hội cho các cơ quan, tổ chức trao đổi, thảo luận và đưa ra những đề xuất thúc đẩy thực hiện hiệu quả Chiến lược quốc gia về bình đẳng giới 2011-2020; Chương trình hành động về bình đẳng giới giai đoạn 2016-2020; Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2016-2020 hướng tới đảm bảo việc thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững tại Việt Nam”.

Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đã nhấn mạnh Việt Nam sẽ nỗ lực thực hiện mọi biện pháp để xóa bỏ khoảng cách giới trong tất cả các lĩnh vực. Tôi hy vọng rằng nhiều nguồn lực hơn sẽ được phân bổ và gia tăng gấp đôi các nỗ lực để thực hiện Chiến lược quốc gia về bình đẳng giới và Chương trình hành động quốc gia về bình đẳng giới".

Trình bày nội dung về tăng cường thực hiện Chiến lược quốc gia và Chương trình hành động quốc gia về bình đẳng giới giai đoạn 2016-2020 hướng tới đạt được các Mục tiêu phát triển bền vững tại Việt Nam, Phó Vụ trưởng Vụ Bình đẳng giới, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Hoàng Thị Thu Huyền cho biết một số kết quả nổi bật về bình đẳng giới.

Năm 2015, lực lượng lao động từ 15 tuổi trở lên của cả nước là 54,61 triệu người, trong đó lao động nữ chiếm 48,3%. Tỷ lệ nữ làm chủ doanh nghiệp đạt 24,9%, tăng 0,5% so với năm 2013.

Về cơ bản, Việt Nam đã đạt được sự bình đẳng nam - nữ trong giáo dục phổ thông và giáo dục đại học (giai đoạn 2007-2011); có tốc độ giảm tử vong mẹ nhanh so với các nước trong khu vực, ngoài ra cũng đã đạt được mục tiêu khống chế tốc độ tăng nhanh tỷ số giới tính khi sinh. Nạn nhân bạo lực gia đình ngày càng tiếp cận dễ hơn tới các dịch vụ tư vấn, hỗ trợ.

Nhân dịp này, đại diện các bộ, ngành Việt Nam và Cơ quan Liên hợp quốc đã cam kết tiếp tục hỗ trợ lẫn nhau trong quá trình thúc đẩy bình đẳng giới để đảm bảo một xã hội công bằng cho phụ nữ và trẻ em gái, mang lại một tương lai bền vững cho Việt Nam.

Hà Nội tổ chức phá dỡ công trình sai phạm tại 8B Lê Trực

Sáng 06-3, lực lượng chức năng gồm quận Ba Đình, Thanh tra Sở Xây dựng, Ủy ban Nhân dân phường Điện Biên và đại diện Chủ đầu tư đã có mặt tại hiện trường công trình xây dựng tòa nhà 8B Lê Trực (Hà Nội) để phối hợp cưỡng chế phá dỡ phần xây dựng sai phạm của công trình này.

Ghi nhận tại hiện trường lúc 8 giờ sáng 06-3, hàng chục công nhân đang tích cực dùng máy đục phá bêtông để phá dỡ mặt sàn tầng 19 của tòa nhà. Do có sự giám sát chặt chẽ của lực lượng chức năng nên tiến độ phá dỡ diễn ra khá khẩn trương và đảm bảo an toàn lao động theo đúng quy trình phá dỡ.

Cụ thể, công nhân được chia thành từng nhóm vừa khoan cắt cốt sắt, đục sàn vừa vận chuyển phế liệu thải khỏi hiện trường.

Theo ông Trần Mạnh Quân, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân phường Điện Biên (quận Ba Đình, Hà Nội), thực hiện Quyết định số 32/QĐ-UBND ngày 09-01-2016 của Ủy ban Nhân dân quận Ba Đình về việc áp dụng biện pháp cưỡng chế để thi hành Quyết định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động xây dựng công trình tại số 8B Lê Trực do Công ty cổ phần May Lê Trực làm chủ đầu tư, Ủy ban Nhân dân phường Điện Biên đã tổ chức lực lượng cưỡng chế theo đúng quy định pháp luật.

Ủy ban Nhân dân phường Điện Biên cũng yêu cầu chủ đầu tư thực hiện các yêu cầu của lực lượng thi hành quyết định cưỡng chế; chịu trách nhiệm chi trả toàn bộ chi phí, lập thẩm định phương án phá dỡ, chi phí tổ chức cưỡng chế và chịu mọi thiệt hại phát sinh trong quá trình cưỡng chế phá dỡ phần công trình xây dựng sai phạm.

Liên quan đến việc khắc phục hậu quả sau sai phạm tại toà nhà 8B Lê Trực, ngày 21-11-2015, Chủ đầu tư của tòa nhà 8B Lê Trực đã triển khai phá dỡ phần xây dựng sai phép theo như đã cam kết với cơ quan chức năng của Hà Nội. Tuy nhiên tốc độ triển khai phá dỡ rất chậm.

Ngay sau khi Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội, có văn bản đốc thúc quận Ba Đình khẩn trương ra quyết định cưỡng chế phần xây dựng sai phép của tòa nhà, thì ngày 06-01-2016, chủ đầu tư đã trình phương án tự “cắt ngọn” mới, với giai đoạn 1 được rút ngắn từ 9 tháng xuống còn 7 tháng.

Các hoạt động Nhân Ngày Quốc tế Phụ nữ 08-3

Diễn đàn quốc tế "Lãnh đạo nữ vì sự phát triển bền vững" đã được tổ chức ở Thành phố Hồ Chí Minh nhằm tăng cường nhận thức về vai trò lãnh đạo nữ và thúc đẩy ảnh hưởng của nhà lãnh đạo nữ thông qua việc cố vấn, dìu dắt; Hà Nội chủ động tạo nguồn và bồi dưỡng cán bộ trẻ, cán bộ nữ,… là hai trong số các hoạt động nhân Ngày Quốc tế Phụ nữ 08-3.

Nữ doanh nhân Việt Nam hướng đến sự phát triển bền vững

Chiều 05-3, Diễn đàn quốc tế "Lãnh đạo nữ vì sự phát triển bền vững" đã được tổ chức ở Thành phố Hồ Chí Minh. Tại Diễn đàn, các chuyên gia đã thảo luận sâu các chủ đề phụ nữ thay đổi thế giới, phụ nữ với công nghệ và sáng tạo, bồi dưỡng tài năng lãnh đạo nữ, các giá trị xã hội với phụ nữ và doanh nghiệp... từ đó, giúp các nữ doanh nhân cập nhật thêm thông tin và xu hướng phát triển của giới nữ doanh nhân trong và ngoài nước.

Hà Nội chủ động tạo nguồn và bồi dưỡng cán bộ trẻ, cán bộ nữ

Thực hiện Chiến lược quốc gia về công tác bình đẳng giới giai đoạn 2011-2020, Hà Nội đang tập trung đẩy mạnh công tác tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức, vai trò trách nhiệm của các cấp ủy đảng, chính quyền, các ngành, đoàn thể và nhân dân trong chỉ đạo thực hiện công tác bình đẳng giới và hoạt động Vì sự tiến bộ của phụ nữ. Theo đó, Hà Nội sẽ tăng cường các hoạt động hỗ trợ nhằm nâng cao chất lượng đời sống vật chất và tinh thần của phụ nữ; tạo mọi điều kiện để phụ nữ được tham gia vào các lĩnh vực của đời sống chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội; tạo cơ hội tham gia và thụ hưởng bình đẳng giữa phụ nữ và nam giới.

Cụ thể, năm 2016, thực hiện Chỉ thị của Thành ủy về tăng cường sự lãnh đạo của cấp ủy đảng trong công tác quy hoạch, đào tạo và sử dụng cán bộ trẻ, cán bộ nữ, Hà Nội chủ động phát hiện, tạo nguồn, xây dựng quy hoạch, đào tạo bồi dưỡng cán bộ trẻ, cán bộ nữ. Đồng thời mạnh dạn đề xuất, đề bạt, bổ nhiệm, bố trí sử dụng cán bộ trẻ, cán bộ nữ đủ tiêu chuẩn tham gia ứng cử đại biểu Quốc hội khóa XIV, HĐND các cấp nhiệm kỳ 2016-2021. Bên cạnh đó tổ chức hội thảo, tọa đàm trong đội ngũ cán bộ nữ lãnh đạo, quản lý các cấp nhằm nâng cao kiến thức về vấn đề giới và nội dung luật pháp, chính sách về bình đẳng giới; đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền về bình đẳng giới tại những địa bàn khó khăn, vùng dân tộc, thiểu số./.