100 đại biểu đại diện các bộ, ngành, các nhà tài trợ, tổ chức phi chính phủ, chuyên gia trong nước và quốc tế về bình đẳng giới đã tham gia Đối thoại chính sách về bình đẳng giới, tổ chức ngày 4-3, tại Hà Nội.
Phát biểu khai mạc, Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Phạm Thị Hải Chuyền, khẳng định “Đảng và Nhà nước Việt Nam tiếp tục khẳng định chủ trương, đường lối về bình đẳng giới và bảo đảm quyền con người của phụ nữ và trẻ em gái.

Đối thoại sẽ tạo cơ hội cho các cơ quan, tổ chức trao đổi, thảo luận và đưa ra những đề xuất thúc đẩy thực hiện hiệu quả Chiến lược quốc gia về bình đẳng giới 2011-2020; Chương trình hành động về bình đẳng giới giai đoạn 2016-2020; Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2016-2020 hướng tới đảm bảo việc thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững tại Việt Nam”.

Bà Pratibha Mehta, Điều phối viên thường trú Liên hợp quốc tại Việt Nam nhấn mạnh: “Bình đẳng giới là một vấn đề liên quan tới chính trị và chỉ có thể đạt được khi có những cam kết và hành động của các nhà lãnh đạo cấp cao. Vào ngày 27-9-2015, lãnh đạo các quốc gia đã hội tụ về New York của Hoa Kỳ để phê chuẩn các Mục tiêu phát triển bền vững.

Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đã nhấn mạnh Việt Nam sẽ nỗ lực thực hiện mọi biện pháp để xóa bỏ khoảng cách giới trong tất cả các lĩnh vực. Tôi hy vọng rằng nhiều nguồn lực hơn sẽ được phân bổ và gia tăng gấp đôi các nỗ lực để thực hiện Chiến lược quốc gia về bình đẳng giới và Chương trình hành động quốc gia về bình đẳng giới".

Trình bày nội dung về tăng cường thực hiện Chiến lược quốc gia và Chương trình hành động quốc gia về bình đẳng giới giai đoạn 2016-2020 hướng tới đạt được các Mục tiêu phát triển bền vững tại Việt Nam, Phó Vụ trưởng Vụ Bình đẳng giới, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Hoàng Thị Thu Huyền cho biết một số kết quả nổi bật về bình đẳng giới.

Năm 2015, lực lượng lao động từ 15 tuổi trở lên của cả nước là 54,61 triệu người, trong đó lao động nữ chiếm 48,3%. Tỷ lệ nữ làm chủ doanh nghiệp đạt 24,9%, tăng 0,5% so với năm 2013.

Về cơ bản, Việt Nam đã đạt được sự bình đẳng nam - nữ trong giáo dục phổ thông và giáo dục đại học (giai đoạn 2007-2011); có tốc độ giảm tử vong mẹ nhanh so với các nước trong khu vực, ngoài ra cũng đã đạt được mục tiêu khống chế tốc độ tăng nhanh tỷ số giới tính khi sinh. Nạn nhân bạo lực gia đình ngày càng tiếp cận dễ hơn tới các dịch vụ tư vấn, hỗ trợ.

Đại diện Vụ Bình đẳng giới, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội cũng đã chỉ ra bảy ưu tiên thúc đẩy bình đẳng giới trong thời gian tới. Đó là tiếp tục xây dựng và hoàn thiện luật pháp, chính sách về bình đẳng giới; tổ chức các hoạt động hướng đến bầu cử đại biểu Quốc hội khóa 14, đại biểu Hội đồng hân dân các cấp nhiệm kỳ 2016-2021; đẩy mạnh các hoạt động truyền thông nâng cao nhận thức.

Đồng thời, tăng cường tham mưu thực hiện quy định lồng ghép vấn đề bình đẳng giới trong xây dựng và thực hiện văn bản quy phạm pháp luật; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm; vai trò, sự tham gia hỗ trợ kỹ thuật của các tổ chức; đẩy mạnh nghiên cứu khoa học và hợp tác quốc tế về bình đẳng giới và sự tiến bộ của phụ nữ.

Phân tích các xu hướng chủ đạo, những vấn đề giới tại Việt Nam, bà Vũ Phương Ly, Chuyên gia Chương trình của Cơ quan bình đẳng giới và trao quyền cho phụ nữ của Liên hợp quốc chỉ ra sự thiếu công bằng trong độ tuổi nghỉ hưu giữa nam giới và phụ nữ; bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em gái; tỷ lệ phụ nữ tham gia lãnh đạo và quản lý ở Việt Nam vẫn còn thấp, chưa tương xứng với lực lượng và đóng góp của lao động nữ.

Đề xuất những khuyến nghị trong công tác bình đẳng giới tại Việt Nam, bà Vũ Phương Ly cho rằng Việt Nam cần tập trung đầu tư vào dịch vụ và cơ sở hạ tầng công cộng giúp tháo gỡ vướng mắc, khó khăn cho phụ nữ. Các cơ quan chức năng tăng cường hệ thống giám sát, thu thập và xử lý số liệu tách biệt giới tính, tuổi, dân tộc, vùng địa lý để giúp đưa ra các quyết định dựa trên thực chứng; tăng cường bộ máy, cơ chế và cương lĩnh về bình đẳng giới.

Nâng cao quyền năng kinh tế cho phụ nữ là chìa khóa cho phát triển kinh tế - xã hội bền vững như tạo việc làm bền vững cho phụ nữ, giải quyết bất bình đẳng trong nghề nghiệp và khoảng cách giới trong trả lương, giảm thiểu gánh nặng việc nhà không được trả công.

Các tổ chức phụ nữ cần tăng cường tiếng nói, sự tham gia, lãnh đạo trong các cơ chế và quy trình giải trình. Cơ quan chức năng cần giải quyết các vấn đề liên quan tới chuẩn mực xã hội và định kiến giới cốt lõi.

Nhân dịp này, đại diện các bộ, ngành Việt Nam và Cơ quan Liên hợp quốc đã cam kết tiếp tục hỗ trợ lẫn nhau trong quá trình thúc đẩy bình đẳng giới để đảm bảo một xã hội công bằng cho phụ nữ và trẻ em gái, mang lại một tương lai bền vững cho Việt Nam./.