Nước Mỹ: hiện tại và tương lai

Thu Phương
22:56, ngày 04-03-2016

TCCSĐT - Nắm giữ vai trò siêu cường, nước Mỹ trong suốt 7 năm dưới thời Tổng thống Ba-rắc Ô-ba-ma đã giữ vững vị trí nền kinh tế hàng đầu thế giới với những “thay đổi” tích cực về đời sống kinh tế - xã hội, cho dù vẫn còn những thất bại trong việc giải quyết bất đồng trong nội bộ đất nước. Trong thời điểm đón nhận sự chuyển giao quyền lực của người đứng đầu quốc gia, cũng là năm cuối cùng của nhiệm kỳ tổng thống 2012-2016, nước Mỹ khẳng định thành quả đã đạt được, hướng tới tương lai.

Khẳng định vai trò nền kinh tế đứng đầu thế giới

Hơn 7 năm trôi qua, gần hết chặng đường trong nhiệm kỳ thứ hai của Tổng thống B. Ô-ba-ma, nước Mỹ đã cho thấy phần nào sự “thay đổi” đáng ghi nhận, giữ vững vai trò nền kinh tế lớn nhất thế giới. Vượt qua cuộc đại khủng hoảng kinh tế giai đoạn 2007 - 2009, nền kinh tế Mỹ đã tự tin tăng lãi suất sau gần 7 năm giữ mức gần bằng 0%, tiếp tục duy trì đà phục hồi với việc cắt giảm được gần 3/4 lượng thâm hụt ngân sách. Thị trường lao động đã tạo thêm được 14 triệu việc làm mới, đưa tỷ lệ thất nghiệp giảm từ 10% của năm 2009 xuống chỉ còn xấp xỉ 5% như hiện nay. Trong đó, nền công nghiệp ô tô Mỹ đã trải qua năm 2015 thành công nhất; công nghiệp chế tạo máy đã tạo ra gần 900.000 việc làm trong 6 năm qua. Kinh tế Mỹ đang chứng kiến những bước thay đổi lớn lao, tiếp tục là nền kinh tế mạnh nhất thế giới (1).

Không chỉ là thành tựu kinh tế, các nỗ lực về an sinh xã hội đã khiến đời sống xã hội Mỹ được cải thiện rõ rệt. Những tiến bộ đạt được gần đây trong chăm sóc sức khỏe được đông đảo người dân Mỹ ủng hộ. Chương trình chăm sóc y tế giá rẻ (ACA hay còn được gọi là ObamaCare) được ban hành năm 2010 - một trong những chính sách đối nội then chốt của Tổng thống B. Ô-ba-ma, đồng thời cũng là một trong những cuộc cải tổ sâu rộng nhất trong hệ thống chăm sóc sức khỏe và bảo hiểm y tế của Mỹ kể từ năm 1965, đã đem lại cơ hội tiếp cận với y tế cho tầng lớp có thu nhập thấp trong xã hội. ObamaCare đưa đến những quy tắc công bằng hơn và bảo vệ tốt hơn quyền lợi của người mua bảo hiểm, giúp việc đăng ký bảo hiểm trở nên dễ dàng hơn với chi phí hợp lý và chú trọng hơn đến người bệnh. Quan trọng hơn cả là đạo luật này đang cho thấy những kết quả rõ rệt trong xã hội. ObamaCare đã giúp 17,6 triệu người dân Mỹ được cấp bảo hiểm y tế kể từ khi được triển khai năm 2013 (2).

Ngoài ra, ngày càng có nhiều sinh viên được tạo điều kiện tới trường, số trẻ em được tiếp cận các cơ hội giáo dục ngày càng tăng, và cả những thành công trong công cuộc thu hẹp bất bình đẳng tiền lương là những kết quả mà nước Mỹ đã có được trong những năm qua.

Tập trung cho cuộc chiến chống khủng bố

Trên nền tảng thực lực kinh tế vững chắc, nước Mỹ có những điều kiện để khẳng định sức mạnh siêu cường. Trong nhiều năm qua, cuộc chiến chống khủng bố của Mỹ luôn được duy trì với nỗ lực đẩy mạnh việc giải quyết mối đe dọa tới an ninh quốc gia và đóng góp vào việc bảo đảm môi trường an ninh thế giới. Khẳng định ưu tiên hàng đầu là bảo vệ công dân Mỹ và tiêu diệt các mạng lưới khủng bố, nước Mỹ bắt tay vào cuộc chiến chống khủng bố trên bình diện toàn cầu.

Mạng lưới khủng bố An Kê-đa và hiện nay là sự lan rộng không giới hạn về địa lý và mức độ tàn bạo của Tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) tại nhiều nơi trên thế giới, đặc biệt tại các quốc gia Trung Đông như Xy-ri, I-rắc được coi là mối đe dọa trực tiếp đối với nước Mỹ. Không cho đây là cuộc chiến tranh thế giới lần thứ ba, song nước Mỹ quyết tâm truy lùng, tiêu diệt và nhổ tận bỏ tận gốc những phần tử khủng bố IS như đã từng làm với tổ chức khủng bố An Kê-đa và hơn thế nữa bởi mức độ tàn bạo của IS mà Tổng thống B. Ô-ba-ma gọi là “những kẻ giết người và cuồng tín”.

Hợp tác liên minh chống khủng bố trên toàn cầu, tăng cường sự hỗ trợ trong khu vực từ phía các đồng minh, xây dựng năng lực cho các lực lượng quân đội, an ninh cũng như củng cố các nước láng giềng gần những quốc gia có nguy cơ hoặc là nơi ẩn náu của các phiến quân khủng bố, đồng thời với việc hỗ trợ một tiến trình chính trị lâu dài tại những nước có xung đột nội chiến nhằm loại bỏ điều kiện thuận lợi cho mạng lưới khủng bố gia tăng hoạt động, là những điều nước Mỹ tiến hành trong những năm qua. Theo đó, trong bối cảnh các vụ tấn công khủng bố đẫm máu của IS xảy ra trên thế giới, nhất là trong năm 2015, Mỹ nỗ lực thành lập Lực lượng đặc nhiệm chống bạo lực cực đoan, cắt giảm các chiến dịch chống khủng bố thiếu hiệu quả, tập trung đầu tư hỗ trợ chương trình chống khủng bố của các đối tác trong cộng đồng quốc tế (cả chính phủ và phi chính phủ), tăng cường hợp tác với giới công nghệ thế giới nhằm đẩy mạnh hợp tác chống khủng bố trên mạng in-tơ-nét để ngăn chặn hình thức chiêu mộ, tiêm nhiễm tư tưởng cực đoan, vận động những kẻ ủng hộ cũng như lên kế hoạch và triển khai các âm mưu tấn công qua mạng của IS.

Ngoài ra, Tổng thống B. Ô-ba-ma cũng đã kêu gọi Quốc hội nước này thông qua đạo luật Cho phép sử dụng lực lượng quân sự (AUMF) trong cuộc chiến chống IS. Bởi theo Tổng thống B. Ô-ba-ma, nếu Quốc hội nghiêm túc về việc giành chiến thắng trong cuộc chiến này, và muốn gửi đi một thông điệp tới lực lượng quân sự của Mỹ cùng toàn thế giới, Quốc hội nên ủy quyền cho lực lượng quân đội chiến đấu chống IS.

Sau bài học “ngày 11-9-2001 cùng những nghi ngờ của thế giới cũng như người dân Mỹ về hiệu quả trong cam kết chống khủng bố của Mỹ thời gian qua, nhất là trong bối cảnh sự phối hợp giữa các nước trong cuộc chiến chống khủng bố cho đến nay vẫn chưa mang lại kết quả như mong muốn, nước Mỹ hơn bao giờ hết tiếp tục nỗ lực phát huy sức mạnh của một siêu cường khi được thế giới nhắc đến là một trong những nước đi đầu trong cuộc chiến chống khủng bố với câu chuyện tiêu diệt trùm khủng bố Ô-sa-ma Bin La-đen năm 2011.

Nhiều thành tựu đối ngoại

Rút quân khỏi hai cuộc chiến tranh hao tiền tốn của tại I-rắc và Áp-ga-ni-xtan do chính quyền tiền nhiệm để lại, nước Mỹ cũng đã có những quyết sách tìm ra lối thoát cho những vấn đề kéo dài hàng thập niên qua. Đó là dấu ấn quan trọng đạt được tiến bộ lịch sử thông qua con đường ngoại giao trong việc thúc đẩy ký kết thỏa thuận hạt nhân giữa I-ran với Nhóm P5+1 (gồm Mỹ, Nga, Trung Quốc, Pháp, Anh và Đức) và việc khôi phục quan hệ với Cuba sau hơn nửa thế kỷ căng thẳng. Bên cạnh đó, nước Mỹ ghi dấu ấn với việc hoàn tất đàm phán Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), thúc đẩy việc ký kết Thỏa thuận Pa-ri tại Hội nghị lần thứ 21 Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP21).

Sau nhiều nỗ lực kéo dài hơn 12 năm, thỏa thuận hạt nhân giữa I-ran và Nhóm P5+1 cuối cùng đã đạt được vào tháng 7-2015. I-ran phải cắt giảm mạnh các hoạt động hạt nhân và chấp thuận các cuộc thanh sát mới để đổi lại việc dỡ bỏ các biện pháp trừng phạt của phương Tây và Mỹ. Theo đó, Mỹ thực thi cam kết của mình trong thỏa thuận hạt nhân với I-ran, dỡ bỏ một số lượng lớn các lệnh trừng phạt nhằm vào I-ran sau khi Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA) tuyên bố không tìm thấy bằng chứng cho thấy I-ran tiếp tục chương trình vũ khí hạt nhân sau năm 2009, đồng thời xác minh I-ran đã thực hiện đầy đủ những cam kết được yêu cầu; và trong một giới hạn, Mỹ đánh giá thỏa thuận hạt nhân I-ran giúp thế giới trở nên an toàn hơn.

Trong quan hệ với Cuba, nước Mỹ đang đi đúng hướng. Sau hơn nửa thế kỷ theo đuổi những chính sách thất bại và lỗi thời, 50 năm cô lập Cuba đã khiến nước Mỹ bị tụt hậu trong khu vực Mỹ La-tinh, việc cải thiện quan hệ ngoại giao với Cuba là lựa chọn của Mỹ. Đây là một tiền lệ đối ngoại quan trọng, tạo dựng một hình ảnh “mềm mỏng” và biết chấp nhận sự khác biệt hơn của một quốc gia siêu cường đối với thế giới, đặc biệt là tại Mỹ La-tinh và Ca-ri-bê - khu vực mà ảnh hưởng của Mỹ có phần sụt giảm trong thời gian qua. Kể từ khi tái thiết lập quan hệ ngoại giao với Cuba (tháng 12-2014), Mỹ cũng như Cuba đã có những bước tiến tích cực, đó là: tái thiết lập quan hệ ngoại giao và mở lại các đại sứ quán; tiến hành các cuộc gặp cấp cao giữa nguyên thủ hai nước cùng nhiều chuyến thăm cấp cao khác; quan hệ hợp tác trong một số lĩnh vực được củng cố như an ninh trên không và hàng không, hợp tác đấu tranh chống buôn bán ma túy, nhập cư trái phép và buôn người; khởi động một số lĩnh vực hợp tác khác trên nguyên tắc hai bên cùng có lợi như bảo vệ môi trường, áp dụng và tuân thủ luật pháp, an ninh hàng hải, y tế; bắt đầu một số cuộc đối thoại về các vấn đề cùng quan tâm như biến đổi khí hậu, đền bù thiệt hại giữa hai nước và vấn đề nhân quyền.

Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) ghi thêm dấu ấn cho nước Mỹ giai đoạn này. Được xem là hiệp định thương mại thế kỷ, mang tính lịch sử, lớn nhất trong vòng 20 năm qua, TPP chính thức hoàn tất đàm phán vào tháng 10-2015 với sự tham gia của 12 quốc gia. Đây là thành công lớn của nước Mỹ trong việc triển khai tích cực chính sách “xoay trục” về châu Á - Thái Bình Dương thời gian qua khi TPP là hiệp định đầu tiên nối liền hai bờ Đông -Tây của Thái Bình Dương, khẳng định vai trò đóng góp vào mục tiêu thúc đẩy thương mại tự do trong khu vực cũng như gia tăng ảnh hưởng của Mỹ. TPP được các nước kỳ vọng giúp nâng cao mức sống của người dân, giảm nghèo, khuyến khích sự minh bạch, hiệu quả điều hành cũng như cải thiện việc bảo vệ người lao động, môi trường.

Thỏa thuận Pa-ri sau hơn 12 ngày tranh luận gay gắt, đã được 195 quốc gia tham gia COP21 thông qua, mở ra hy vọng cho hơn 9 tỷ người dân trên Trái đất về một thế giới ứng phó tốt hơn đối với vấn đề biến đổi khí hậu, trong đó có sự đóng góp tích cực của Mỹ.

Những vấn đề cần tiếp tục “thay đổi”

Bên cạnh những kết quả mà nước Mỹ, cụ thể là chính quyền Ô-ba-ma đã có được trong 7 năm qua, vẫn có những chính sách còn dang dở.

Một trong những thất bại hiện nay của nước Mỹ là chính sách nhập cư. Đối với vấn đề nhập cư, bảo vệ chính sách di cư - một truyền thống lâu đời nhất của nước Mỹ, chính quyền Ô-ba-ma cho rằng, di cư chính là nguồn gốc của người Mỹ và là yếu tố khiến nước Mỹ trở nên khác biệt so với các quốc gia khác. Chính vì vậy, cho dù diễn ra các cuộc tranh luận gay gắt giữa đảng Cộng hòa và đảng Dân chủ, Tổng thống B. Ô-ba-ma vẫn bảo vệ chính sách di cư nhằm tránh lặp lại những sai lầm do quan điểm phân biệt chủng tộc trong lịch sử thế giới, mà hiện nay đã và đang tái hiện. Sau nhiều năm bị phe Cộng hòa ngăn chặn, tháng 11-2014, Tổng thống B. Ô-ba-ma đã ký sắc lệnh hành chính cải cách luật nhập cư, theo đó khoảng 4,7 triệu trẻ em các nước nhập cư bất hợp pháp vào Mỹ từ 5 năm trở lên có cha mẹ là công dân hoặc cư dân thường trú hợp pháp ở Mỹ, nếu không phải là tội phạm, sẽ được phép ở lại Mỹ mà không bị đe dọa bị trục xuất. Ngoài ra, còn có khoảng 270.000 người được cha mẹ đưa vào Mỹ khi còn nhỏ, cũng sẽ không bị trục xuất. Sắc lệnh hành chính của ông B. Ô-ba-ma được coi là biện pháp cải tổ sâu rộng nhất trong nhiều thập niên qua trong hệ thống nhập cư của Mỹ. Tuy nhiên, sắc lệnh này không được thực thi khi vấp phải sự phản đối của các nhà lập pháp của đảng Cộng hòa cho rằng, chủ trương của chính quyền Ô-ba-ma là “một cuộc đại ân xá” nhằm gia tăng số lượng người ủng hộ đảng Dân chủ. Với các tranh cãi kéo dài, sắc lệnh của Tổng thống B. Ô-ba-ma về người nhập cư đã không thể thực hiện trước cuộc tổng tuyển cử năm 2016, khiến gần 5 triệu người nhập cư phải tiếp tục làm việc “ngoài vòng pháp luật” và không được hưởng quyền lợi lao động hợp pháp để có đủ khả năng chu cấp cho gia đình.

Tình trạng bạo lực do sử dụng súng ở Mỹ cũng là một trong những tâm điểm chú ý đối với an ninh nội bộ của quốc gia này. Những vụ thảm sát từ súng đạn liên tiếp xảy ra, như vụ thảm sát ở Ô-rô-ra năm 2011, vụ xả súng ở bang Con-nếch-ti-cớt năm 2012,... Năm 2015, nước Mỹ nhiều lần chứng kiến các vụ bạo lực súng đạn nhằm vào người vô tội. Tính đến ngày 02-12-2015, tại Mỹ đã xảy ra tổng cộng 353 vụ xả súng lớn tại 220 địa điểm, cướp đi sinh mạng của 462 người và làm 1.317 người bị thương (3). Như vậy, trung bình mỗi ngày có ít nhất một vụ xả súng. Việc lạm dụng súng đạn đã khiến người dân Mỹ tiếp tục đặt câu hỏi về vai trò và trách nhiệm của giới chức và các nhà lập pháp Mỹ trong việc kiểm soát. Thực tế là, trong bối cảnh súng đạn tràn lan, việc cải cách Luật Sở hữu súng đạn càng chậm trễ sẽ làm cho nước Mỹ càng phải chứng kiến nhiều hơn các vụ xả súng đẫm máu với mức độ ngày càng nghiêm trọng hơn. Tuy nhiên, không dễ dàng để giới lập pháp Mỹ tìm được tiếng nói chung trong vấn đề này do ảnh hưởng của các nhóm lợi ích trong ngành công nghiệp súng đạn ở Mỹ vẫn rất lớn. Với doanh thu bán súng đạn lên tới khoảng 3,5 tỷ USD/năm, các nhóm này khó có thể ủng hộ cho dự luật kiểm soát súng đạn. Kinh doanh vũ khí là một trong những ngành mang lại lợi nhuận khổng lồ và đây chính là lý do khiến các nhóm vận động hành lang ra sức lôi kéo lá phiếu của các nghị sĩ để bảo vệ lợi ích nhóm của họ. Với tình trạng trên, việc dự luật bị “treo” là điều không tránh khỏi. Và cho dù, mới đây Tổng thống B. Ô-ba-ma đã quyết định đơn phương giải quyết vấn đề an ninh súng đạn tại Mỹ với việc sử dụng quyền hành pháp của Tổng thống mà không thông qua Quốc hội, đưa ra một loạt các quy định về kiểm soát súng đạn thì việc chấm dứt những tranh cãi cũng như tìm lời giải cho vấn đề này vẫn rơi vào bế tắc.

Hướng đến mục tiêu giữ vai trò lãnh đạo thế giới, nước Mỹ vẫn còn nhiều việc phải làm trong thời gian tới, như giải quyết vấn đề nhập cư, ngăn chặn tình trạng bạo lực liên quan tới súng đạn, đối phó với các mối đe dọa khủng bố và trên hết là coi việc bảo vệ sự an toàn của người dân Mỹ là ưu tiên số một. Tương lai mà nước Mỹ muốn - bao gồm cơ hội và triển vọng sống trong một thế giới hòa bình, bền vững - là mục tiêu có thể thực hiện. Tuy nhiên, điều đầu tiên cần thiết để tìm ra phương cách tháo gỡ “nút thắt” cho mọi vấn đề hiện nay của nước Mỹ chính là một chính trường có sự đồng thuận hơn khi sự rạn nứt giữa các đảng phái không thể hàn gắn những năm qua.

Những mục tiêu mà chính quyền Ô-ba-ma từng đặt ra trong gần 2 nhiệm kỳ tổng thống đã rất khó thực hiện. Bởi một trong những nguyên nhân cơ bản nhất và cũng được coi là điều thất bại nhất trong chính trường nước Mỹ là giải quyết mâu thuẫn giữa đảng Dân chủ của Tổng thống B. Ô-ba-ma và đảng Cộng hòa nắm giữ đa số tại Quốc hội Mỹ. Mâu thuẫn bấy lâu nay chưa thể hóa giải đã làm chậm chễ những cam kết về sự thay đổi của nước Mỹ. Do vậy, những vấn đề tương lai của nước Mỹ trong 5, 10 năm hay những năm xa hơn chính là nhiệm vụ cho các tổng thống kế nhiệm và cho người dân Mỹ khi các đảng tại Quốc hội Mỹ gạt sang bên những hoài nghi, bất đồng quan điểm về hàng loạt vấn đề gây tranh cãi để kết nối quá khứ với hiện tại, thức tỉnh sức mạnh của sự đồng lòng và khơi gợi về những ý tưởng của nước Mỹ - những phẩm chất làm nên một siêu cường thế giới.

Nắm giữ nền kinh tế phát triển nhất trên thế giới, nước Mỹ đang chờ đợi một loạt những dự luật quan trọng được thông qua, như: thay đổi bộ luật thuế, luật an ninh mạng (trong đó, tăng cường an ninh mạng, khuyến khích các công ty công nghệ tư nhân chia sẻ thông tin nhiều hơn với chính phủ nhưng vẫn bảo đảm được quyền riêng tư của công dân), nỗ lực tinh giản chính phủ, cắt giảm ngân sách và cải cách chế độ nhập cư cũng như trong các biện pháp thúc đẩy kinh tế Mỹ tăng trưởng mạnh hơn nữa.

Những thách thức chủ yếu trên chính sách đối ngoại của nước Mỹ sẽ tiếp tục là những bài toán khó, như sự chuyển đổi chính trị tại Trung Đông, sự suy giảm tăng trưởng của Trung Quốc, ứng phó với một nước Nga cứng rắn trong bảo vệ lợi ích tại các vùng đệm chiến lược, cho đến cuộc chiến chống chủ nghĩa khủng bố,… đòi hỏi sự kiên nhẫn chiến lược và phát huy tốt các cơ chế đa phương để thúc đẩy các mục tiêu đối ngoại dài hạn của Mỹ. Triển khai những bước đi cần thiết để thúc đẩy bình thường hóa quan hệ với Cuba (như đóng cửa nhà tù quân sự ở Vịnh Guan-ta-na-mô của Cuba hay dỡ bỏ lệnh cấm vận), đẩy mạnh việc thông qua TPP là những mục tiêu ngắn hạn của Mỹ.

Tựu trung lại, tương lai của nước Mỹ sẽ được hướng tới các mục tiêu: mang lại sự công bằng và cơ hội an ninh cho tất cả mọi người; công nghệ phục vụ con người thay vì chống lại con người, đặc biệt trong việc giải quyết thách thức về biến đổi khí hậu; nước Mỹ an toàn và tiếp tục dẫn dắt thế giới mà không trở thành quốc gia “cảnh sát”; và cuối cùng, một nền chính trị phản ánh những điều tốt đẹp nhất của nước Mỹ, chứ không phải là những điều tồi tệ nhất./.

---------------------------------------------

(1) Kinh tế Mỹ tạo thêm 292.000 việc làm trong tháng 12-2015, http://vnanet.vn/webdichvu/vi-VN/54/Default.aspx?news=GX3/FgGofdE=

(2) Obamacare mang tới dịch vụ y tế cho 17 triệu người Mỹ, http://www.vietnamplus.vn/ obamacare-mang-toi-dich-vu-y-te-cho-17-trieu-nguoi-my/332186.vnp

(3) Nhìn lại thế giới 2015: Nước Mỹ chưa có lời giải cho vấn đề kiểm soát súng đạn, http://vnanet. vn/webdichvu/vi-VN/LienKetTin/18243.aspx?news=yCqPNiG+OEY=