Những sự kiện quốc tế đáng chú ý trong tuần (từ ngày 04-01 đến ngày 10-01-2016)
Chính quyền Mỹ quyết tâm siết chặt kiểm soát súng đạn
Sơ tán các con tin khỏi trung tâm kế hoạch hóa gia đình ở Colorado Springs sau vụ xả súng. Ảnh: AFP/TTXVN
Ngày 04-01-2016, Mỹ đã công bố các biện pháp kiểm soát súng đạn mới. Theo đó, Cục Quản lý rượu bia, thuốc lá, súng và chất nổ (ATF) - cơ quan trực tiếp thực hiện các hoạt động kiểm soát súng đạn, sẽ được quyền kiểm tra giấy phép đăng ký của những người bán súng tại cửa hàng, nơi triển lãm hay trên mạng internet. ATF cũng đã hoàn thành quy định liên quan việc kiểm tra lý lịch của những đối tượng mua vũ khí nguy hiểm, không phân biệt cá nhân hay tổ chức, doanh nghiệp,… Tổng thống Mỹ Barack Obama khẳng định các biện pháp trên phù hợp với Hiến pháp sửa đổi lần thứ hai của Mỹ, trong đó quy định quyền sở hữu súng đạn. Ông khẳng định những thay đổi này là điều mà đa số người Mỹ, kể cả những người sở hữu súng ủng hộ và tin tưởng. Tổng thống B. Obama cũng nêu rõ các biện pháp này có thể không ngăn chặn được tất cả các vụ xả súng hay hành động bạo lực nhưng sẽ bảo vệ được tính mạng của nhiều người.
Bước đi đơn phương này của Tổng thống Obama được dự báo sẽ châm ngòi cho một cuộc tranh cãi dai dẳng dẫn đến các động thái pháp lý. Phe Cộng hòa ngay lập tức đã lên tiếng cáo buộc ông B. Obama đã vượt quá quyền hạn. Chủ tịch Hạ viện Paul Ryan đã chỉ trích việc Nhà Trắng không tham vấn Quốc hội về vấn đề này và khẳng định Tổng thống sẽ không thể thuyết phục Quốc hội ủng hộ nếu các nghị sĩ Mỹ không biết chi tiết về kế hoạch kiểm soát súng đạn của chính quyền.
Viện trợ phát triển cho các nước nghèo nhất giảm
Số tiền viện trợ phát triển
chuyển tới cho các nước nghèo nhất thế giới lại ở mức thấp nhất trong 8
năm trở lại đây. Ảnh: AFP/TTXVN
Theo báo cáo của Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD), số tiền viện trợ phát triển của các nước giàu đạt mức cao kỷ lục trong năm 2014, song con số chuyển tới cho các nước nghèo nhất thế giới lại ở mức thấp nhất trong 8 năm trở lại đây. OECD cho biết tổng các khoản viện trợ phát triển chính thức (ODA) trong năm 2014 đạt 137,2 tỷ USD, tăng hơn 2 tỷ USD so với năm 2013. Tuy nhiên, lượng ODA rót vào các nước thuộc diện nghèo nhất thế giới giảm 9,3% về giá trị thực so với năm 2013 do một số khoản viện trợ đã được chuyển sang một số quốc gia khác. Đây là năm thứ hai liên tiếp ODA đến được với nhóm nước kém phát triển nhất giảm. Trong năm 2014, số tiền viện trợ mà nhóm nước kém phát triển nhất thế giới nhận được là 43,7 USD tỷ USD, chiếm 30% tổng ODA toàn cầu. Đây là tỷ lệ thấp nhất kể từ năm 2006.
Trả lời báo giới, Yasmin Ahmad, người đứng đầu bộ phận thống kê dữ liệu của OECD, cho hay xu hướng đáng ngại này đã diễn ra trong vài năm nay. Ủy ban Viện trợ phát triển (DAC) đang nỗ lực thúc đẩy sự quan tâm đối với vấn đề này và đưa các nước kém phát triển nhất vào diện ưu tiên trở lại. Giới chuyên gia cho rằng những số liệu mới nhất cần là tiếng chuông thức tỉnh đối với cam kết của lãnh đạo thế giới đối với các nước kém phát triển nhất thế giới. Afghanistan là quốc gia tiếp nhận nhiều ODA nhất trong năm vừa qua, tiếp đến là Việt Nam, Syria, Pakistan, Ethiopia, Hy Lạp và Thổ Nhĩ Kỳ. Trong 28 nước thành viên OECD mà DAC đề cập, Mỹ vẫn là quốc gia đóng góp ODA lớn nhất trong năm 2014 với số tiền lên tới 33,1 tỷ USD, tiếp theo là Anh với 19,2 tỷ USD, theo sau đó là các nước Đức, Pháp và Nhật Bản.
El Nino tiếp tục ảnh hưởng tiêu cực tới nhiều quốc gia trên thế giới
Hiện tượng thời tiết cực đoan El Nino vẫn tiếp tục ảnh hưởng tiêu cực tới nhiều quốc gia khác nhau trên thế giới. Ảnh: TTXVN
Đến đầu năm 2016, hiện tượng thời tiết cực đoan El Nino vẫn tiếp tục ảnh hưởng tiêu cực tới nhiều quốc gia khác nhau trên thế giới. Trong báo cáo hằng năm được công bố ngày 06-01, Cơ quan dự báo thời tiết Australia cho biết năm 2015, quốc gia này đã trải qua năm thứ năm nóng kỷ lục do nhiệt độ Trái đất ấm lên và hiện tượng thời tiết cực đoan El Nino. Nhiệt độ trên toàn Australia trong năm 2015 đã tăng 0,83°C so với mức nhiệt trung bình trước đó, một số đợt nóng đã xuất hiện trong năm và mức nhiệt nóng đã phá kỷ lục giai đoạn từ tháng 10 đến 12 hằng năm. Trong khi đó, hiện tượng El Nino cũng tiếp tục ảnh hưởng tới Mỹ. Ông Mike Halpert, Phó Giám đốc Trung tâm dự báo khí hậu Mỹ, cho rằng hiện tượng El Nino năm 2015 đạt ngang với mức đỉnh điểm của đợt El Nino kỷ lục được ghi nhận vào giai đoạn 1997 - 1998. Các số liệu ban đầu được ghi nhận trong ba tháng 10, 11, 12-2015 cũng trùng với giai đoạn này của năm 1997. Đáng chú ý, đợt bão El Nino đầu tiên trong năm nay đã ảnh hưởng nghiêm trọng tới khu vực miền Nam bang California gây mưa lớn ở những khu vực hạn hán nghiêm trọng và kèm theo lũ lụt và sạt lở đất ở một số khu vực. Theo số liệu công bố ngày 05-01, lượng mưa lớn ở sân bay Los Angeles đã đạt mức 3,6cm, phá vỡ lượng mưa kỷ lục 3,4cm ghi nhận vào năm 1979. Mưa lớn khiến một số tuyến đường bị tê liệt và giới chức địa phương đã đưa ra cảnh báo lũ quét và mất điện. Dự báo, một số cơn bão El Nino khác cũng sẽ tác động tới California trong những tuần tới song lượng mưa không đáng kể.
El Nino là hiện hượng thời tiết đặc biệt với sự xuất hiện của dòng hải lưu nóng bất thường trên Thái Bình Dương. Các dòng hải lưu nóng thường bị gió Đông chặn lại ở Tây Thái Bình Dương, đẩy xuống khu vực Indonesia và Australia. El Nino xảy ra theo chu kỳ từ 2 đến 7 năm, với cường độ khác nhau, khiến nhiệt độ nước ở Tây Thái Bình Dương có thể tăng lên tới 4°C so với bình thường.
Căng thẳng Saudi Arabia - Iran: Cộng đồng quốc tế kêu gọi giải quyết thông qua đối thoại
Đại sứ quán Saudi Arabia ở Tehran, Iran bị phóng hỏa trong cuộc biểu tình ngày 02-01-2015. Ảnh: AFP/TTXVN
Ngày 06-01-2016, theo hãng thông tấn Kyodo, trong một cuộc điện đàm, Ngoại trưởng Nhật Bản Fumio Kishida và Ngoại trưởng Mỹ John Kerry đã chia sẻ quan ngại về quan hệ xấu đi giữa Saudi Arabia và Iran, đồng thời xác nhận một kế hoạch hối thúc tất cả các bên kiềm chế vì sự ổn định ở Trung Đông, tránh gây ảnh hưởng tới tiến trình hòa bình trong khu vực, đặc biệt là các nỗ lực chấm dứt cuộc nội chiến kéo dài 5 năm qua tại Syria. Cùng ngày, Bộ Ngoại giao Thổ Nhĩ Kỳ cũng kêu gọi Saudi Arabia và Iran giữ bình tĩnh và cùng ngồi vào bàn đàm phán. Ngày 05-01, Cố vấn phụ trách vấn đề đối ngoại của Thủ tướng Pakistan, ông Sartaj Aziz cho biết, Pakistan sẽ đóng vai trò tích cực và khách quan - với tư cách là thành viên quan trọng của Tổ chức Hợp tác hồi giáo (OIC), đồng thời là bạn của cả Saudi Arabia và Iran - nhằm thu hẹp bất đồng giữa hai nước này.
Quan hệ giữa Riyadh và Tehran căng thẳng sau khi Saudi Arabia ngày 02-01 xử tử 47 phạm nhân bị cáo buộc các tội danh liên quan khủng bố, trong đó có giáo sĩ dòng Shiite Nimr al-Nimr, dẫn tới bùng phát các cuộc biểu tình phản đối Saudi Arabia tại các nước có người Hồi giáo Shi'ite chiếm đa số. Tại Iran, đã xảy ra một loạt vụ tấn công đốt phá nhằm vào Đại sứ quán và Lãnh sự quán Saudi Arabia. Phản ứng trước các vụ tấn công này, Riyadh tuyên bố cắt đứt quan hệ ngoại giao với Tehran. Một số đồng minh Arab dòng Sunni của Saudi Arabia, như Bahrain và Sudan cũng tuyên bố cắt đứt quan hệ với Iran; Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE) quyết định hạ cấp ngoại giao với Iran và Kuwait triệu hồi đại sứ tại Iran. Trong khi đó, Saudi Arabia khẳng định tất cả 47 phạm nhân khủng bố bị tử hình vừa qua đã được xét xử công bằng, không phân biệt giáo phái, tín ngưỡng hay sắc tộc. Phán quyết của tòa án căn cứ vào các hành động phạm tội của bị cáo.
Triều Tiên tuyên bố tiếp tục đẩy mạnh chương trình hạt nhân
Hình ảnh vệ tinh bãi thử hạt nhân Punggye-ri ở Triều Tiên. Ảnh: BBC/TTXVN
12 giờ ngày 06-01-2016 (giờ địa phương), phía Triều Tiên tuyên bố thử thành công bom nhiệt hạch (còn gọi là bom H). Một số lãnh đạo thế giới và tổ chức quốc tế đã có những phản ứng tức thì. Cả Tokyo và Seoul đều cho rằng vụ thử hạt nhân của Triều Tiên là “mối đe dọa, thách thức nghiêm trọng” đối với hòa bình thế giới và hoàn toàn không thể dung thứ. Theo Reuters, AFP và Tân hoa xã, cũng trong ngày 06-01, Ngoại trưởng Anh Philip Hammond cho biết cả nước này và Trung Quốc đều phản đối vụ Triều Tiên thử thiết bị hạt nhân nhiệt hạch được thu nhỏ, đồng thời ủng hộ việc nối lại cuộc đàm phán 6 bên về giải trừ quân bị. Trong cuộc điện đàm giữa Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ashton Carter và người đồng cấp Nhật Bản Gen Nakatani ngày 08-01, Washington đã tái khẳng định cam kết bảo đảm an ninh cho Tokyo và các đồng minh trong khu vực. Phản ứng về vụ thử bom của Triều Tiên, Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc đã có kế hoạch tổ chức cuộc họp khẩn để thảo luận về vụ thử bom H của Triều Tiên.
Về phía Triều Tiên, Hãng thông tấn trung ương Triều Tiên (KCNA) cho biết, sau khi thông báo thử thành công bom H, Triều Tiên tuyên bố sẽ tiếp tục đẩy mạnh chương trình hạt nhân của nước này chừng nào Mỹ vẫn duy trì cái mà Bình Nhưỡng gọi là “thái độ hiếu chiến”. Triều Tiên nhấn mạnh “sẽ hành xử như một nước sở hữu hạt nhân có trách nhiệm”, đồng thời cam kết không sử dụng vũ khí hạt nhân nếu chủ quyền đất nước không bị vi phạm, cũng như không chuyển giao năng lực hạt nhân cho các bên khác.
Ngân hàng Thế giới: Kinh tế toàn cầu tăng trưởng lạc quan trong năm 2016Bất chấp những khó khăn, kinh tế thế giới được dự báo vẫn tăng trưởng lạc quan trong năm 2016. Ảnh: bigthink.com
Trong báo cáo công bố gần đây, Ngân hàng Thế giới (WB) hạ dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu năm 2016 xuống còn 2,9% so với mức 3,3% được đưa ra hồi tháng 6-2015, nhưng vẫn cao hơn so với 2,4% năm 2015, nhờ sự phục hồi kinh tế của các nước phát triển. Bức tranh kinh tế ngày càng xấu đi ở các thị trường mới nổi (BRICS, bao gồm Brazil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc và Nam Phi) là lý do lớn nhất khiến kinh tế thế giới bước vào năm thứ năm liên tiếp có mức tăng trưởng dưới 3%. Dự báo tăng trưởng 4,8% của WB đối với các nước đang phát triển trong năm 2016 là thấp hơn so với những dự đoán trước đây, nhưng lại cao hơn so với mức tăng trưởng 4,3% của năm 2015. Các chuyên gia kinh tế quốc tế nhận định rằng bất chấp chiến tranh, thị trường chứng khoán Trung Quốc chao đảo, giá dầu mỏ tiếp tục giảm và có thể xảy ra một số cuộc khủng hoảng mới, kinh tế thế giới vẫn lạc quan và chiều hướng đi lên trong năm 2016.
Báo cáo trên cũng dự báo năm 2016, mức tăng trưởng Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Trung Quốc có thể giảm từ 7% xuống còn 6,7% (mức thấp nhất kể từ năm 1990) và hạ từ 6,9% xuống còn 6,5% trong năm 2017. WB cũng hạ dự báo tăng trưởng của nền kinh tế Mỹ từ 2,8% xuống còn 2,7% trong năm 2016 và 2,4% năm 2017, chủ yếu do đồng USD tăng giá sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến tình hình xuất khẩu của nền kinh tế lớn nhất thế giới này. Trong khi đó, chính sách tiền tệ nới lỏng sẽ giúp đồng Yên Nhật Bản và Khu vực đồng Euro (Eurozone) duy trì được đà phục hồi nhưng mong manh. Kinh tế Nhật Bản cũng dự báo sẽ giảm 0,4% xuống mức 1,3% năm 2016 và 0,9% năm 2017. Các nền kinh tế của Liên minh châu Âu (EU) dự báo tăng trưởng 1,7% cho cả hai năm 2016 và 2017,.../.
Tiếp tục đẩy mạnh xây dựng nền quốc phòng toàn dân trong tình hình mới  (12/01/2016)
Sự kiện trong nước nổi bật tuần qua (từ ngày 04 đến 10-01-2016)  (12/01/2016)
Bổ nhiệm Thứ trưởng Bộ Ngoại giao  (11/01/2016)
Truyền cảm hứng cho học sinh yêu thích học lịch sử  (11/01/2016)
Thông cáo báo chí về phiên khai mạc Hội nghị Trung ương 14  (11/01/2016)
- Phát huy vai trò trụ cột của đối ngoại đảng, ngoại giao nhà nước, đối ngoại nhân dân trong phối hợp xây dựng nền ngoại giao Việt Nam toàn diện, hiện đại, thực hiện hiệu quả mục tiêu đối ngoại của đất nước
- Tăng cường công tác dân vận nhằm thực hiện hiệu quả chính sách xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc trong tình hình mới
- Kỷ nguyên số - Bối cảnh và cơ hội cho kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam
- Hoàn thiện hệ thống pháp luật đáp ứng mục tiêu xây dựng, hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc
- Nhận diện những thuận lợi, thời cơ và khó khăn, thách thức chủ yếu của Việt Nam trong kỷ nguyên phát triển mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc
-
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Một số lý giải về cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay và tính toán chiến lược của các bên -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX