Chiều 11-01-2016, Thành đoàn Hà Nội tổ chức tọa đàm “Làm sao để học tốt và yêu thích môn lịch sử”. Đây là sự kiện nằm trong chùm hoạt động Vòng Chung kết toàn quốc Cuộc thi tìm hiểu lịch sử, văn hóa dân tộc “Tự hào Việt Nam” do Trung ương Đoàn tổ chức.
Trong buổi tọa đàm, 85 thí sinh xuất sắc từ 62 tỉnh, thành phố đã lọt vào vòng Chung kết toàn quốc Cuộc thi tìm hiểu lịch sử, văn hóa dân tộc “Tự hào Việt Nam” có dịp gặp gỡ, trao đổi và chia sẻ kiến thức về lịch sử cùng các học sinh trường THPT Phan Đình Phùng, Hà Nội. Buổi tọa đàm là cầu nối để các học sinh, thầy cô giáo và các chuyên gia chia sẻ, trao đổi ý kiến về thực trạng, kinh nghiệm dạy và học môn lịch sử, đồng thời đưa ra những gợi ý, giải pháp nhằm giúp học sinh học tốt và yêu thích môn lịch sử.

Phó Bí thư Thành đoàn Hà Nội Nguyễn Khánh Bình cho biết: Cuộc tọa đàm với chủ đề “Làm sao để học tốt và yêu thích môn lịch sử” nhằm mục đích tuyên truyền, giáo dục đoàn viên, thanh niên về đất nước Việt Nam tươi đẹp, dân tộc Việt Nam anh hùng; giáo dục thế hệ trẻ về truyền thống cách mạng, lòng tự hào dân tộc, bồi đắp tình yêu quê hương, đất nước; tạo sân chơi lành mạnh, bổ ích cho đoàn viên, học sinh, khơi dậy tinh thần ham mê học và nghiên cứu lịch sử, từ đó ý thức được trách nhiệm của mình trong học tập, rèn luyện, lập thân, lập nghiệp, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Trong những năm gần đây, vấn đề dạy và học lịch sử đang thu hút sự quan tâm chú ý của toàn xã hội. Môn lịch sử là một trong những bộ môn có vai trò hết sức quan trọng trong việc bồi dưỡng thế hệ trẻ về kiến thức, văn hóa, tư tưởng, chính trị, phẩm chất đạo đức và phong cách lối sống.

Tuy nhiên, thực tế hiện nay việc dạy và học môn lịch sử vẫn còn nhiều bất cập, chưa đạt được kết quả cao. Ở nhiều nơi, giáo viên vẫn chủ yếu dạy học bằng phương pháp truyền thống “thầy cô đọc - trò chép”, chưa phát huy được tính tích cực, chưa gây hứng thú cho học sinh. Vẫn còn tình trạng học sinh thờ ơ với môn lịch sử, chỉ coi môn lịch sử là môn phụ, chưa thực sự chú ý, quan tâm nhiều đến môn này.

Theo cô Lê Thị Mỹ Dung (giáo viên môn lịch sử của trường THPT Phan Đình Phùng): Việc dạy môn lịch sử hiện nay rất áp lực. Đầu tiên, chương trình sách giáo khoa có lượng kiến thức quá nhiều, trong khi đó, thời lượng tiết học lịch sử quá ít, dẫn đến tình trạng thầy cô giáo phải tìm cách để truyền tải hết lượng kiến thức đó đến với học sinh, khiến các bài giảng không được đầu tư sâu. Đây là một trong những lý do khiến học sinh không mấy hứng thú với bộ môn lịch sử.

Cô Dung cũng phân tích: Lâu nay, việc đổi mới phương pháp dạy học môn lịch sử chưa thực sự hiệu quả, lối dạy truyền thống, thầy dạy trò chép vẫn xuất hiện trong giờ học lịch sử. Mặt khác, xã hội hiện nay coi trọng các môn khoa học tự nhiên, điều này phần nào khiến môn lịch sử bị coi nhẹ. Thực tế, nhiều học sinh cho biết rất thích nghe về những câu chuyện lịch sử nhưng lại không chọn làm môn thi vì đại đa số phụ huynh cho rằng các em theo đuổi môn lịch sử, tương lai sẽ bấp bênh khó tìm việc làm hơn các môn khoa học tự nhiên.

Nói về mong muốn truyền tải kiến thức môn lịch sử, thí sinh Nguyễn Đức Mạnh - trường THPT Chu Văn An cho biết: Nhà trường nên tổ chức các cuộc thi tìm hiểu về lịch sử Việt Nam, lịch sử của trường. Bên cạnh đó, giáo viên cũng phải truyền được cảm hứng cho học sinh; các phương tiện truyền thông đại chúng cần phải truyền thông các câu chuyện lịch sử.

Cùng chung quan điểm với nhiều đoàn viên thanh niên, bạn Rufino Aybar – học sinh nước ngoài lớp 11D1 (trường THPT Phan Đình Phùng) cho biết: Rufino Aybar theo bố mẹ từ Tây Ban Nha sang Việt Nam từ nhỏ và đặc biệt yêu thích lịch sử Việt Nam. Tuy nhiên, những năm gần đây, môn lịch sử bị coi gần như là môn phụ, điều này làm giảm đi vẻ đẹp quan trọng của bộ môn này. Theo Rufino, cần có những giải pháp để cải thiện chất lượng học cũng như giảng dạy, qua đó giúp học sinh nắm bắt và hiểu sâu lịch sử dân tộc Việt Nam. Đầu tiên, đổi mới chương trình sách giáo khoa mặc dù đã được quan tâm thực hiện, nhưng nội dung chưa phù hợp với thanh thiếu niên ngày nay. Tiếp đó, tranh ảnh, tài liệu, phim ảnh… về lịch sử Việt Nam trong mỗi tiết học cần được sử dụng để các bài giảng sinh động và hấp dẫn hơn. Ngoài ra, các kỳ thi tìm hiểu về các nhân vật lịch sử, tổ chức các chuyến tham quan các di tích lịch sử, bảo tàng, tượng đài… cũng cần được tổ chức nhằm nuôi dưỡng lòng yêu thích môn lịch sử trong mỗi học sinh.

Các ý kiến đóng góp tại buổi tọa đàm đều mong muốn đưa học sinh tiếp cận gần hơn với môn lịch sử, giúp các em hiểu được quá trình phát triển của đất nước, dân tộc, mà rộng hơn là cả xã hội loài người. Bộ môn này sẽ giúp các em hiểu hơn về truyền thống tốt đẹp của dân tộc, có lòng tự hào về non sông đất nước, hình thành nhân cách sống, chung tay xây dựng và bảo vệ Tổ quốc./.