Sáng 28-12-2015, Hội nghị trực tuyến giữa Chính phủ với 63 tỉnh, thành phố trong cả nước nhằm triển khai Nghị quyết của Quốc hội về phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách Nhà nước năm 2016 đã khai mạc dưới sự chủ trì của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng.

Đây là hội nghị có tầm quan trọng đặc biệt. Ngoài việc hoàn thiện các dự thảo, thống nhất các giải pháp trong Nghị quyết về phát triển kinh tế - xã hội năm 2016 của Chính phủ, Hội nghị còn là dịp để tháo gỡ, giải quyết kịp thời những vướng mắc, sửa đổi, bổ sung chính sách trong quá trình triển khai tại các địa phương.

Diễn ra từ ngày 28-12 đến hết buổi sáng ngày 29-12, theo chương trình, tại Hội nghị lần này, Chính phủ và các địa phương sẽ thảo luận sâu về báo cáo kiểm điểm công tác chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, tình hình thực hiện Nghị quyết số 01/NQ-CP và thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2015; thảo luận dự thảo Nghị quyết của Chính phủ về một số nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu chỉ đạo, điều hành thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách Nhà nước năm 2016. Hội nghị cũng sẽ đánh giá kết quả công tác thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo và đấu tranh phòng, chống tham nhũng và cải cách hành chính năm 2015. Hội nghị sẽ xem xét đánh giá tình hình cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia; kết quả thực hiện Chính phủ điện tử và tình hình thực hiện Luật doanh nghiệp và Luật đầu tư sửa đổi. Hội nghị quan trọng này cũng sẽ tổng kết, đánh giá tình hình triển khai và chuẩn bị triển khai thi hành các luật đã có hiệu lực năm 2015 và sẽ có hiệu lực trong năm 2016 và một số chính sách mới, quan trọng trong Bộ luật Dân sự (sửa đổi) và Bộ luật Hình sự (sửa đổi).

Kiểm điểm công tác chỉ đạo, điều hành của Chính phủ trong việc thực hiện Nghị quyết 01/NQ-CP và thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2015, Chính phủ đánh giá, trước những khó khăn và thách thức từ tình hình khu vực và thế giới tác động đến kinh tế - xã hội trong nước, dưới sự lãnh đạo của Trung ương Đảng, sự giám sát hiệu quả của Quốc hội, sự chỉ đạo tập trung quyết liệt của Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ, sự nỗ lực của các cấp, các ngành, của doanh nghiệp và toàn dân, đất nước đã đạt được những kết quả quan trọng. Nền kinh tế tiếp tục phục hồi; tốc độ tăng GDP tăng nhanh sau từng quý, ước cả năm đạt 6,68%, cao nhất 8 năm qua, cao hơn mục tiêu đề ra là 6,2%. Kinh tế vĩ mô ổn định, chỉ số lạm phát thấp, bình quân cả năm tăng 2,05% so với năm 2014. Tổng thu ngân sách ước đạt 884,755 ngàn tỷ đồng, vượt dự toán năm. Tổng chi ngân sách Nhà nước ước đạt 1.064,51 ngàn tỷ đồng, bằng 92,8% dự toán. Các ngành, lĩnh vực của nền kinh tế đều có bước phát triển khá; an sinh xã hội được bảo đảm. Đời sống nhân dân từng bước được cải thiện, an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội được giữ vững.

Phát biểu gợi ý thảo luận tại phiên họp sáng nay, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng đề nghị hội nghị thảo luận, phân tích kỹ kết quả thực hiện nhiệm vụ kinh tế - xã hội năm 2015, từ đó, thống nhất những nhóm giải pháp lớn bảo đảm hoàn thành nhiệm vụ kinh tế - xã hội năm 2016 mà Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ 12 của Đảng cũng như Quốc hội sẽ đề ra.

Trong thảo luận về Báo cáo kiểm điểm công tác chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, tình hình thực hiện Nghị quyết số 01/NQ-CP và thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2015, Thủ tướng yêu cầu cần hết sức quan tâm, tập trung làm rõ, đánh giá được những mặt tích cực, những ưu điểm, những kết quả đạt được để tiếp tục phát huy trong năm 2016 và thời gian tới; đồng thời chỉ rõ những mặt hạn chế, những yếu kém còn tồn tại, nhất là nguyên nhân chủ quan, khách quan của những tồn tại, hạn chế để đề ra các giải pháp khắc phục hiệu quả.

Các biện pháp, giải pháp cho năm 2016 phải được xây dựng dựa trên nền tảng tình hình kinh tế - xã hội thực tế; đồng thời triển khai nhanh, toàn diện ngay từ đầu năm với nỗ lực phấn đấu cao nhất để hoàn thành nhiệm vụ năm 2016 - năm đầu tiên triển khai Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ 12 của Đảng và Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2015 - 2020 của đất nước, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng chỉ đạo.

Phân tích tình hình năm 2015, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh cho rằng, động lực tăng trưởng chủ yếu của năm 2015 hội tụ các yếu tố như: Sự phục hồi và tăng trưởng cao của sản xuất công nghiệp, sự tăng trưởng mạnh của khu vực doanh nghiệp FDI. Sức mua và tổng cầu được cải thiện nhờ lòng tin vào ổn định kinh tế vĩ mô; tác động bước đầu của các luật mới được Quốc hội thông qua liên quan đến cải thiện môi trường kinh doanh như Luật doanh nghiệp, Luật đầu tư sửa đổi; các hiệp định FTA được ký kết và kết quả từ việc triển khai quyết liệt các giải pháp cải thiện môi trường kinh doanh theo Nghị quyết số 19/NQ-CP của Chính phủ.

Liên quan đến lĩnh vực nông nghiệp, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Cao Đức Phát cho biết, năm 2015, nền nông nghiệp trong nước trải qua ảnh hưởng El Nino dài nhất trong nhiều năm qua, ảnh hưởng đến hàng ngàn héc ta gieo trồng. Thị trường nông sản sụt giá rất mạnh tác động nghiêm trọng đến các mặt hàng nông sản xuất khẩu chủ lực của đất nước. Bộ trưởng Cao Đức Phát cho biết, trước tình hình đó, Chính phủ đã có nhiều biện pháp chỉ đạo linh hoạt, phù hợp để khắc phục khó khăn, duy trì tăng trưởng, tháo gỡ thị trường cho hàng hóa nông nghiệp, nhờ vậy sản xuất hầu hết các mặt hàng nông, lâm thủy sản đều tăng trưởng, giữ được khối lượng xuất khẩu nhưng do giá giảm chung nên ảnh hưởng đến doanh thu.

Dự báo tình hình thị trường nông nghiệp thế giới năm 2016, Bộ trưởng Cao Đức Phát thông tin, các mặt hàng nông sản xuất khẩu của Việt Nam có nhiều cơ hội chiếm lĩnh thị trường do một số quốc gia ưu thế về nông nghiệp chịu tác động mạnh từ biến đổi khí hậu. Do đó, nhiệm vụ đặt ra đối với sản xuất nông nghiệp là xác định những mặt hàng mũi nhọn, có khả năng cạnh tranh cao để đặt trọng tâm đầu tư, sản xuất, thúc đẩy xuất khẩu. Bộ trưởng Cao Đức Phát đề nghị lãnh đạo các địa phương tăng cường hơn nữa nguồn lực cho nông nghiệp không chỉ để nâng cấp hạ tầng mà quan trọng hơn là đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm; nghiêm túc loại trừ việc sử dụng chất cấm trong trồng trọt, chăn nuôi. Đây cũng là nhiệm vụ trọng tâm số 1 của toàn ngành nông nghiệp trong năm 2016./.