Thăng trầm quan hệ Nga - EU

Tuấn Phương (tổng hợp)
22:09, ngày 25-12-2015

TCCSĐT - Vào những ngày cuối năm 2015, quan hệ giữa Nga và Liên minh châu Âu (EU) trở nên “tối màu” hơn trước động thái EU tuyên bố quyết định gia hạn lệnh trừng phạt kinh tế đối với Nga, cùng với đó là lời chỉ trích cho rằng, Moscow đã gây cản trở khiến “cơ hội cuối cùng” của thỏa thuận thương mại giữa Nga, Ukraine và EU thất bại.

Từ căng thẳng không hạ nhiệt…

Kể từ khi xảy ra cuộc xung đột tại miền Đông Ukraine, Nga và Ukraine bằng nhiều giải pháp khác nhau với sự can thiệp của các bên như EU, Mỹ,… vẫn không chưa thể đạt được nỗ lực trong việc thực hiện đầy đủ Thỏa thuận Minsk. Tình hình căng thẳng giữa Nga và Ukraine không được cải thiện trong suốt năm 2015 khi chính phủ hai nước liên tiếp đưa ra các biện pháp trừng phạt lẫn nhau về kinh tế.

Trong lĩnh vực hàng không dân dụng, Nga và Ukraine đã áp dụng lệnh cấm các chuyến bay thẳng giữa hai nước từ tháng 10-2015, cho dù điều này gây tổn thất lớn về kinh tế cho cả Moscow và Kiev. Ngoài ra, Kiev tuyên bố cấm các máy bay Nga chở vũ khí quân sự và binh sỹ bay qua không phận nước này. Đáp lại, Nga cũng đưa ra quyết định tương tự. Lệnh cấm bay giữa Nga và Ukraine được cho là gây ảnh hưởng trực tiếp tới lượng hành khách (khoảng 70.000 người/tháng). Theo ước tính của Bộ Giao thông Vận tải Nga, lệnh cấm bay sẽ khiến kinh tế hai nước thiệt hại từ 110 triệu - 120 triệu USD/năm.

Lĩnh vực khí đốt không nằm ngoài các biện pháp trừng phạt kinh tế của hai nước. Tháng 11-2015, Tập đoàn khí đốt Gazprom của Nga thông báo ngừng hoạt động cung cấp khí đốt cho Ukraine sau khi chính quyền Kiev không thanh toán trước cho các nguồn cung khí đốt bổ sung. Cho dù, theo các chuyên gia, nếu Kiev từ chối mua khí đốt của Nga sẽ tạo ra những rủi ro nghiêm trọng đối với hoạt động trung chuyển khí đốt cho châu Âu thông qua Ukraine do hiện Nga cung cấp gần 1/3 lượng khí đốt cho châu Âu, một nửa trong số đó được trung chuyển qua Ukraine. Phản ứng trước động thái trên, Thủ tướng Ukraine A. Yatsenyuk tuyên bố, nước này sẽ tìm kiếm nguồn cung cấp rẻ hơn từ các đối tác châu Âu nhằm giảm bớt sự phụ thuộc năng lượng vào Moscow.

Trong trao đổi thương mại, theo Cơ quan Thống kê quốc gia Ukraine ngày 15-12 cho biết, Nga hiện vẫn đang là nhà xuất khẩu hàng hóa chính cho Ukraine. Kể từ tháng 01 đến tháng 10-2015, Ukraine đã nhập khẩu hàng hóa từ Nga với tổng giá trị lên tới 6,4 tỷ USD - dù thấp hơn 43% so với cùng kỳ năm 2014, song vẫn cao hơn so với các nước khác, như Đức (xuất khẩu 3,3 tỷ USD vào Ukraine), Trung Quốc (3 tỷ USD), Belarus (2 tỷ USD) và Ba Lan (1,9 tỷ USD). Nga cũng là quốc gia nhập khẩu hàng hóa chính từ Ukraine với tổng giá trị đạt 4 tỷ USD, thấp hơn 55% so với cùng kỳ năm 2014.

Tuy nhiên, quan hệ thương mại giữa hai nước xấu đi khi Nga đã đưa ra lời cảnh báo về việc Ukraine ký với EU hiệp định liên kết. Bởi theo Nga, hiệp định này sẽ khiến nền kinh tế Nga bị ảnh hưởng vì hàng hóa miễn thuế từ EU. Hơn nữa, Ukraine không thể cùng lúc tham gia hai hiệp định thương mại tự do với cả EU và Cộng đồng các quốc gia độc lập (SNG). Do vậy, trước việc Hiệp định liên kết giữa Ukraine và EU sẽ có hiệu lực vào ngày 01-01-2016, Tổng thống Nga V. Pu-tin, ngày 16-12, đã ký sắc lệnh Nga sẽ đình chỉ Hiệp định Thương mại tự do (FTA) với Ukraine từ ngày 01-01-2016. Sắc lệnh nêu rõ, do tình hình đặc biệt ảnh hưởng đến lợi ích và an ninh kinh tế của Nga và đòi hỏi thông qua các biện pháp tức thời, Nga buộc phải đình chỉ FTA đã ký với Ukraine tại Saint Peterbourg ngày 18-10-2011.

Ngày 21-12, Thủ tướng Nga D. Medvedev thông báo quyết định áp dụng quy chế tối huệ quốc (MFN) thay vì hiệp định khu vực thương mại tự do với Ukraine, cũng như áp dụng các biện pháp đáp trả kinh tế đối với nước láng giềng này từ đầu năm 2016. Theo đó, Nga sẽ áp dụng chế độ thuế nhập khẩu đối với Ukraine theo biểu thuế chung của Liên minh kinh tế Á - Âu (EAES), có nghĩa là Ukraine sẽ hưởng quy chế tối huệ quốc mà không còn bất cứ ưu đãi hay ngoại lệ nào như trước đây. Cho đến nay, theo FTA giữa Nga và Ukraine, mọi hàng hóa Ukraine, trừ đường, không phải chịu thuế khi nhập khẩu vào Nga. Song từ năm 2016, Ukraine triển khai nội dung kinh tế của hiệp định liên kết Ukraine - EU, mở cửa thị trường Ukraine cho hàng hóa từ EU, do đó Moscow phải bảo vệ thị trường cũng như các nhà sản xuất trong nước và không cho phép hàng hóa nước khác nhập vào Nga dưới danh nghĩa là hàng Ukraine.

Về phần mình, Thủ tướng Ukraine A. Yatsenyuk tuyên bố, Kiev đã thiệt hại 600 triệu USD do lệnh cấm nhập khẩu của Nga. Hiện EU đã khẳng định không bồi thường những thiệt hại của Ukraine khi mất thị trường Nga sau khi Hiệp định liên kết giữa Ukraine và EU có hiệu lực. Mặc dù vậy, ngày 24-12, Quốc hội Ukraine đã thông qua dự luật cho phép Chính phủ nước này áp dụng cấm vận thương mại đối với Nga cũng kể từ ngày 01-01-2016 nhằm đáp trả các biện pháp của Nga.

…đến “kẻ mất, người thua”

Xuất phát từ mối bất hòa trong giải quyết xung đột ở Ukraine, EU trong suốt hơn 1 năm qua cũng đã can thiệp, gây sức ép với Nga từ biện pháp trừng phạt kinh tế. Trong bối cảnh đó, Moscow “trả lời” EU bằng những lệnh trừng phạt hay cấm vận trở lại nhằm vào nền kinh tế EU. Theo ước tính sơ bộ của các chuyên gia kinh tế, các lệnh trừng phạt lẫn nhau đã khiến Nga thiệt hại hàng trăm tỷ USD, đồng thời cũng gây tổn thất không nhỏ cho EU.

Tháng 8-2015, Nga ban hành một sắc lệnh cấm hoặc hạn chế nhập khẩu các sản phẩm nông nghiệp từ các quốc gia áp đặt trừng phạt lên những cá nhân, tổ chức Nga nhằm đáp trả phương Tây. Trong sắc lệnh, Tổng thống Nga V. Putin đã yêu cầu áp dụng các biện pháp trên trong một năm để “bảo vệ quyền lợi quốc gia của Liên bang Nga”. Và Thủ tướng Nga D. Medvedev trong cuộc họp chính phủ được truyền phát trực tiếp trên truyền hình ngày 7-8 nhấn mạnh, “quyết định thông qua lệnh cấm này không phải là dễ dàng, nhưng Nga bắt buộc phải làm điều này”. Bởi, theo nhà kinh tế D. Polevoy, quyết định đáp trả này có thể khiến nền kinh tế Nga thiệt hại nặng hơn, Chính phủ Nga phải đối phó với sức ép chống tăng giá và tình trạng khan hiếm hàng hóa ở các siêu thị. Người tiêu dùng ở Nga sẽ ảnh hưởng trực tiếp khi không lựa chọn được hàng hóa nhập khẩu giá rẻ. Bộ Nông nghiệp và Bộ Kinh tế của Nga dự đoán lạm phát trong nước có thể sẽ bùng phát trở lại ở mức hai con số trong thời gian ngắn hạn. Trong khi đó, một số nhà phân tích độc lập lại cho rằng, hàng hóa của các nước bị cấm nhập sớm muộn cũng sẽ tìm được lối vào thị trường Nga qua các nước giáp biên giới vì Nga đã hạ mọi rào cản hải quan với Belarus và Kazakhstan, hai thành viên của Liên minh kinh tế Âu - Á. Ở chiều ngược lại, lệnh cấm này của Nga cũng ảnh hưởng tới nông dân phương Tây xuất khẩu sản phẩm sang Nga, sẽ gây thiệt hại hàng tỷ euro cho châu Âu. Châu Âu ít nhiều sẽ phải đối mặt với tình trạng dư thừa nguồn cung, giảm nguồn thu ngân sách và thất nghiệp.

Cuộc chiến đánh mạnh vào kinh tế giữa Nga - EU dường như không dừng lại. Ngày 21-12, EU tuyên bố gia hạn thêm 6 tháng các biện pháp trừng phạt kinh tế đối với Nga khi các lệnh trừng phạt hiện hành hết hiệu lực vào cuối tháng 01-2016. 28 quốc gia thành viên EU đưa ra quyết định trên sau khi nhận thấy Thỏa thuận hòa bình Minsk nhằm chấm dứt cuộc xung đột ở miền Đông Ukraine chưa được thực thi một cách toàn diện trước cuối năm 2015 như yêu cầu. Tuyên bố nêu rõ, lệnh trừng phạt Nga sẽ kéo dài thêm 6 tháng (đến ngày 31-7-2016) và chủ yếu nhằm vào các lĩnh vực như tài chính, dầu mỏ và các lĩnh vực quân sự cũng như các cá nhân cụ thể. Trong thời gian áp dụng lệnh trừng phạt này, EU sẽ tiếp tục đánh giá sát sao tình hình thực hiện Thỏa thuận Minsk.

Bất bình trước quyết định trên của EU, Bộ Ngoại giao Nga cho rằng, tuyên bố việc kéo dài trừng phạt chống Moscow sẽ càng khuyến khích Kiev vi phạm các điều khoản trong Thỏa thuận Minsk. Moscow tỏ ra gay gắt: “Moscow lưu ý tới quyết định ngày 21-12 của EU về gia hạn các biện pháp hạn chế chống Nga. Chúng tôi phải nói rằng, thay vì hợp tác xây dựng trong việc chống lại những thách thức nghiêm trọng của thời đại chúng ta, chẳng hạn như chủ nghĩa khủng bố quốc tế, Brussels lại muốn tiếp tục chơi trò trừng phạt thiển cận. Việc EU gắn các biện pháp trừng phạt với giải quyết xung đột ở Đông Nam Ukraine là gượng ép và không hợp lý. Cuộc xung đột này không liên quan tới Nga, mà là chính quyền Ukraine hiện nay, những người đã tìm cách sử dụng vũ lực đàn áp những người không cùng quan điểm tại Donbass đối với cuộc đảo chính ở Kiev tháng 02-2014. Cần lưu ý xuất phát điểm khủng hoảng ở Ukraine trong 2 năm qua liên quan tới việc nước này hội nhập với chính EU”.

Động thái trên của EU như “đổ thêm dầu vào lửa” khi cùng thời điểm, EU đổ lỗi cho Nga làm thất bại vòng đàm phán thỏa thuận về tự do thương mại giữa Nga, EU và Ukraine tại Brussels (Bỉ) hôm 21-12. EU khẳng định, EU, Nga và Ukraine đã tiến rất gần đến một thỏa thuận cho phép Ukraine hội nhập với châu Âu. Và theo Ủy viên châu Âu phụ trách Thương mại C. Malmström, cuộc đàm phán thương mại giữa Nga, EU và Ukraine lần này được coi là “cơ hội cuối cùng”, không đạt được thỏa thuận, tài khóa này đã kết thúc. Sẽ không có các cuộc đàm phán tay ba kiểu này nữa. Tuy nhiên, Nga đã không có đủ sự linh hoạt để các cuộc đàm phán thành công. Phản bác lại nhận định trên, Moscow cho rằng, đàm phán thất bại là do Ukraine và EU đã không tính đến lợi ích của Nga. Vì, nếu Ukraine vẫn được hưởng những ưu đãi trong SNG, đồng thời mở cửa thị trường cho hàng hóa châu Âu thì nguy cơ có thể nhìn thấy là, thị trường Nga sẽ tràn ngập hàng châu Âu qua Ukraine.

Như vậy, tác động qua lại từ lệnh trừng phạt kinh tế mà EU áp dụng với Nga trong hơn một năm qua ngày càng cho thấy những thiệt hại lớn về kinh tế của cả hai bên. Trên thực tế, chưa rõ Nga hay phương Tây sẽ thua thiệt hơn khi cấm vận tiếp nối cấm vận nhưng chắc chắn các lệnh trừng phạt, dù do bên nào áp đặt, cũng đều khiến nền kinh tế của các bên mất đi những con số hàng trăm tỷ USD./.