Đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng đối với hệ thống chính trị ở nước ta
TCCS - Về vị trí, vai trò của Đảng trong hệ thống chính trị, Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (bổ sung, phát triển năm 2011) chỉ rõ: “Đảng lãnh đạo hệ thống chính trị, đồng thời là bộ phận của hệ thống ấy”. Điều đó là cơ sở của sự gắn bó giữa xây dựng Đảng và xây dựng hệ thống chính trị, nâng cao năng lực lãnh đạo của Đảng trong hệ thống chính trị. Thực hiện một cách đúng đắn nguyên tắc Đảng lãnh đạo hệ thống chính trị là điều kiện cơ bản quyết định để Nhà nước thực sự trở thành của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân; các đoàn thể thực sự là cơ sở của chính quyền nhân dân. Đồng thời, điều đó cũng giúp cho bản thân Đảng ngày càng trở nên trong sạch, vững mạnh và nâng cao được năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của mình.
Đảng cầm quyền và phương thức lãnh đạo của Đảng
Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (bổ sung, phát triển năm 2011) của Đảng đã khẳng định: “Đảng Cộng sản Việt Nam là Đảng cầm quyền, lãnh đạo Nhà nước và xã hội”. Trở thành Đảng cầm quyền, điều kiện hoạt động, quy mô, nội dung và nhiệm vụ lãnh đạo của Đảng thay đổi căn bản: trọng trách của Đảng trước dân tộc nặng nề hơn, Đảng phải chịu trách nhiệm trước nhân dân về những quyết định của mình, phạm vi lãnh đạo, nhiệm vụ của Đảng trở nên rộng lớn, phức tạp hơn; nội dung và phương thức lãnh đạo của Đảng cũng phải thay đổi cơ bản, những nguy cơ đối với Đảng cũng tăng lên.
Là Đảng cầm quyền, có Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa nên “phương thức lãnh đạo của Đảng phải chủ yếu bằng Nhà nước và thông qua Nhà nước”(1). Cương lĩnh (bổ sung, phát triển năm 2011) của Đảng đã xác định: “Đảng lãnh đạo bằng Cương lĩnh, chiến lược, các định hướng về chính sách và chủ trương lớn; bằng công tác tuyên truyền, thuyết phục, vận động, tổ chức, kiểm tra, giám sát và bằng hành động gương mẫu của đảng viên. Đảng thống nhất lãnh đạo công tác cán bộ và quản lý đội ngũ cán bộ, giới thiệu những đảng viên ưu tú có đủ năng lực và phẩm chất vào hoạt động trong các cơ quan lãnh đạo của hệ thống chính trị. Đảng lãnh đạo thông qua các tổ chức đảng và đảng viên hoạt động trong các tổ chức của hệ thống chính trị, tăng cường chế độ trách nhiệm cá nhân, nhất là người đứng đầu. Đảng thường xuyên nâng cao năng lực cầm quyền và hiệu quả lãnh đạo, đồng thời phát huy mạnh mẽ vai trò, tính chủ động, sáng tạo và trách nhiệm của các tổ chức khác trong hệ thống chính trị”(2).
Để nâng cao năng lực, hiệu quả lãnh đạo của Đảng, Đảng ta đã rất coi trọng việc đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng. Hiệu quả lãnh đạo không chỉ phụ thuộc vào nội dung lãnh đạo mà còn phụ thuộc vào phương thức lãnh đạo.
Trong những năm đổi mới, Đảng Cộng sản Việt Nam ngày càng nhận thức sâu sắc vai trò, tầm quan trọng của phương thức lãnh đạo và yêu cầu phải đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng đối với Nhà nước và hệ thống chính trị về hệ thống những hình thức, biện pháp, cách thức lãnh đạo và đã mang lại những thành tựu quan trọng, góp phần nâng cao hiệu quả lãnh đạo của Đảng, đồng thời phát huy tốt hơn vai trò của Nhà nước và các tổ chức chính trị - xã hội.
Đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng đối với Nhà nước - thành tựu và hạn chế
Đối với Quốc hội
Trong những năm đổi mới, cùng với quá trình xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa và đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng đối với Quốc hội, hoạt động của Quốc hội ngày càng đổi mới, dân chủ, vai trò, chức năng của Quốc hội ngày càng được phát huy. Quốc hội ngày càng thực quyền hơn, hiệu quả lãnh đạo của Đảng được nâng lên rõ rệt, cụ thể là:
Văn kiện các kỳ đại hội Đảng, các nghị quyết của Ban Chấp hành Trung ương các khóa đã xác lập được các quan điểm đúng đắn làm cơ sở cho việc tiếp tục đổi mới tổ chức và hoạt động của Quốc hội.
Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị đã ban hành các nghị quyết để đưa ra Quốc hội những định hướng lớn về bổ sung, sửa đổi Hiến pháp (chẳng hạn Hiến pháp năm 1992); những định hướng, yêu cầu về tổ chức bầu cử Quốc hội cho từng nhiệm kỳ; định hướng xây dựng các đạo luật lớn, các vấn đề kinh tế - xã hội quan trọng; các định hướng phát triển kinh tế - xã hội hằng năm. Ban Chấp hành Trung ương quyết định việc giới thiệu nhân sự để Quốc hội bầu vào các chức vụ Chủ tịch nước, Chủ tịch Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ. Bộ Chính trị quyết định việc giới thiệu nhân sự bầu vào chức vụ Phó Chủ tịch nước, Phó Chủ tịch Quốc hội, Chủ tịch Hội đồng dân tộc, Chủ nhiệm các Ủy ban của Quốc hội...
Sự lãnh đạo của Đảng trực tiếp là Bộ Chính trị đối với Quốc hội thể hiện ở tầm quan điểm, chủ trương, chính sách lớn. Vai trò lãnh đạo của Đảng đối với Quốc hội ngày càng theo phương thức Đảng nêu định hướng, nguyên tắc, quan điểm, chủ trương, giải pháp lớn; còn để Quốc hội thảo luận, quyết định theo thẩm quyền những điều khoản của các đạo luật, những chỉ tiêu kinh tế - xã hội hằng năm... Có những vấn đề tuy lớn nhưng Bộ Chính trị chỉ nêu phương hướng để Quốc hội thảo luận một cách dân chủ, quyết định về mặt nhà nước, không áp đặt.
Đảng lựa chọn và giới thiệu đảng viên có trình độ, năng lực và phẩm chất tốt sang hoạt động ở Quốc hội. Bố trí một số Ủy viên Bộ Chính trị và Ủy viên Trung ương Đảng cần thiết tham gia Ủy ban Thường vụ Quốc hội và làm Chủ nhiệm các Ủy ban, các Hội đồng của Quốc hội.
Trung ương Đảng và Bộ Chính trị thông qua Đảng đoàn Quốc hội và các đảng viên là đại biểu Quốc hội để lãnh đạo hoạt động của Quốc hội. Đảng đoàn Quốc hội chịu trách nhiệm trước Bộ Chính trị, Ban Bí thư lãnh đạo quốc hội thực hiện chức năng lập hiến, lập pháp, giám sát tối cao đối với toàn bộ hoạt động của bộ máy nhà nước; thực hiện đúng đắn đường lối, chủ trương của Đảng, quyết định những vấn đề về tổ chức, cán bộ theo sự phân công, phân cấp của Bộ Chính trị. Kiểm tra việc thực hiện đường lối, chủ trương, nghị quyết của Đảng trong hoạt động của Quốc hội.
Bộ Chính trị chỉ đạo Đảng đoàn Quốc hội, các cơ quan có liên quan thực hiện tốt việc chuẩn bị cho các kỳ họp của Quốc hội, bảo đảm cho các dự án luật, các vấn đề quan trọng khác trình tại kỳ họp và các quyết định của Quốc hội phù hợp với đường lối của Đảng, đồng thời lắng nghe để tiếp thu những ý kiến xây dựng của đại biểu Quốc hội, tôn trọng các quyết định của Quốc hội, tăng cường thảo luận, tranh luận, chất vấn của các đại biểu Quốc hội, phát huy dân chủ trong sinh hoạt Quốc hội. Nhờ vậy, hoạt động của Quốc hội ngày càng có chất lượng, hiệu quả cao; sôi động hơn, thu hút sự quan tâm rộng rãi của dư luận xã hội trong nước.
Bên cạnh những thành tựu nêu trên, trong phương thức lãnh đạo của Đảng đối với Quốc hội cũng còn một số hạn chế sau:
Còn lúng túng trong nhận thức về phương thức lãnh đạo để chuyển từ nghị quyết, kết luận của Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bộ Chính trị thành luật, nghị quyết của Quốc hội. Nhận thức về mối quan hệ giữa quyền của Quốc hội với tư cách là cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất trong việc quyết định những chính sách cơ bản về đối nội và đối ngoại, nhiệm vụ kinh tế - xã hội... với quyền quyết định của Đảng với tư cách là Đảng lãnh đạo chính quyền còn nhiều điểm chưa rõ, cần được tiếp tục nghiên cứu, cụ thể hóa hơn.
Chất lượng nhiều dự thảo luật còn thấp, năng lực làm luật còn nhiều hạn chế, khiến cho một số quy định pháp luật không mang tính khả thi hoặc thiếu chặt chẽ nên phải điều chỉnh, bổ sung nhiều lần; việc chuẩn bị một số dự án luật còn kéo dài, Quốc hội mất nhiều thời gian thảo luận về những vấn đề kỹ thuật. Một số luật từ văn bản luật chuyển thành nghị định, thông tư rất lâu nên luật chậm đi vào cuộc sống.
Việc thực hiện chức năng giám sát của Quốc hội còn lúng túng, hiệu quả chưa cao. Cơ chế bảo vệ Hiến pháp trong điều kiện một đảng cầm quyền chưa được nghiên cứu sâu, toàn diện về lý luận và thực tiễn.
Đối với Chính phủ
Trong quá trình đổi mới, những đổi mới quan trọng về phương thức lãnh đạo đối với Chính phủ ngày càng phù hợp với vị trí và trách nhiệm của Đảng cầm quyền cũng như phù hợp với chức năng, nhiệm vụ của Chính phủ là cơ quan công quyền, vừa không ngừng tăng cường vai trò lãnh đạo của Đảng, vừa nâng cao hiệu lực quản lý, điều hành của Chính phủ; giảm bớt tình trạng bao biện, làm thay, “lấn sân” giữa Đảng và Chính phủ. Những đổi mới đó thể hiện ở các nội dung sau:
Đảng đã xây dựng được một hệ thống quan điểm, nguyên tắc đúng đắn về thẩm quyền và trách nhiệm, về tổ chức bộ máy của Chính phủ. Tổ chức các bộ và cơ quan ngang bộ theo hướng quản lý đa ngành, đa lĩnh vực. Chính phủ thống nhất quản lý việc thực hiện các nhiệm vụ chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, quốc phòng, an ninh và đối ngoại của Nhà nước. Chính phủ, các bộ, ngành tập trung thực hiện chức năng đề xuất dự án luật, xây dựng, ban hành thể chế, kế hoạch, quy hoạch, chính sách quản lý vĩ mô đối với sự phát triển kinh tế - xã hội, chỉ đạo và kiểm tra việc thực hiện. Chính phủ điều hành vĩ mô, giám sát, kiểm tra, kiến tạo sự phát triển, bảo đảm hiệu lực của bộ máy hành chính nhà nước thông suốt từ Trung ương đến cơ sở.
Xác định ngày càng rõ hơn mối quan hệ giữa Đảng và Chính phủ; giữa Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị và Ban Cán sự đảng của Chính phủ. Với tư cách là người lãnh đạo chính trị, Đảng chỉ quyết định những vấn đề về quan điểm, tư tưởng, chủ trương lớn để chỉ đạo, định hướng cho Chính phủ tổ chức thực hiện. Đảng không quyết định những chủ trương cụ thể thuộc phạm vi quản lý của Chính phủ. Đảng không làm thay chính quyền. Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị xem xét, quyết định những phương hướng, chủ trương, chính sách lớn trên các lĩnh vực bảo đảm đúng định hướng chính trị của Đảng. Chẳng hạn, về kinh tế - xã hội, Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị xem xét, quyết định mục tiêu, phương hướng kế hoạch, phương hướng ngân sách nhà nước, các chính sách về các thành phần kinh tế, cơ cấu kinh tế, cơ chế quản lý, quy hoạch phát triển một số vùng, ngành trọng yếu, chủ trương xây dựng những công trình lớn, trọng điểm quốc gia; các chính sách về văn hóa, xã hội, giáo dục, khoa học, y tế,... Trong lĩnh vực cải cách hành chính, Ban Chấp hành Trung ương ban hành chủ trương, nghị quyết về cải cách hành chính, còn Chính phủ có nhiệm vụ xây dựng và ban hành kế hoạch tổng thể về cải cách hành chính cho từng giai đoạn và tổ chức thực hiện. Như vậy, việc lựa chọn đúng những vấn đề quan trọng liên quan tới hoạt động của Chính phủ mà Đảng cần bàn và ra quyết định là rất cần thiết để tránh sự lẫn lộn giữa chức năng lãnh đạo của Đảng với chức năng quản lý của Chính phủ.
Đảng bố trí một số đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Trung ương Đảng tham gia Ban cán sự Đảng Chính phủ, tham gia lãnh đạo Chính phủ và các bộ, cơ quan ngang bộ (thông qua cơ chế Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn). Đảng lãnh đạo Chính phủ thông qua Ban Cán sự đảng Chính phủ trực thuộc Bộ Chính trị, còn ban cán sự đảng các bộ và cơ quan ngang bộ trực thuộc Ban Bí thư. Ban cán sự đảng làm việc theo chế độ tập thể và chịu trách nhiệm trước cấp ủy.
Ban Cán sự Đảng Chính phủ chịu trách nhiệm chính trước Trung ương Đảng toàn bộ hoạt động của Chính phủ về thực hiện đường lối, chính sách, chủ trương của Đảng trong Chính phủ, là người trình các đề án về chủ trương, chính sách trước Ban Chấp hành Trung ương và Bộ Chính trị.
Đảng lãnh đạo tuyệt đối, trực tiếp về mọi mặt đối với Quân đội nhân dân, Công an nhân dân và sự nghiệp quốc phòng - an ninh, tăng cường sự quản lý tập trung thống nhất của Nhà nước đối với quốc phòng và an ninh.
Tuy nhiên, trong phương thức lãnh đạo của Đảng đối với Chính phủ cũng còn một số hạn chế như:
Trong một số trường hợp chưa phân định rõ quyền lãnh đạo của Đảng với quyền quản lý, điều hành của Chính phủ hoặc bộ, ngành. Do đó, không ít trường hợp còn chồng chéo, trùng dẫm lên nhau, vẫn còn tình trạng cấp ủy bao biện làm thay hoặc buông lỏng lãnh đạo đối với hoạt động của chính quyền. Đồng thời, có cả tình trạng cơ quan chính quyền vì sợ trách nhiệm, và để “an toàn” nên đùn đẩy trách nhiệm cho cấp ủy đảng, thẩm quyền vốn của mình nhưng vẫn trình ra xin quyết định của lãnh đạo Đảng.
Chưa thật làm rõ chức năng, nhiệm vụ của Ban Cán sự đảng, mối quan hệ giữa Ban Cán sự đảng Chính phủ với ban cán sự đảng các bộ, ngành, quan hệ giữa Ban Cán sự đảng Chính phủ với Thường trực Chính phủ, với tập thể Chính phủ; mối quan hệ giữa ban cán sự đảng của bộ, ngành với lãnh đạo bộ, ngành, với đảng ủy bộ, ngành. Sự tồn tại và hoạt động của ban cán sự đảng các bộ, ngành nhiều khi còn mang tính hình thức. Chưa phát huy tốt vai trò và trách nhiệm cá nhân của những cán bộ đảng giữ những vị trí chủ chốt trong chính quyền.
Chưa có cơ chế, quy chế thật sự hiệu quả về trách nhiệm và phát huy trách nhiệm người đứng đầu Chính phủ và các bộ, ngành, nhất là trong công tác cán bộ; trong xác định rõ mối quan hệ giữa ban cán sự đảng với các ban, ngành Trung ương khi đánh giá, quy hoạch, bổ nhiệm, điều động, luân chuyển cán bộ thuộc chính quyền.
Một số chủ trương, chính sách đúng nhưng chậm được thể chế hóa thành các quy định của Nhà nước; việc tổ chức thực hiện không kịp thời, thiếu kiên quyết nên đạt hiệu quả thấp. Ví dụ, trong cải cách nền hành chính nhà nước, đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí...
Đối với tòa án nhân dân và viện kiểm sát nhân dân
Trong những năm đổi mới, phương thức lãnh đạo của Đảng trên lĩnh vực tư pháp có nhiều đổi mới, góp phần bảo đảm cho các cơ quan tư pháp thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ theo quy định của pháp luật nhằm phát huy quyền làm chủ của nhân dân, bảo vệ quyền, lợi ích chính đáng và hợp pháp của mọi người dân, bảo đảm pháp luật được thực thi nghiêm chỉnh và thống nhất.
Đảng đã xây dựng được một hệ thống quan điểm, tư tưởng chỉ đạo hoạt động ngành tư pháp, được thể hiện trong các nghị quyết, chỉ thị của Bộ Chính trị, Ban Bí thư, lãnh đạo thể chế hóa những quan điểm đó thành Hiến pháp năm 1992, Hiến pháp năm 2013, thành Luật Tổ chức tòa án nhân dân và Luật Tổ chức viện kiểm sát nhân dân, và các đạo luật khác. Đặc biệt, Bộ Chính trị đã ra Nghị quyết số 08-NQ/TW, ngày 2-1-2002, “Về một số nhiệm vụ trọng tâm công tác tư pháp trong thời gian tới”; và Nghị quyết số 49-NQ/TW, ngày 2-6-2005, “Về chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020”, trong đó quy định tương đối toàn diện, có hệ thống mục tiêu, quan điểm, phương thức, nhiệm vụ cải cách tư pháp đến năm 2020, yêu cầu nâng cao chất lượng hoạt động và trách nhiệm của các cơ quan tư pháp từ công tác điều tra, kiểm sát, hoạt động xét xử và thi hành án. Bộ Chính trị đã thành lập Ban Chỉ đạo cải cách tư pháp để xây dựng Đề án cải cách tư pháp và chương trình công tác hằng năm của Ban Chỉ đạo.
Đã xác định các quan điểm về tổ chức bộ máy, nguyên tắc hoạt động của các cơ quan tư pháp và tiêu chuẩn bổ nhiệm các chức danh tư pháp làm cơ sở cho đổi mới, hoàn thiện tổ chức của tòa án nhân dân và viện kiểm sát nhân dân. Kể từ Hiến pháp năm 1992, tổ chức và hoạt động của tòa án nhân dân đã có một số đổi mới: Chế độ bầu thẩm phán trước đây đã được thay thế bằng chế độ bổ nhiệm thẩm phán; lập mới các tòa chuyên trách (tòa hành chính, tòa lao động, tòa kinh tế). Thực hiện chủ trương của Đảng và Nhà nước về cải cách tư pháp, nhiều quy định của pháp luật về tổ chức và hoạt động của tòa án nhân dân đã được sửa đổi, bổ sung hoặc xây dựng mới, tạo cơ sở pháp lý cho việc đổi mới tổ chức và hoạt động của tòa án, qua đó góp phần nâng cao chất lượng xét xử của tòa án, hạn chế bớt các trường hợp bị xét xử oan sai. Trong xét xử đã có quy trình khoa học hơn, nâng cao hiệu quả tranh tụng, coi trọng vai trò của luật sư.
Thực hiện Hiến pháp năm 1992, Hiến pháp năm 2013 và chủ trương cải cách tư pháp, chức năng, nhiệm vụ của viện kiểm sát đã được điều chỉnh nhằm thực hiện có hiệu lực và hiệu quả chức năng chủ yếu của mình, tránh chồng chéo trong hoạt động với các cơ quan khác, tập trung thực hiện chức năng công tố và giám sát, giải quyết các vụ án hành chính, kinh tế, lao động và phá sản doanh nghiệp.
Công tác thực hành quyền công tố và kiểm sát điều tra các vụ án hình sự đã có tiến bộ, chất lượng công tác kiểm sát được nâng lên. Tòa án các cấp và viện kiểm sát các cấp đã coi trọng việc rèn luyện phẩm chất, nâng cao trình độ năng lực của đội ngũ cán bộ tòa án và viện kiểm sát.
Kiện toàn Ban Cán sự đảng Tòa án Nhân dân tối cao, Viện Kiểm sát Nhân dân tối cao (đều trực thuộc Ban Bí thư). Chức năng, nhiệm vụ, quy chế làm việc, quy định quan hệ lãnh đạo, chỉ đạo của Bộ Chính trị, Ban Bí thư đối với hai Ban Cán sự đảng này được xác định rõ. Ban Cán sự đảng của Tòa án Nhân dân tối cao và Viện Kiểm sát Nhân dân tối cao chịu trách nhiệm lãnh đạo công tác của ngành mình theo đúng chủ trương, đường lối của Đảng và quy định của pháp luật, có trách nhiệm trong giải quyết công tác cán bộ có đủ năng lực, phẩm chất để bầu hoặc bổ nhiệm vào các chức vụ và các chức danh của các cơ quan tư pháp và các chức danh tư pháp khác theo quy định của pháp luật.
Đảng lãnh đạo ngành tòa án nhưng tôn trọng tính độc lập trong xét xử của tòa án. Khi xét xử, tòa án chỉ tuân theo pháp luật, “Thẩm phán, Hội thẩm xét xử độc lập và chỉ tuân theo pháp luật” (Điều 103, Hiến pháp năm 2013). Vì vậy, đã giảm nhiều tình trạng cấp ủy can thiệp vào công tác xét xử của tòa án, nhất là quyết định mức án cụ thể, giảm nhiều tình trạng “bản án bỏ túi”. Đối với một số vụ án đặc biệt nghiêm trọng có liên quan đến an ninh chính trị, đối ngoại, đến cán bộ thuộc diện Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý, theo đề nghị của các cơ quan tư pháp, Bộ Chính trị, Ban Bí thư chỉ đạo về chủ trương xử lý, nhưng không quyết định những vấn đề cụ thể thuộc thẩm quyền của các cơ quan tư pháp.
Một số hạn chế, khuyết điểm trong đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng đối với ngành tòa án và viện kiểm sát: Vẫn còn tình trạng một số cấp ủy can thiệp sâu vào hoạt động nghiệp vụ của các cơ quan tư pháp. Sự chỉ đạo của các cấp ủy đảng trong việc xử lý một số vụ án vẫn còn vướng mắc. Trong thực hành quyền công tố còn để lọt tội phạm, nhất là tội phạm về kinh tế. Vẫn còn tình trạng oan sai trong điều tra, bắt, giam giữ, truy tố, xét xử. Quá trình chỉ đạo các cơ quan tư pháp trong việc kiện toàn tổ chức, bộ máy, chức năng, nhiệm vụ, cơ chế hoạt động và đào tạo, bồi dưỡng cán bộ còn nhiều hạn chế; đội ngũ cán bộ tư pháp, bổ trợ tư pháp còn thiếu.
Đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng đối với Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội
Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội là những bộ phận quan trọng của hệ thống chính trị, là cơ sở chính trị của chính quyền nhân dân, là “cầu nối” giữa Đảng, Nhà nước với nhân dân; có vai trò rất quan trọng trong sự nghiệp đại đoàn kết toàn dân tộc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; đại diện, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của nhân dân, chăm lo lợi ích của các đoàn viên, hội viên; thực hiện dân chủ và xây dựng xã hội lành mạnh; tham gia xây dựng Đảng, Nhà nước; giáo dục lý tưởng và đạo đức cách mạng, quyền và nghĩa vụ công dân, tăng cường mối liên hệ giữa nhân dân với Đảng, Nhà nước.
Vì vậy, trong những năm đổi mới, Đảng rất coi trọng việc tăng cường sự lãnh đạo và đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng đối với Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội.
Đảng tôn trọng tính tự chủ, ủng hộ mọi hoạt động tự nguyện, tích cực, sáng tạo và chân thành lắng nghe ý kiến đóng góp của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể; Đảng, Nhà nước có cơ chế, chính sách, tạo điều kiện để Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội hoạt động có hiệu quả.
Đảng lãnh đạo Nhà nước thể chế hóa vai trò, chức năng, thẩm quyền và trách nhiệm của các tổ chức chính trị - xã hội thành các đạo luật, như Luật Mặt trận Tổ quốc, Luật Công đoàn, Luật Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh; Luật Hội Nông dân, Luật Hội Liên hiệp phụ nữ và Pháp lệnh Hội Cựu chiến binh.
Đảng đoàn Mặt trận Tổ quốc và đảng đoàn các tổ chức chính trị - xã hội trực thuộc Ban Bí thư được kiện toàn. Xác định rõ chức năng, nhiệm vụ của đảng đoàn, quy định quan hệ lãnh đạo, chỉ đạo của Bộ Chính trị, Ban Bí thư đối với đảng đoàn Mặt trận Tổ quốc và đảng đoàn các đoàn thể; quan hệ công tác giữa Đảng đoàn Mặt trận Tổ quốc với Đảng đoàn Quốc hội, với Ban Cán sự đảng Chính phủ và ban cán sự đảng các bộ, ngành Trung ương và với cấp ủy địa phương; quan hệ giữa Đảng đoàn Mặt trận Tổ quốc với đảng đoàn các tổ chức thành viên của Mặt trận Tổ quốc.
Bộ Chính trị, Ban Bí thư lãnh đạo, định hướng nội dung hoạt động của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội trong từng thời kỳ; phát huy tính năng động, sáng tạo, đa dạng hóa các hình thức tổ chức và hoạt động, tăng cường công tác tuyên truyền, vận động, thuyết phục, giải thích rõ quan điểm, đường lối của Đảng để tạo sự đồng thuận, thống nhất cao trong Mặt trận Tổ quốc, đổi mới phương thức hoạt động, khắc phục tình trạng quan liêu, hành chính hóa trong hoạt động của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể. Nguyên tắc hiệp thương chính trị trong hoạt động của Mặt trận Tổ quốc với nguyên tắc tập trung dân chủ trong hoạt động của đảng đoàn và sinh hoạt đảng của từng đảng viên ở Mặt trận Tổ quốc được phân biệt rõ. Bộ Chính trị ban hành và lãnh đạo thực hiện Quy chế Giám sát và phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội và Quy định về việc Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể chính trị - xã hội và nhân dân tham gia góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền. Đảng chuẩn bị việc giới thiệu đảng viên để Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội bầu giữ các vị trí lãnh đạo chủ chốt của mình.
Tuy nhiên, bên cạnh những thành tựu nêu trên, trong đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng đối với Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội thời gian qua vẫn còn một số hạn chế: Phương thức tổ chức, phong cách hoạt động của Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội vẫn chưa khắc phục được tình trạng hành chính hóa, phương thức hoạt động chậm được đổi mới nên hiệu quả còn thấp. Những quy định cụ thể về phương thức Đảng lãnh đạo Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội; về mối quan hệ công tác giữa các tổ chức trong hệ thống chính trị, chậm được sửa đổi, bổ sung, ban hành.
Tiếp tục đổi mới mạnh mẽ phương thức lãnh đạo của Đảng đối với Nhà nước và hệ thống chính trị
Đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng vừa phải bảo đảm sự lãnh đạo của Đảng, vừa phát huy tốt hơn tính chủ động, sáng tạo của các cơ quan nhà nước và các tổ chức chính trị - xã hội, vừa tránh bao biện làm thay, vừa tránh buông lỏng sự lãnh đạo của các tổ chức đảng. Việc đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng đối với Nhà nước và hệ thống chính trị trong thời gian qua đã mang lại những thành tựu quan trọng, góp phần nâng cao hiệu quả lãnh đạo của Đảng, đồng thời phát huy tốt hơn vai trò của Nhà nước và các tổ chức chính trị - xã hội.
Qua gần 30 năm đổi mới, nhờ đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng đối với Nhà nước và hệ thống chính trị phù hợp với tình hình mới nên vừa giữ vững vai trò lãnh đạo của Đảng đối với xã hội, vừa phát huy và nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý kinh tế - xã hội của Nhà nước, vai trò giám sát, phản biện xã hội của các tổ chức chính trị - xã hội.
Tuy nhiên, như Nghị quyết Hội nghị Trung ương 5 khóa X đã nhận định: “Đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng đối với hệ thống chính trị mà trọng tâm là đối với Nhà nước còn chậm và lúng túng. Vẫn còn tình trạng cấp ủy bao biện làm thay hoặc buông lỏng lãnh đạo đối với hoạt động của hệ thống chính trị trên một số lĩnh vực. Chậm ban hành những quy định cụ thể về phương thức Đảng lãnh đạo Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội; về mối quan hệ công tác giữa các tổ chức trong hệ thống chính trị”.
Vì vậy, Đại hội XI của Đảng đã đề ra nhiệm vụ phải “Tiếp tục đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng đối với hoạt động của hệ thống chính trị. Khắc phục tình trạng Đảng bao biện, làm thay hoặc buông lỏng lãnh đạo các cơ quan quản lý nhà nước”(3).
Theo yêu cầu trên, trong thời gian tới, cần thực hiện tốt các giải pháp sau:
- Tiếp tục nghiên cứu về lý luận và thực tiễn của mô hình tổ chức và hoạt động của hệ thống chính trị, trong đó Đảng vừa là một bộ phận, vừa là người lãnh đạo của hệ thống chính trị.
- Mặc dù Hiến pháp năm 2013 đã được ban hành, song vẫn cần tiếp tục nghiên cứu làm sáng tỏ hơn chức năng và nhiệm vụ, tổ chức và hoạt động của các cơ quan, thiết chế nhà nước (Quốc hội, Chủ tịch nước, Chính phủ, cơ quan tư pháp, hội đồng nhân dân và ủy ban nhân dân các cấp); vấn đề phân công, phối hợp và kiểm soát giữa các cơ quan trong việc thực hiện các quyền lập pháp, hành pháp, tư pháp. Đối với các thiết chế cơ bản của Nhà nước, Đảng cần có phương thức lãnh đạo đặc thù.
- Tiếp tục nghiên cứu lý luận và tổng kết thực tiễn về thẩm quyền và trách nhiệm của Đảng cầm quyền và Nhà nước pháp quyền, mối quan hệ giữa lãnh đạo của Đảng và quản lý của Nhà nước, giữa vai trò lãnh đạo của Đảng với tính thượng tôn pháp luật. Tiếp tục xây dựng và hoàn thiện quy chế phối hợp giữa cơ quan, tổ chức đảng với cơ quan, tổ chức nhà nước và đoàn thể nhân dân ở các cấp.
- Cần xác định dân chủ hóa trong công tác lãnh đạo của Đảng là một phương hướng quan trọng trong đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng. Tiếp tục đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng trong bầu cử các đại biểu dân cử trong bộ máy nhà nước, có cơ chế tranh cử trong thực chất và mở rộng quyền ứng cử.
- Tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy đảng đối với công tác cán bộ trong bộ máy nhà nước, bảo đảm Đảng thống nhất lãnh đạo công tác cán bộ và quản lý đội ngũ cán bộ. Việc bố trí cán bộ đảng vào bộ máy nhà nước để lãnh đạo Chính phủ và các bộ, ngành là vấn đề vô cùng quan trọng của Đảng cầm quyền. Nhưng cần lựa chọn đúng và bố trí đúng những cán bộ vừa có năng lực lãnh đạo chính trị, vừa có năng lực quản lý nhà nước, quản lý hành chính. Vì vậy, không nên chỉ lấy tiêu chuẩn cán bộ đảng để bố trí cán bộ chính quyền, không phải cứ là đảng viên, cấp ủy viên thì làm việc gì cũng được; và cũng không phải bất kỳ vị trí công tác nào trong chính quyền cũng phải do đảng viên hoặc cấp ủy viên đảm nhiệm, không nhất thiết bộ nào cũng phải có người đứng đầu là Ủy viên Trung ương Đảng.
- Tăng cường hoạt động kiểm tra, giám sát, kỷ luật của Đảng, đồng thời chỉ đạo sát sao hơn hoạt động thanh tra và hoạt động của các cơ quan bảo vệ pháp luật khác.
- Đổi mới phong cách, lề lối làm việc của các cơ quan lãnh đạo của Đảng từ Trung ương đến địa phương, cơ sở. Đổi mới cách ra nghị quyết theo hướng “thà ít mà tốt”, tập trung lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt để thực hiện nghị quyết; coi trọng công tác kiểm tra, sơ kết, tổng kết. Đẩy mạnh cải cách hành chính trong Đảng, giảm bớt nạn giấy tờ, hội họp, thực hiện theo phương châm mà Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dạy: nói ít làm nhiều, nói đi đôi với làm, nêu cao tính tiên phong, gương mẫu, “làm điều lợi cho dân, tránh điều hại tới dân”, làm cho dân tin, dân theo./.
-------------------------------------------
(1) Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI, Nxb. Chính trị quốc gia - Sự thật, Hà Nội, 2011, tr. 144
(2) Văn kiện Đại hội XI đã dẫn, tr. 88 - 89
(3) Văn kiện Đại hội XI đã dẫn, tr. 264
Chủ tịch nước Trương Tấn Sang: Ngành Kiểm sát nhân dân cần đổi mới để đáp ứng sự tin cậy và mong đợi của nhân dân  (25/12/2015)
Tháo gỡ “điểm nghẽn” nguồn nhân lực cho đồng bằng sông Cửu Long  (25/12/2015)
Chính thức phát điện Tổ máy số 1 nhà máy thủy điện Lai Châu  (25/12/2015)
Liên kết phát triển du lịch vùng Tây Bắc  (25/12/2015)
Việt Nam và Lào tăng cường hợp tác trong lĩnh vực tư pháp  (24/12/2015)
- Thực hiện chính sách xã hội, bảo đảm an sinh và phúc lợi xã hội trong tình hình mới
- Tư tưởng Hồ Chí Minh về chỉnh huấn cán bộ, đảng viên và một số giải pháp trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng hiện nay
- Tổ hợp công nghiệp quốc phòng và gợi mở hướng nghiên cứu về mô hình tổ hợp công nghiệp quốc phòng công nghệ cao ở Việt Nam
- Tỉnh Quảng Trị tập trung lãnh đạo, chỉ đạo một số nhiệm vụ trọng tâm tổ chức đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội XIV của Đảng
- Tăng cường vai trò của tài chính vi mô cho phát triển “nông nghiệp, nông dân và nông thôn xanh” tại Việt Nam
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Kinh tế
Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam