TCCSĐT - Với chiến thắng áp đảo thuộc về đảng Liên đoàn quốc gia vì Dân chủ (NLD) của bà Oong Xan Xu Chi, từ vị trí đảng đối lập, lần đầu tiên trong nhiều thập niên qua, kể từ khi Mi-an-ma thoát khỏi ách đô hộ của thực dân Anh năm 1948, đảng NLD lên nắm giữ quyền lực ở Mi-an-ma. Thực tế mới khiến nhiều người tin tưởng và kỳ vọng vào sự phát triển vượt bậc của kinh tế Mi-an-ma dưới sự dẫn dắt của chính quyền mới, dù song hành cùng đó là những thách thức kinh tế không nhỏ.

Kinh tế Mi-an-ma - kỳ vọng vào sự khởi sắc

Những ưu tiên cho cải cách kinh tế Mi-an-ma được đưa ra cách đây gần 3 năm, trong khuôn khổ cải cách kinh tế và xã hội của Chính phủ Mi-an-ma (FESR). Các ưu tiên bao gồm: cải cách tài chính, cải cách thuế, phát triển kết cấu hạ tầng, khu vực tư nhân, cải cách tiền tệ, tự do hóa thương mại và đầu tư, y tế, giáo dục, bảo đảm an ninh lương thực, ưu tiên tăng trưởng trong lĩnh vực nông nghiệp, tăng cường quản trị và minh bạch, tăng cường hiệu lực và hiệu quả của chính phủ. Trên cơ sở đó, chính phủ đương nhiệm đã tiến hành một số cải cách kinh tế, với sự ra đời của Luật đầu tư nước ngoài, mở cửa thị trường ngân hàng và bước đầu hình thành các đặc khu kinh tế.

Với những chính sách mở cửa kinh tế như trên, nhiều nước đã sẵn sàng tham gia đầu tư vào thị trường Mi-an-ma, dù vẫn còn một số quan ngại về những diễn biến chính trị ở nước này. Việc đảng NLD của bà Xu Chi giành chiến thắng trong cuộc tổng tuyển cử vừa qua ở Mi-an-ma khiến giới đầu tư kỳ vọng đây sẽ là “cú hích” quan trọng đối với kinh tế Mi-an-ma.

Nhiều dự báo lạc quan cho rằng, nguồn vốn đầu tư nước ngoài sẽ chảy mạnh vào Mi-an-ma. Trên thực tế, các nhà đầu tư nước ngoài không chỉ quan tâm đến vị trí địa lý thuận lợi của Mi-an-ma, nằm giữa hai cường quốc kinh tế lớn của châu Á là Trung Quốc và Ấn Độ, mà họ còn muốn tận dụng lợi thế tư cách thành viên của Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) của Mi-an-ma khi Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC) sắp chính thức đi vào hoạt động. Nhiều doanh nghiệp từ Nhật Bản, Trung Quốc, Thái Lan, Việt Nam và một số quốc gia khác đang chuẩn bị tâm thế để đón đầu xu hướng này. Theo Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF), đầu tư trực tiếp nước ngoài vào Mi-an-ma trong năm tài khóa 2014 -2015 sẽ tăng gấp đôi (so với năm tài khóa 2013 - 2014), đạt 8 tỉ USD và con số này tiếp tục tăng trong những năm tới. Các lĩnh vực hàng đầu thu hút đầu tư nước ngoài của Mi-an-ma hiện nay bao gồm: điện (chiếm 33%), sản xuất (22%), dầu và khí đốt (20%), viễn thông (11%), khách sạn và du lịch (5%),... Ngân hàng Phát triển châu Á dự kiến, tăng trưởng GDP của Mi-an-ma sẽ đạt 8,3% trong năm 2015, mức cao nhất so với bất kỳ quốc gia Đông Nam Á nào.

Mặc dù có không ít ý kiến bất bình với hiện trạng điều hành kinh tế của chính quyền hiện nay, nhưng họ vẫn cho rằng, chính phủ đương nhiệm và đảng Liên minh Đoàn kết và Phát triển (USDP) của ông Then Xen cũng đã có những cải cách tỏ ra hiệu quả. Vì vậy, nhiều khả năng NLD sẽ tiếp tục theo đuổi các cải cách này. Song bên cạnh đó, chính sách kinh tế của NLD sẽ tạo thuận lợi hơn nữa cho đầu tư trực tiếp nước ngoài, đặc biệt là các dự án liên quan đến việc chuyển giao công nghệ và kỹ năng; tiến hành cải cách hệ thống thuế và ngăn chặn trốn thuế; tăng cường quyền sở hữu đất đai và hiện đại hóa ngành nông nghiệp; trao quyền độc lập hơn cho Ngân hàng Trung ương nước này. Những cải cách kinh tế ở Mi-an-ma còn thu hút một lượng lớn người Mi-an-ma từng đi di cư quay trở về, đầu tư làm giàu cho quê hương, đất nước.

Giới phân tích nhận định, triển vọng trong trung và dài hạn của kinh tế Mi-an-ma là tương đối thuận lợi do cơ cấu kinh tế tiếp tục được cải cách, đầu tư nước ngoài tăng trưởng và ổn định vĩ mô. Đến năm 2017, Mi-an-ma có thể sẽ là nền kinh tế phát triển nhanh thứ tư thế giới, theo Báo cáo Triển vọng kinh tế toàn cầu của Ngân hàng Thế giới công bố vào tháng 6 - 2015.

Còn nhiều thách thức phía trước

Mi-an-ma là một đất nước rộng lớn, nhiều tài nguyên thiên nhiên nhưng trên thực tế vẫn là nền kinh tế kém phát triển. Chính sách mở cửa kinh tế cách đây vài năm do chính quyền của Tổng thống Then Xen khởi động đã đưa đến nhiều cải cách, mang lại những tín hiệu khởi sắc. Tuy nhiên, điều kiện sống của phần lớn người dân Mi-an-ma tại khu vực nông thôn còn hết sức khó khăn. Nhiều người trong số họ hiện có mức sống dưới 1,25 USD/ngày và GDP bình quân đầu người vào khoảng 810USD. Tình trạng đói nghèo của đại bộ phận dân chúng, cơ sở hạ tầng lạc hậu và sự phụ thuộc nặng nề vào ngành nông nghiệp kém phát triển đang là những gánh nặng cho chính phủ mới.

Thắng lợi áp đảo trong cuộc bầu cử vừa qua sẽ dọn đường cho bà Xu Chi và đảng của bà xóa bỏ dần tình trạng tham nhũng và cải thiện chất lượng dịch vụ công. Nhưng việc chưa thực sự kiểm soát được những bộ phận quan trọng của đất nước, như bộ máy cảnh sát và quân đội, những thế lực đã và đang chi phối nền kinh tế Mi-an-ma, sẽ là thách thức lớn.

Kinh tế Mi-an-ma đang đứng trước nguy cơ tăng trưởng quá nóng. Hệ quả là sự gia tăng đáng kể trong việc nhập khẩu nguyên liệu và nhiên liệu. Do còn phụ thuộc nhiều vào việc xuất khẩu dầu mỏ và khí đốt, nên khi giá dầu thô thế giới giảm, giá xuất khẩu khí đốt tự nhiên của Mi-an-ma cũng giảm theo. Dự trữ ngoại tệ giảm khiến đồng kyat bị mất giá nghiêm trọng, lạm phát tăng cao (dự kiến đến cuối năm 2015, con số lạm phát sẽ tăng lên khoảng 13%), thâm hụt ngân sách 5%, thâm hụt tài khoản vãng lai 9%, dự trữ ngoại tệ giảm (theo đánh giá của IMF). Đầu tư nước ngoài có gia tăng nhưng phần lớn vẫn mang tính chất thăm dò thị trường. Một số doanh nghiệp lớn của Mi-an-ma chưa được gỡ khỏi “danh sách đen”, vẫn chịu sự cấm vận của chính quyền Mỹ, do vậy, việc tìm kiếm đối tác nước ngoài của họ cũng trở nên khó khăn hơn.

Mi-an-ma có khuôn khổ pháp lý khá yếu, còn thiếu luật và thể chế trong việc giám sát hay thương mại hóa các doanh nghiệp nhà nước. Bên cạnh đó, Mi-an-ma cũng phải giải quyết những sai lầm từ quá trình tư nhân hóa các doanh nghiệp nhà nước. Nhiều doanh nghiệp được tư nhân hóa nhưng chủ yếu bán các tài sản của chính phủ thay vì tư nhân hóa thực chất. Dù chiếm phần lớn trong hoạt động kinh tế, nhưng các doanh nghiệp nhà nước ở Mi-an-ma chủ yếu xuất khẩu nhiều hơn so với các doanh nghiệp tư nhân. Đối với lĩnh vực tiêu dùng, các doanh nghiệp tư nhân đóng vai trò quan trọng hơn doanh nghiệp nhà nước.

Các thách thức kinh tế còn đến từ các tác động kinh tế bên ngoài, khi AEC chính thức có hiệu lực, khi đó, thuế nhập khẩu sẽ giảm và nhiều rào cản thương mại sẽ bị gỡ bỏ. Các doanh nghiệp Mi-an-ma khó có thể cạnh tranh được với các doanh nghiệp ASEAN do tỷ lệ vốn đầu tư, sở hữu công nghệ của các doanh nghiệp này còn thấp, lạc hậu. Bên cạnh đó, theo kết quả khảo sát chung năm 2014 do Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế của Liên hợp quốc và Ủy ban xã hội khu vực châu Á - Thái Bình Dương tiến hành cho thấy, vấn nạn tham nhũng đang là trở ngại lớn nhất đối với tăng trưởng kinh tế ở Mi-an-ma. Mi-an-ma cũng thiếu một lượng lớn lao động lành nghề, kết cấu hạ tầng chưa hoàn thiện, việc liên tục thiếu điện,... đang là các yếu tố cản trở sản xuất ở đây. Ngoài ra, việc tiếp cận tài chính cũng là một trong những thách thức lớn đối với các doanh nghiệp Mi-an-ma, đặc biệt là đối với các doanh nghiệp vừa và nhỏ.

Bên cạnh đó, do vị trí địa - chính trị quan trọng của Mi-an-ma, các nước lớn ở trong và ngoài khu vực rất quan tâm tới việc thiết lập quan hệ kinh tế, chính trị và quân sự lâu dài với quốc gia này. Quốc gia nào có được ảnh hưởng ở Mi-an-ma sẽ có ảnh hưởng lớn trong cục diện địa - chính trị ở liên khu vực châu Á - Thái Bình Dương và Ấn Độ Dương. Vì thế, cân bằng được lợi ích giữa các nước lớn, trong đó có các lợi ích về kinh tế, là một bài toán khá nan giải đối với chính quyền mới.

Mặc dù còn những khó khăn, thách thức mà chính quyền mới phải đối mặt, song cộng đồng quốc tế và người dân Mi-an-ma tin tưởng rằng, thành công của cuộc bầu cử vừa qua sẽ giúp Mi-an-ma ổn định chính trị, từ đó tập trung phát triển kinh tế, góp phần quan trọng vào sự ổn định và phát triển chung trong khu vực./.