Nâng cao chất lượng công tác thi đua, khen thưởng ở Kiên Giang
TCCSĐT - Tiến tới Đại hội Thi đua yêu nước toàn quốc lần thứ IX, Đại hội Thi đua yêu nước tỉnh Kiên Giang lần thứ IV đã tiến hành tổng kết, đánh giá phong trào thi đua yêu nước 5 năm qua; biểu dương, tôn vinh những tấm gương tiêu biểu xuất sắc và đề ra phương hướng, nhiệm vụ công tác thi đua, khen thưởng thời gian tới, góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ X (nhiệm kỳ 2015 - 2020) và Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng.
Quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo kịp thời, khuyến khích công tác thi đua, khen thưởng
Thực hiện Chỉ thị số 34-CT/TW, ngày 07-4-2014 của Bộ Chính trị về tiếp tục đổi mới công tác thi đua, khen thưởng; Kế hoạch số 13/KH-HĐTĐKT ngày 03-6-2014 của Hội đồng Thi đua - Khen thưởng Trung ương về tổ chức Đại hội Thi đua và Hội nghị điển hình tiên tiến các cấp tiến tới Đại hội Thi đua yêu nước toàn quốc lần thứ IX, thời gian qua, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo các cấp ủy đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể tiếp tục đổi mới tổ chức phong trào thi đua và công tác khen thưởng. Ủy ban nhân dân tỉnh đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo đổi mới công tác thi đua, khen thưởng, coi đó là nhân tố cơ bản quyết định thành công của các phong trào thi đua yêu nước trên địa bàn tỉnh; phát động phong trào thi đua yêu nước, gắn với việc thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chính trị, phát triển kinh tế, xã hội với chủ đề trọng tâm của từng năm.
Để đổi mới công tác thi đua, khen thưởng, Tỉnh đã quan tâm và phát huy vai trò lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy đảng trong việc đề ra các chủ trương đổi mới về nội dung, phương thức tổ chức phong trào thi đua; tăng cường sự phối hợp giữa chính quyền, Mặt trận và các đoàn thể; xác định trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, địa phương, đơn vị; xem xét khen thưởng cho tập thể, cá nhân dựa trên kết quả để phong trào thi đua yêu nước từng bước đi vào chiều sâu, thực chất hơn. Quan tâm chỉ đạo tổ chức các cụm, khối thi đua bảo đảm tính hợp lý, tương đồng về chức năng, nhiệm vụ, phạm vi hoạt động; phát huy tính sáng tạo, năng động của từng cụm, khối thi đua để hoạt động của cụm, khối thi đua trở thành nhu cầu cần thiết. Coi trọng xây dựng, nâng cao chất lượng bộ máy tổ chức và đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức làm công tác thi đua, khen thưởng từ tỉnh đến cơ sở, góp phần nâng cao năng lực tham mưu cho cấp ủy, lãnh đạo chính quyền về công tác thi đua, khen thưởng. Chính vì vậy, phong trào thi đua tỉnh Kiên Giang đã bám sát được yêu cầu nhiệm vụ chính trị, mục tiêu kinh tế, xã hội trọng yếu, từng bước ổn định và nâng cao đời sống các tầng lớp nhân dân.
Trong lĩnh vực kinh tế, phong trào thi đua đã góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, duy trì tăng trưởng một cách hợp lý. Các cấp, các ngành đã tập trung tổ chức phong trào thi đua giữ vững mức tăng trưởng kinh tế đạt bình quân 10,53% hằng năm; cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng hướng, các nguồn lực xã hội được phát huy; tỷ trọng nông, lâm, thủy sản giảm, dịch vụ tăng.
Trong lĩnh vực văn hóa - xã hội, phong trào thi đua yêu nước được tổ chức thông qua nhiều cuộc vận động lớn, được phát động sâu rộng, đã đem lại hiệu quả thiết thực. Lĩnh vực giáo dục và đào tạo có chuyển biến tích cực; chất lượng nguồn nhân lực dần được nâng cao; hoạt động nghiên cứu, ứng dụng khoa học - công nghệ được quan tâm, nhất là phong trào quần chúng tham gia phát huy sáng kiến, sáng tạo, cải tiến kỹ thuật ngày càng nhiều. Nhiều tiến bộ kỹ thuật, công nghệ mới được áp dụng vào sản xuất, góp phần nâng cao hiệu quả, chất lượng sản phẩm hàng hóa. Các loại hình dịch vụ khoa học - công nghệ ngày càng phát triển đa dạng, phong phú, thúc đẩy chuyển giao ứng dụng tiến bộ khoa học vào sản xuất, kinh doanh và phục vụ dân sinh.
Phong trào thi đua trên lĩnh vực chăm sóc, bảo vệ sức khỏe nhân dân đã động viên cán bộ thầy thuốc tích cực thực hiện “12 điều y đức”, “xây dựng bệnh viện xuất sắc toàn diện”, phấn đấu đạt “chuẩn quốc gia về y tế cơ sở”, góp phần thực hiện tốt các chỉ tiêu kế hoạch đề ra. Công tác dân số - kế hoạch hóa gia đình, bảo vệ, chăm sóc bà mẹ, trẻ em và bình đẳng giới có tiến bộ; tuổi thọ bình quân trong tỉnh tăng, hiện nay đạt 76 tuổi.
Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” được phát động và duy trì tốt, đã gắn kết với phong trào thi đua xây dựng nông thôn mới. Đến nay, toàn tỉnh có 88% hộ gia đình, 83% ấp, khu phố, 19,31% xã, phường, thị trấn và 95% cơ quan, đơn vị đạt chuẩn văn hóa. Công tác trùng tu, tôn tạo, phục dựng di tích lịch sử, các thiết chế văn hóa được quan tâm đầu tư. Phong trào “Đền ơn đáp nghĩa” và công tác an sinh xã hội, từ thiện nhân đạo phát triển mạnh mẽ, đã khơi dậy truyền thống đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”, “Lá lành đùm lá rách” của dân tộc.
Phong trào thi đua yêu nước trong lĩnh vực quốc phòng - an ninh không ngừng được củng cố và tăng cường; thế trận quốc phòng toàn dân gắn với thế trận an ninh nhân dân và thế trận lòng dân ngày càng được củng cố vững chắc; thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội luôn gắn kết chặt chẽ với tăng cường tiềm lực của khu vực phòng thủ; nhận thức, trách nhiệm của các cấp, các ngành và nhân dân về quốc phòng - an ninh được nâng lên; an ninh chính trị - trật tự an toàn xã hội trên địa bàn tỉnh được giữ vững. Phong trào “quần chúng bảo vệ an ninh Tổ quốc” được phát triển với nhiều mô hình mới, như “Tổ an ninh tự quản”, “Cổng rào an ninh”, “Tổ an toàn giao thông”, “Xã, phường, thị trấn; ấp, khu phố, tổ nhân dân tự quản, dòng họ không có ma túy và tệ nạn xã hội”… có bước phát triển mới, phát huy sức mạnh tổng hợp bảo đảm an ninh trật tự, giữ vững ổn định chính trị, xã hội, sẵn sàng đập tan mọi âm mưu diễn biến hòa bình của các thế lực thù địch. Phong trào thi đua trong lĩnh vực an toàn giao thông được chú trọng và phát động rộng rãi trong các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp, trường học bằng nhiều hình thức nhằm giảm số lượng các vụ tai nạn giao thông, được nhân dân đồng tình hưởng ứng.
Thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới và hưởng ứng phát động phong trào thi đua “Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới” của Thủ tướng Chính phủ, phong trào thi đua xây dựng nông thôn mới với chủ đề “Toàn thể cán bộ, nhân dân tỉnh Kiên Giang chung sức, chung lòng xây dựng nông thôn mới” được gắn kết với phong trào xây dựng giao thông nông thôn, phong trào nông dân sản xuất kinh doanh giỏi, phong trào vì người nghèo, phong trào toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa, phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc… đã có nhiều mô hình, cách làm hay, sáng tạo trong tổ chức thực hiện. Phong trào thi đua xây dựng nông thôn mới bước đầu đạt kết quả được nhân dân đồng tình, hưởng ứng tích cực; 118/118 xã (đạt 100%) đã lập và được phê duyệt quy hoạch xã nông thôn mới; tổng vốn đã triển khai thực hiện 17.023 tỷ đồng, trong đó vốn huy động 7.326 tỷ đồng. Đến nay, đã có 18 xã (đạt 15,25%) và huyện Tân Hiệp đạt tiêu chí nông thôn mới.
Phong trào thi đua “dân vận khéo” trở thành phong trào thi đua tạo được sự quan tâm của các cấp ủy, chính quyền, các ngành, các cấp; góp phần đẩy mạnh thực hiện nhiệm vụ chính trị của các cơ quan, địa phương, đơn vị. Phong trào thi đua “Xây dựng chính quyền trong sạch vững mạnh”, “Xây dựng người cán bộ, công chức: trung thành, tận tụy, gương mẫu, sáng tạo, giỏi chuyên môn” được gắn liền với việc sắp xếp tổ chức, điều chỉnh bố trí cán bộ, tổ chức thi tuyển công chức theo cơ chế cạnh tranh, thí điểm thi tuyển công chức lãnh đạo quản lý cấp phòng,... bước đầu có hiệu quả rõ nét. Phong trào thi đua thực hiện cải cách hành chính được tổ chức hằng năm với 6 nội dung nhiệm vụ quy định trong Chương trình Tổng thể cải cách hành chính Nhà nước giai đoạn 2011 - 2020, đã xây dựng được môi trường kinh doanh thông thoáng, tạo niềm tin cho các doanh nghiệp và nhân dân.
Phong trào thi đua lao động giỏi, lao động sáng tạo “Liên kết phục vụ sản xuất nông nghiệp, hiện đại hóa nông thôn và xây dựng nông thôn mới”, phong trào “xanh, sạch, đẹp bảo đảm an toàn vệ sinh lao động”, phong trào thi đua “Giỏi việc nước, đảm việc nhà”,... đã động viên mạnh mẽ công nhân, viên chức, người lao động, khắc phục khó khăn, thi đua nâng cao năng suất, chất lượng hiệu quả, tham gia sắp xếp, đổi mới doanh nghiệp nhà nước, thực hiện thắng lợi nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, chăm lo bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng, hợp pháp của người lao động. Phong trào “Nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau giảm nghèo bền vững và làm giàu chính đáng” đã trở thành phong trào quần chúng sâu rộng, thiết thực, có sức lôi cuốn và cổ vũ mạnh mẽ, đã thu hút đông đảo nông dân tham gia, thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp, nông thôn theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông thôn. Năm năm qua, toàn tỉnh có 60.308 hộ được công nhận danh hiệu “Hộ nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi” các cấp.
Thực hiện Chỉ thị số 03-CT/TW của Bộ Chính trị về tiếp tục đẩy mạnh việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, Tỉnh ủy đã chỉ đạo tổ chức phát động phong trào học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh theo chủ đề chung từ năm 2011 - 2015 và chủ đề từng năm, tạo sức lan tỏa đến tất cả cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang, học sinh, sinh viên và đông đảo các tầng lớp nhân dân trong tỉnh, góp phần nhắc nhở mỗi cá nhân và tổ chức quan tâm nhiều hơn đến việc giữ gìn, tu dưỡng, rèn luyện đạo đức, ngăn chặn những vi phạm đạo đức, lối sống.
Công tác phát hiện, bồi dưỡng, nhân rộng điển hình tiên tiến được quan tâm chỉ đạo và bước đầu có nhiều chuyển biến tích cực. Thực hiện Chỉ thị số 39-CT/TW của Bộ Chính trị và Chỉ thị số 34-CT/TW của Bộ Chính trị “Về tiếp tục đổi mới công tác thi đua, khen thưởng”, các cấp ủy, lãnh đạo chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và đoàn thể đã coi việc phát hiện, bồi dưỡng, nhân rộng điển hình tiên tiến là một trong những động lực tinh thần quan trọng để công tác thi đua, khen thưởng đi vào cuộc sống. Đã tổ chức nhiều Hội nghị biểu dương, tôn vinh các điển hình tiên tiến, hội thảo trao đổi kinh nghiệm thông qua hoạt động của cụm, khối thi đua thuộc tỉnh. Các cơ quan thông tin đại chúng của tỉnh dành thời lượng cần thiết, xây dựng các chuyên trang, chuyên mục, chương trình giao lưu, đối thoại trực tiếp để tuyên truyền, nêu gương các điển hình tiên tiến, góp phần nâng cao và phát huy nền tảng giá trị văn hóa, qua đó hạn chế những ảnh hưởng tiêu cực trong xã hội.
Công tác khen thưởng thực hiện cơ bản chính xác, kịp thời, đúng quy trình, công khai, dân chủ; công tác thẩm định của cơ quan tham mưu được nâng lên về chất lượng, giảm dần tình trạng khen thưởng tràn lan, mang tính hình thức. Trong 5 năm qua, Chủ tịch nước đã tặng 3.424 Huân chương, Huy chương kháng chiến, nâng tổng số có 51.365 người của tỉnh được khen thưởng thành tích kháng chiến; phong tặng và truy tặng danh hiệu “Bà mẹ Việt Nam anh hùng” cho 653 bà mẹ; phong tặng, truy tặng 13 danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân, 02 Thầy thuốc Nhân dân, 28 Thầy thuốc Ưu tú; 26 Nhà giáo Ưu tú; 02 Huân chương Độc lập các hạng, 349 Huân chương Lao động các hạng; Thủ tướng Chính phủ tặng 40 Cờ thi đua, 10 Chiến sĩ thi đua toàn quốc, 712 Bằng khen cho các tập thể và cá nhân. Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh tặng Cờ thi đua xuất sắc cho 307 đơn vị dẫn đầu phong trào thi đua cụm, khối thi đua; công nhận 2.247 tập thể đạt danh hiệu “Tập thể Lao động xuất sắc” và “Đơn vị Quyết thắng”; 1.880 Chiến sĩ thi đua cấp tỉnh; tặng Bằng khen của Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh cho 6.429 tập thể, 17.459 cá nhân.
Tiếp tục đổi mới và nâng cao chất lượng công tác thi đua, khen thưởng
Bên cạnh những thành tích đã đạt được trong 5 năm qua, phong trào thi đua và công tác thi đua, khen thưởng của Kiên Giang vẫn còn một số hạn chế cần khắc phục trong thời gian tới:
Một là, một số cấp ủy, tổ chức Đảng, chính quyền và đoàn thể chưa quan tâm chỉ đạo, đổi mới tổ chức phong trào thi đua yêu nước theo tinh thần Chỉ thị số 34-CT/TW của Bộ Chính trị, kế hoạch phát động phong trào thi đua nội dung, tiêu chí thi đua thiếu cụ thể, chưa phù hợp với đặc điểm thực tiễn; chưa thường xuyên đôn đốc, kiểm tra và cổ vũ, động viên phong trào thi đua. Công tác phát hiện, bồi dưỡng, tổng kết, nhân rộng các điển hình tiên tiến hiệu quả thực hiện chưa cao, còn lúng túng; công tác tuyên truyền, nêu gương điển hình tiên tiến còn đơn điệu, tác dụng và sức lan tỏa còn hạn chế.
Hai là, bộ máy tổ chức làm công tác thi đua, khen thưởng của một số cơ quan, địa phương, đơn vị thiếu quan tâm việc bố trí nhân sự có trình độ, tâm huyết, có khả năng tham mưu về tổ chức phong trào thi đua, khen thưởng, nên chất lượng còn yếu.
Trong thời gian tới đây, để phong trào thi đua yêu nước của tỉnh Kiên Giang có ý nghĩa thiết thực hơn nữa và công tác thi đua, khen thưởng đạt được kết quả cao hơn, Tỉnh ủy, Hội đồng nhân dân tỉnh quyết tâm tiếp tục đổi mới toàn diện công tác thi đua, khen thưởng theo tinh thần Chỉ thị số 34-CT/TW, ngày 07-4-2014 của Bộ Chính trị nhằm phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, tính chủ động, năng động, sáng tạo, huy động mọi nguồn lực xã hội để phấn đấu hoàn thành và hoàn thành vượt mức các mục tiêu, chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội tỉnh Đảng bộ Kiên Giang lần thứ X, nhiệm kỳ 2015- 2020 đề ra.
Để đạt được mục tiêu đó, một số nhiệm vụ trọng tâm cần được thực hiện đồng thời và có hiệu quả:
Thứ nhất, tiếp tục quán triệt Chỉ thị số 34-CT/TW của Bộ Chính trị “Về việc tiếp tục đổi mới công tác thi đua, khen thưởng”, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ hơn nữa về nhận thức, trước hết từ các cấp ủy, tổ chức đảng, lãnh đạo chính quyền các cấp, thủ trưởng, người đứng đầu các cơ quan, địa phương, đơn vị, qua đó tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng các phong trào thi đua yêu nước và công tác khen thưởng.
Nâng cao chất lượng hoạt động của Hội đồng Thi đua - Khen thưởng các cấp; hoạt động của cụm, khối thi đua thuộc tỉnh bảo đảm có chất lượng và đạt hiệu quả thiết thực; thường xuyên kiện toàn và bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, phẩm chất đạo đức và tinh thần trách nhiệm cho đội ngũ làm công tác thi đua, khen thưởng các cấp, đáp ứng yêu cầu đổi mới công tác thi đua, khen thưởng trong giai đoạn hiện nay.
Thứ hai, tổ chức các phong trào thi đua gắn với việc thực hiện nhiệm vụ chính trị, thực hiện mục tiêu, chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội của từng ngành, từng địa phương, từng đơn vị cơ sở và gắn với việc thực hiện cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”; phong trào thi đua nhằm tập trung giải quyết những nhiệm vụ công tác trọng tâm, các khâu đột phá và các chương trình, dự án trọng điểm của tỉnh, những vấn đề phát sinh trong thực tiễn có tính cấp bách, qua đó góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu, chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội năm 2015 - 2020 của tỉnh.
Thứ ba, thường xuyên quan tâm chỉ đạo thực hiện công tác phát hiện, bồi dưỡng, tổng kết, nhân rộng điển hình tiên tiến từ cơ sở tới cấp tỉnh với các hình thức đa dạng phong phú, chú trọng những điển hình là công nhân, nông dân, ngư dân và người lao động trực tiếp. Đồng thời, đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền về thi đua, khen thưởng để nâng cao nhận thức và sự tham gia của mọi người vào phong trào thi đua yêu nước.
Thứ tư, tiếp tục đổi mới và nâng cao chất lượng công tác khen thưởng, chống mọi biểu hiện hình thức, bệnh thành tích trong thi đua, khen thưởng; thi đua, khen thưởng thực sự phải là động lực to lớn và là biện pháp quan trọng xây dựng con người mới, tăng cường khen thưởng đơn vị cơ sở và những người trực tiếp lao động, sản xuất, công tác; kịp thời khen thưởng các tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” và trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng.
Thứ năm, thực hiện đồng bộ, có hiệu quả nhóm giải pháp mà Đại hội thi đua yêu nước tỉnh lần thứ IV đề ra.
- Tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính trên địa bàn tỉnh giai đoạn II (2016 - 2020) mà trọng tâm là cải cách thủ tục hành chính toàn tỉnh; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác quản lý nhà nước, áp dụng hệ thống quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn Việt Nam ISO 9001 - 2008 vào hoạt động các cơ quan của tỉnh. Đẩy mạnh xã hội hóa trên các lĩnh vực văn hóa - xã hội, y tế, giáo dục, thể dục, thể thao; chăm lo tốt sức khỏe của nhân dân, nâng cao chất lượng cuộc sống; hạ thấp tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn mới, bảo đảm an sinh xã hội cho đại bộ phận nhân dân trong tỉnh.
- Tiếp tục thực hiện có hiệu quả phong trào “Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới”; phát huy sức mạnh tổng hợp cả hệ thống chính trị, khơi dậy, nuôi dưỡng và phát huy mạnh mẽ nguồn lực của cộng đồng dân cư kết hợp với huy động nguồn vốn từ các doanh nghiệp, nhân rộng các mô hình cách làm hiệu quả trong xây dựng nông thôn mới. Thông qua phong trào thi đua yêu nước phát hiện, bồi dưỡng tổng kết và nhân rộng mô hình mới, điển hình tiên tiến; chủ động phát hiện, xem xét, đánh giá thành tích của các cá nhân, tập thể, động viên khen thưởng kịp thời.
- Phát huy vai trò của Mặt trận Tổ quốc và đoàn thể các cấp tạo phong trào hành động cách mạng tự giác của nhân dân, huy động được sức mạnh của cả hệ thống chính trị tham gia các phong trào thi đua yêu nước và thực hiện chính sách khen thưởng.
Với truyền thống hào hùng trong kháng chiến, trong xây dựng và bảo vệ quê hương, với tinh thần đoàn kết, sự đồng thuận cao trong Đảng bộ, nhân dân các dân tộc, trong thời gian tới, tỉnh Kiên Giang sẽ tổ chức các phong trào thi đua yêu nước rộng khắp, thiết thực, hiệu quả, góp phần thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chính trị mà Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng và Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ X đề ra./.
Truyện Kiều và chủ nghĩa nhân bản Nguyễn Du  (04/12/2015)
Truyện Kiều và chủ nghĩa nhân bản Nguyễn Du  (04/12/2015)
Mãi xứng đáng với truyền thống 70 năm và danh hiệu Anh hùng Lao động mà Đảng và Nhà nước trao tặng  (04/12/2015)
Nội dung chính Thông điệp Liên bang 2015 của Tổng thống Nga  (03/12/2015)
Đào tạo bác sĩ: Chất lượng phải đặt lên hàng đầu  (03/12/2015)
- Phát huy vai trò của công tác cán bộ để nâng cao năng lực lãnh đạo, cầm quyền của Đảng
- Ấn Độ: Hướng tới cường quốc kinh tế và tri thức toàn cầu trong nhiệm kỳ thứ ba của Thủ tướng Na-ren-đra Mô-đi
- Một số vấn đề về xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa: Thành tựu phát triển lý luận của Đảng qua gần 40 năm tiến hành công cuộc đổi mới (kỳ 1)
- Nhìn lại công tác đối ngoại giai đoạn 2006 - 2016 và một số bài học kinh nghiệm về đối ngoại trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam
- Ý nghĩa của việc hiện thực hóa hệ mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh” trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam
-
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển