Quốc hội thảo luận và biểu quyết thông qua một số Luật
TCCSĐT - Với 85,83% số phiếu tán thành, sáng 19-11, Quốc hội đã biểu quyết thông qua dự thảo Luật An toàn thông tin mạng.
Quốc hội biểu quyết thông qua Luật An toàn thông tin mạng
Quốc hội thông qua toàn văn Luật an toàn thông tin mạng |
Luật An toàn thông tin mạng quy định về hoạt động an toàn thông tin mạng, quyền, trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân trong việc bảo đảm an toàn thông tin mạng; mật mã dân sự; tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật về an toàn thông tin mạng; kinh doanh trong lĩnh vực an toàn thông tin mạng; phát triển nguồn nhân lực an toàn thông tin mạng; quản lý nhà nước về an toàn thông tin mạng.
Luật này áp dụng đối với cơ quan, tổ chức, cá nhân Việt Nam, tổ chức, cá nhân nước ngoài trực tiếp tham gia hoặc có liên quan đến hoạt động an toàn thông tin mạng tại Việt Nam.
Trước khi biểu quyết thông qua, Quốc hội đã nghe, Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo luật của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về dự thảo Luật. Báo cáo nêu rõ, qua thảo luận, có ý kiến đại biểu Quốc hội cho rằng quy định về giấy phép kinh doanh và giấy chứng nhận đủ điều kiện cung cấp dịch vụ, sản phẩm an toàn thông tin mạng không rõ ràng, khó hiểu và đề nghị chỉ có một loại giấy phép cung cấp dịch vụ hoặc sản phẩm an toàn thông tin; với mỗi loại dịch vụ, sản phẩm an toàn thông tin cần có điều kiện kinh doanh phù hợp.
Tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo Ban soạn thảo và các cơ quan liên quan rà soát lại toàn bộ quy định về kinh doanh trong lĩnh vực an toàn thông tin mạng, bảo đảm thống nhất với Luật Đầu tư, Luật Doanh nghiệp; gộp quy định về các giấy phép, giấy chứng nhận đối với các loại sản phẩm, dịch vụ an toàn thông tin mạng để chỉ còn lại 1 loại giấy phép là Giấy phép kinh doanh sản phẩm, dịch vụ an toàn thông tin mạng (Điều 40).
Các quy định về Giấy chứng nhận cung cấp dịch vụ an toàn thông tin mạng đã được xóa bỏ, nội dung các quy định này đã được đối chiếu, lồng ghép vào các điều quy định về giấy phép. Như vậy, vấn đề cấp phép đã được đơn giản hóa tối đa, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho doanh nghiệp và người dân.
Dự thảo Luật đã quy định thống nhất thời hạn cho giấy phép kinh doanh sản phẩm, dịch vụ an toàn thông tin mạng là 10 năm (khoản 2 Điều 40 của dự thảo Luật).
Thống nhất khung pháp lý điều chỉnh hoạt động đấu giá tài sản
Đại biểu Quốc hội thành phố Đà Nẵng Thân Đức Nam phát biểu ý kiến thảo luận dự án Luật đấu giá tài sản |
Sáng nay, các đại biểu Quốc hội đã thảo luận tại hội trường về dự thảo Luật Đấu giá tài sản.
Qua phát biểu, đa số ý kiến của các đại biểu Quốc hội tán thành với sự cần thiết phải ban hành Luật Đấu giá tài sản, góp phần hoàn thiện, thống nhất khung pháp lý điều chỉnh hoạt động đấu giá tài sản; khắc phục những bất cập đang tồn tại hiện nay và bảo đảm tính pháp lý đồng bộ với các luật có liên quan.
Việc ban hành Luật Đấu giá tài sản nhằm thể chế hóa các chủ trương, đường lối của Đảng, cụ thể hóa các quy định của Hiến pháp năm 2013, đáp ứng yêu cầu về xã hội hóa và tính chuyên nghiệp trong hoạt động đấu giá tài sản, góp phần hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, phát triển kinh tế - xã hội và hội nhập quốc tế.
Cũng thể hiện quan điểm tán thành với việc ban hành luật nhằm khắc phục những bất cập đang tồn tại hiện nay, đáp ứng yêu cầu xã hội hóa và tính chuyên nghiệp của hoạt động đấu giá tài sản, tuy nhiên đại biểu Thân Đức Nam (Đà Nẵng) đề cập tới vấn đề đang tồn tại trong hoạt động đấu giá, cần được xử lý trong Luật Đấu giá tài sản.
Theo đại biểu, qua thực tiễn hoạt động đấu giá tài sản thời gian qua, do khung pháp luật thiếu chặt chẽ và do đạo đức của một bộ phận những đấu giá viên yếu kém, tiêu cực trong thực thi nhiệm vụ nên tình trạng thông đồng, "quân xanh, quân đỏ" trong hoạt động đấu giá đã làm mất niềm tin và xâm hại quyền lợi của người có tài sản đấu giá, nhất là đấu giá tài sản thi hành án dân sự, gây thất thoát cho ngân sách nhà nước.
Đại biểu cho biết, từ kinh nghiệm đấu thầu dự án theo Luật Đấu thầu, tình trạng thông thầu xẩy ra quá thường xuyên, chính vì vậy dự thảo cần tập trung chế định chặt chẽ, không để chỗ hở cho tiêu cực, kể cả xem xét tính đồng bộ của các luật có liên quan khác.
Nhiều đại biểu Quốc hội quan tâm tới quy định về đấu giá viên trong dự thảo Luật. Dự thảo quy định “Đấu giá viên là người được cấp chứng chỉ hành nghề đấu giá và điều hành cuộc đấu giá theo quy định của Luật này”.
Tại Điều 10 về đối tượng Đấu giá viên nên xem xét mở rộng đối với cả những người tốt nghiệp cử nhân các ngành tài chính, ngân hàng, bởi những ngành này cũng liên quan mật thiết đến lĩnh vực bán đấu giá - đại biểu đề xuất.
Tại Điểm b khoản 1 Điều 16 quy định người "Không hành nghề đấu giá tài sản trong thời hạn 02 năm, kể từ ngày được cấp Chứng chỉ hành nghề đấu giá, trừ trường hợp có lý do chính đáng”, đại biểu quốc hội băn khoăn bởi một người tham gia làm việc tại công ty đấu giá nhưng công ty đó không tổ chức được cuộc đấu giá nào trong vòng 2 năm hoặc có tổ chức nhưng người đó không được tham gia điều hành thì có bị coi là vi phạm quy định này hay không, vấn đề này cần được làm rõ.
Đánh giá dự Luật có quy định Bộ Tư pháp xét, cấp chứng chỉ hành nghề đấu giá khi đấu giá viên đã đủ điều kiện và tiêu chuẩn đào tạo tập sự hành nghề là phù hợp với công tác quản lý nhà nước, tuy nhiên để phù hợp trong thực tiễn, bảo đảm tính khả thi, bảo đảm việc xã hội hóa mạnh mẽ hoạt động hỗ trợ tư pháp, đại biểu Lê Đắc Lâm (Bình Thuận) đề nghị nên giao cho tổ chức xã hội nghề nghiệp chịu trách nhiệm trong việc đào tạo, tập huấn chuyên môn, đạo đức nghề nghiệp trong lĩnh vực này.
Thảo luận về Điều 21: Doanh nghiệp đấu giá tài sản, có đại biểu đề nghị không nên chỉ giới hạn 2 hình thức (doanh nghiệp tư nhân và công ty hợp danh) mà vẫn duy trì hình thức các Trung tâm đấu giá hiện nay, nhằm đa dạng hóa các hình thức tổ chức đấu giá phù hợp với thực tiễn, đặc điểm của các địa phương khác nhau. Đối với những địa phương kinh tế chưa phát triển thì chính quyền vẫn duy trì hình thức Trung tâm đấu giá của nhà nước để phục vụ hoạt động đấu giá tại địa phương.
Tại Khoản 1 Điều 21 quy định “doanh nghiệp đấu giá tài sản được thành lập, tổ chức, hoạt động dưới hình thức doanh nghiệp tư nhân và công ty hợp danh theo quy định của luật này và pháp luật có liên quan,” đại biểu Phùng Đức Tiến cho rằng, quy định này nhằm bảo đảm đầy đủ trách nhiệm của doanh nghiệp đấu giá và đấu giá viên đối với Nhà nước và khách hàng.
Tuy nhiên, đại biểu đề nghị cần xem xét lại bởi hoạt động đấu giá tài sản cũng là một hoạt động dịch vụ rất bình thường ở các nước và đang có nhu cầu phát triển mạnh ở Việt Nam. Nếu Luật quy định hạn chế hình thức doanh nghiệp đấu giá phải là doanh nghiệp tư nhân hoặc công ty hợp danh thì sẽ hạn chế sự tham gia của các thành phần kinh tế tư nhân và nước ngoài.
Hơn nữa, đại biểu dẫn chứng, Điều 18 đã quy định về bảo hiểm trách nhiệm nghề nghiệp của đấu giá viên, do vậy không cần thiết phải ràng buộc chế độ trách nhiệm vô hạn.
"Nhiều ngành nghề khác còn nhạy cảm hơn nhiều như luật sư nhưng luật cũng không ràng buộc trách nhiệm vô hạn một cách cứng nhắc đối với những tổ chức hành nghề và người hành nghề"- đại biểu nhấn mạnh.
Mặt khác, đại biểu lo ngại vì hiện nay có rất nhiều công ty bán đấu giá hoạt động theo Luật Doanh nghiệp và Luật Thương mại tồn tại dưới hình thức công ty trách nhiệm hữu hạn hoặc công ty cổ phần.
Theo khoản 3 Điều 77, trong thời hạn 02 năm kể từ ngày Luật có hiệu lực thi hành, các doanh nghiệp trên phải chuyển đổi hình thức và đăng ký lại, nếu không sẽ phải chấm dứt hoạt động. Nếu áp dụng quy định này của Luật Đấu giá tài sản thì rất nhiều doanh nghiệp sẽ gặp khó khăn.
Về hình thức đấu giá, phương thức đấu giá, nhiều ý kiến đề nghị quy định cụ thể và đầy đủ các hình thức đấu giá, phương thức đấu giá tại dự án Luật Đấu giá tài sản. Dự Luật quy định đấu giá bằng hình thức, phương thức khác theo quy định của pháp luật là chung chung, khó thực hiện...
Nhiều nội dung khác liên quan tới: Các loại tài sản quy định phải bán thông qua đấu giá doanh nghiệp đấu giá tài sản; Trung tâm dịch vụ bán đấu giá tài sản... đã được các đại biểu Quốc hội thảo luận, cho ý kiến cụ thể.
Chính phủ trình Quốc hội xem xét dự án Luật Dược sửa đổi
Bộ trưởng Bộ y tế Nguyễn Thị Kim Tiến trình bày Tờ trình về dự án Luật dược (sửa đổi) |
Sáng cùng ngày, các đại biểu Quốc hội làm việc tại hội trường, nghe Tờ trình về dự án Luật Dược (sửa đổi).
Tờ trình dự án Luật Dược (sửa đổi) do Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến trình bày khẳng định dự án Luật đã thể chế hóa đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về phát triển công nghiệp dược, trong đó quy định cụ thể các chính sách mang tính đột phá để có thể phát triển công nghiệp dược theo hướng Nhà nước giữ vai trò chủ đạo trong việc đầu tư phát triển công nghiệp dược, đồng thời đẩy mạnh xã hội hóa nhằm huy động mọi nguồn lực cho hoạt động này, bảo đảm cung ứng đủ thuốc có chất lượng với giá hợp lý.
Bảo đảm hợp hiến, hợp pháp, thống nhất và đồng bộ trong hệ thống pháp luật Việt Nam cũng như với các cam kết quốc tế mà Việt Nam là thành viên, có tính ổn định, bảo đảm tính khả thi và phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.
Dự thảo Luật tập trung sửa đổi, bổ sung các nội dung cơ bản về chính sách của Nhà nước về dược, phát triển công nghiệp dược; quản lý nhà nước về giá thuốc; phát triển dược liệu, thuốc cổ truyền, thuốc dược liệu; các quy định liên quan đến kinh doanh thuốc; bảo đảm chất lượng thuốc và việc sử dụng thuốc an toàn, hợp lý và hiệu quả. Ngoài các sửa đổi, bổ sung là các thay đổi cơ bản, nhiều điều khoản khác được sửa đổi nhằm quy định rõ ràng hơn, cụ thể hơn hoặc “luật hóa” các quy định chi tiết của văn bản hướng dẫn thi hành Luật Dược 2005.
Thẩm tra nội dung này, về cơ bản, Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội tán thành với Tờ trình của Chính phủ về sự cần thiết sửa đổi Luật Dược. Việc sửa đổi Luật Dược lần này nhằm tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai Luật Dược năm 2005, cũng như đáp ứng yêu cầu phát triển và xu thế hội nhập.
Việc sửa đổi, bổ sung chính sách, pháp luật về dược sẽ góp phần giúp người dân tiếp cận thuận lợi hơn với nhiều loại thuốc chất lượng, thuốc mới, giá cả hợp lý; tạo điều kiện thúc đẩy phát triển công nghiệp dược và y học cổ truyền; cải cách thủ tục hành chính và tăng cường trách nhiệm quản lý nhà nước về lĩnh vực dược.
Về quản lý giá thuốc (Chương XIII), Ủy ban cho rằng quy định về quản lý giá thuốc của dự thảo Luật đã phù hợp với Luật Giá, Luật Đấu thầu. Theo đó, cơ chế quản lý giá thuốc đã rõ ràng hơn, đặc biệt là quy định đàm phán giá đối với thuốc biệt dược, thuốc mới, thuốc trong thời gian còn bản quyền, đấu thầu thuốc tập trung và chính sách ưu đãi trong chọn nhà thầu là cơ sở sản xuất thuốc trong nước.
Tuy nhiên, các quy định về giá thuốc của dự thảo Luật cần quan tâm thêm các vấn đề sau: Thuốc do quỹ bảo hiểm y tế chi trả (chiếm khoảng trên 50% tổng số thuốc) hiện đã được giám sát thường xuyên bởi cơ quan bảo hiểm xã hội, trong khi thuốc do dân tự mua, bệnh viện mua để phục vụ khám chữa bệnh không do quỹ bảo hiểm y tế chi trả là thuốc biệt dược, thuốc độc quyền thường giá rất cao do chưa có cơ chế giám sát sự minh bạch về giá, chủ yếu do doanh nghiệp tự kê khai và định giá.
Do vậy, cần có cơ chế kiểm soát giá các mặt hàng thuốc này hữu hiệu hơn, cũng như đảm bảo cân bằng lợi ích của doanh nghiệp (khi thuốc trong thời kỳ bảo hộ bản quyền) và quyền lợi của người bệnh đối với các loại thuốc gây ra “thảm họa do chi phí y tế cao”.
Ban soạn thảo cần lưu ý tới tình trạng thuốc bán qua nhiều đầu mối và việc kê đơn thuốc để hưởng hoa hồng làm giá thuốc tăng, phổ biến ở nhiều nơi; xây dựng tiêu chí để Nhà nước thực hiện chính sách bình ổn giá thuốc thiết yếu khi có biến động về giá trong dự thảo Luật để bảo vệ tốt hơn quyền lợi của người dân.
Cần quy định cụ thể về mạng lưới phân phối giá thuốc trong nước
Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 10, chiều 19-11, các đại biểu Quốc hội làm việc tại tổ, thảo luận về dự án Luật Dược (sửa đổi) và dự án Luật về hội.
Tăng cường trách nhiệm quản lý Nhà nước về lĩnh vực dược.
Đa số các đại biểu tán thành với sự cần thiết sửa đổi Luật dược. Việc sửa đổi Luật lần này nhằm tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai Luật Dược năm 2005 cũng như đáp ứng yêu cầu phát triển và xu thế hội nhập; góp phần giúp người dân tiếp cận thuận lợi hơn với nhiều loại thuốc chất lượng, thuốc mới, giá cả hợp lý; tạo điều kiện thúc đẩy phát triển công nghiệp dược và y học cổ truyền; cải cách thủ tục hành chính; tăng cường trách nhiệm quản lý nhà nước về lĩnh vực dược.
Nhiều đại biểu đánh giá về cơ bản nội dung dự án Luật đã bảo đảm tính hợp hiến, hợp pháp, thống nhất trong hệ thống pháp luật.
Tuy nhiên, cần sắp xếp bố cục hợp lý hơn, rà soát các quy định về phát triển công nghiệp dược, thuốc cổ truyền, kinh doanh thuốc và nguyên liệu làm thuốc, giá thuốc để đảm bảo tương thích với Luật giá, Luật đấu thầu… và các Hiệp định thương mại mà Việt Nam đã và chuẩn bị ký kết.
Cụ thể, về chính sách phát triển công nghiệp dược Việt Nam, hiện nay thiếu định hướng quản lý Nhà nước, vì thế thị trường phát triển tự phát, doanh nghiệp ít nhưng nhiều sản phẩm trùng lặp, đầu ra không bảo đảm.
Khi Việt Nam gia nhập Hiệp định Đối tác thương mại xuyên Thái Bình Dương (TPP), ngành dược chịu tác động rất lớn, vì vậy cần tránh trường hợp xây dựng Luật chưa lâu lại phải sửa.
Về đấu thầu giá thuốc, đại biểu Phong Lan cho rằng vấn đề này rất phức tạp. Nếu đấu thầu tập trung thì chưa chắc hiệu quả vì ít doanh nghiệp lớn, sẽ có tình trạng doanh nghiệp tìm mọi cách trúng thầu rồi “chạy làng” hoặc sau đó mới thuê để gia công thuốc rồi cung ứng.
Vì vậy, đấu thầu không nên là cách duy nhất, cần nghiên cứu để các bệnh viện uy tín được quyền mua thuốc với sự đồng ý của bảo hiểm y tế.
Liên quan đến quy định về quản lý giá thuốc, dự án Luật đã quy định nguyên tắc quản lý giá thuốc theo cơ chế thị trường, tôn trọng quyền tự định giá của doanh nghiệp, bảo đảm công khai, minh bạch, Nhà nước chỉ can thiệp nhằm bình ổn giá đối với thuốc thiết yếu khi giá thuốc có biến động bất thường, ảnh hưởng đến ổn định kinh tế - xã hội, đồng thời phân công trách nhiệm quản lý Nhà nước về giá thuốc.
Nhìn chung, quy định về quản lý giá thuốc của dự thảo Luật đã phù hợp với Luật giá, Luật đấu thầu, tuy nhiên đây là vấn đề cần quan tâm, sửa đổi cho phù hợp với thực tế hiện nay.
Một số công ty sẵn sàng chi phần trăm (%) hoa hồng cho các bác sỹ để kê toa thuốc của công ty đó. Người dân không thể biết được giá đó đúng hay sai nên họ là người thiệt thòi nhất, chịu áp lực về chi phí nhất.
Quy định hiện nay cũng chưa cho phép các công ty nước ngoài phân phối dược phẩm tại Việt Nam nhưng thực tế cho thấy họ đang trực tiếp phân phối thông qua các công ty dược trong nước qua nhiều đầu mối, trung gian, vì vậy giá thuốc bị đội lên cao.
Đại biểu đề nghị cần có một chương về nội dung này một cách rõ ràng, cụ thể về mạng lưới phân phối giá thuốc trong nước, tránh tình trạng phân phối qua nhiều đầu mối, qua nhiều khâu trung gian để đẩy giá lên cao.
Các doanh nghiệp cần kê khai cụ thể, chi tiết trước khi lưu hành thuốc; sau khi lưu hành thuốc phải thực hiện việc thanh tra, kiểm tra thường xuyên để giám sát, niêm yết giá công khai xem có đúng giá trước khi lưu hành thuốc hay không…/.
Việt Nam có nhiều đóng góp thiết thực vào Tuần lễ cấp cao APEC  (19/11/2015)
Lãnh đạo Thành phố Hồ Chí Minh tiếp đoàn Thượng viện Séc  (19/11/2015)
Các hoạt động song phương của Chủ tịch nước tại Philippines  (19/11/2015)
Việt Nam - Pháp trao đổi kinh nghiệm Gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc  (19/11/2015)
Chủ tịch nước nêu bật đóng góp của Việt Nam thúc đẩy hợp tác APEC  (19/11/2015)
Việt Nam - Tây Ban Nha chia sẻ kinh nghiệm về hội nhập khu vực  (19/11/2015)
- Phát huy vai trò của công tác cán bộ để nâng cao năng lực lãnh đạo, cầm quyền của Đảng
- Ấn Độ: Hướng tới cường quốc kinh tế và tri thức toàn cầu trong nhiệm kỳ thứ ba của Thủ tướng Na-ren-đra Mô-đi
- Một số vấn đề về xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa: Thành tựu phát triển lý luận của Đảng qua gần 40 năm tiến hành công cuộc đổi mới (kỳ 1)
- Nhìn lại công tác đối ngoại giai đoạn 2006 - 2016 và một số bài học kinh nghiệm về đối ngoại trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam
- Ý nghĩa của việc hiện thực hóa hệ mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh” trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam
-
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển