Quốc hội xem xét Nghị định thư sửa đổi Hiệp định thành lập WTO
Sáng 05-11, tiếp tục chương trình làm việc kỳ họp thứ 10, các đại biểu Quốc hội làm việc tại hội trường, nghe Chủ tịch nước báo cáo về đề nghị phê chuẩn Nghị định thư sửa đổi Hiệp định thành lập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO); nghe Tờ trình đề nghị Quốc hội phê chuẩn Nghị định thư sửa đổi Hiệp định thành lập Tổ chức Thương mại Thế giới.
Đọc Tờ trình về việc phê chuẩn Nghị định thư sửa đổi Hiệp định thành lập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), Chủ tịch nước Trương Tấn Sang nêu rõ theo báo cáo của Chính phủ, Nghị định thư sửa đổi được thông qua theo Quyết định của Đại hội đồng WTO ngày 28-11-2014, theo đó Nghị định thư sửa đổi Hiệp định thành lập Tổ chức Thương mại Thế giới (Hiệp định WTO) để bổ sung Hiệp định tạo thuận lợi hóa thương mại (Hiệp định TF) vào Phụ lục 1A của Hiệp định WTO.
Hiệp định TF đã được thông qua tại Hội nghị Bộ trưởng Bali, Indonesia tháng 12-2013. Nghị định thư sửa đổi sẽ được mở để các nước thành viên chấp thuận và sẽ có hiệu lực theo quy định tại khoản 3, Điều X của Hiệp định WTO (khi đủ 2/3 số nước thành viên thông qua).
Sau khi Nghị định thư sửa đổi có hiệu lực, Hiệp định TF sẽ được đưa vào phụ lục 1A của Hiệp định WTO (thứ tự đứng sau Hiệp định về các biện pháp tự vệ).
Hiệp định TF gồm 3 phần chính: Phần I: quy định về các biện pháp kỹ thuật; Phần II: Các điều khoản đối xử đặc biệt và khác biệt đối với các quốc gia thành viên đang phát triển và kém phát triển; Phần III: Các thỏa thuận thể chế và các điều khoản quy định cuối cùng.
Về điều khoản bảo lưu, theo quy định của WTO, tất cả các thành viên đều chấp nhận toàn bộ nội dung Nghị định thư sửa đổi và Hiệp định TF. Chính phủ kiến nghị áp dụng trực tiếp toàn bộ Hiệp định đối với Việt Nam. Việc phê chuẩn Nghị định thư sửa đổi không làm thay đổi quyền và nghĩa vụ thành viên của Việt Nam trong WTO.
Căn cứ Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam năm 2013, Luật ký kết, gia nhập và thực hiện điều ước quốc tế năm 2005, Chủ tịch nước trân trọng đề nghị Quốc hội xem xét, quyết định phê chuẩn Nghị định thư sửa đổi Hiệp định thành lập Tổ chức Thương mại Thế giới.
Tờ trình đề nghị Quốc hội phê chuẩn Nghị định thư sửa đổi Hiệp định thành lập Tổ chức Thương mại Thế giới đã đề cập tới một số vấn đề đặt ra với Việt Nam. Cụ thể là về cơ chế quản lý và phối hợp, Hải quan Việt Nam phải giải quyết giữa yêu cầu tạo thuận lợi thương mại và yêu cầu phối hợp các lực lượng để quản lý hiệu quả công tác đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại, quản lý tiêu chuẩn chất lượng hàng hóa, vệ sinh an toàn thực phẩm của hàng hóa nhập khẩu.
Do vậy, cơ chế phối hợp, cơ chế trách nhiệm giữa các đơn vị, giữa các bộ, ngành, địa phương tham gia quản lý hoạt động xuất nhập khẩu phải được cải thiện hơn nữa. Về mặt pháp luật, cơ bản các nhóm nghĩa vụ trong Hiệp định TF đã được quy định trong pháp luật Việt Nam.
Tuy nhiên, còn hai điểm cần được thể hiện rõ, cụ thể hơn trong pháp luật Việt Nam đó là: (i) người thực hiện quyết định hành chính về hải quan được quyền yêu cầu Cơ quan Hải quan cung cấp cơ sở pháp lý và thực tiễn của quyết định hành chính này; (ii) việc kiểm tra tiêu chuẩn an toàn vệ sinh thực phẩm, đồ uống, thức ăn chăn nuôi tại cửa khẩu cần phải được thực hiện theo nguyên tắc quản lý rủi ro và phải thông báo công khai.
Thẩm tra nội dung này, Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội nhất trí với Tờ trình của Chủ tịch nước và Báo cáo của Chính phủ về sự cần thiết phê chuẩn Nghị định thư sửa đổi. Ủy ban Đối ngoại nhấn mạnh: với tư cách là thành viên WTO, việc Việt Nam phê chuẩn Nghị định thư sửa đổi là yêu cầu bắt buộc.
Việc sớm phê chuẩn Nghị định thư sửa đổi để triển khai Hiệp định TF của WTO phù hợp với chủ trương, đường lối và chính sách của Đảng và Nhà nước trong việc tích cực, chủ động hội nhập quốc tế; thể hiện vai trò thành viên chủ động và có trách nhiệm của Việt Nam trong các tổ chức quốc tế nói chung và trong WTO nói riêng đồng thời là cơ hội thuận lợi để Việt Nam tranh thủ các nguồn hỗ trợ kỹ thuật và xây dựng năng lực thực thi sau khi Hiệp định TF có hiệu lực với tư cách là nước đang phát triển.
Hiệp định TF có nội dung nhằm thúc đẩy và tạo thuận lợi cho hoạt động vận chuyển, thông quan, giải phóng hàng hóa xuất nhập khẩu, quá cảnh tại các cửa khẩu cũng như các biện pháp hợp tác giữa hải quan các nước và hỗ trợ kỹ thuật thực hiện.
Những nội dung của Hiệp định phù hợp với mục tiêu cải cách hành chính trong lĩnh vực quản lý nhà nước về thương mại quốc tế mà Chính phủ đang thúc đẩy nhằm đẩy mạnh thương mại, khuyến khích xuất khẩu.
Việc phê chuẩn Nghị định thư sửa đổi này cũng là tiền đề để Việt Nam chuẩn bị thực hiện các cam kết có tiêu chuẩn cao về hải quan trong các Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới như Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), Hiệp định Thương mại Tự do giữa Việt Nam với Liên minh châu Âu (EVFTA)./.
Tổng thống Italy bắt đầu chuyến thăm cấp Nhà nước tới Việt Nam  (05/11/2015)
Chủ tịch Quốc hội Hungary chuẩn bị thăm chính thức Việt Nam  (05/11/2015)
Chủ tịch Trung Quốc bắt đầu thăm cấp Nhà nước tới Việt Nam  (05/11/2015)
Xây dựng nông thôn mới: một số vấn đề đặt ra  (05/11/2015)
- Hoàn thiện pháp luật về tổ chức, hoạt động của chính quyền đô thị, đáp ứng yêu cầu quản trị quốc gia hiện đại, hiệu quả ở Việt Nam
- Vai trò của các quốc gia tầm trung trong hệ thống quốc tế và gợi mở cho Việt Nam trong mục tiêu khẳng định vị thế quốc gia trong bối cảnh mới
- Đắk Nông: “Điểm sáng” trong phát triển du lịch thời kỳ hội nhập quốc tế
- Tự quản trong cộng đồng xã hội đối với quá trình xây dựng nền dân chủ xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam (kỳ 1)
- Thực hiện chính sách xã hội, bảo đảm an sinh và phúc lợi xã hội trong tình hình mới
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Một số lý giải về cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay và tính toán chiến lược của các bên