Quan điểm của C. Mác. Ph. Ăng-ghen, V. I. Lê-nin về địa vị người phụ nữ và giải phóng phụ nữ

ThS. Vương Thúy Hợp Giảng viên Khoa Lý luận chính trị, Học viện Tài chính
11:01, ngày 05-11-2015

TCCSĐT - Các nhà sáng lập ra chủ nghĩa Mác - Lê-nin đã từng đưa ra các quan điểm về địa vị, vai trò của người phụ nữ trong xã hội tư bản, phân tích những nguyên nhân của sự bất bình đẳng nam - nữ. Đây là những tư tưởng tiến bộ giúp vạch rõ xu hướng biến đổi địa vị người phụ nữ theo hướng tiến tới sự bình đẳng nam nữ trong xã hội và tính tất yếu của cách mạng xã hội chủ nghĩa đối với sự nghiệp giải phóng phụ nữ.

Quan điểm của C. Mác, Ph. Ăng-ghen, V. I. Lê-nin về địa vị người phụ nữ trong xã hội tư bản

Địa vị người phụ nữ trong nền sản xuất tư bản chủ nghĩa. C. Mác và Ph. Ăng-ghen đã tố cáo chế độ bóc lột kiểu tư bản chủ nghĩa đối với lao động nữ, đó là bóc lột lao động đến kiệt sức trong điều kiện không bảo đảm vệ sinh, bệnh tật, tử vong,… sau khi họ được nhà tư bản mua về. Trong bộ Tư bản, C. Mác đã chỉ ra: “Trong những tuần lễ cuối tháng Sáu 1863, tất cả các tờ báo hàng ngày ở Luân Đôn đều đăng một tin với đề tài “giật gân”: “Death from simple overwork” (“Chết vì lao động quá sức”) (1). Nội dung bài viết nói về cái chết của chị công nhân may thời trang Mê-ri An-nơ U-ô-cly, 20 tuổi, làm thuê trong một xưởng may thời trang đáng kính cho hoàng tộc, do một bà mang cái tên êm dịu là Ê-li-dơ làm chủ”.

Trong thực tế, phụ nữ phải lao động cực nhọc trong các công xưởng của tư bản chủ nghĩa. Ngay cả những phụ nữ đang mang thai và nuôi con nhỏ cũng vẫn phải làm việc cật lực, thậm chí, họ không được nghỉ cho con bú và khi con ốm. Người phụ nữ phải đến công xưởng làm việc trong điều kiện hết sức tồi tệ do đồng lương ít ỏi, không đủ nuôi sống gia đình. C. Mác cũng chỉ rõ, tỷ lệ mắc bệnh của người phụ nữ bao giờ cũng cao hơn so với nam giới (643/1000 người mắc bệnh lao phổi là đàn bà). Nguyên nhân của tình trạng trên, theo C. Mác và Ph. Ăng-ghen là do chế độ lao động trong công xưởng tư bản chủ nghĩa đã không tính đến những đặc điểm của phụ nữ và nam giới, tức là giới chủ không nhìn thấy có sự khác biệt giữa phụ nữ và nam giới, bắt phụ nữ làm việc lẫn lộn với đàn ông, khiến họ bị kiệt sức trong điều kiện không bảo đảm vệ sinh.

Giới chủ tư bản bóc lột sức lao động của phụ nữ bằng cách kéo dài thời gian lao động của họ trong môi trường thiếu vệ sinh, thiếu cả khí thở. Tình trạng phổ biến trong công xưởng, “đó là chuyện những cô gái thường làm việc trung bình một ngày 161/2 giờ và trong mùa may mặc thì thường làm việc một mạch 30 giờ không nghỉ”(2).

Phụ nữ phải lao động trong điều kiện giống thú vật hơn là giống con người. Hậu quả của tình trạng lao động nặng nhọc, thiếu an toàn mất vệ sinh là tình trạng yếu kém về sức khỏe, suy sụp về tinh thần và thể xác, thậm chí bị tử vong của phụ nữ. Phải lao động nặng nhọc trong điều kiện hết sức khắc nghiệt, bị đối xử còn kém hơn cả súc vật, phụ nữ chẳng có chút địa vị nào trong xã hội. Ngay cả ở nước Anh, đất nước của nền hiện đại công nghiệp phát triển sớm nhưng phụ nữ vẫn phải làm những công việc tốn nhiều sức lực, không có “thuyền thay cho ngựa”. Do vậy, địa vị người phụ nữ trong giai đoạn chủ nghĩa tư bản tự do cạnh tranh cũng như trong chủ nghĩa tư bản độc quyền vẫn không có gì thay đổi. Phụ nữ bị biến thành nô lệ, thành công cụ lao động của giới tư sản, dù họ không hề tiếc sức lao động của mình.

Địa vị người phụ nữ trong hôn nhân và gia đình. C. Mác và Ph. Ăng-ghen đã vạch trần sự ghê tởm, đạo đức giả của hôn nhân và gia đình tư sản, trong đó, người phụ nữ trở thành phương tiện và công cụ sản xuất, thành nô lệ của đàn ông: “Đối với người tư sản, vợ hắn chẳng qua chỉ là một công cụ sản xuất. Cho nên nghe nói công cụ sản xuất phải được đem dùng chung thì tất nhiên là hắn kết luận rằng chính đàn bà rồi cũng phải chịu cái số phận chung là bị xã hội hóa... Các ngài tư bản của chúng ta chưa thỏa mãn là đã sẵn có vợ và con gái của vô sản để dùng, đó là chưa kể chế độ mãi dâm công khai, các ngài ấy còn lấy việc cắm sừng lẫn nhau làm một thú vui đặc biệt…”(3).

Ph. Ăng-ghen cũng chỉ rõ, người phụ nữ trong gia đình dưới chế độ tư hữu xét cho cùng chỉ là mẹ của những đứa con kế thừa chính tài sản và dòng dõi của chồng, là người quản gia chính của chồng. Vì vậy, chế độ “1 vợ, 1 chồng” trong xã hội tư bản chủ nghĩa chỉ riêng đối với đàn bà, không phải đối với đàn ông. Nếu người vợ vượt ra ngoài khuôn khổ ấy thì lập tức họ sẽ bị lên án, bị trừng phạt nghiêm khắc.

Không chỉ C. Mác và Ph. Ăng-ghen mà V. I. Lê-nin cũng tố cáo: dưới chế độ tư bản chủ nghĩa, phụ nữ, tức một nửa nhân loại luôn bị hai tầng áp bức, ngay ở những nước cộng hòa tư sản dân chủ nhất. Phần đông các gia đình trong xã hội tư bản vẫn chứa chất trong lòng nó vô vàn những cảnh cơ cực, áp bức, bất công. V.I. Lê-nin viết: “Hàng triệu và hàng triệu phụ nữ trong những gia đình như vậy đang sống (hoặc nói cho đúng hơn đang bị đọa đầy) trong kiếp “gia nô”, ra sức lo ăn lo mặc cho cả gia đình bằng từng xu nhỏ mà họ phải trả bằng những cố gắng phi thường hàng ngày và bằng “sự tiết kiệm” tất cả mọi thứ, chỉ trừ có “tiết kiệm” lao động bản thân”(4).

Như vậy, dưới chế độ tư bản chủ nghĩa, người phụ nữ phải chịu đựng một nghịch lý, đó là: vai trò thì lớn nhưng địa vị thì thấp hèn trong cả gia đình và ngoài xã hội. Phụ nữ phải gánh vác hầu như toàn bộ việc nhà nhưng vẫn phải đi làm như nam giới; người phụ nữ cùng một lúc vừa phải tham gia lao động trong một nền sản xuất xã hội, vừa đảm nhiệm mọi thứ công việc như nô lệ trong gia đình. Điều này thực sự mâu thuẫn và xung đột vai trò của người phụ nữ (trong xã hội học gọi là xung đột “vai trò giới” của người phụ nữ).

Quan điểm của C. Mác, Ph. Ăng-ghen và V.I. Lê-nin về con đường giải phóng phụ nữ

Nguồn gốc của sự bất bình đẳng nam nữ. Xét về mặt kinh tế, các nhà sáng lập ra chủ nghĩa Mác - Lê-nin cho rằng, quan hệ xã hội giữa phụ nữ và nam giới do quan hệ kinh tế của họ quyết định - nguồn gốc của sự thống trị của đàn ông đối với đàn bà. Phụ nữ có địa vị xã hội thấp kém hơn nam giới là do địa vị kinh tế của họ thấp hơn địa vị kinh tế của nam giới. Quan điểm duy vật lịch sử của chủ nghĩa Mác - Lê-nin khẳng định, khi cơ sở kinh tế của xã hội biến đổi thì tính chất của mối quan hệ nam nữ về mặt xã hội cũng biến đổi theo. “Sự thống trị của đàn ông trong hôn nhân chỉ đơn thuần là kết quả của sự thống trị của họ về mặt kinh tế, và sẽ tiêu vong cùng với sự thống trị về kinh tế”(5).

Lịch sử xã hội loài người cho thấy, trong nền kinh tế cộng sản nguyên thủy do đàn bà nắm giữ kinh tế thì đồng thời họ cũng nắm quyền cai quản xã hội và gia đình. Nhưng khi sự thống trị kinh tế của đàn bà bị mất và đàn ông nắm lấy quyền thống trị thì sự thống trị ấy trở nên phổ biến không chỉ trong nền sản xuất vật chất mà cả trong hôn nhân và gia đình. Như vậy, khi cơ sở kinh tế biến đổi thì những đặc điểm và tính chất của mối quan hệ nam nữ tương ứng với nó cũng thay đổi.

Chủ nghĩa Mác cho rằng, mối quan hệ quyết định nhất đối với sự bất bình đẳng nam nữ là kinh tế, nhưng nó không phải là nguyên nhân duy nhất mà còn có yếu tố phi kinh tế, tác động qua lại với nhau. Trình độ nhận thức, văn hóa và các phong tục tập quán phản ánh sự bất bình đẳng giữa phụ nữ và nam giới đã ăn sâu vào đầu óc con người thành tư tưởng “trọng nam, khinh nữ”. Những phong tục tập quán lạc hậu, cổ hủ được khuyến khích duy trì để trói buộc, đầy đọa người phụ nữ, dần dần trở thành quy tắc, thông lệ không cần có pháp luật bảo vệ, nó vẫn có tác động cưỡng chế, điều chỉnh hành vi ứng xử của người đàn ông đối với đàn bà ngay cả khi cơ sở kinh tế của sự bất bình đẳng nam nữ bị phá bỏ.

Quan điểm của C. Mác, Ph. Ăng-ghen và V.I. Lê-nin về giải phóng phụ nữ được thể hiện qua việc thực hiện cuộc cách mạng về lý luận giải phóng phụ nữ. Các nhà sáng lập ra chủ nghĩa Mác - Lê-nin đã vạch rõ xu hướng biến đổi địa vị người phụ nữ theo hướng tiến tới sự bình đẳng nam nữ trong xã hội và tính tất yếu của cách mạng xã hội chủ nghĩa đối với sự nghiệp giải phóng phụ nữ. Quá trình đó diễn ra khách quan, bắt nguồn từ sự biến đổi trong lòng phương thức sản xuất tư bản chủ nghĩa tất yếu sẽ bị diệt vong và phương thức sản xuất cộng sản chủ nghĩa sẽ ra đời. Quy luật đó tác động trực tiếp tới địa vị và vai trò của phụ nữ trong xã hội. Ph. Ăng-ghen chỉ ra xu hướng biến đổi của xã hội tư bản cùng với nó là sự biến đổi trong mối quan hệ xã hội của phụ nữ và nam giới. Cụ thể là:

Phải xóa bỏ chế độ tư hữu tư nhân về tư liệu sản xuất, xây dựng chế độ công hữu chính là thủ tiêu sự lệ thuộc kinh tế của người đàn bà đối với người đàn ông. Điều này sẽ tạo ra cơ sở quan trọng nhất để xây dựng gia đình bình đẳng giữa vợ và chồng.

Không thể cột chặt người phụ nữ vào công việc gia đình, phải đưa họ tham gia vào nền sản xuất xã hội. Xã hội cần phải giúp phụ nữ giảm nhẹ gánh nặng công việc gia đình, lao động gia đình phải trở thành bộ phận của lao động xã hội.

Phải đồng thời xây dựng hôn nhân và gia đình tiến bộ, hôn nhân tự nguyện trên cơ sở tình yêu chân chính chứ không bị lợi ích kinh tế chi phối.

Ngoài ra, còn phải chú ý đến các “điều kiện xã hội” quan trọng khác, như xóa bỏ phong tục tập quán lạc hậu, tâm lý coi thường phụ nữ.

V.I. Lê-nin đã kế thừa, phát triển và vận dụng sáng tạo lý luận của Chủ nghĩa Mác vào thực tiễn cách mạng ở nước Nga. Sau khi chính quyền Xô viết được thành lập, V.I. Lê-nin đã có nhiều chủ trương thúc đẩy từng bước thực hiện sự nghiệp giải phóng phụ nữ. Theo V.I. Lê-nin, để tiến tới giải phóng phụ nữ, cần phải thực hiện các chính sách sau: Một là, hủy bỏ pháp luật tư sản, ban hành pháp luật mới, tôn trọng quyền bình đẳng nam nữ. Hai là, không chỉ giải phóng phụ nữ bằng pháp luật, để phụ nữ thực sự bình đẳng, có quyền tham gia quyết định vận mệnh của đất nước mình, phải đưa phụ nữ trực tiếp tham gia quản lý đất nước, xây dựng, củng cố quốc phòng. Ba là, không chỉ giải phóng phụ nữ, ở ngoài xã hội mà còn giải phóng họ ngay trong gia đình, vì chính nơi đây gánh nặng công việc nội trợ đè lên vai họ, làm cho họ không thể phát triển như nam giới.

Quan điểm của C. Mác, Ph. Ăng-ghen và V.I. Lê-nin đã vạch rõ: để giải phóng xã hội đồng thời giải phóng phụ nữ trong điều kiện chính quyền đã giành về tay giai cấp công nhân liên minh với nông dân và trí thức thì điều kiện cần thiết và quan trọng là phải thực hiện những bước quá độ để xây dựng cơ sở kinh tế cho một xã hội xã hội chủ nghĩa. Sự nghiệp giải phóng phụ nữ gắn liền với sự nghiệp giải phóng giai cấp và giải phóng xã hội.

Như vậy, lý luận về giải phóng con người, giải phóng phụ nữ của chủ nghĩa Mác - Lê-nin không chỉ thấm đượm bản chất nhân văn, nhân đạo sâu sắc mà còn vượt lên tầm cao mà trước đó tư tưởng của nhân loại chưa thể vươn tới, đó là quan điểm duy vật lịch sử coi con người là thực tiễn, là chủ thể duy nhất có khả năng nhận thức và cải tạo thế giới./.

----------------------------------------------------

(1) C. Mác và Ph. Ăng-ghen Toàn tập, tập 23, Nxb. Chính trị quốc gia - Sự thật, Hà Nội, 1993, tr.373.

(2) C. Mác và Ph. Ăng-ghen Toàn tập, tập 23, Nxb. Chính trị quốc gia - Sự thật, Hà Nội, 1993, tr.373.

(3) C. Mác và Ph. Ăng-ghen Toàn tập, tập 4, Nxb. Chính trị quốc gia - Sự thật, Hà Nội, 1993, tr.623.

(4) V. I. Lê-nin Toàn tập, tập 23, Nxb. Tiến bộ Mát-xcơ-va, 1980, tr.173.

(5) C. Mác và Ph. Ăng-ghen Toàn tập, tập 21, Nxb. Chính trị quốc gia - Sự thật, Hà Nội, 1993, tr.127.