Những phản ứng khác nhau xung quanh việc hoàn tất đàm phán TPP

BTV tổng hợp từ TTXVN
14:19, ngày 06-10-2015
TCCSĐT - Tối 05-10, tại hội nghị diễn ra ở thành phố Atlanta của Mỹ, Bộ trưởng Thương mại 12 nước đã đạt được thỏa thuận cuối cùng về Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP). Đây là kết quả của chặng đường hơn 5 năm đàm phán cam go, có lúc tưởng như là bế tắc.

Một số mốc chính trong đàm phán TPP

TPP là hiệp định thương mại tự do đa phương theo cơ chế mở, bao gồm không chỉ các vấn đề mở cửa thị trường hàng hóa và dịch vụ mà còn cả những lĩnh vực phi thương mại khác. Theo ước tính, sau khi có hiệu lực, TPP sẽ trở thành khu vực thương mại tự do lớn nhất thế giới với 800 triệu dân.

Ngày 03-6-2005: Hiệp định hợp tác kinh tế chiến lược xuyên Thái Bình Dương (còn gọi là P4) được ký kết giữa Brunei, Chile, Singapore và New Zealand. Đây là tiền thân của TPP. Điểm nổi bật của P4 là tự do hóa rất mạnh về hàng hóa; thuế nhập khẩu được xóa bỏ hoàn toàn và phần lớn được xóa bỏ ngay từ khi hiệp định có hiệu lực.

Tháng 9-2008: Mỹ tuyên bố tham gia đàm phán TPP. Tháng 11-2008: Australia và Peru tham gia đàm phán TPP. Tại buổi họp báo công bố sự tham gia của Australia và Peru, đại diện các bên khẳng định sẽ đàm phán để thiết lập một khuôn khổ mới cho TPP. Kể từ đó, các vòng đàm phán TPP được lên lịch và diễn ra cho đến nay.

Đầu năm 2009: Việt Nam quyết định tham gia TPP với tư cách thành viên liên kết. Tháng 11-2010, sau khi tham gia 3 phiên đàm phán TPP với tư cách này, Việt Nam đã chính thức tham gia đàm phán TPP.

Tháng 10-2010: tại vòng đàm phán thứ ba diễn ra ở Brunei, Malaysia chính thức tham gia đàm phán TPP, nâng tổng số nước tham gia đàm phán lên 9 nước. Tháng 6-2012: Canada và Mexico tham gia đàm phán. Tháng 7-2013: Nhật Bản tham gia đàm phán và trở thành thành viên thứ 12 tại vòng đàm phán thứ 18 diễn ra ở Malaysia.

Tháng 12-2013: Bộ trưởng 12 nước từ bỏ mục tiêu hoàn tất văn kiện này trong năm 2013 sau khi không thu hẹp được bất đồng tại cuộc họp kéo dài 4 ngày ở Singapore. Tháng 02-2014: Cuộc họp cấp bộ trưởng tại Singapore kết thúc mà không đạt mục tiêu mong muốn.

Tháng 4-2014: Nhật Bản và Mỹ khép lại các cuộc "đàm phán marathon" tại Tokyo, nhưng vẫn chưa thu hẹp được bất đồng.

Tháng 11-2014: Thủ tướng Nhật Bản và Tổng thống Mỹ cùng lãnh đạo 10 nước đàm phán TPP còn lại nhóm họp bên lề Diễn dàn hợp tác kinh tế châu Á-Thái Bình Dương (APEC) tại Bắc Kinh (Trung Quốc) nhất trí sớm kết thúc đàm phán, nhưng không đưa ra mốc cụ thể.

Tháng 4-2015: Nghị sỹ Mỹ trình Quốc hội dự luật Quyền đàm phán nhanh để thúc đẩy đàm phán TPP. Tháng 6-2015: Tổng thống Mỹ ký ban hành luật Quyền đàm phán nhanh. Tháng 7-2015: Bộ trưởng 12 nước đàm phán TPP họp tại Hawaii (Mỹ), nhưng vẫn không khai thông được bất đồng.

Ngày 30-9-2015: Bộ trưởng 12 nước bắt đầu đàm phán tại Atlanta (Mỹ) với mục tiêu hoàn tất thỏa thuận. Cuộc họp căng thẳng kéo dài 5 ngày và đến ngày 05-10-2015: Các nước chính thức đạt thỏa thuận cuối cùng về TPP. Trước đó, 12 nước thành viên đã cùng nhau tháo gỡ ba nút thắt chính còn lại trên con đường dẫn tới thỏa thuận lịch sử này, bao gồm vấn đề dỡ bỏ hàng rào thuế quan đối với mặt hàng linh kiện ôtô nhập khẩu vào thị trường Bắc Mỹ, Canada và Mỹ mở cửa thị trường cho các sản phẩm bơ sữa của New Zealand và thời gian giữ bảo hộ độc quyền đối với các sản phẩm sinh dược thế hệ mới. Sau khi 12 nước ký hiệp định TPP, văn kiện này cần nhận được sự phê chuẩn của chính phủ và Quốc hội các nước thành viên để có hiệu lực.

Ước tính, TPP sẽ trở thành khu vực thương mại tự do với 800 triệu dân, chiếm 30% kim ngạch thương mại toàn cầu và gần 40% sản lượng kinh tế thế giới.

Phản ứng xung quanh việc hoàn tất TPP

Cùng ngày 05-10, Tổng thống Mỹ Barack Obama đã hoan nghênh Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) vừa được hoàn tất, qua đó thiết lập khu vực thương mại tự do lớn nhất thế giới; cho rằng hiệp định này "phản ánh các giá trị của Mỹ" và "đặt người lao động Mỹ lên trước tiên."

Theo Tổng thống Obama, hiệp định bao phủ 40% nền kinh tế toàn cầu này sẽ cho phép Mỹ "xuất khẩu nhiều hơn các sản phẩm đóng mác 'Made in America' ra khắp thế giới" và "cân bằng sân chơi" cho người lao động cũng như doanh nghiệp Mỹ.

Văn phòng Đại diện Thương mại Mỹ (USTR) cũng ra tuyên bố bảo vệ TPP, gọi đây là một "thỏa thuận toàn diện và cân bằng", sẽ giúp nâng cao tiêu chuẩn sống và giảm đói nghèo. Theo USTR, TPP sẽ xóa bỏ và cắt giảm các hàng rào thuế quan và phi thuế quan đánh vào một loạt các mặt hàng và dịch vụ, giải quyết các vấn đề như sự phát triển của kinh tế kỹ thuật số và vai trò của các doanh nghiệp nhà nước trong nền kinh tế toàn cầu. Cơ quan này cũng đánh giá việc hoàn tất đàm phán TPP, với các tiêu chuẩn cao hơn đối với thương mại và đầu tư tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương, "như một bước tiến quan trọng hướng đến mục tiêu cuối cùng là mở cửa thương mại và hội nhập khu vực."

Còn Thủ tướng Canada Stephen Harper thì khẳng định hiệp định TPP phục vụ cho những lợi ích tốt nhất của Canada, đồng thời bày tỏ hy vọng thỏa thuận này sẽ được Quốc hội Canada thông qua trong vòng 2 năm. Bộ trưởng Thương mại Canada Ed Fast đánh giá thỏa thuận trên "thực sự mang tính chuyển tiếp," sẽ giúp định hình tương lai đối với nhiều thỏa thuận thương mại khác trong thế kỷ XXI.

Trong khi đó, Bộ trưởng Thương mại New Zealand Tim Groser nhấn mạnh thỏa thuận cuối cùng vừa đạt được có ý nghĩa "đặc biệt quan trọng và mang lại nhiều lợi ích đối với các thế hệ người dân tại các nước tham gia đàm phán".

Ngày 06-10, Thủ tướng Nhật Bản Shizo Abe cho biết nước này sẽ thành lập một nhóm chuyên trách để ứng phó với các tác động tiêu cực từ việc mở rộng hơn nữa quyền tự do thương mại, đặc biệt trong lĩnh vực nuôi trồng.

Phát biểu họp báo 1 ngày sau khi hoàn tất quá trình đàm phán Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), ông Abe nhấn mạnh Nhật Bản đã thu được "những kết quả khả quan nhất phù hợp với lợi ích quốc gia" từ thỏa thuận TPP. Thủ tướng Abe sẽ đứng đầu nhóm chuyên trách nhằm xoa dịu quan ngại về tương lai của ngành nông nghiệp Nhật Bản và nhóm sẽ gồm tất cả thành viên Nội các.

Tối 05-10, Malaysia hoan nghênh thỏa thuận TPP, đồng thời cho biết nước này đã đạt được một số nhượng bộ then chốt trong nhiều lĩnh vực, trong đó có cơ chế gây tranh cãi về các quyền ưu tiên kinh doanh cho đa số người dân nước này.

Trong khi đó, Chính phủ Hàn Quốc cũng bày tỏ hoan nghênh việc 12 nước đạt được thỏa thuận TPP, đồng thời tuyên bố sẽ nỗ lực tham gia hiệp định này ngay khi có thể. Hàn Quốc chính thức bày tỏ quan tâm tới TPP từ cuối năm 2013, song không được tham gia vòng thương lượng đầu tiên và như vậy sẽ phải tham gia hiệp định này trong đợt hai.

Doanh nghiệp vừa và nhỏ của Mỹ hưởng lợi từ TPP nhưng chính khách và nghiệp đoàn thương mại hoài nghi lợi thế TPP

Trước hết, TPP sẽ giúp xóa bỏ hơn 18.000 loại thuế khác nhau mà các nước thành viên đang áp dụng đối với các mặt hàng xuất khẩu của Mỹ như thiết bị máy móc, nông sản, ôtô, các sản phẩm khoa học công nghệ, truyền thông thông tin.

Với Mỹ, các doanh nghiệp vừa và nhỏ là một trong những động lực chính thúc đẩy tăng trưởng việc làm cho người dân Mỹ. Tuy nhiên, các doanh nghiệp này thường phải đối mặt với các rào cản thương mại khiến họ không thể tiếp cận được thị trường nước ngoài. TPP sẽ giúp tháo gỡ các rào cản thương mại vốn gây nhiều khó khăn cho các doanh nghiệp nhỏ của Mỹ như việc đánh thuế cao, thủ tục giấy tờ phức tạp… Hiện có tới 98% các doanh nghiệp xuất khẩu của Mỹ là các doanh nghiệp vừa và nhỏ.

Điều này có nghĩa là tiềm năng xuất khẩu của các doanh nghiệp vừa và nhỏ của Mỹ là rất lớn, và khi nút thắt này được tháo gỡ, các doanh nghiệp Mỹ sẽ có cơ hội xuất khẩu hàng hóa ra thị trường rộng lớn chiếm khoảng 95% người tiêu dùng toàn cầu.

TPP cũng sẽ giúp hàng hóa của các doanh nghiệp nhỏ của Mỹ được dễ dàng lưu thông, vận chuyển với chi phí thấp hơn, tạo cơ chế thủ tục minh bạch, hiệu quả cho các hàng hóa của họ được xuất khẩu nhanh chóng. TPP cũng được cho là sẽ giúp giảm thiểu các quy định để thúc đẩy thương mại dựa trên Internet, một trong những trụ cột tạo nên vị thế của Mỹ đồng thời là một trong những cơ hội lớn nhất cho sự phát triển của thế giới. TPP bao gồm các quy định mạnh mẽ nhằm đảm bảo những cải tiến tốt nhất, tránh các rào cản thương mại đồng thời giúp duy trì thị trường kỹ thuật số toàn cầu hiệu quả.

TPP cũng góp phần đảm bảo cho các cá nhân và doanh nghiệp nhỏ tại tất cả các quốc gia TPP tranh thủ lợi thế của việc mua hàng trực tuyến, giao tiếp hiệu quả, giá rẻ, tiếp cận và lưu trữ dữ liệu, giúp loại bỏ các quy định gây khó khăn cho doanh nghiệp Mỹ trong việc tiếp cận thị trường.

Tuy nhiên, ngay tại Mỹ, TPP cũng vấp phải không ít sự chỉ trích. Public Citizen, một tổ chức phi lợi nhuận, cho rằng TPP là một thỏa thuận gây tranh cãi và “chỉ làm lợi cho các công ty lớn.”

Mặc dù các quan chức Mỹ khẳng định rằng hiệp định bao hàm cả những điều khoản bảo vệ người lao động và môi trường, song những người chỉ trích vẫn cho rằng “TPP có thể ảnh hưởng tới mọi thứ, từ giá phômai tới chi phí điều trị bệnh ung thư.” Các nghiệp đoàn thương mại và những người chỉ trích cũng cho rằng thỏa thuận này sẽ buộc người lao động Mỹ phải đương đầu với sự cạnh tranh từ nước ngoài và bị mất việc làm./.