Quan hệ hữu nghị, hợp tác truyền thống giữa Việt Nam và Cộng hòa dân chủ nhân dân Triều Tiên
Việt Nam và Cộng hòa dân chủ nhân dân Triều Tiên thiết lập quan hệ ngoại giao ngày 31-1-1950. Trong hơn 57 năm qua, quan hệ giữa hai nước tuy có những bước thăng trầm, nhưng không ngừng được củng cố và phát triển.
Việt Nam và Cộng hòa dân chủ nhân dân Triều Tiên có nhiều nét tương đồng về địa lý, lịch sử, văn hoá, kinh tế, về tinh thần, ý thức dân tộc, về lựa chọn con đường phát triển đất nước... Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, nhân dân Việt Nam đã nhận được sự ủng hộ chí tình của Đảng và nhân dân Cộng hòa dân chủ nhân dân Triều Tiên. Việt Nam đã ủng hộ Triều Tiên trong sự nghiệp thống nhất đất nước. Đó chính là những cơ sở gắn kết bền vững quan hệ hữu nghị hợp tác giữa hai Đảng, hai dân tộc mà Chủ tịch Hồ Chí Minh và Chủ tịch Kim Nhật Thành đã xây dựng và dày công vun đắp.
1. Phát triển quan hệ hữu nghị trên mọi lĩnh vực
Về phương diện chính trị. Quan hệ giữa hai nước ngày càng phát triển, thể hiện trước hết qua các chuyến thăm lẫn nhau của lãnh đạo cấp cao, các cuộc trao đổi, giao lưu ở các cấp, các ngành.
Phía Cộng hòa dân chủ nhân dân Triều Tiên có các chuyến thăm Việt Nam của: Phó Thủ tướng Chính vụ viện Kung Chin Tha (năm 1997), của Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Pắc Nam Sun (năm 2000); Ủy viên dự khuyết Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch Hội nghị nhân dân tối cao Chu Tha Bóc sang dự Đại hội IX Đảng Cộng sản Việt Nam (năm 2001); Chủ tịch Ủy ban thường vụ Hội nghị nhân dân tối cao Kim Ung Nam (năm 2001); Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Kim Yơng Choi (năm 2002); Phó Chủ nhiệm thứ nhất Tổng cục chính trị Bộ Quốc phòng Pắc Chi Kiên (năm 2003); Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Kim Yơng In (năm 2004). Trong đó, chuyến thăm chính thức Việt Nam của Chủ tịch Ủy ban Thường vụ Hội nghị nhân dân tối cao Triều Tiên Kim Yơng Nam từ ngày 11 đến ngày 14-7-2001 có ý nghĩa quan trọng. Bởi vì, theo Hiến pháp của Cộng hòa dân chủ nhân dân Triều Tiên, Chủ tịch Ủy ban Thường vụ Hội nghị nhân dân tối cao là đại diện cho Nhà nước về mặt đối ngoại. Đây là chuyến thăm cấp cao nhất của Cộng hòa dân chủ nhân dân Triều Tiên đến Việt Nam kể từ sau chuyến thăm của Chủ tịch Kim Nhật Thành vào năm 1964. Sự kiện này đánh dấu bước phát triển mới trong quan hệ hữu nghị và hợp tác truyền thống Việt Nam - Triều Tiên. Trong chuyến thăm này, Thông cáo chung Việt Nam - Cộng hòa dân chủ nhân dân Triều Tiên đã được hai nước ký kết, trong đó nêu rõ hai bên nhất trí tăng cường, phát triển hơn nữa mối quan hệ giữa hai nước trong thế kỷ XXI. Hai nước thỏa thuận hai chính phủ sẽ tiến hành đàm phán nhằm xây dựng cơ sở pháp lý cần thiết cho việc tăng cường, mở rộng giao lưu, hợp tác trên nhiều lĩnh vực; tiếp tục duy trì tiếp xúc thường xuyên ở các cấp; tăng cường quan hệ hợp tác giao lưu giữa các cơ quan và đoàn thể xã hội; thúc đẩy quan hệ kinh tế - thương mại, phù hợp với quan hệ chính trị tốt đẹp hiện nay(1).
Phía Việt Nam có các chuyến thăm Triều Tiên của: Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Nguyễn Mạnh Cầm (năm 1997); Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Vũ Khoan (năm 2000); Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Nguyễn Dy Niên (năm 2000); Chủ tịch nước Trần Đức Lương (năm 2002); Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc của Quốc hội Tráng A Pao (năm 2003); Trưởng Ban Đối ngoại Trung ương Đảng Nguyễn Văn Son (năm 2006).
Chuyến thăm Cộng hòa dân chủ nhân dân Triều Tiên của Bộ trưởng Ngoại giao Nguyễn Dy Niên vào tháng 8-2000 đã góp phần thắt chặt hơn nữa mối quan hệ hữu nghị và hợp tác truyền thống giữa hai nước. Chuyến thăm càng trở nên có ý nghĩa khi diễn ra ngay sau các sự kiện quan trọng như cuộc gặp Thượng đỉnh liên Triều lần thứ nhất vào tháng 6-2000, Triều Tiên được kết nạp là thành viên của Diễn đàn an ninh khu vực (ARF) và Việt Nam trở thành Chủ tịch Ủy ban Thường trực ASEAN. Chuyến thăm chính thức Cộng hòa dân chủ nhân dân Triều Tiên của Chủ tịch nước Trần Đức Lương vào tháng 5-2002 đã nâng quan hệ hữu nghị hợp tác giữa hai nước lên tầm cao mới. Trong chuyến thăm này, hai bên bày tỏ quyết tâm củng cố và tăng cường hơn nữa quan hệ truyền thống tốt đẹp trong giai đoạn mới trên tất cả các lĩnh vực chính trị, kinh tế, khoa học - công nghệ, đầu tư, thương mại, văn hoá, giáo dục, y tế... vì lợi ích của nhân dân hai nước, vì hoà bình ổn định và phát triển của khu vực và trên thế giới. Hai bên nhất trí tiếp tục tăng cường tiếp xúc thường xuyên ở các cấp, kể cả cấp cao giữa đảng, chính phủ, quốc hội, các cơ quan đoàn thể xã hội của hai nước nhằm tăng cường sự hiểu biết và ủng hộ lẫn nhau; mở rộng hợp tác kinh tế - thương mại; tích cực phối hợp tìm ra những hình thức hợp tác phù hợp để khai thác tiềm năng sẵn có trong các lĩnh vực chế biến nông sản, đóng và sửa chữa tàu, xây dựng, vận tải, nông nghiệp, cơ khí... Về tương lai của bán đảo Triều Tiên, Việt Nam khẳng định chính sách nhất quán ủng hộ nguyện vọng hòa bình thống nhất đất nước của nhân dân Triều Tiên, hoan nghênh những tiến triển tích cực theo hướng thúc đẩy đối thoại, củng cố hoà bình và ổn định trên báo đảo Triều Tiên và khu vực. Trong quan hệ quốc tế, hai bên thoả thuận trao đổi thông tin, phối hợp với nhau tại các diễn đàn quốc tế và khu vực như Liên hợp quốc, Phong trào Không liên kết, ASEAN, thúc đẩy sự đoàn kết và hợp tác với các nước đang phát triển. Trong chuyến thăm này, Việt Nam và Cộng hòa dân chủ nhân dân Triều Tiên đã ký kết 6 Hiệp định, bao gồm Hiệp định vận tải biển, Hiệp định thương mại, Hiệp định tương trợ tư pháp, Hiệp định khuyến khích và bảo hộ đầu tư, Hiệp định tránh đánh thuế hai lần và thoả thuận về quan hệ hàng đổi hàng(2).
Đặc biệt, chuyến thăm Cộng hòa dân chủ nhân dân Triều Tiên của Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh (từ ngày 16 đến 18-10-2007) diễn ra đúng vào dịp kỷ niệm tròn 50 năm Chủ tịch Hồ Chí Minh sang thăm hữu nghị chính thức Triều Tiên. Chuyến thăm đã tạo động lực to lớn, thúc đẩy quan hệ hợp tác giữa hai nước. Trong các cuộc hội đàm, hai bên nhất trí quan điểm về những vấn đề quốc tế cùng quan tâm; khẳng định quyết tâm tăng cường hợp tác, nhất là sau khi Việt Nam trở thành Ủy viên không thường trực của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2008-2009; thắt chặt quan hệ hợp tác kinh tế, văn hóa, khoa học - kỹ thuật, giáo dục đào tạo, đặc biệt là những lĩnh vực hai nước có thế mạnh như nông nghiệp, thủy sản, khai khoáng, giáo dục, văn hóa thể thao; phát huy hơn nữa vai trò của Ủy ban liên chính phủ về hợp tác kinh tế, khoa học - kỹ thuật Việt Nam- Triều Tiên. Trong thời gian tới, Việt Nam và Triều Tiên sẽ lập cơ chế trao đổi thường niên cấp Thứ trưởng Ngoại giao. Chuyến thăm đã đem theo tình cảm tốt đẹp đối với nhân dân hai nước, đồng thời tạo thêm nhiều cơ hội phát triển, mở rộng mối quan hệ hợp tác hữu nghị truyền thống Việt Nam - Triều Tiên trong thế kỷ XXI, đáp ứng với tiềm năng và điều kiện của mỗi nước, đưa mối quan hệ đi vào hiệu quả và thiết thực, góp phần thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế mà mỗi nước đã đề ra.
Bên cạnh các cuộc gặp gỡ cấp cao của lãnh đạo hai Đảng và hai Nhà nước, còn có các hoạt động nhằm thắt chặt tình đoàn kết hữu nghị của nhân dân hai nước như các hoạt động kỷ niệm trọng thể 50 năm, 55 năm ngày thiết lập quan hệ ngoại giao. Điều này thể hiện mối quan hệ hữu nghị và hợp tác truyền thống giữa Việt Nam - Triều Tiên không ngừng phát triển tốt đẹp.
Về phương diện kinh tế - thương mại. Do nhiều nguyên nhân chủ quan và khách quan, quan hệ Việt Nam - Triều Tiên trên lĩnh vực kinh tế - thương mại những năm vừa qua còn hạn chế, chưa thực sự tương xứng với quan hệ hữu nghị hợp tác truyền thống giữa hai nước. Cơ chế điều phối hợp tác kinh tế - thương mại, khoa học - kỹ thuật giữa hai nước thông qua Ủy ban liên chính phủ về hợp tác kinh tế, khoa học - kỹ thuật được thành lập từ năm 1989 và trong những năm đầu hoạt động khá hiệu quả. Song, vào đầu những năm 90 của thế kỷ XX, do khó khăn từ cả hai phía, hoạt động của Ủy ban này tạm thời bị gián đoạn. Đến tháng 9-2000, Ủy ban chính thức hoạt động trở lại, đến nay đã họp phiên thứ 6 tại Bình Nhưỡng (tháng 9-2006). Nhìn chung, kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam với Triều Tiên còn khiêm tốn: năm 1993, xuất khẩu đạt 35.475 USD, nhập khẩu là 4,5 triệu USD; năm 1994, xuất khẩu đạt 32.000 USD, nhập khẩu là 13,896 triệu USD; năm 1995, xuất khẩu là 2,186 triệu USD và năm 1996 xuất khẩu là 5,6 triệu USD.
Về hợp tác văn hoá - giáo dục. Trong những năm 60 - 70 của thế kỷ XX, Triều Tiên đã giúp đào tạo cho Việt Nam hàng trăm sinh viên. Hoạt động giao lưu văn hoá giữa hai nước được duy trì, hằng năm Việt Nam đều cử đoàn nghệ thuật sang Triều Tiên dự Liên hoan nghệ thuật mùa xuân được tổ chức thường niên vào tháng 4 tại Bình Nhưỡng, hoặc Triều Tiên cử đoàn thể thao (bóng chuyền nữ) sang thi đấu tại Việt Nam... Tuy nhiên, các hoạt động này vẫn chưa thực sự sôi nổi. Nhằm thúc đẩy hơn nữa hợp tác trong lĩnh vực giáo dục - đào tạo và văn hoá, lãnh đạo hai nước bày tỏ quyết tâm tiếp tục trao đổi, hợp tác thông qua các hoạt động như trao đổi sinh viên, trao đổi các đoàn văn hoá nghệ thuật, phối hợp kỷ niệm các ngày lễ lớn, góp phần tăng cường tình hữu nghị giữa nhân dân hai nước.
2. Để phát triển quan hệ Việt Nam - Triều Tiên lên tầm cao mới
Nhìn lại quan hệ Việt Nam - Cộng hòa dân chủ nhân dân Triều Tiên những năm sau Chiến tranh lạnh, có thể thấy rằng, quan hệ hữu nghị truyền thống giữa hai nước mặc dù có thời gian bị chững lại, nhưng nhìn chung vẫn được duy trì và gần đây bắt đầu khởi sắc. Để củng cố và phát triển quan hệ lên một tầm cao mới, hai bên đã có những biện pháp cụ thể thúc đẩy quan hệ song phương. Cụ thể là, trên cơ sở coi trọng quan hệ hữu nghị, truyền thống giữa hai Đảng và nhân dân hai nước, Việt Nam và Triều Tiên nhất trí cùng nỗ lực thắt chặt hơn nữa tình đoàn kết và sự hợp tác, quyết tâm đưa quan hệ lên tầm cao mới trong thế kỷ XXI; tăng cường trao đổi đoàn cấp cao, các ngành; họp Ủy ban liên chính phủ về hợp tác kinh tế và khoa học - kỹ thuật; thúc đẩy quan hệ thương mại và hợp tác kinh tế giữa hai nước; tăng cường hợp tác giao lưu trên các lĩnh vực văn hóa, giáo dục, thể thao; tích cực phối hợp trên các diễn đàn đa phương quốc tế và khu vực; tăng cường hợp tác chặt chẽ giữa hai Bộ Ngoại giao... Gần đây, tháng 3-2007, với sự tín nhiệm cao của Cộng hòa dân chủ nhân dân Triều Tiên, Việt Nam đã đăng cai, tạo mọi điều kiện thuận lợi cho cuộc đàm phán lần đầu tiên về bình thường hoá quan hệ giữa Cộng hòa dân chủ nhân dân Triều Tiên với Nhật Bản và cuộc đàm phán đã đạt được những kết quả tích cực.
Trong thời gian tới, nhằm phát triển hơn nữa quan hệ hữu nghị Việt Nam - Cộng hòa dân chủ nhân dân Triều Tiên trong thế kỷ XXI, hai bên cần hướng tới:
Thứ nhất, duy trì thường xuyên các cuộc tiếp xúc chính trị - ngoại giao ở các cấp, nhất là ở cấp cao giữa hai nước. Đề xuất các nội dung cụ thể, thiết thực trong quan hệ song phương và quan hệ quốc tế ở khu vực để hai bên cùng bàn bạc, trao đổi ý kiến thẳng thắn, cởi mở. Đặt ra mục tiêu cụ thể cho các cuộc gặp gỡ tiếp xúc nhằm tìm ra những điểm tương đồng cũng như điểm bất đồng trong quan điểm chính trị của hai nước, trên cơ sở đó có hướng hành động phù hợp. Về phía mình, Việt Nam nỗ lực thực hiện các biện pháp xây dựng lòng tin để nhân dân Triều Tiên hiểu rõ hơn đường lối, chính sách đối ngoại đa dạng hoá, đa phương hoá, chủ động hội nhập quốc tế của Việt Nam.
Thứ hai, tìm ra những phương sách, biện pháp hữu hiệu nhằm cải thiện quan hệ Việt Nam - Triều Tiên trên lĩnh vực kinh tế - thương mại và các lĩnh vực khác. Do nhiều nguyên nhân nội tại và tác động từ bên ngoài, tình hình kinh tế của Triều Tiên rất khó khăn, do vậy, việc cải thiện quan hệ kinh tế giữa hai nước khó giải quyết. Nhằm khắc phục tình trạng này, Việt Nam sẽ tìm hiểu kỹ hơn thị trường của Triều Tiên, từ đó căn cứ vào tình tình kinh tế đối ngoại của nước ta cũng như căn cứ vào các Hiệp định đã ký, đưa ra các biện pháp nhằm khai thông quan hệ kinh tế - thương mại trên những lĩnh vực cả hai bên có thể phát huy tốt nhất.
(1) Báo Nhân Dân, ngày 14 - 7 - 2001.
(2) Báo Quân đội nhân dân, ngày 2 - 5 - 2002.
Tham vấn cộng đồng khi xây dựng kế hoạch - một cách tiếp cận mục tiêu phát triển con người  (23/10/2007)
Lịch sử biên niên Đảng cộng sản Việt Nam  (23/10/2007)
Quan điểm của Nhật Bản về liên kết Đông Á trong bối cảnh toàn cầu hóa và hội nhập kinh tế quốc tế  (23/10/2007)
Toàn cầu hóa kinh tế và hội nhập kinh tế quốc tế đối với tiến trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa ở Việt Nam  (23/10/2007)
Phát triển nhân tài chấn hưng đất nước  (23/10/2007)
Bàn về nghệ thuật quân sự  (23/10/2007)
- Quảng Ngãi phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, trọng tâm là xây dựng đội ngũ cán bộ lãnh đạo có đủ phẩm chất, năng lực, uy tín, ngang tầm nhiệm vụ
- Tăng cường vai trò của tài chính vi mô cho phát triển “nông nghiệp, nông dân và nông thôn xanh” tại Việt Nam
- Quan điểm và ứng xử của Trung Quốc trước tình hình thế giới mới
- Đóng góp của phụ nữ Việt Nam qua gần 40 năm tiến hành công cuộc đổi mới
- Một số nội dung chủ yếu trong đường lối, chủ trương của Đảng về công nghiệp hóa, hiện đại hóa liên quan đến chuyển đổi công nghiệp
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Một số lý giải về cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay và tính toán chiến lược của các bên