Ngày 27-8, Đoàn Giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã tiến hành phiên giải trình “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý, sử dụng đất tại các nông, lâm trường quốc doanh giai đoạn 2004 - 2014”.

Tham gia giải trình có Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Cao Đức Phát, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Nguyễn Minh Quang và đại diện lãnh đạo một số bộ, ngành liên quan.

Những chuyển biến tích cực

Kết quả giám sát cho thấy trong giai đoạn 2004 - 2014, công tác quản lý, sử dụng đất của các nông, lâm trường quốc doanh đã có những chuyển biến tích cực so với giai đoạn 2004. Một số nông, lâm trường đã được sắp xếp, chuyển đổi để phân biệt rõ nhiệm vụ công ích. Trên cơ sở đó, đã tiến hành rà soát hiện trạng và lập quy hoạch sử dụng đất, quy hoạch sử dụng rừng gắn với quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội.

Tính đến ngày 31-6-2012, cả nước có 653 nông trường, lâm trường, ban quản lý rừng và khu bảo tồn, vườn quốc gia đang quản lý, sử dụng diện tích là 7.996.467ha.

Từ 185 nông trường, công ty nông nghiệp đã sắp xếp còn 145 công ty (không tính các công ty thuộc Bộ Quốc phòng). Các lâm trường đã rà soát xác định rõ chức năng, nhiệm vụ sản xuất, kinh doanh, sắp xếp lại theo hướng chuyển đổi các lâm trường quản lý rừng phòng hộ, rừng đặc dụng thành các ban quản lý rừng; các lâm trường thua lỗ kéo dài, không cần thiết giữ lại thì giải thể; các lâm trường còn lại thì chuyển đổi thành công ty lâm nghiệp và sau đó chuyển đổi thành công ty Trách nhiệm hữu hạn một thành viên thuộc sở hữu Nhà nước.

Từ 256 lâm trường quốc doanh (năm 2005) đã sắp xếp chuyển đổi thành 148 công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên thuộc sở hữu Nhà nước, 3 công ty cổ phần, thành lập mới 91 (sau đó giảm còn 87) ban quản lý rừng, 14 đơn vị bị giải thể.

Tranh chấp và vi phạm pháp luật đất đai còn phổ biến

Đáng chú ý, kết quả giám sát cho thấy tình trạng tranh chấp và vi phạm pháp luật đất đai tại các nông, lâm trường vẫn còn phổ biến dưới các hình thức như lấn, chiếm đất đai, cho thuê, cho mượn đất, chuyển mục đích, chuyển nhượng đất trái pháp luật; nhiều trường hợp kéo dài đã nhiều năm nhưng chậm được giải quyết, nhất là ở các tỉnh Tây Nguyên và một số tỉnh miền Đông Nam Bộ.

Qua thanh tra, kiểm tra đã phát hiện nhiều trường hợp tranh chấp, lấn chiếm đất đai, vi phạm các quy định về quản lý, sử dụng đất; những bất cập, hạn chế trong việc thực hiện nhiệm vụ quản lý nhà nước về đất đai ở các cấp, các ngành; những hạn chế trong nhận thức pháp luật đất đai của người dân và cán bộ.

Việc đầu tư kinh phí, cắm mốc ranh giới sử dụng, đo đạc lập bản đồ, đăng ký cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho nông, lâm trường chưa được quan tâm đúng mức, dẫn đến tình trạng hồ sơ đất đai của các nông, lâm trường không đầy đủ, không rõ ràng, tạo kẽ hở cho các vi phạm và khó khăn trong xử lý vi phạm.

Việc thu hồi đất của các nông, lâm trường và phân bổ lại cho các đối tượng sử dụng đất tại chỗ còn bộc lộ nhiều lúng túng.

Tại phiên giải trình, các đại biểu đề nghị đại diện lãnh đạo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Tài Nguyên Môi trường trả lời những câu hỏi, làm rõ trách nhiệm của các bộ đối với những khó khăn, tồn tại ảnh hưởng đến việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý, sử dụng đất tại các nông, lâm trường quốc doanh.

Những vấn đề được các đại biểu đặt nhiều câu hỏi tại phiên giải trình là lý do, phương hướng khắc phục tình trạng quản lý, sử dụng đất đai tại các nông lâm trường do bị buông lỏng qua nhiều thời kỳ dẫn đến tình trạng tranh chấp, vi phạm, nhất là cho thuê, cho mượn, lấn chiếm, chuyển mục đích trái phép xảy ra phổ biến, kéo dài, không được giải quyết dứt điểm nên rất phức tạp trong xử lý.

Việc sắp xếp đổi mới nông, lâm trường chưa được sự quan tâm, chỉ đạo quyết liệt của các cấp chính quyền nên việc thực hiện còn mang tính hình thức, kém hiệu quả.

Báo cáo tại phiên giải trình, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Cao Đức Phát thừa nhận mặc dù quản lý đất, rừng lớn nhưng nhiều nông, lâm trường rất khó khăn, như lâm trường Văn Chấn (Yên Bái) quản lý rừng nghèo, đất trồng rừng ít nên ít nguồn thu, chủ yếu nhận hỗ trợ từ các dự án của Nhà nước.

Bộ trưởng Cao Đức Phát cũng thừa nhận sau sắp xếp còn một số công ty nông, lâm nghiệp không khắc phục được tồn tại cũ, kết quả sản xuất kinh doanh thấp hoặc tiếp tục lỗ. Mô hình tổ chức và cơ chế hoạt động của nhiều doanh nghiệp chưa phù hợp với yêu cầu đổi mới.

Quản trị doanh nghiệp tuy có tiến bộ, nhưng chưa đồng bộ, việc quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp còn nhiều lúng túng, xúc tiến thương mại phát triển thị trường, xây dựng thương hiệu còn hạn chế.

Phát biểu tại phiên giải trình, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Ksor Phước nhấn mạnh, qua giám sát, việc phối hợp giữa chính quyền địa phương, bộ chủ quản, Bộ Tài chính còn chưa chặt chẽ, trong việc giải quyết những tồn đọng vẫn còn loay hoay.

Do đó, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc đề nghị các cơ quan, các bộ, ngành phải phối hợp chặt chẽ hơn nữa, bám vào nghị quyết 30-NQ/TW để giải quyết vấn đề cho các doanh nghiệp 100% vốn nhà nước, 1 thành viên, 2 thành viên./.