TCCSĐT - Sáng ngày 26-8-2015, tại Hà Nội, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM), Viện Khoa học Lao động và Xã hội (ILSSA), Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn (IPSARD) đã phối hợp tổ chức Hội thảo công bố báo cáo “Đặc điểm kinh tế nông thôn Việt Nam: Kết quả điều tra hộ gia đình nông thôn năm 2014 tại 12 tỉnh”.

TS. Nguyễn Thị Tuệ Anh - Phó Viện trưởng CIEM, TS. Nguyễn Thị Lan Hương - Viện trưởng ILSSA và TS. Nguyễn Đỗ Anh Tuấn - Viện trưởng IPSARD đồng chủ trì Hội thảo.

Tại Hội thảo, Trưởng ban Chính sách phát triển nông thôn - Lưu Đức Khải đã báo cáo Tổng quan và giới thiệu cuộc Điều tra tiếp cận nguồn lực hộ gia đình nông thôn Việt Nam (VARHS) năm 2014.

Cuộc điều tra tiếp cận nguồn lực gia đình nông thôn Việt Nam lần đầu tiên được thực hiện vào năm 2002, sau đó được mở rộng quy mô điều tra hai năm một lần từ năm 2006 đến năm 2014.

Cuộc điều tra thu thập thông tin kinh tế - xã hội, từ tiết kiệm, thu nhập của hộ gia đình đến các vấn đề như đất đai, di cư,… của 3.648 hộ gia đình nông thôn ở 12 tỉnh, gồm: Hà Tây (cũ), Phú Thọ, Lào Cai, Lai Châu, Điện Biên, Đắk Lắk, Đắk Nông, Nghệ An, Quảng Nam, Khánh Hòa, Lâm Đồng và Long An. Số lượng mẫu điều tra tăng lên sau mỗi vòng điều tra nhưng có trên 2.200 hộ gia đình được điều tra lặp lại.

Báo cáo VARHS cung cấp cái nhìn tổng quan về các chỉ số kinh tế - xã hội và phân tích những thay đổi theo thời gian bằng các thông tin thu thập được năm 2014 so với các thông tin thu thập được từ các cuộc điều tra của những năm trước.

Cùng với việc hồi phục tốc độ tăng trưởng của kinh tế Việt Nam, kinh tế hộ nông thôn tại 12 tỉnh điều tra VARHS trong giai đoạn 2012 - 2014 cũng cho thấy có những thay đổi tiến bộ. Thu nhập và điều kiện sống của người dân nông thôn được cải thiện. Đa dạng hóa về lương thực, thực phẩm đã tăng lên. Tỷ lệ đói nghèo đã giảm trong hai giai đoạn điều tra, đặc biệt tại những khu vực miền núi. Nhiều chương trình và chính sách phát triển nông thôn đã đạt được những thành tựu quan trọng, nhất là trong việc hỗ trợ người dân tiếp cận tốt hơn tới thị trường đầu vào cũng như thị trường đầu ra của sản phẩm nông nghiệp và phi nông nghiệp. Việc tiếp cận các dịch vụ công như giáo dục, đào tạo nghề, y tế đã có nhiều tiến bộ. Người dân nông thôn đang ngày càng tham gia một cách tích cực hơn vào hoạt động của các mạng lưới xã hội.

Bên cạnh những thành tựu đó, Báo cáo VARHS cũng đưa ra những điểm cần chú ý trong các khía cạnh khác nhau của nông thôn. Mặc dù thu nhập bình quân và mức sống của người dân nông thôn được tăng lên, nhưng kết quả điều tra cũng cho thấy một thực tế là những hộ giàu hơn có mức độ cải thiện nhiều hơn so với những hộ nghèo hơn. Trong khi phúc lợi bình quân ở khu vực nông thôn tiếp tục cải thiện nhờ tăng trưởng kinh tế, thì khu vực khó khăn và các nhóm yếu thế không được hưởng lợi như nhau không chỉ về thu nhập, mà còn về tiếp cận dịch vụ, liên kết thị trường và an ninh lương thực…

Cũng qua kết quả điều tra được công bố, hoạt động kinh tế hộ gia đình nông thôn được đa dạng hóa hơn, tuy tỷ trọng thu nhập từ hoạt động sản xuất nông nghiệp đang giảm đi nhưng nông nghiệp vẫn còn đóng góp tỷ trọng tương đối cao trong tổng thu nhập của hộ gia đình và sản xuất nông nghiệp vẫn là nguồn thu nhập quan trọng, đặc biệt tại những tỉnh chậm chuyển dịch cơ cấu kinh tế…

Áp lực về môi trường nông thôn vẫn đang là vấn đề trong nông thôn. Tình trạng giải quyết vấn đề rác thải vẫn chưa có nhiều tiến bộ. Hơn nữa, nông dân còn sử dụng nhiều hóa chất, phân bón hóa học vào canh tác nông nghiệp đang dấy lên lo ngại về vấn đề an toàn thực phẩm… Môi trường kinh doanh trong nông thôn còn một số bất cập, vì vậy, vẫn còn những rào cản đối với doanh nghiệp đăng ký và hoạt động tại nông thôn.

Cùng với việc đẩy mạnh quá trình công nghiệp hóa là quá trình cơ cấu lại nền kinh tế và cơ cấu lại lực lượng lao động. Kết quả điều tra cho thấy, trong giai đoạn 2012 - 2014, nhiều lao động rút ra khỏi nông nghiệp và khu vực nông thôn, di chuyển đến khu vực đô thị. Phần đông người di cư là những người trẻ tuổi, những người di cư phải đối mặt với những khó khăn chính như tiếp cận giáo dục, chăm sóc sức khỏe và các dịch vụ xã hội…

Do đó, bên cạnh các chính sách về phát triển kinh tế, Nhà nước cần chú trọng hơn nữa tới các vấn đề xã hội trong nông thôn để phát triển kinh tế - xã hội bền vững./.