TCCSĐT - Trong nhiệm kỳ 2010 - 2015, cán bộ, đảng viên, người lao động Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam (PVN) không ngừng nỗ lực, phấn đấu vượt qua khó khăn, thực hiện thành công mục tiêu Nghị quyết Đại hội I của Đảng bộ Tập đoàn đề ra: “Giữ vững vị trí đầu tàu trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước”.
Thực hiện Nghị quyết của Bộ Chính trị về Chiến lược phát triển ngành dầu khí Việt Nam đến năm 2025, định hướng đến năm 2035, trong nhiệm kỳ 2015 - 2020, PVN đang đứng trước những thời cơ mới để phát triển, với quyết tâm xây dựng Đảng bộ vững mạnh toàn diện làm rường cột, tiếp tục phát huy vai trò của Tập đoàn là một trụ cột nền kinh tế của đất nước.

Tập đoàn kinh tế nhà nước hàng đầu

Đảng bộ PVN hiện có 27 tổ chức cơ sở đảng trực thuộc, với 14.702 đảng viên (tăng 4.905 đảng viên, tăng 50% so với đầu nhiệm kỳ) đang công tác, sinh hoạt trong và ngoài nước. Nhiệm kỳ 2011 - 2015, hoạt động sản xuất, kinh doanh của Tập đoàn bị ảnh hưởng nhiều bởi khủng hoảng kinh tế thế giới, lạm phát cao, tăng trưởng kinh tế giảm sút; công tác tìm kiếm, thăm dò và khai thác dầu khí gặp nhiều khó khăn do chi phí ngày càng cao, khu vực thăm dò sâu, xa bờ, các phát hiện dầu khí mới chủ yếu là mỏ nhỏ, các mỏ chủ lực đều trong giai đoạn suy giảm sản lượng; hoạt động khảo sát điều tra cơ bản và tìm kiếm, thăm dò dầu khí ở vùng nước sâu, xa bờ trên Biển Đông bị hạn chế do cản phá của nước ngoài. Việc mở rộng tìm kiếm, thăm dò, khai thác dầu khí ở nước ngoài đòi hỏi nguồn vốn lớn bằng ngoại tệ, có rủi ro cao và phải cạnh tranh khốc liệt với các công ty dầu khí lớn trên thế giới. Việc tiêu thụ các sản phẩm mới (xơ sợi tổng hợp, ê-tha-non…) khó khăn do tập quán tiêu dùng trong nước chưa thích nghi, các chính sách hiện tại chưa đủ khuyến khích, sử dụng nhiên liệu thân thiện với môi trường. Hệ thống các cơ chế, chính sách của Nhà nước liên quan đến hoạt động của các tập đoàn kinh tế vẫn đang trong quá trình được hoàn chỉnh, bổ sung…

Trước rất nhiều khó khăn đó, Đảng ủy Tập đoàn đã lãnh đạo toàn Đảng bộ tập trung thực hiện nhiệm vụ chính trị trung tâm là vượt qua khó khăn, đẩy mạnh sản xuất, kinh doanh, không chỉ hoàn thành kế hoạch mà còn vượt mức, về đích trước nhiều chỉ tiêu quan trọng do Nghị quyết Đại hội nhiệm kỳ trước đề ra. Giai đoạn 2010 - 2015, tổng doanh thu của toàn bộ các đơn vị trong Tập đoàn ước đạt 3.675 nghìn tỷ đồng, tăng gấp 2,5 lần so với giai đoạn 2006 - 2010. Nộp ngân sách nhà nước đạt khoảng 880,3 nghìn tỷ đồng, tăng 73% so với giai đoạn 2006 - 2010. Tổng tài sản đến cuối năm 2015 ước đạt 800 nghìn tỷ đồng, tăng 334 nghìn tỷ đồng so với cùng thời điểm năm 2010. Tổng vốn chủ sở hữu đến cuối năm 2015 ước đạt 414 nghìn tỷ đồng, tăng 182 nghìn tỷ đồng so với cùng thời điểm năm 2010...

Trong 5 năm (2010 - 2015), Tập đoàn đã ký 37 hợp đồng dầu khí mới và nhiều thỏa thuận hợp tác quan trọng trong lĩnh vực tìm kiếm, thăm dò và khai thác với các công ty dầu khí quốc tế; có 19 phát hiện dầu khí mới; gia tăng trữ lượng dầu khí đạt 100% kế hoạch. Tập đoàn đưa vào khai thác thêm 29 mỏ mới  (trong đó ở trong nước là 20 mỏ; ở nước ngoài là 9 mỏ); sản lượng dầu thô khai thác đạt 82,85 triệu tấn và đạt 47,82 tỷ m³ khí... Sản phẩm xăng dầu, khí hóa lỏng - khí ga (LPG) từ các nhà máy của Tập đoàn hằng năm đáp ứng trên 30% nhu cầu tiêu thụ của cả nước; đáp ứng trên 70% nhu cầu của cả nước, góp phần bảo đảm an ninh năng lượng, an ninh lương thực quốc gia.

Tổng doanh thu dịch vụ dầu khí giai đoạn 2010 - 2015 đạt 1.170 nghìn tỷ đồng, tăng gấp 2,8 lần so với giai đoạn 2006 - 2010. Đến nay, hầu hết các đơn vị dịch vụ của Tập đoàn đều có năng lực và khả năng cạnh tranh tốt để thực hiện những yêu cầu dịch vụ dầu khí chất lượng cao. Giá trị thực hiện đầu tư 5 năm 2011 - 2015 đạt 432 nghìn tỷ đồng. Tập đoàn đưa vào vận hành 115 công trình, khởi công mới 25 công trình. Nhiều dự án trọng điểm về dầu khí được hoàn thành, đưa vào vận hành bảo đảm chất lượng, trong đó hầu hết là do chính các đơn vị trong Tập đoàn thực hiện.

Đề án tái cơ cấu PVN là một trong số đề án tái cơ cấu các tập đoàn kinh tế nhà nước được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt sớm nhất. Thực hiện đề án này đến nay, Tập đoàn đã cổ phần hóa được 19 đơn vị trên tổng số 21 đơn vị. Vốn hóa thị trường của PVN và các đơn vị tăng cao trên thị trường chứng khoán. Hoàn thành thủ tục và đang thực hiện thoái vốn tại 3 doanh nghiệp thành viên trên sàn giao dịch chứng khoán, với giá trị thoái vốn là 271 tỷ đồng; đang thực hiện thoái vốn tại 6 doanh nghiệp còn lại với tổng số tiền là 1.394 tỷ đồng…

Thực hiện tốt ba giải pháp đột phá, gồm: đào tạo, phát triển nguồn nhân lực; đẩy mạnh phát triển, ứng dụng khoa học - công nghệ; công tác quản lý doanh nghiệp. Thông qua công tác đào tạo trong những năm qua, Tập đoàn đã xây dựng được nguồn nhân lực cơ bản đáp ứng nhu cầu phát triển của ngành dầu khí Việt Nam. Tập đoàn tiếp cận và làm chủ các công nghệ hiện đại về dầu khí, có năng lực điều hành các hoạt động dầu khí trong và ngoài nước; qua ứng dụng khoa học - công nghệ, tiết kiệm chi phí hàng nghìn tỷ đồng; từng bước nâng cao hệ số thu hồi dầu khai thác các mỏ, duy trì sản lượng, nâng cao chất lượng dịch vụ dầu khí trình độ cao. Mô hình “công ty mẹ - công ty con” của Tập đoàn có sự thay đổi lớn về chất, khi xóa bỏ liên kết hành chính để thay bằng liên kết đầu tư tài chính phù hợp với cơ chế thị trường. Công ty mẹ thực hiện tốt vai trò là đầu tàu định hướng, mở đường, hỗ trợ, giám sát các công ty con hoạt động hiệu quả hơn và là trung tâm kết nối, mở rộng, phát triển chuỗi giá trị sản phẩm dầu khí theo chiến lược phát triển ngành dầu khí Việt Nam. Thương hiệu Petrovietnam được khẳng định vị trí ở trong nước và vị thế được nâng cao trong cộng đồng dầu khí quốc tế. Cùng với đó, “văn hóa dầu khí Petrovietnam” ngày càng được hoàn thiện.

Trong giai đoạn 2010 - 2015, Tập đoàn thực hiện tiết giảm trên 17.120 tỷ đồng; triển khai công tác an sinh xã hội với tổng số tiền trên 2.830 tỷ đồng. Trước tình hình diễn biến phức tạp ở Biển Đông, PVN phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành tích cực tham gia các hoạt động bảo vệ chủ quyền trên biển, điển hình là việc đấu tranh với đối tượng nước ngoài cắt cáp tàu địa chấn, vụ đấu thầu quốc tế 9 lô ở vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam, vụ giàn khoan HD 981 hoạt động trên Biển Đông…

Chăm lo công tác xây dựng Đảng


Đảng ủy Tập đoàn luôn coi trọng công tác chính trị tư tưởng, tạo sự thống nhất về ý chí và hành động trong toàn Tập đoàn; làm tốt công tác tuyên truyền, thường xuyên nắm bắt diễn biến và kịp thời giải quyết những phát sinh về tư tưởng của cán bộ, đảng viên, người lao động. Công tác tổ chức, cán bộ gắn chặt với việc củng cố, sắp xếp, kiện toàn tổ chức cơ sở đảng một cách đồng bộ nhằm hoàn thiện mô hình Đảng bộ toàn Tập đoàn và tái cơ cấu, đổi mới doanh nghiệp. Đảng ủy Tập đoàn tiếp tục đổi mới quy chế làm việc, chương trình, kế hoạch công tác, phân công nhiệm vụ cụ thể cho cấp ủy viên. Công tác quy hoạch cán bộ lãnh đạo, quản lý được đặt dưới sự lãnh đạo tập trung, thống nhất của các cấp ủy, đồng thời có sự phân cấp hợp lý; thực hiện tốt nguyên tắc tập trung dân chủ trong quy hoạch cán bộ, bảo đảm về độ tuổi, tỷ lệ cán bộ nữ, cán bộ trẻ…

Công tác sinh hoạt đảng và nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ chuyển biến tích cực. Việc phát triển đảng được coi trọng. Hằng năm đều kết nạp vượt chỉ tiêu khoảng 1.000 đảng viên mới. Chất lượng đảng viên mới tăng lên qua từng năm, hầu hết đều trẻ, có trình độ học vấn cao. Công tác bảo vệ chính trị nội bộ, quản lý đảng viên có liên quan đến yếu tố nước ngoài, bảo mật, bảo vệ tài liệu của Đảng, Nhà nước luôn được làm tốt. Thường xuyên hướng dẫn cấp ủy cơ sở làm rõ và kết luận các trường hợp về lịch sử chính trị của người vào Đảng; thực hiện rà soát hồ sơ, lý lịch cán bộ, đảng viên, thẩm tra xác minh, thẩm định tiêu chuẩn chính trị phục vụ công tác cán bộ.

Công tác kiểm tra, giám sát, thi hành kỷ luật của Đảng được tăng cường, có hiệu lực, hiệu quả. Công tác dân vận và lãnh đạo các đoàn thể chính trị - xã hội thường xuyên được quan tâm, tạo điều kiện tốt nhất để các đoàn thể phát huy vai trò, chức năng, góp phần xây dựng Đảng và chính quyền vững mạnh. Có nhiều sáng tạo trong thực hiện chỉ thị về tiếp tục đẩy mạnh học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, gắn với thực hiện Nghị quyết Hội nghị Trung ương 4 (khóa XI) “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay”. Các cấp ủy chủ trì, tổ chức nghiêm túc đợt sinh hoạt chính trị, kiểm điểm tự phê bình và phê bình, nêu cao tính tiền phong, gương mẫu của cấp trên, của các đồng chí cán bộ lãnh đạo đứng đầu. Qua kiểm điểm chỉ rõ những hạn chế, yếu kém, khuyết điểm và nguyên nhân ở từng cấp, từng đảng bộ, đơn vị, làm rõ trách nhiệm của tập thể, cá nhân và chủ động đề ra các giải pháp cụ thể khắc phục.

Nhìn lại 5 năm thực hiện Nghị quyết Đại hội I của Đảng bộ Tập đoàn nhiệm kỳ 2010 - 2015 và kế thừa quá trình 40 năm xây dựng, phát triển, có thể nói PVN thực sự trở thành một tập đoàn kinh tế nhà nước phát triển mạnh cả bề rộng và chiều sâu, có uy tín, hoạt động hiệu quả ở cả trong nước và ngoài nước. Tập đoàn là một hình mẫu điển hình của doanh nghiệp nhà nước, luôn có đóng góp lớn và giữ vai trò quan trọng bảo đảm cân đối ngân sách nhà nước, góp phần quan trọng vào sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước và bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia. Đảng bộ Tập đoàn liên tục nhiều năm đạt trong sạch, vững mạnh.

Để tiếp tục giữ vững tư cách đầu tàu của nền kinh tế đất nước và Đảng bộ vững mạnh toàn diện

Bên cạnh những thành tích to lớn đạt được trong nhiệm kỳ qua, phải thừa nhận, Đảng bộ Tập đoàn vẫn còn không ít những hạn chế trong thực hiện nhiệm vụ chính trị và trong công tác xây dựng Đảng. Một số chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội nhiệm kỳ trước đề ra chưa đạt, như sản lượng sản phẩm hóa dầu, sản lượng sản phẩm nhiên liệu sinh học, sản lượng sản phẩm xơ sợi... Trong quá trình xây dựng theo mô hình tập đoàn kinh tế công nghiệp - thương mại - tài chính những năm trước xảy ra tình trạng phát triển quá rộng, các công ty cấp 3, 4 và công ty liên kết đa sở hữu được hình thành với các hình thức khác nhau nên còn nhiều lúng túng trong quản lý, điều hành, tỷ suất lợi nhuận thấp. Một số đơn vị thua lỗ kéo dài, có đơn vị mất vốn. Chiến lược đào tạo, phát triển nguồn nhân lực chưa theo kịp và tương xứng với chiến lược phát triển chung của Tập đoàn. Việc xử lý các nội dung sau thanh tra, giám sát còn hạn chế…

Nhận thức về công tác xây dựng Đảng ở một số cấp ủy chưa đầy đủ. Chất lượng sinh hoạt ở một số tổ chức cơ sở đảng chưa cao. Công tác quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, đánh giá và sử dụng cán bộ đôi khi còn mang tính hình thức, thiếu sự đồng bộ, nhất quán, phản ánh chưa đúng thực chất. Công tác kiểm tra, giám sát ở một số cấp ủy, đơn vị thiếu thường xuyên, chưa phát hiện kịp thời những biểu hiện vi phạm để có biện pháp giáo dục, ngăn chặn. Đội ngũ cán bộ làm công tác xây dựng Đảng ở một số cấp ủy còn thiếu về số lượng, yếu về nghiệp vụ, nên chất lượng công tác tham mưu cho cấp ủy chưa cao.

Trong nhiệm kỳ 2015 - 2020, theo dự báo, Tập đoàn tiếp tục phải đối diện với nhiều khó khăn, thách thức, như giá dầu thô không ổn định; tình hình Biển Đông diễn biến phức tạp sẽ ảnh hưởng lớn đến hoạt động tìm kiếm, thăm dò dầu khí, cũng như việc kêu gọi các nhà đầu tư nước ngoài tham gia hợp tác ở các lô còn mở thuộc vùng nước sâu và xa bờ; nhiều dự án lớn, có mức đầu tư cao đang trong giai đoạn triển khai nên sức ép về vốn là rất lớn; việc tìm kiếm, triển khai các dự án dầu khí tốt ở nước ngoài ngày càng khó khăn do phải cạnh tranh trực tiếp với các tập đoàn lớn trong khu vực và trên thế giới...

Mặt khác, giai đoạn 2015 - 2020 cũng là giai đoạn đầu thực hiện Chiến lược phát triển ngành dầu khí Việt Nam đến năm 2025, định hướng đến năm 2035. Dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo và tạo điều kiện thuận lợi của Trung ương, Đảng ủy Khối Doanh nghiệp Trung ương, các bộ, ban, ngành, địa phương, Tập đoàn nỗ lực phấn đấu, chủ động vượt qua khó khăn, thách thức, bằng mọi nguồn lực hiện có, với các biện pháp cụ thể, khả thi, kiên trì thực hiện các mục tiêu phát triển, xây dựng Đảng bộ vững mạnh toàn diện, lãnh đạo Tập đoàn phát triển bền vững, đồng bộ, mạnh về nhân lực, tài chính và khoa học - công nghệ, có sức cạnh tranh cao, chủ động hội nhập quốc tế, là đơn vị nòng cốt, chủ lực của ngành dầu khí, là trụ cột, đầu tàu dẫn dắt các lĩnh vực kinh tế khác của đất nước phát triển.

Theo đó, Đảng ủy phối hợp cùng Hội đồng thành viên, Tổng Giám đốc Tập đoàn tập trung lãnh đạo, chỉ đạo toàn Đảng bộ triển khai thực hiện chiến lược phát triển ngành, phát triển Tập đoàn theo Nghị quyết của Bộ Chính trị. PVN phát triển mạnh theo trục tam giác chiến lược, gồm: Tìm kiếm, thăm dò và khai thác dầu khí, gắn với bảo vệ chủ quyền quốc gia; lọc, hóa dầu, chế biến dầu, khí; dịch vụ dầu khí chất lượng cao. Trong đó, tìm kiếm - thăm dò - khai thác dầu khí là lĩnh vực cốt lõi, tạo bước phát triển nhảy vọt, làm tiền đề phát triển các lĩnh vực khác là công nghiệp khí, chế biến dầu khí, tồn trữ, phân phối các sản phẩm dầu khí, dịch vụ dầu khí, công nghiệp điện. Ưu tiên phát triển ba nhiệm vụ trọng tâm là thăm dò khai thác dầu khí cả trong nước và ngoài nước; hóa dầu (bao gồm cả hóa khí) nhằm đáp ứng nhu cầu sản phẩm hóa dầu ngày càng lớn của Việt Nam; phát triển dịch vụ kỹ thuật dầu khí để làm chủ thị trường trong nước, từng bước phát triển làm dịch vụ ở khu vực Đông Nam Á và thế giới.

Để thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ trên, Đảng bộ Tập đoàn tập trung:


Thứ nhất, thực hiện thắng lợi nhiệm vụ phát triển sản xuất, kinh doanh. Không ngừng nâng cao chất lượng, hiệu quả sản xuất - kinh doanh, đầu tư phát triển. Tập trung thăm dò và khai thác an toàn, hiệu quả các mỏ đã phát hiện; đẩy mạnh đầu tư tìm kiếm, thăm dò dầu khí trên toàn lãnh thổ, thềm lục địa, chú trọng khu vực nước sâu, xa bờ. Tiếp tục đẩy mạnh hợp tác với các đối tác lớn nước ngoài, xác định địa bàn đầu tư chiến lược tại các khu vực có tiềm năng dầu khí cao, thuận lợi về quan hệ chính trị, với 4 trung tâm là Nga và các nước SNG, Nam Mỹ, Bắc châu Phi và Đông Nam Á.

Tiếp tục việc sắp xếp, đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả hoạt động doanh nghiệp. Tập đoàn tập trung vào các lĩnh vực chính, cốt lõi có thế mạnh. Huy động tối đa sự tham gia của các thành phần kinh tế đối với lĩnh vực phân phối sản phẩm dầu khí và dịch vụ dầu khí. Kết hợp hoạt động dầu khí với nhiệm vụ quốc phòng - an ninh; thực hiện an sinh xã hội, bảo vệ môi trường. Thực hiện đồng bộ các nhóm giải pháp đột phá về đào tạo, phát triển nguồn nhân lực, giải pháp về tài chính và đầu tư phát triển, giải pháp về khoa học - công nghệ, giải pháp về tổ chức quản lý, nâng cao năng lực quản trị doanh nghiệp.

Thứ hai, xây dựng Đảng bộ vững mạnh toàn diện về chính trị, tư tưởng và tổ chức. Nâng cao chất lượng công tác chính trị, tư tưởng và bồi dưỡng lý luận chính trị bằng tổ chức học tập, quán triệt, triển khai thực hiện các nghị quyết của Đảng; thường xuyên bồi dưỡng chính trị cho đối tượng đảng, đảng viên mới và đội ngũ cán bộ chủ chốt của Tập đoàn và các đơn vị trực thuộc. Công tác tổ chức chú trọng kiện toàn mô hình tổ chức, hoàn thiện và thực hiện chức năng, nhiệm vụ của Đảng bộ. Kịp thời rà soát, sắp xếp tổ chức cơ sở đảng phù hợp và đồng bộ với quá trình cơ cấu lại doanh nghiệp. Xây dựng đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp trong Tập đoàn và các đơn vị thành viên có chất lượng; kiện toàn cấp uỷ các cấp và tăng cường cơ chế lãnh đạo phân công cấp uỷ rõ ràng, cụ thể trong từng lĩnh vực, từng địa bàn, đơn vị. Thực hiện tốt công tác quy hoạch cán bộ, cũng như chiến lược phát triển nguồn nhân lực của Tập đoàn trong thời kỳ mới, trong đó chú trọng phát hiện cán bộ trẻ, sinh viên tài năng để tạo nguồn đào tạo, bồi dưỡng xây dựng đội ngũ cán bộ giỏi.

Đổi mới sinh hoạt đảng bộ, chi bộ nhằm nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức cơ sở đảng; thí điểm sinh hoạt chuyên đề trực tuyến đối với một số chi bộ có nhiều đảng viên làm việc phân tán trên các công trình biển, nơi có đủ điều kiện phương tiện hỗ trợ nghe nhìn. Thực hiện định kỳ lấy phiếu tín nhiệm đối với thành viên lãnh đạo cấp ủy, cán bộ lãnh đạo quản lý, cán bộ trong các đoàn thể chính trị - xã hội của Tập đoàn.

Nâng cao hiệu quả công tác kiểm tra, giám sát đối với các tổ chức đảng, cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp trong chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ chính trị của đơn vị, nhất là về quản lý vốn, tài sản, về thực hiện tái cấu trúc, sắp xếp, đổi mới doanh nghiệp. Đặc biệt coi trọng việc tự kiểm tra, tự giám sát của cấp ủy và lãnh đạo các đơn vị ở các cấp. Công tác kiểm tra tổ chức đảng và đảng viên có trọng tâm, trọng điểm, kết hợp chặt chẽ với công tác thanh tra của chính quyền, thanh tra nhân dân, xem xét giải quyết kịp thời các đơn thư khiếu nại, tố cáo để có kết luận rõ ràng, xử lý nghiêm minh và kịp thời các sai phạm, nhất là với các cá nhân cán bộ lãnh đạo, quản lý để xảy ra tình trạng mất đoàn kết nội bộ, trì trệ, kém phát triển ở đơn vị; đồng thời, phát hiện biểu dương và nhân rộng nhân tố tích cực.

Tăng cường công tác dân vận và lãnh đạo đoàn thể chính trị - xã hội nhằm mục tiêu chăm lo tốt nhất về việc làm, đời sống, thu nhập cho người lao động. Tiếp tục đổi mới tổ chức, nội dung và phương thức hoạt động của Công đoàn, Đoàn Thanh niên, Hội Cựu chiến binh theo hướng đa dạng, thiết thực, gần gũi đoàn viên, hội viên, khắc phục tình trạng hành chính hóa, phô trương, hình thức. Chuẩn hóa và kiện toàn, bổ sung đội ngũ cán bộ làm công tác đoàn thể các cấp, gồm cán bộ chuyên trách, bán chuyên trách và không chuyên trách. Phát huy vai trò phản biện xã hội và tư vấn khoa học của các hội, mở rộng các hình thức tập hợp quần chúng theo nghề nghiệp. Chú trọng trong thực hiện công tác an sinh xã hội và xây dựng “Văn hóa doanh nghiệp Petrovietnam”.

Phát huy truyền thống của đơn vị Anh hùng, tinh thần đoàn kết và văn hóa Petrovietnam: Nhiệt huyết - Sáng tạo - Chuyên nghiệp - Kỷ cương; kế thừa những thành tựu đạt được cùng với những bài học kinh nghiệm quý đã rút ra, PVN bước vào nhiệm kỳ mới với tư thế chủ động đón vận hội mới, nắm bắt thời cơ, sẵn sàng vượt qua khó khăn, quyết tâm xây dựng Đảng bộ vững mạnh toàn diện, lãnh đạo và tổ chức thực hiện thắng lợi nhiệm vụ được Đảng, Nhà nước giao phó và nhân dân tin tưởng, xứng đáng là trụ cột của nền kinh tế đất nước, tiếp tục đóng góp quan trọng hơn nữa vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc./.