Những sự kiện quốc tế đáng chú ý trong tuần (từ ngày 13-7 đến ngày 19-7-2015)
Biến đổi khí hậu - nguyên nhân làm gia tăng nạn di cư và chủ nghĩa khủng bố
Biến đổi khí hậu được xem là nguyên nhân làm gia tăng nạn di cư và chủ nghĩa khủng bố. Ảnh: epa.gov
Ngày 13-7-2015, báo cáo có tựa đề “Biến đổi khí hậu, sự đánh giá rủi ro” nhận định: biến đổi khí hậu làm gia tăng áp lực lên nhiều quốc gia và ngay cả chính phủ các nước phát triển khó có thể đương đầu với hàng loạt vấn đề về khí hậu. Bất ổn chính trị và xung đột tại những nước chịu ảnh hưởng bởi biến đổi khí hậu đã tạo thời cơ cho chủ nghĩa khủng bố bành trướng.
Trong một cuộc thăm dò dư luận công bố ngày 14-7 của Trung tâm nghiên cứu Pew (Mỹ), 61% người dân tại khu vực Mỹ - Latinh thừa nhận tình trạng biến đổi khí hậu là mối lo lớn nhất của họ. Đây cũng là mối bận tâm hàng đầu của 59% người được thăm dò tại 9 quốc gia châu Phi. Tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương, phần lớn người dân của 5 trong 10 nước được thăm dò cũng bày tỏ lo lắng về vấn đề trên. Trong khi đó, tại châu Âu, tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) lại là nỗi ám ảnh lớn với 70% người dân được hỏi cho biết đặc biệt quan ngại. Số người lo sợ IS cũng chiếm phần lớn tại khu vực Bắc Mỹ với 68% người được phỏng vấn tại Mỹ và 58% người Canada. IS cũng là mối quan ngại hàng đầu của đa số người được thăm dò tại Hàn Quốc, Nhật Bản, Australia và Indonesia và là nỗi lo sợ của người dân tại Trung Đông.
Thỏa thuận lịch sử giữa Iran và P5+1
Người dân Iran đổ ra các đường phố ở Tehran mừng chiến thắng sau khi nước này đạt thỏa thuận với P5+1. Ảnh: AFP/TTXVN
Ngày 14-7-2015, trải qua quá trình đàm phán gian truân và 18 ngày thương lượng nước rút căng thẳng tại Vienna (Áo), Iran và Nhóm P5+1 (gồm năm nước ủy viên thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc là Mỹ, Anh, Pháp, Nga, Trung Quốc cùng với Đức) đã đạt một thỏa thuận hạt nhân toàn diện. Theo thỏa thuận, các biện pháp trừng phạt mà Mỹ, Liên minh châu Âu (EU) và Liên hợp quốc áp đặt lên nhà nước Hồi giáo này sẽ được dỡ bỏ, đổi lại Tehran chấp nhận hạn chế chương trình phát triển hạt nhân mà phương Tây nghi ngờ nhằm mục đích quân sự.
Ngay sau khi Iran và Nhóm P5+1 đạt được thỏa thuận lịch sử trên, không chỉ giới chính trị mà cả giới kinh tế của nhiều cường quốc châu Âu cũng coi đây là tin đáng mừng cho việc nối lại và tăng cường hợp tác kinh tế. Ngày 19-7, Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Kinh tế và Năng lượng liên bang Đức Sigmar Gabriel đã tới Tehran trong chuyến thăm ba ngày tại quốc gia Hồi giáo nhằm thúc đẩy hợp tác kinh tế giữa Đức và Iran. Cùng ngày, Ngoại trưởng Pháp Laurent Fabius cho biết đã lập kế hoạch cử đoàn đại biểu đa ngành của Hiệp hội doanh nhân Pháp (MEDEF) đến Iran vào tháng 9 tới để nối lại các hợp tác kinh tế. Trong diễn biến tương tự, Bộ trưởng Giao thông Nga Maxim Sokolov cho hay Moskva và Tehran đang đàm phán về việc cung cấp hàng loạt các hàng hóa, trong đó có máy bay Superjet, kỹ thuật ôtô.
EU thông qua khoản cứu trợ khẩn cấp cho Hy Lạp
Các Ngân hàng của Hy Lạp mở cửa trở lại sau ba tuần đóng cửa. Ảnh: ibtimes.co.uk
Ngày 17-7-2015, 28 quốc gia thành viên Liên minh châu Âu (EU) đã nhất trí cung cấp cho Hy Lạp khoản vay 7,16 tỷ euro (tương đương 7,8 tỷ USD) thông qua Quỹ bình ổn tài chính châu Âu (EFSF). Dự kiến, khoản vay này sẽ giúp Hy Lạp thanh toán ngay cho Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) khoản nợ trị giá 4,2 tỷ euro đến hạn vào ngày 20-7, đồng thời giúp Athens giải quyết phần nào việc chậm thanh toán 2 tỷ euro tiền nợ cho Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF). Tuy nhiên, khoản cứu trợ trên sẽ không được dành để trả khoản nợ tiếp theo cho ECB sẽ đến hạn thanh toán vào ngày 20-8 và do vậy, Hy Lạp sẽ chỉ có một tháng để tiến hành đàm phán với các chủ nợ về những điều khoản trong gói cứu trợ mới kéo dài 3 năm có tổng trị giá 86 tỷ euro mà Eurozone đã đạt được nhất trí trên nguyên tắc trong cuộc họp thượng đỉnh hồi đầu tuần.
Theo quy định, thỏa thuận cứu trợ Hy Lạp phải được quốc hội các nước thành viên Eurozone thông qua mới có thể chính thức đưa vào thực hiện. Đến nay, thỏa thuận này đã nhận được sự đồng ý của Hạ viện Đức, Quốc hội Áo, Thụy Điển, Pháp, Phần Lan và Chính phủ Latvia.
Trung Quốc trấn an về nền kinh tế sau vụ chứng khoán sụt giảm
Theo Tạp chí chuyên về kinh tế tài chính La Tribune (Pháp), sự sụp giảm của thị trường chứng khoán Trung Quốc đã ảnh hưởng tiêu cực đến toàn bộ nền kinh tế nước này. Ảnh: ft.com
Ngày 16-7-2015, trong cuộc gặp với Chủ tịch Ngân hàng thế giới (WB) Jim Yong Kim tại Bắc Kinh, Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường cho biết, nước này tự tin có đủ năng lực đối phó với những nguy cơ và thách thức đối với nền kinh tế và bảo đảm sự ổn định của thị trường. Về phần mình, Chủ tịch WB đánh giá các nền tảng kinh tế của Trung Quốc bền vững bất chấp chao đảo trên thị trường chứng khoán thời gian gần đây. Ông Jim Yong Kim nhận định Trung Quốc có quyết tâm mạnh mẽ tiếp tục thực hiện những cải cách thuế và tài chính.
Trước đó đã xảy ra hai đợt sụt giảm của chứng khoán Trung Quốc. Đợt thứ nhất bắt đầu từ ngày 12-6 khi Trung Quốc ngăn chặn sự bùng nổ các giao dịch ký quỹ. Nhưng trên thực tế, đây là sự bắt đầu của sự sụp đổ “như núi lở” tiếp theo, liên tục đến ngày 08-7. Theo Tạp chí chuyên về kinh tế tài chính La Tribune (Pháp), sau khi các chỉ số tại sàn giao dịch chứng khoán Thượng Hải và Thâm Quyến tăng mạnh tới 100% từ cuối năm 2014, đến tháng 6-2015, chỉ số chứng khoán Thượng Hải đã mất khoảng 1/3 giá trị chỉ trong vài phiên giao dịch và gây ra nỗi hoảng sợ đối với các nhà đầu tư. Có thể nói, sự sụp đổ của thị trường chứng khoán Trung Quốc đã ảnh hưởng tiêu cực đến toàn bộ nền kinh tế nước này, nhưng có 2 lĩnh vực bị ảnh hưởng nặng nhất là ngành sản xuất ôtô và thị trường nguyên liệu đầu vào./.
Thỏa thuận lịch sử và bước chuyển giai đoạn  (21/07/2015)
Đừng tự bịt mắt!  (21/07/2015)
Công bố báo cáo cập nhật về kinh tế Việt Nam  (21/07/2015)
Quân đội Campuchia khánh thành công trình do Việt Nam viện trợ  (20/07/2015)
Chủ tịch nước tiếp đại sứ chào từ biệt kết thúc nhiệm kỳ công tác  (20/07/2015)
Phê duyệt kịch bản chương trình kỷ niệm 70 năm Quốc khánh 02-9  (20/07/2015)
- Hoàn thiện pháp luật về tổ chức, hoạt động của chính quyền đô thị, đáp ứng yêu cầu quản trị quốc gia hiện đại, hiệu quả ở Việt Nam
- Vai trò của các quốc gia tầm trung trong hệ thống quốc tế và gợi mở cho Việt Nam trong mục tiêu khẳng định vị thế quốc gia trong bối cảnh mới
- Đắk Nông: “Điểm sáng” trong phát triển du lịch thời kỳ hội nhập quốc tế
- Tự quản trong cộng đồng xã hội đối với quá trình xây dựng nền dân chủ xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam (kỳ 1)
- Thực hiện chính sách xã hội, bảo đảm an sinh và phúc lợi xã hội trong tình hình mới
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Một số lý giải về cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay và tính toán chiến lược của các bên