Ngày Gia đình Việt Nam 2015 với chủ đề “Hạnh phúc gia đình là được sẻ chia”
Hà Nội: Những người “thắp lửa” tổ ấm
Có rất nhiều những tấm gương nữ cán bộ, công nhân viên chức lao động tiêu biểu của thủ đô luôn nêu cao ý chí vượt khó trong lao động sản xuất, nhiệt tình tham gia các hoạt động cộng đồng, gương mẫu trong xây dựng gia đình văn minh, hạnh phúc, phát huy truyền thống tương thân tương ái, đoàn kết xóm phố góp phần xây dựng làng văn hoá, khu dân cư văn hoá ở địa phương đã được các cơ quan, đoàn thể biểu dương tại các cấp cơ sở, từ đó nhân rộng, tạo khí thế thi đua sôi nổi trong mọi lĩnh vực công tác, lao động sản xuất.
Vinh dự là một trong 100 gia đình công nhân viên chức - lao động tiêu biểu Thủ đô được biểu dương nhân kỷ niệm Ngày Gia đình Việt Nam 28-6, gia đình chị Nguyễn Thị Hiền đến từ Liên đoàn lao động huyện Gia Lâm được mọi người mến mộ với những thành tích cho cả một quá trình phấn đấu bền bỉ không biết mệt mỏi của chị trong công việc và luôn hết lòng chăm lo, vun đắp xây dựng hạnh phúc gia đình, nuôi dạy con ngoan, học giỏi.
Chị Hiền hiện là Phó hiệu trưởng trường Tiểu học Dương Xá, huyện Gia Lâm. Nhiều năm qua, với lòng yêu nghề, tình thương với học sinh, cùng sự góp sức, chung lòng của tập thể cán bộ, giáo viên, nhân viên nhà trường, chị Hiền luôn là lá cờ đầu trong các phong trào thi đua của công đoàn nhà trường như phong trào thi đua “Giỏi việc trường - Đảm việc nhà” hay “Cô giáo người mẹ hiền”. Chị luôn vận động giáo viên trong trường thi đua dạy tốt, công tác tốt, tâm huyết với sự nghiệp giáo dục, tận tụy với nghề, hết lòng dạy dỗ, thương yêu học sinh, đoàn kết, giúp đỡ đồng nghiệp trong công tác và cuộc sống; tích cực tham các hoạt động đoàn thể, xã hội, góp phần xây dựng nhà trường ngày càng vững mạnh. Chị cũng luôn động viên, khích lệ tập thể giáo viên nhà trường nỗ lực, phấn đấu học tập, rèn luyện để nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ. Đến nay, 100% nữ giáo viên tiểu học Dương Xá đều đạt chuẩn và trên chuẩn, hàng chục sáng kiến kinh nghiệm được công nhận, áp dụng vào thực tiễn, nhiều giáo viên giỏi cấp huyện, cấp thành phố.
Không chỉ năng động, giỏi giang trong công tác chuyên môn, chị Nguyễn Thị Hiền còn khẳng định vai trò quan trọng của phụ nữ trong việc xây dựng gia đình no ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc. Dù bận rộn công việc chuyên môn đến đâu, chị đều dành thời gian chăm sóc, vun vén cho tổ ấm gia đình; nuôi dạy con khỏe, chăm ngoan, học giỏi; quán xuyến, lo toan từ hiếu, hỉ, phụng dưỡng cha mẹ... bằng tình yêu thương, trách nhiệm của mình, làm tròn thiên chức làm mẹ, làm vợ, làm dâu trong gia đình.
Chia sẻ về người vợ tài giỏi của mình, anh Trần Văn Nhất thành thật: “Mỗi cây mỗi hoa, mỗi nhà mỗi cảnh”, bà xã của tôi luôn là người hết lòng với công việc và chồng con. Con gái lớn của anh chị Hiền - Nhất 11 năm liền đạt danh hiệu học sinh giỏi, ngoài ra con còn đạt rất nhiều giải cao trong các kỳ thi học sinh giỏi môn ngữ văn, là một lớp trưởng, phó bí thư đoàn trường năng động, tích cực trong mọi phong trào của lớp và trường. Cô con gái thứ hai của anh chị cũng luôn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ học tập và cũng là một lớp trưởng hăng hái trong mọi hoạt động.
Chị Dương Thị Mai Hương từ Công ty Kinh doanh nước sạch Hà Nội công tác trong lĩnh vực kỹ thuật, thường xuyên phải ra hiện trường thi công, gặp không ít khó khăn nhưng luôn có được sự ủng hộ, chia sẻ công việc từ phía gia đình, đặc biệt là từ phía chồng và con. Chị Hương tâm sự, để làm tròn bổn phận làm vợ, làm mẹ, chị luôn cố gắng sắp xếp công việc cơ quan và gia đình một cách hợp lý, hài hòa. Ngày bận nên mỗi khi tối về, hai vợ chồng chị luôn dành cho nhau thời gian chia sẻ, cùng nhau chăm sóc, dạy dỗ hai con (một trai - một gái) chăm ngoan, học giỏi. Chính vì vậy vợ chồng chị cùng hai con luôn đạt thành tích cao trong học tập và công tác.
Đặc biệt, chị Hương có nhiều đề xuất, phương án cải tạo dây chuyền xử lý, nâng cao chất lượng nguồn nước, góp phần tăng sản lượng nước, đảm bảo ổn định nguồn nước cung cấp cho các xí nghiệp theo nhu cầu. Anh Đặng Ngọc Diệp, chồng chị nhiều năm liền là Chiến sỹ thi đua của Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam, được Thống đốc Ngân hàng Nhà nước tặng Giấy khen có thành tích xuất sắc của ngành. Hiện con gái lớn của chị đang là sinh viên giỏi, tích cực tham gia các hoạt động tập thể của trường Đại học Ngoại thương; con trai thứ hai của chị 11 năm liền đạt học sinh giỏi và đạt nhiều giải ở Kỳ thi học sinh giỏi cấp quận, thành phố. Gia đình chị hàng năm đạt gia đình văn hóa ở địa phương.
Là giám đốc doanh nghiệp thêu Anh Loan, gia đình chị Vũ Thị Loan, xã Nghiêm Xuân, huyện Thường Tín được biết đến là một gia đình văn hoá tiêu biểu. Doanh nghiệp của chị mỗi năm sản xuất hàng trăm mẫu sản phẩm theo yêu cầu của khách hàng với doanh thu mỗi năm khoảng 2,5 tỷ đồng. Mặc dù công việc kinh doanh rất bận rộn nhưng chị luôn sắp xếp công việc gia đình, chăm lo, giữ gìn gia đình hoà thuận, hạnh phúc, phát huy vai trò là người con dâu hiền, người vợ, người mẹ đảm đang, chăm sóc con khoẻ mạnh, ngoan ngoãn. Gia đình chị luôn thực hiện tốt các quy định của địa phương, thực hiện tốt nghĩa vụ của công dân, chị luôn nêu gương trong việc thực hiện cuộc vận động “Xây dựng gia đình 5 không, 3 sạch” do Liên hiệp Hội phụ nữ thành phố phát động. Hàng tuần, vào sáng chủ nhật, chị và gia đình lại cùng nhân dân trong thôn tham gia tổng vệ sinh đường làng, ngõ xóm, vận động hội viên tham gia hưởng ứng cuộc vận động xây dựng nếp sống văn minh.
Gia đình chị Doãn Thị Ánh Nguyệt, xã Vân Phúc, huyện Phúc Thọ cũng đã phấn đấu từ hộ nghèo năm 2011 vươn lên thoát nghèo bền vững, tích cực tham gia lao động sản xuất, áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất và chăn nuôi, từng bước đưa kinh tế gia đình phát triển. Không những vậy, chị còn tổ chức tốt cuộc sống gia đình, đảm đang nuôi dạy con chăm ngoan, học giỏi. Con gái chị năm nay là sinh viên năm thứ nhất Đại học Sư phạm nghệ thuật Trung ương, con trai đang học lớp 12 và luôn đạt học sinh giỏi. Gia đình chị luôn xây dựng kế hoạch chi tiêu hợp lý, tiết kiệm và hang năm luôn đạt gia đình văn hoá, gia đình “5 không - 3 sạch”...
Bắc Giang: Hơn 200 “Địa chỉ tin cậy” góp giảm thiểu tình trạng bạo lực gia đình
Mô hình “Địa chỉ tin cậy” tại cộng đồng được Hội Liên hiệp phụ nữ tỉnh Bắc Giang triển khai thành lập từ đầu năm 2013. Sau hơn 2 năm hoạt động, mô hình đã trở thành điểm đến cho nhiều phụ nữ để giãi bày, chia sẻ tâm tư, tình cảm hoặc tìm kiếm sự giúp đỡ từ các tổ chức chính quyền, góp phần giảm thiểu tình trạng bạo lực gia đình tại địa phương.
Xã Danh Thắng, Hiệp Hòa, Bắc Giang là một trong những địa phương được chọn làm điểm để thành lập mô hình “Địa chỉ tin cậy” tại cộng đồng. Được thành lập đầu năm 2013, đặt tại trụ sở ủy ban xã, khi đó hoạt động của mô hình còn khá khó khăn do nhiều người không tin tưởng hoặc còn e ngại, xấu hổ với tâm lý “vạch áo cho người xem lưng”. Nhưng bằng sự nhiệt tình của các thành viên cùng với những cuộc tư vấn, hòa giải thành công, đến nay mô hình đã thu hút được 15 thành viên tham gia. Mỗi khi tiếp nhận thông tin có trường hợp bị bạo hành, các thành viên trong mô hình lại phân công nhau, không ngại khó khăn đến các gia đình để tư vấn, hòa giải. Đến nay, mô hình đã hòa giải được gần 20 trường hợp mâu thuẫn, bạo lực gia đình. Chị Nguyễn Thị Lan, một trong những gia đình được các thành viên Địa chỉ tin cậy hòa giải thành công cho biết: “Nhờ các thành viên trong mô hình Địa chỉ tin cậy lựa lời khuyên giải, phân tích điều hay, lẽ thiệt mà vợ chồng tôi đã nhận ra được sai lầm của mình. Từ đó, cả hai cùng rút kinh nghiệm để giữ gìn hạnh phúc gia đình và nuôi dạy con cái”.
Không chỉ tư vấn, hòa giải, ban chủ nhiệm mô hình còn thường xuyên tổ chức tuyên truyền những kiến thức pháp luật về phòng chống bạo lực gia đình, bình đẳng giới, phòng chống tệ nạn xã hội, tố giác tội phạm, vận động bà con thực hiện phong trào “5 không, 3 sạch” để giữ gìn làng xóm xanh, sạch, đẹp. Chị Đỗ Thị Cầu, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ xã, Phó Chủ nhiệm mô hình chia sẻ: “Để tư vấn, xử lý thành công những vụ việc bạo lực gia đình, đòi hỏi các thành viên phải khéo léo, tế nhị để đối tượng cảm thấy không bị xúc phạm và hiểu ra được những việc làm sai trái của bản thân, từ đó có hình thức điều chỉnh hành vi, lối sống. Ngoài ra, mô hình còn kịp thời giúp chị em bị bạo hành tạm lánh, không để xảy ra hậu quả nghiêm trọng.”
Từ 10 mô hình điểm, đến nay toàn tỉnh Bắc Giang đã có 225 "Địa chỉ tin cậy" với 2.921 thành viên tham gia ở 219/230 xã, phường, thị trấn; hòa giải thành công 293 vụ mâu thuẫn gia đình, làng xóm, góp phần giữ gìn trật tự an toàn xã hội. Riêng 6 tháng đầu năm 2015, các "Địa chỉ tin cậy" đã tư vấn, hỗ trợ giúp đỡ 19 nạn nhân bị bạo lực gia đình, sau khi được tư vấn các gia đình đều đã đoàn tụ và sống hòa thuận.
Theo Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh Bắc Giang Đỗ Thị Lệ, hoạt động của "Địa chỉ tin cậy" ở cộng đồng đã đạt được kết quả bước đầu, tuy nhiên mô hình còn hạn chế do nạn nhân e ngại dư luận nên không dám tìm đến "Địa chỉ tin cậy" để được giúp đỡ. Phần lớn các thành viên tham gia mô hình chưa được tập huấn kiến thức, kỹ năng tư vấn, hỗ trợ, giải quyết các vụ việc liên quan đến bạo lực gia đình; sự hỗ trợ nguồn lực, cơ sở vật chất còn hạn chế. Bên cạnh đó, địa điểm đặt "Địa chỉ tin cậy" tại trụ sở làm việc của Hội phụ nữ, Văn phòng ủy ban xã, phường, thị trấn nên hạn chế trong việc hỗ trợ nạn nhân ngoài giờ hành chính và ngày nghỉ...
Thời gian tới, Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh Bắc Giang sẽ đưa nội dung hoạt động mô hình vào chỉ tiêu thi đua của Hội để thực hiện; phối hợp lồng ghép các chương trình để tổ chức tập huấn cho đội ngũ cán bộ hội, trang bị kiến thức cho các thành viên về các kỹ năng tư vấn, hỗ trợ nạn nhân. Bên cạnh đó, Hội sẽ tham mưu với cấp ủy, đề nghị chính quyền địa phương tạo điều kiện hỗ trợ kinh phí, cơ sở vật chất theo quy định để đảm bảo điều kiện cho mô hình hoạt động.
Thành phố Hồ Chí Minh: Diễn đàn trẻ em có hoàn cảnh khó khăn
Ngày 26-6, Hội Bảo vệ quyền trẻ em, Hội Bảo trợ trẻ em cùng Trung tâm Công tác xã hội trẻ em Thành phố Hồ Chí Minh (thuộc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội Thành phố Hồ Chí Minh) tổ chức Diễn đàn trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, với chủ đề “Lắng nghe trẻ em nói”. Tham gia diễn đàn có hơn 100 em có hoàn cảnh đặc biệt đến từ các quận, huyện, trung tâm bảo trợ xã hội trên địa bàn thành phố.
Tại diễn đàn, các em có dịp bày tỏ nhiều ý kiến và nguyện vọng của mình với lãnh đạo các sở, ngành thành phố về các vấn đề mà các em quan tâm như: Tình trạng thiếu sân chơi cho trẻ em vào dịp hè dẫn đến tình trạng trẻ phải học thêm quá nhiều trong dịp hè; việc tiếp cận các hoạt động vui chơi giải trí dành cho trẻ có hoàn cảnh khó khăn còn nhiều hạn chế; đổi mới phương thức dạy và học trong nhà trường nhằm mang lại hiệu quả giáo dục cao hơn. Ngoài ra, vấn đề bảo vệ môi trường, giải pháp hạn chế tình trạng người lang thang xin ăn, trong đó có trẻ em, diễn ra trên địa bàn thành phố cũng được rất nhiều em quan tâm nêu ý kiến. Bên cạnh đó, nhiều em cũng mong muốn nhà trường cần tăng thêm các môn học về kỹ năng sống để các em được phát triển toàn diện hơn. Đặc biệt, tình trạng bạo lực học đường ngày càng tăng là vấn đề được rất nhiều em đề cập đến. Các em bày tỏ mong muốn các ngành chức năng có các biện pháp ngăn ngừa, hạn chế tình trạng bạo lực học đường để tránh làm ảnh hưởng đến cuộc sống, tâm lý của trẻ em.
Phó Giám đốc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội Thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Thị Liên cho rằng, qua diễn đàn này lãnh đạo các cấp, ngành có dịp lắng nghe nhiều hơn ý kiến của các em, từ đó giúp các ngành chức năng từng bước thực hiện tốt hơn quyền của trẻ em. Những năm qua, công tác chăm sóc, bảo vệ trẻ em tại thành phố đã đạt được những kế quả tích cực, tuy nhiên vẫn còn tồn tại nhiều hạn chế đòi hỏi sự chung tay nỗ lực của toàn xã hội, cùng hướng đến mục tiêu để trẻ em được phát triển toàn diện. Diễn đàn cũng nhằm góp phần nâng cao nhận thức trong toàn xã hội về quyền được tham gia của trẻ em vào xây dựng các chủ trương, chính sách của Nhà nước nói chung và những vấn đề có liên quan đến trẻ em nói riêng, nhất là nhóm trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt.
Theo Sở Lao động, Thương binh và Xã hội Thành phố Hồ Chí Minh, hiện thành phố có hơn 1,4 triệu trẻ em, trong đó có gần 15.000 trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt và hơn 49.000 trẻ em có nguy cơ rơi vào hoàn cảnh đặc biệt. Trong những năm qua, công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em của thành phố được đẩy mạnh, trẻ em đã được tiếp cận và hưởng thụ nhiều dịch vụ xã hội trong nhiều lĩnh vực như y tế, giáo dục, vui chơi giải trí…/.
Công khai người đứng đầu doanh nghiệp không hoàn thành cổ phần hóa  (28/06/2015)
Chính thức bàn giao Đài VTC về Đài Tiếng nói Việt Nam  (28/06/2015)
Chia sẻ ý tưởng phát triển mối quan hệ Việt Nam-Hoa Kỳ  (28/06/2015)
Lối thoát nào cho Hy Lạp?  (28/06/2015)
Lối thoát nào cho Hy Lạp?  (28/06/2015)
- Tỉnh Yên Bái nâng cao chỉ số hạnh phúc cho người dân: Từ nghị quyết đến thực tiễn
- Vai trò của Hội Xuất bản Việt Nam trong việc phát triển ngành xuất bản và nguồn nhân lực ngành xuất bản
- Tự quản trong cộng đồng xã hội đối với quá trình xây dựng nền dân chủ xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam (kỳ 2)
- Nâng cao chất lượng công tác phát triển đảng viên trong Đảng bộ Khối các cơ quan Trung ương
- Một số giải pháp thúc đẩy quá trình chuyển đổi số tại các cơ sở giáo dục đại học ngoài công lập ở Việt Nam
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Một số lý giải về cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay và tính toán chiến lược của các bên