TCCSĐT - Sáng 28-5, tại Hà Nội, Trường Đại học Kinh tế, Đại học Quốc gia Hà Nội phối hợp cùng Đại sứ quán Ô-xtrây-li-a tại Hà Nội tổ chức hội thảo công bố Báo cáo Thường niên Kinh tế Việt Nam 2015.

Nếu như Báo cáo Thường niên Kinh tế Việt Nam 2014 tập trung phân tích, nghiên cứu về tăng trưởng của Việt Nam trong trung và dài hạn thì Báo cáo năm nay với chủ đề “Tiềm năng hội nhập, thách thức hòa nhập” đề cập đến những cơ hội và thách thức, những vấn đề chuyên sâu đối với nền kinh tế nước ta trong thời kỳ chuẩn bị cho bước tiến sâu hơn vào quá trình hội nhập kinh tế quốc tế với hàng loạt hiệp định thương mại tự do vừa được ký kết và đang ở những bước đàm phán cuối cùng.

Sau phát biểu khai mạc, chào mừng Hội thảo của PGS, TS. Nguyễn Hồng Sơn, Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế, Đại học Quốc gia Hà Nội và ông H. Bơ-râu-men (Hugh Borrơman) Đại sứ Ô-xtrây-li-a tại Việt Nam, TS. Nguyễn Đức Thành, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR) thay mặt cho nhóm tác giả trình bày tóm tắt những nội dung chính của Báo cáo Thường niên Kinh tế Việt Nam 2015.

Báo cáo Thường niên Kinh tế Việt Nam 2015 gồm có 7 chương với rất nhiều bảng biểu số liệu, đồ thị minh họa: Chương 1 trình bày tổng quan kinh tế thế giới năm 2014 và triển vọng năm 2015; Chương 2 trình bày tổng quan kinh tế Việt Nam năm 2014; Chương 3 phân tích “Bất ổn đằng sau sự ổn định tỷ giá danh nghĩa”; Chương 4 “Phân tích an toàn vĩ mô cho hệ thống ngân hàng Việt Nam 2015 - Ứng dụng phương pháp kiểm tra sức chịu đựng”; Chương 5 phân tích “Được và mất trong TPP: đánh giá từ mô hình GTAP cho Việt Nam”; Chương 6 phân tích đặc điểm cấu trúc thị trường lúa gạo Việt Nam “Hướng tới hội nhập bền vững thị trường lúa gạo - Cách tiếp cận cấu trúc thị trường”; Chương 7 “Viễn cảnh kinh tế Việt Nam 2015 và khuyến nghị chính sách”.

Báo cáo nhận định, kinh tế thế giới năm 2015 vẫn còn tồn tại những xu hướng trái chiều, khó khăn và thuận lợi đan xen gây ảnh hưởng đến tăng trưởng toàn cầu nói chung và kinh tế Việt Nam nói riêng. Thứ nhất, việc Mỹ dự kiến sẽ điều hành thắt chặt chính sách tiền tệ bằng công cụ lãi suất trong tháng 6-2015 có thể gây ra áp lực nhất định đối với tỷ giá hối đoái ở nhiều quốc gia, trong đó có Việt Nam. Thứ hai, kinh tế Trung Quốc tăng trưởng chậm lại theo hướng bền vững hơn sẽ giúp nước này duy trì lạm phát ở mức thấp khiến những nước nhập khẩu nhiều hàng của Trung quốc có thể được hưởng lợi thế giá rẻ hơn. Thứ ba, giá dầu thế giới dần dần tăng nhẹ khiến các cá nhân, hộ gia đình, doanh nghiệp không còn được hưởng lợi nhiều từ việc giá xăng dầu giảm. Thứ tư, dự báo tăng trưởng kinh tế tại Mỹ, châu Âu và Nhật Bản - các đối tác thương mại lớn của Việt Nam lạc quan hơn trong năm 2015 có thể sẽ tạo thuận lợi hơn cho xuất khẩu của Việt Nam. Thứ năm, những căng thẳng trên Biển Đông khiến dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đang có xu hướng tìm cách thoát khỏi Trung Quốc và chuyển sang các nước lân cận. Việt Nam cần chuẩn bị để có thể đón nhận thời cơ này, lựa chọn được dòng FDI phù hợp với quy hoạch phát triển ngành, vùng kinh tế, đặc biệt là lựa chọn được những đối tác quan tâm đến các ngành nông, lâm, ngư nghiệp giúp Việt Nam phát huy được thế mạnh của mình.

Phân tích “được và mất” khi Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) được ký kết, Báo cáo cho rằng, Việt Nam được hưởng lợi nhiều về mức tăng GDP thực tế và tổng phúc lợi; có mức tăng nổi bật về đầu tư; tuy nhiên có nhiều khả năng do nhập khẩu tăng mạnh, xuất khẩu giảm nên nền kinh tế sẽ đi sâu hơn vào nhập siêu, đồng thời, có sự dịch chuyển trong sản xuất và lao động từ các ngành Việt Nam không còn lợi thế so sánh (các ngành nông nghiệp) sang các ngành Việt Nam vẫn đang còn lợi thế (đặc biệt là ngành dệt may, da giày, dịch vụ tiện ích). Vì thế, việc cải cách hành chính, chính sách đầu tư, phát triển các ngành phụ trợ nhằm tận dụng những lợi ích mà TPP đem lại cho nước ta có ý nghĩa rất quan trọng.

Trong nội dung nghiên cứu hướng tới hội nhập bền vững thị trường lúa gạo Việt Nam - cách tiếp cận cấu trúc thị trường, Báo cáo cho rằng, trong dài hạn, cung xuất khẩu gạo có khả năng sẽ lớn hơn cầu, do vậy, ngành lúa gạo Việt Nam cần thay đổi định hướng lớn, chú trọng vào thị trường nội địa. Thị trường nội địa cần đóng vai trò là nơi xây dựng và kiểm nghiệm chuẩn mực về chất lượng gạo, thương hiệu, nguồn gốc xuất xứ gạo của Việt Nam.

Ở phần cuối, Báo cáo Thường niên Kinh tế Việt Nam 2015 đưa ra hai kịch bản tăng trưởng của nền kinh tế nước ta trong năm 2015. Theo kịch bản thứ nhất, tốc độ tăng trưởng đạt khoảng 6,1%, lạm phát tiếp tục được duy trì ở mức tương đối thấp, tương tự năm 2014, khoảng 1,9%. Ở kịch bản thứ hai, tốc độ tăng trưởng vào khoảng 6,3%, lạm phát có thể lên tới 3,2% và khuynh hướng tăng sẽ diễn ra nhanh hơn vào cuối năm và tiếp tục tăng trong năm 2016.

Nhiều chuyên gia kinh tế có uy tín đã đánh giá tích cực kết quả nghiên cứu được trình bày trong Báo cáo, đồng thời đưa ra những phản biện, trao đổi để nhóm tác giả tham khảo, nghiên cứu, bổ sung hoàn thiện trước khi chính thức phát hành Báo cáo thường niên kinh tế Việt Nam 2015 ở trong và ngoài nước./.

Báo cáo Thường niên Kinh tế Việt Nam được xây dựng lần đầu tiên từ năm 2009, là chuỗi báo cáo được xuất bản hằng năm nhằm tổng kết các vấn đề kinh tế lớn một năm qua, đồng thời thảo luận về viễn cảnh kinh tế năm tới và khuyến nghị chính sách phù hợp. Báo cáo Thường niên Kinh tế Việt Nam bản tiếng Việt đầy đủ gồm hơn 400 trang dự kiến được xuất bản vào đầu tháng 7-2015 và bản tiếng Anh dự kiến xuất bản vào tháng 9-2015, phát hành trên thị trường quốc tế.