Thắng lợi của khát vọng độc lập, tự do và thống nhất đất nước theo lời Bác dặn - 40 năm sau nhìn lại
1. Độc lập, tự do, hòa bình và thống nhất đất nước là khát vọng cháy bỏng của mọi người dân Việt Nam yêu nước; là mục tiêu phấn đấu, thể hiện rõ trong mọi thời điểm và trong suốt cuộc đời hoạt động cách mạng của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Vì vậy, không chỉ kế thừa và mang theo truyền thống yêu nước, yêu hòa bình, độc lập, tự do,… của cha ông trong hành trình bôn ba tìm đường cứu nước, Chủ tịch Hồ Chí Minh còn luôn tin tưởng “độc lập cho Tổ quốc, tự do cho đồng bào” và thống nhất đất nước nhất định sẽ thành công, bởi “mục đích đó là chính nghĩa”. Giản dị và ngắn gọn: “Tự do cho đồng bào tôi, độc lập cho Tổ quốc tôi, đấy là tất cả những điều tôi muốn, đấy là tất cả những điều tôi hiểu”(1) (năm 1920), đến “Ham muốn tột bậc của tôi là làm sao cho nước ta được hoàn toàn độc lập, dân ta được hoàn toàn tự do, đồng bào ai cũng có cơm ăn áo mặc, ai cũng được học hành”(2) ( năm 1946) và những lời khẳng định “Tổ quốc ta nhất định sẽ thống nhất. Đồng bào Nam, Bắc nhất định sẽ sum họp một nhà”(3) (năm 1969), thể hiện sự nhất quán về khát vọng độc lập tự do và thống nhất đất nước trong tư tưởng Hồ Chí Minh.
Không chỉ khát khao, tin tưởng, Chủ tịch Hồ Chí Minh còn luôn phấn đấu và truyền khát vọng, niềm tin đó đến toàn thể dân tộc ở trong những thời khắc quyết định của vận nước. Trong hành trình đấu tranh để đạt được khát vọng đó, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã hành động bằng những việc làm cụ thể: Truyền bá chủ nghĩa Mác - Lê-nin vào Việt Nam - trong phong trào công nhân và phong trào đấu tranh yêu nước; chuẩn bị thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam; đào tạo đội ngũ cán bộ cốt cán; tập hợp, cổ vũ, động viên quần chúng nhân dân tham gia đấu tranh cách mạng trong Mặt trận, trong các đoàn thể chính trị, các hình thức hội phù hợp yêu cầu từng giai đoạn cách mạng để nhân nguồn sức mạnh đoàn kết của cả dân tộc.
Ngay sau khi ra đời, trong các văn kiện của hội nghị thành lập Đảng, Đảng đã xác định đường lối cách mạng Việt Nam là phải trải qua hai giai đoạn: trước hết là cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân, sau đó tiến lên chủ nghĩa xã hội, bỏ qua giai đoạn phát triển tư bản chủ nghĩa, thực hiện chủ nghĩa cộng sản ở nước ta. Để đạt được mục đích đó, Chủ tịch Hồ Chí Minh và những đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam đã tập hợp quần chúng, đưa quần chúng ra đấu tranh với tinh thần “toàn quốc đồng bào hãy đứng dậy đem sức ta mà tự giải phóng cho ta”; đã lãnh đạo nhân dân tiến hành thắng lợi cuộc Tổng khởi nghĩa tháng Tám năm 1945, sáng lập Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Không chỉ quyết tâm đấu tranh giành độc lập dân tộc, lời khẳng định “toàn thể dân tộc Việt Nam quyết đem tất cả tinh thần và lực lượng, tính mạng và của cải đễ giữ vững quyền tự do, độc lập ấy” trong bản Tuyên ngôn độc lập ngày 02-9-1945 của Chủ tịch Hồ Chí Minh thể hiện sự gắn bó hữu cơ giữa độc lập dân tộc với tự do, hạnh phúc của nhân dân. Giá trị vĩnh hằng ấy là điều quý báu nhất mà mỗi người, mỗi dân tộc đều hướng tới và phấn đấu, nhất là nhân dân các dân tộc đã từng mất nước, từng phải sống đọa đầy với thân phận người nô lệ. Vì vậy, trân trọng giá trị thiêng liêng của “độc lập, tự do” mà nhân dân ta đã gian khổ giành được và cũng để vãn hồi một nền hòa bình và không muốn chiến tranh, thực hiện nguyên tắc “giành thắng lợi từng phần”, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã thay mặt Chính phủ ký Hiệp định sơ bộ Việt - Pháp ngày 06-3-1946 và Tạm ước Việt - Pháp ngày 14-9-1946 nhằm ngăn chặn cuộc chiến tranh Đông Dương lần thứ hai.
Tuy nhiên, khi nền độc lập, thống nhất của Tổ quốc bị đe dọa, chế độ xã hội mới đang được xây dựng có nguy cơ bị tiêu diệt, quyết tâm của cả dân tộc hội tụ trong lời thề “Quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh”, trong tinh thần và ý chí “Không có gì quý hơn độc lập, tự do” đã nhân lên nguồn sức mạnh nội lực xuyên suốt từ quá khứ - hiện tại - tương lai của Tổ quốc. Kiên định mục tiêu độc lập dân tộc, thống nhất đất nước và đi lên chủ nghĩa xã hội - con đường đi hợp quy luật của thời đại, Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đảng Cộng sản Việt Nam đã đề ra chủ trương, đường lối đúng đắn, phát huy sức mạnh dân tộc và sức mạnh thời đại, đã cổ vũ, động viên đồng bào và chiến sĩ cả nước kiên trì kháng chiến và kiến quốc; từng bước giành thắng lợi và và kết thúc cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp năm 1954. Song Hiệp định Giơ-ne-vơ về lập lại hòa bình ở Đông Dương đã bị phá hoại: vĩ tuyến 17, bờ Bắc, bờ Nam, cầu Hiền Lương và sông Bến Hải,… đã buộc nhân dân ta phải tiếp tục cuộc trường chinh chống Mỹ, cứu nước.
Thực hiện mục tiêu kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, giải phóng miền Nam, bảo vệ miền Bắc, thống nhất Tổ quốc phù hợp với điều kiện cụ thể của đất nước, Đảng ta tiến hành đồng thời hai chiến lược cách mạng ở hai miền. Trong khi đế quốc Mỹ liên tục thay đổi thực hiện các chiến lược chiến tranh ở miền Nam, âm mưu và tìm mọi cách chia rẽ hai miền Nam - Bắc (chiến lược Chiến tranh đơn phương, Chiến tranh đặc biệt, Chiến tranh cục bộ, Việt Nam hóa chiến tranh); không những ngày càng mở rộng quy mô cuộc chiến tranh, tăng cường xây dựng chế độ ngụy quyền Sài Gòn, xây dựng quân đội ngụy và tăng cường đội quân của các nước chư hầu vào tham chiến; tăng cường đánh phá miền Bắc bằng không quân và hải quân, nhằm hủy diệt cơ sở vật chất và tinh thần của miền Bắc xã hội chủ nghĩa, Đảng ta đã nêu cao tinh thần độc lập, tự chủ trong việc hoạch định đường lối kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, tạo sức mạnh tổng hợp để đánh Mỹ và thắng Mỹ; tăng cường đoàn kết, tranh thủ sự ủng hộ của bạn bè quốc tế, phát huy sức mạnh của dân tộc và thời đại, đồng thời, cổ vũ đồng bào và chiến sĩ cả nước quyết tâm xây dựng, bảo vệ vững chắc hậu phương miền Bắc, chi viện cho miền Nam đánh Mỹ; giải quyết tốt mối quan hệ giữa nhiệm vụ xây dựng hậu phương lớn miền Bắc và đấu tranh giải phóng hoàn toàn miền Nam, để miền Nam ruột thịt, với vị trí là tiền tuyến lớn, trực tiếp đương đầu với đế quốc Mỹ và bè lũ tay sai luôn nhận được sự chi viện không ngừng nghỉ sức người, sức của từ hậu phương lớn miền Bắc.
Thực tiễn cuộc đấu tranh vì sự nghiệp giải phóng của đồng bào miền Nam, công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội của đồng bào miền Bắc và sự chi viện về mọi mặt của hậu phương lớn miền Bắc với tiền tuyến lớn miền Nam đã chứng minh rằng, càng mở rộng chiến tranh, đế quốc Mỹ và bè lũ tay sai ngày càng lún sâu vào “đường hầm không lối thoát”. Bởi rằng, dù đế quốc Mỹ đẩy mạnh chiến tranh xâm lược ở miền Nam và phá hoại, hủy diệt miền Bắc xã hội chủ nghĩa, chúng cũng “quyết không thể lay chuyển được chí khí sắt đá, quyết tâm chống Mỹ, cứu nước của nhân dân Việt Nam anh hùng” với sự đồng tâm, đồng chí, đồng lòng của cả dân tộc quyết “đánh bại âm mưu chia cắt của chúng”. Giữa những năm tháng ác liệt đó, không chỉ khẳng định niềm tin tưởng đồng bào và chiến sĩ cả nước quyết không sợ hy sinh, gian khổ, kiên quyết chiến đấu “vì độc lập, tự do và thống nhất của Tổ quốc mình”, Chủ tịch Hồ Chí Minh còn chỉ rõ thắng lợi tất yếu của tinh thần, ý chí “độc lập, tự do” và khát vọng “Bắc - Nam sum họp một nhà” trong bức Điện gửi đồng bào miền Nam ngày 04-02-1968: “Không có gì cứu vãn nổi sự sụp đổ hoàn toàn của giặc Mỹ và tay sai”, trong lời căn dặn vừa thiết tha, vừa giục giã của bản Di chúc lịch sử.
Chủ tịch Hồ Chí Minh đi xa, nhưng thực hiện lời thề: “Gương cao mãi mãi ngọn cờ độc lập dân tộc, quyết chiến quyết thắng giặc Mỹ xâm lược, giải phóng miền Nam, bảo vệ miền Bắc, thống nhất đất nước để thỏa lòng mong ước của Người”(4); với nguồn sức mạnh nội lực của ý chí thống nhất đất nước và khát vọng hòa bình trong muôn triệu người Việt Nam nung nấu soi đường, dẫn lối; vận dụng tư tưởng Hồ Chí Minh, trên cơ sở đánh giá đúng tương quan lực lượng giữa ta và địch, Đảng ta đã đưa ra chủ trương, đường lối phù hợp với từng thời điểm lịch sử, để lãnh đạo quân dân cả nước giành thắng lợi cuối cùng trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân năm 1975, mở đầu bằng chiến dịch Tây Nguyên, đến chiến dịch Huế - Đà Nẵng, và cuối cùng là chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, Đại thắng mùa Xuân năm 1975, đã tạo ra bước ngoặt vĩ đại trong lịch sử dân tộc, đưa cả nước bước vào kỷ nguyên độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội. Hoài bão của Chủ tịch Hồ Chí Minh, tư tưởng của Người về độc lập, tự do và thống nhất đất nước cùng khát vọng của toàn dân tộc đã trở thành hiện thực sinh động trên mảnh đất Việt Nam anh hùng.
2. Bốn mươi năm sau chiến công vĩ đại của cả dân tộc, có thể khẳng định rằng: Thắng lợi của cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân năm 1975 kết thúc 30 năm trường kỳ kháng chiến của nhân dân Việt Nam, thể hiện ý chí và khát vọng hòa bình, độc lập, tự do và thống nhất đất nước của nhân dân ta mãi mãi là bản anh hùng ca ngân vang theo dòng chảy lịch sử; được kết tinh qua hàng ngàn năm lịch sử dựng nước và giữ nước, đã làm nên một nước Việt Nam hòa bình, độc lập, tự do và thống nhất; nuôi dưỡng bản lĩnh và trí tuệ con người Việt Nam trong hành trình hướng đến tương lai - hướng đến dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh trong thời đại Hồ Chí Minh lịch sử.
40 năm sau thắng lợi của cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân năm 1975, một đất nước Việt Nam kiên định mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội đã thay da đổi thịt sau những hoang tàn của chiến tranh kéo dài, đang vững vàng trong đổi mới và hội nhập quốc tế, ngày càng khẳng định được vị thế của mình trong khu vực và trên trường quốc tế là minh chứng sinh động nhất cho việc Đảng ta không chỉ đề ra một đường lối chính trị đúng đắn, một đường lối đối ngoại phù hợp, mà còn tiếp tục cổ vũ, phát huy và nhân nguồn sức mạnh của ý chí thống nhất và khát vọng hòa bình trong mỗi người dân “con lạc cháu Hồng” trên mọi lĩnh vực. Nhìn lại hành trình đi đến thắng lợi hào hùng đó, có thể tìm thấy những nhân tố, những bài học kinh nghiệm quý giúp chúng ta giành thắng lợi trong chiến tranh cũng sẽ nhất định đưa chúng ta giành thắng lợi trong hòa bình, đổi mới và hội nhập quốc tế. Đó là:
Thứ nhất, kiên định mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, Đảng ta đã không chỉ luôn đề ra, bảo đảm sự đồng bộ, nhất quán giữa đường lối chiến lược và chủ trương, chính sách cụ thể; giữa chỉ đạo chiến lược và hình thức, bước đi cụ thể trong mỗi giai đoạn cách mạng, mà còn tiếp tục bồi dưỡng tinh thần yêu nước, động viên toàn dân cống hiến sức lực, của cải, sẵn sàng hy sinh vì sự nghiệp hoàn thành độc lập dân tộc, thống nhất đất nước. Không chỉ đánh giá đúng địch, đúng ta; hạ quyết tâm chính xác, vạch ra đường lối và chiến lược, phương pháp đấu tranh thích hợp để lãnh đạo nhân dân ta chiến thắng địch từng bước, tiến lên thắng địch hoàn toàn. Trong quá trình đấu tranh gian khổ ấy, khát vọng độc lập, tự do và thống nhất Tổ quốc luôn là sự đồng tâm, đồng lòng, quyết tâm, quyết chí của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân dưới sự lãnh đạo của Đảng ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh; luôn được khẳng định và bồi đắp trong mỗi người dân, trong mỗi người lính. Sức mạnh của tinh thần và ý chí này vẫn vẹn nguyên giá trị đối với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.
Thứ hai, độc lập, tự do và thống nhất đất nước là con đường sống của nhân dân, được thực hiện trên cơ sở của việc phát huy sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân tộc dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam. Trong hành trình ấy, trên mọi diễn đàn, mọi lĩnh vực, Đảng ta, một mặt giữ vững quan điểm độc lập, tự chủ, thực hiện đường lối đối ngoại mềm dẻo, tranh thủ sự giúp đỡ của bè bạn quốc tế; mặt khác, phát huy sức mạnh của mỗi người dân Việt Nam yêu nước trong mặt trận đoàn kết rộng rãi. Nguồn sức mạnh nội sinh ấy được Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh soi đường, cổ vũ, động viên; được nhân dân yêu chuộng hòa bình, tự do, công lý đồng tình, ủng hộ đã vượt qua mọi thử thách, mọi gian nguy của chiến tranh khắc nghiệt. Sự đồng tâm của Chủ tịch Hồ Chí Minh, của Đảng ta và toàn dân tộc Việt Nam trong mỗi bước ngoặt của lịch sử cách mạng Việt Nam luôn hào sảng và tràn đầy tinh thần lạc quan cách mạng: “Lúc này thời cơ thuận lợi đã tới, dù có hy sinh tới đâu, dù phải đốt cháy cả dãy Trường Sơn cũng phải cương quyết giành cho được độc lập”(6) (tháng 8-1945), “Chúng ta thà hy sinh tất cả, nhất định không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ” (tháng 12-1946), “Tổ quốc ta nhất định sẽ thống nhất”(7) (Theo Di chúc),… đã tiếp thêm nguồn sức mạnh nội lực cho quân dân cả nước trên chặng đường chiến thắng.
Đồng thời, từ trong thực tiễn cuộc chiến tranh giải phóng, nghệ thuật quân sự của chiến tranh nhân dân - một thế trận hiểm hóc, liên hoàn, ngày càng hoàn chỉnh và vững chắc đã phát triển và bổ sung không ngừng, bởi nó được xây dựng, kết dính bằng thế trận “lòng dân” của sự kết hợp giữa khát vọng hòa bình và ý chí thống nhất Tổ quốc. Đó cũng là minh chứng sinh động cho một thực tế: cuộc chiến đấu của con người, của sức mạnh, niềm tin và khát vọng lớn lao trong mỗi người dân Việt Nam. Sức mạnh nội lực của mọi người Việt Nam yêu nước dưới sự lãnh đạo của Đảng vẫn vẹn nguyên giá trị trong quá trình đất nước tiến hành đổi mới và hội nhập quốc tế.
Thứ ba, lòng yêu nước nồng nàn, sức mạnh tinh thần của một dân tộc anh hùng được soi sáng bởi chân lý “Không có gì quý hơn độc lập tự do” trong thời đại Hồ Chí Minh lịch sử là một yếu tố cực kỳ quan trọng, quyết định sự thành bại của một cuộc chiến tranh chính nghĩa. Lịch sử dựng nước và giữ nước chống ngoại xâm của dân tộc ta càng chứng minh tính đúng đắn của sức mạnh lòng yêu nước, trí tuệ, sức mạnh văn hóa Việt Nam đã làm nên chiến thắng oanh liệt, oai hùng của cả dân tộc, nhất là trong 30 năm chiến tranh giải phóng. Trong hồi ký “Nhìn lại quá khứ - Tấn thảm kịch và những bài học về Việt Nam”, R. Mắc Na-ma-ra (Robert S.McNamara), nguyên Bộ trưởng Quốc phòng Hoa Kỳ thời kỳ chiến tranh Việt Nam đã không chỉ thừa nhận thất bại của Mỹ ở Việt Nam, coi đó là “một thảm kịch”, mà còn thừa nhận cuộc chiến tranh do Mỹ gây ra do những sai lầm về chính trị của nhiều đời tổng thống. Trong đó, việc Mỹ đánh giá thấp sức mạnh tinh thần dân tộc của người Việt Nam và cách nhìn nhận về bạn và thù phản ánh sự không hiểu biết của Mỹ về lịch sử, văn hóa và chính trị của nhân dân Việt Nam (8) đã khiến Mỹ thất bại. Điều này cũng cho thấy, Mỹ đã không hiểu hết khát vọng độc lập, tự do và thống nhất đất nước của nhân dân Việt Nam; càng không hiểu lời Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Nhân dân chúng tôi rất thiết tha với hòa bình, độc lập và thống nhất đất nước” và chúng tôi động viên cả nước thực hiện khẩu hiệu “Tất cả để chiến thắng” trong cuộc đấu tranh cho độc lập dân tộc. Sức mạnh của khẩu hiệu ấy không chỉ có giá trị trong cuộc đấu tranh cho một nước Việt Nam hòa bình, độc lập, tự do và thống nhất mà còn tiếp tục phát huy vai trò của mình trong thời kỳ mới, nhằm bảo vệ toàn vẹn chủ quyền, lãnh thổ thiêng liêng của Tổ quốc.
Thứ tư, tinh thần của Đại thắng mùa Xuân năm 1975 cần phải được tiếp tục phát huy, nhằm quy tụ lòng dân và tiếp thêm sức mạnh, tạo động lực to lớn để đưa đất nước vững vàng vượt qua mọi thử thách. Càng tự hào với những thắng lợi trong chiến tranh, đồng bào và chiến sĩ cả nước càng phải tỉnh táo, thận trọng trước những thuận lợi và cả khó khăn của thời kỳ toàn cầu hóa, để thực hiện đổi mới và hội nhập thành công. Hơn bao giờ hết, Đảng ta càng cần phải thường xuyên xây dựng và chỉnh đốn, khẳng định vai trò một Đảng cầm quyền trong sạch, vững mạnh; đội ngũ cán bộ, đảng viên càng phải nâng cao đạo đức cách mạng, quét sạch chủ nghĩa cá nhân, xứng đáng là người lãnh đạo, người đầy tớ thật trung thành của nhân dân thông qua việc thực hiện nghiêm túc Nghị quyết Trung ương 4, khóa XI “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay” và Chỉ thị 03-CT/TW của Bộ Chính trị về “Tiếp tục đẩy mạnh việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”. Càng trong gian nan, thử thách, Đảng càng phải tiếp tục phát huy những bài học kinh nghiệm đúc rút trong lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc; tiếp tục phát huy sức mạnh dân tộc và sức mạnh thời đại; luôn lắng nghe ý kiến, nguyện vọng của nhân dân, gắn bó mật thiết với nhân dân để phát huy sức mạnh nội lực của khối đại đoàn kết toàn dân; phòng và đấu tranh có hiệu quả với âm mưu “diễn biến hòa bình” của các thế lực thù địch, với nguy cơ “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong cán bộ, đảng viên và nhân dân để xứng đáng là đạo đức, là văn minh, là danh dự, lương tâm của dân tộc./.
---------------------------------------------------------
Chú thích:
(1) Đảng Cộng sản Việt Nam: Báo cáo chính trị của Ban Chấp hành Trung ương Đảng tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ IV, Nxb. Sự thật, H, 1975, tr. 5 - 6
(2) Hồ Chí Minh: Biên niên tiểu sử, Nxb. Chính trị quốc gia, H, 1993, t. 1, tr. 94
(3) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, H, 1996, t. 4, tr. 161
(4) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t. 12, tr. 511
(5) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t. 12, tr. 516
(6) Hồ Chí Minh: Biên niên tiểu sử, Sđd, t. 2, tr. 256
(7) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t. 12, tr. 511
(8) Robert McNamara: 11 sai lầm của Mỹ trong chiến tranh Việt Nam, Dân trí, ngày 22-4-2005
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tiếp Tỉnh trưởng tỉnh Vân Nam  (11/05/2015)
Phó Thủ tướng gặp gỡ nhiều lãnh đạo Bộ, ngành của Singapore  (11/05/2015)
Các cơ quan, đơn vị tiết kiệm được 15.263 tỷ đồng từ ngân sách  (11/05/2015)
Bộ trưởng Trần Đại Quang tiếp đoàn đại biểu Bộ Nội vụ Campuchia  (11/05/2015)
Việt Nam luôn ưu tiên tăng cường quan hệ với Cộng hòa Séc  (11/05/2015)
Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc thăm Đại sứ quán Việt Nam ở Singapore  (11/05/2015)
- Tự chủ chiến lược dưới tác động của các vấn đề an ninh phi truyền thống tại khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương
- Xây dựng nền văn hóa Việt Nam ngày càng bền vững, tiến bộ, bản sắc, tương xứng với trình độ phát triển kinh tế - xã hội hiện nay theo tinh thần Đại hội XIII của Đảng
- Từ Chỉ thị thành lập Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân của Chủ tịch Hồ Chí Minh đến xây dựng Quân đội nhân dân Việt Nam vững mạnh về chính trị trong tình hình mới
- Nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức cơ sở đảng, đảng viên trong Công an nhân dân đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới
- Một số vấn đề về xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa: Thành tựu phát triển lý luận của Đảng qua gần 40 năm tiến hành công cuộc đổi mới (kỳ 2)
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay