TCCSĐT - Việt Nam cũng giống như nhiều quốc gia trên thế giới đang phải thường xuyên đối phó với thiên tai, lũ lụt, hạn hán, dịch bệnh, động đất; các sự cố an ninh; xung đột lợi ích; hoạt động tội phạm hình sự lớn và các thế lực thù địch chống phá,… Những năm gần đây, thiên tai, bão lụt, hạn hán diễn ra với tần xuất cao hơn, bất thường hơn, gây hậu quả nghiêm trọng hơn làm cho nhiều người chết, nhiều gia đình bị mất nhà cửa, phương tiện sản xuất và rơi vào cảnh nghèo đói.

Trợ giúp xã hội đột xuất và ứng phó với những sự kiện đột phát là những chính sách bắt buộc phải có đối với bất kỳ quốc gia nào. Đối tượng của chính sách trợ giúp xã hội đột xuất chủ yếu là các đối tượng gặp rủi ro do thiên tai, hỏa hoạn hoặc lý do bất khả kháng khác. Những khó khăn của họ là khó khăn mang tính tạm thời, ngắn hạn và thông thường là trợ giúp một lần. Mục đích của chính sách này là giúp đối tượng bị rủi ro vượt qua khó khăn tạm thời để sớm ổn định cuộc sống và phát triển sản xuất.

Sự kiện đột phát và quy luật xử lý nguy cơ

Sự kiện đột phát là khái niệm chung của các loại tình hình khẩn cấp gây đe dọa cho an ninh công cộng, trật tự xã hội và đời sống nhân dân xảy ra đột ngột. Sự kiện đột phát có ảnh hưởng xấu đến sự phát triển kinh tế và ổn định xã hội, không những thế nó còn phá hoại môi trường sinh thái và môi trường sống của nhân loại, đồng thời đe dọa nghiêm trọng đến an ninh sinh mạng và tài sản của nhân dân.

Sự kiện đột phát chủ yếu có 5 loại: (1) thiên tai (động đất, núi lửa, lũ lụt, cơn bão, khí hậu băng tuyết…); (2) các loại sự cố an ninh (gồm giao thông, sản xuất, du lịch, hoạt động tập thể, y tế công cộng…); (3) xung đột lợi ích xã hội; (4) hoạt động phạm tội hình sự lớn; (5) các thế lực thù địch chống phá...

Ngày nay, để xử lý nguy cơ xảy ra sự kiện đột phát cần làm tốt công tác dự phòng (trước khi xảy ra sự kiện đột phát), quá trình xử lý (trong khi xảy ra sự kiện đột phát), giải quyết các vấn đề sau khi sự kiện đột phát xảy ra. Sau khi nghiên cứu kỹ lưỡng ba khâu nói trên Chính phủ cần tổ chức huy động nguồn nhân lực, vật lực và tài chính rất lớn; có các văn bản pháp luật hướng dẫn thực hiện; chính sách hỗ trợ; quy hoạch, quản lý nguồn ứng cấp.

Thứ nhất, làm rõ trách nhiệm quản lý ứng phó khẩn cấp và yêu cầu hành động đối với chính quyền các cấp

Từ thực tiễn của Việt Nam, thiết lập một cơ chế ứng phó khẩn cấp phải có với sự lãnh đạo thống nhất, phản ứng linh hoạt và hiệu quả; phối kết hợp giữa chính quyền các cấp và các bộ, ngành liên quan theo nguyên tắc lấy các điều khoản ràng buộc làm chủ, từ đó phân cấp quản lý, quy định trách nhiệm rõ ràng và phân công hợp tác. Cấp Trung ương chịu trách nhiệm quản lý điều phối mọi sự việc khẩn cấp, đưa ra quy hoạch chính sách xử lý, xây dựng chế độ dự báo, cảnh báo và báo cáo thông tin và phân bổ nguồn lực... Trách nhiệm chủ yếu của cấp tỉnh và các cơ quan hữu quan là đưa ra sự chỉ đạo và giúp đỡ về mặt quản lý ứng phó khẩn cấp cho chính quyền địa phương, thiết lập cơ quan điều phối ứng phó khẩn cấp mang tính tổng hợp, xử lý trực tiếp các sự kiện đột phát lớn xảy ra trong phạm vi toàn tỉnh; chính quyền cấp thành phố, huyện, xã chịu trách nhiệm xử lý trực tiếp các sự kiện đột phát xảy ra tại địa phương, theo đó cần quy định rõ quyền hạn để nghiêm túc thực hiện xử lý ứng phó khẩn cấp,… Đặc biệt, tại thành phố lớn và vừa, do dân số, kiến trúc, giao thông ở đây khá tập trung, các sự kiện đột phát dễ dàng xảy ra và tần suất nhiều, cần tập trung quản lý ứng phó khẩn cấp mang tính trực chiến, có tình huống dự phòng và xử lý các sự kiện đột phát nhằm nâng cao khả năng ứng phó toàn diện, phản ứng nhanh trước các sự kiện đột phát.

Thứ hai, phát huy vai trò của các tổ chức xã hội trong quản lý ứng phó khẩn cấp

Trong xã hội hiện nay, quản lý ứng phó khẩn cấp cũng như quản lý hành chính đều cần sự vào cuộc hành động của cả Chính phủ và toàn xã hội, trong đó cần thiết phải phát huy đầy đủ vai trò của các tổ chức, doanh nghiệp, hiệp hội ngành nghề, đoàn thể xã hội và tổ chức trung gian. Dưới góc độ quản lý ứng phó khẩn cấp các sự kiện đột phát, việc thiết lập cơ chế hợp tác giữa Chính phủ, các bộ, ngành với tổ chức xã hội càng có ý nghĩa đặc biệt quan trọng. Trong giai đoạn dự phòng, các tổ chức xã hội có thể cung cấp nguồn thông tin, những dự đoán, cảnh báo và phòng bị công việc; trong giai đoạn xử lý, các tổ chức xã hội có thể trở thành đội quân chủ lực và là đội cứu trợ “thiện chiến”; trong giai đoạn sau xử lý, các tổ chức xã hội có thể trở thành “vũ khí” hỗ trợ và điều tiết khi ứng phó với các sự kiện đột phát.

Nói tóm lại, cần phát huy hết mọi ưu thế, tổ chức cho các lực lượng xã hội tham gia vào quá trình quản lý ứng phó khẩn cấp, tạo ra sự kết hợp và bổ sung những mặt tốt, mặt mạnh giữa chức năng, nhiệm vụ của Chính phủ và chức năng, nhiệm vụ của xã hội.

Thứ ba, xây dựng cơ cấu quản lý ứng phó khẩn cấp mà Chính phủ là đối tượng chịu trách nhiệm và quần chúng nhân dân là đối tượng tham gia

Ứng phó với sự kiện đột phát không chỉ là trách nhiệm và nghĩa vụ của Chính phủ, mà còn là hành động chung của mọi thành viên trong xã hội. Nếu quần chúng không tự giác tham gia và tích cực phối hợp thì mọi nỗ lực của Chính phủ sẽ rất khó đạt được kết quả khi xử lý, ứng phó với sự kiện đột phát. Vì vậy, cần giáo dục, hướng dẫn và giúp đỡ nhân dân tích cực tham gia vào công tác dự phòng trước những nguy hại mà các sự kiện đột phát có thể đem lại, tích cực hỗ trợ các bộ, ngành, cơ quan hữu quan xử lý tốt các sự kiện đột phát. Đây cũng là trách nhiệm, nghĩa vụ trong quản lý ứng phó khẩn cấp của chính quyền các cấp. Các sự kiện đột phát có liên quan trực tiếp đến tính mạng, tài sản và chất lượng cuộc sống của quần chúng nhân dân. Chính phủ cần kịp thời công bố chính xác, trung thực thực trạng của các sự kiện đột phát, tăng cường ý thức tự bảo vệ của nhân dân, giúp nhân dân kịp thời đưa ra phán đoán, quyết định của mình khi có sự kiện đột phát xảy ra, giảm thiểu tối đa những tổn thất xã hội.

Tuy nhiên, ứng phó khẩn cấp với các sự kiện đột phát vẫn cần chú trọng giải quyết một số vấn đề sau:

Một là, Chính phủ và chính quyền các cấp cần thực sự có một nhận thức: bảo đảm tính mạng và tài sản của nhân dân là trách nhiệm quan trọng hàng đầu.

Sự kiện đột phát cho dù là sự kiện xã hội hay là sự kiện tự nhiên đều gây hại cho con người và xã hội, không chỉ đe dọa đến sức khỏe, tính mạng và tài sản của người dân, mà còn ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống của nhân dân và quá trình sản xuất, phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Trách nhiệm của Chính phủ không những phải nhanh chóng loại bỏ những mối nguy hại mà còn kịp thời có các biện pháp hành chính tích cực, hiệu quả để ứng phó với các sự kiện đột phát.

Tuy nhiên, khi áp dụng các biện pháp hành chính nhằm ứng phó với các sự kiện đột phát cần thận trọng, có tính toán đến những ảnh hưởng xấu đến tâm lý và cuộc sống an bình của người dân. Thực tế chứng minh rằng, đối với các sự kiện xảy ra đột xuất thì các biện pháp hành chính kịp thời là rất cần thiết, thẳng thắn đối mặt với các sự kiện xảy ra đột phát. Việc giấu diếm, báo cáo chậm, hay báo cáo sai, cản trở, từ chối cung cấp thông tin đối với sự kiện đột phát là nguyên nhân dẫn đến không kịp thời ứng phó với các sự kiện đột phát gây hậu quả nghiêm trọng và tổn thất nặng nề.

Hai là, tăng cường ý thức phòng, chống và khả năng ứng phó với sự kiện đột phát trong toàn xã hội; nghiên cứu dự báo các sự kiện đột phát, làm tốt công tác chuẩn bị ứng phó khẩn cấp khi xảy ra các sự kiện đột phát.

Chính quyền các cấp; các bộ, ngành chức năng đều có trách nhiệm ứng phó với các sự kiện đột phát trong phạm vi công việc và chức năng của mình, ý thức lo lắng trước hiểm họa, tăng cường công tác đánh giá rủi ro; giảm thiểu tần suất xảy ra các sự kiện đột phát và giảm thiệt hại do sự kiện đột phát gây ra. Chính phủ, địa phương và các bộ, ngành nghiên cứu kỹ tình hình, đưa ra mọi tình huống ngoài ý muốn có thể xảy ra, thu thập thông tin và đưa ra tình huống ứng phó khẩn cấp; căn cứ vào sự thay đổi của tình hình không ngừng hoàn thiện, thiết lập nhiều hình thức, cấp độ và nhiều kênh công bố cảnh báo rủi ro; giáo dục, tuyên truyền giúp người dân hiểu đầy đủ nguy cơ rủi ro đang tiềm ẩn…

Ba là, muốn ứng phó hiệu quả với các sự kiện đột phát, cần có chính sách, thể chế và những hỗ trợ về mặt pháp luật. Công tác quản lý ứng phó khẩn cấp với tư cách là bộ phận cấu thành hữu cơ của quản lý nhà nước, cần kết hợp với tính toán tổng thể và phương thức hành động đối với những tình huống ứng phó khẩn cấp, xử lý tốt mối quan hệ giữa “trạng thái thông thường” với “trạng thái ứng phó khẩn cấp”, có cơ chế phối kết hợp giữa Trung ương và địa phương, các bộ, ban, ngành liên quan; phân bổ và sử dụng mọi nguồn lực một cách hợp lý.

Tăng cường liên kết mạng lưới các hệ thống thông tin. Sự thiếu liên kết mạng lưới thông tin giữa các hệ thống thông tin, giữa Chính phủ với xã hội và vấn đề chia sẻ thông tin ảnh hưởng rất lớn đến công tác ứng phó với các sự kiện đột phát cần xử lý khẩn cấp. Vì vậy, cần thiết lập một hệ thống mạng lưới liên kết thông tin, chỉ rõ trách nhiệm cung cấp thông tin, chia sẻ nguồn tin; phát huy vai trò chuyên gia trong phân tích thông tin, đặt ra chế độ báo cáo thông tin, chỉ rõ tiêu chuẩn, thời hạn, nguồn và trách nhiệm của thông tin được báo cáo.

Chú trọng mối liên hệ qua lại giữa Chính phủ với giới truyền thông, phát huy vai trò hướng dẫn cảnh báo và giám sát của truyền thông trong quản lý ứng phó khẩn cấp; hoạch định dự án, xử lý kỹ thuật; xây dựng cơ chế hợp tác, trao đổi với cộng đồng quốc tế. Đào tạo chuyên ngành và huấn luyện tâm lý; trang bị những thiết bị kỹ thuật hiện đại, tiên tiến; cung cấp trước bản đồ, sơ đồ diễn biến của các sự kiện đột phát và bản thuyết minh về nguy cơ xảy ra các sự kiện đột phát; không ngừng nâng cao khả năng xử lý chính xác và dự phòng thiệt hại cho nhân viên tuyến đầu.

Bốn là, tăng cường khả năng ứng phó và ý thức phòng, chống đối với sự kiện đột phát trên toàn xã hội; đưa quản lý ứng phó khẩn cấp các sự kiện đột phát vào trong công việc hằng ngày của Chính phủ. Chính quyền các cấp và các bộ, ngành chức năng đều có trách nhiệm ứng phó các sự kiện đột phát trong phạm vi quyền hạn của mình để nghiên cứu kỹ tình hình, từ đó đưa ra mọi tình huống ngoài ý muốn có thể xảy ra để có những biện pháp ứng phó và trợ cấp xã hội đột xuất kịp thời, hiệu quả khi có các sự kiện đột phát xảy ra./.