Ngày 05-4, Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức lễ khánh thành Dự án cải tạo kênh và đường dọc kênh Tân Hóa-Lò Gốm. Đây là hoạt động nằm trong chuỗi các công trình, chương trình kỷ niệm 40 năm Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30-4-1975-30-4-2015).

Dự lễ khánh thành có Chủ tịch nước Trương Tấn Sang, nguyên Chủ tịch nước Trần Đức Lương, Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh Lê Thanh Hải, lãnh đạo Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam cùng hàng ngàn người dân sinh sống dọc tuyến kênh.

Dự án cải tạo kênh và đường dọc kênh Tân Hóa-Lò Gốm có tổng vốn đầu tư sau điều chỉnh là 167 triệu USD. Đến nay, dự án đã xây dựng được hơn 2.500m dài cống hộp, gần 8.000m kè hai bên bờ kênh, 11.500m đường lưu thông trên lưng cống hộp, hoàn thành 7.500m cống bao, giếng tách dòng nước thải sinh hoạt, lắp 1.300 đèn LED chiếu sáng, hoàn thành trạm bơm chuyển tiếp PS2 có công suất 163.296m3/ngày đêm, nạo vét 300.000m3 bùn khơi thông dòng chảy…

Đồng chí Lê Hoàng Quân, Chủ tịch Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh, cho biết qua 4 năm triển khai, hoàn thành, dự án đã tạo môi trường cảnh quan sạch đẹp, nâng cấp 12km trục giao thông, kết nối với các trục đường huyết mạch ở cửa ngõ phía Tây thành phố, xây dựng 13 cây cầu qua kênh, 4 vị trí tách dòng, kiểm soát tình trạng ngập lụt cho lưu vực. Hơn 1,2 triệu người dân sống trong lưu vực 19km2 ở quận 6, quận 11, Tân Bình, Tân Phú được hưởng lợi trực tiếp thông qua việc nâng cấp, sửa chữa 19 công trình y tế, xây mới 4 trường học, cải tạo 47 công trình giáo dục, nhà trẻ…

Kênh Tân Hóa-Lò Gốm có chiều dài chính 7,5km, các nhánh phụ dài 1,2 km, là một phần mạng lưới đường thủy và kênh thoát nước trong hệ thống kênh rạch của Thành phố Hồ Chí Minh; có chức năng lưu chuyển nước mưa và nước thải kết nối với kênh Tàu Hũ-Bến Nghé hòa vào sông Sài Gòn, đổ về các tỉnh miền Tây.

Trước đây, lưu vực kênh Tân Hóa-Lò Gốm là vùng đất trũng, nền đường thấp hơn so với cao độ chuẩn, hệ thống gom nước thải chưa có, tình trạng ngập lụt thường xuyên xảy ra dẫn đến kẹt xe, ảnh hưởng đến sức khỏe người dân, giao thông đô thị. Dọc kênh có hơn 47.000 người và 15.000 cơ sở sản xuất xả thải trực tiếp gây ô nhiễm kênh. Ngoài ra, còn xảy ra tình trạng người dân lấn chiếm bờ kênh, xây nhà tạm bợ khiến dòng chảy bị thu hẹp.

Để giải quyết tình trạng đó, Thành phố Hồ Chí Minh đã nỗ lực triển khai Dự án cải tạo kênh và đường dọc kênh Tân Hóa-Lò Gốm với sự tài trợ hơn 128 triệu USD từ Ngân hàng Thế giới.

Phát biểu tại lễ khánh thành, bà Victoria Kwakwa, Giám đốc Quốc gia của Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam, cho rằng Dự án cải tạo kênh và đường dọc kênh Tân Hóa-Lò Gốm đã hoàn thành trong thời gian ngắn kỷ lục, chỉ bằng 1/3 thời gian của Dự án cải tạo kênh Nhiêu Lộc-Thị Nghè.

Sau khi hoàn thành, Dự án đã mang lại lợi ích trực tiếp đến hơn 1,2 triệu người thông qua việc cải thiện điều kiện môi trường và đời sống, giảm tình trạng ngập lụt.

Sau dự án cải tạo kênh và đường dọc kênh Tân Hóa-Lò Gốm, Ngân hàng Thế giới sẽ tiếp tục tài trợ xây dựng nhà máy xử lý nước thải trong dự án Vệ sinh môi trường Thành phố Hồ Chí Minh giai đoạn 2 và dự án Quản lý rủi ro ngập lụt tại lưu vực Tham Lương-Bến Cát, lưu vực cuối cùng trong năm 5 tiểu lưu vực của Trung tâm Thành phố Hồ Chí Minh.

Nhân dịp này, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đã trao tặng Huân chương Lao động hạng Nhì cho Ban quản lý Đầu tư xây dựng công trình nâng cấp đô thị Thành phố Hồ Chí Minh và cùng lãnh đạo Thành phố Hồ Chí Minh trồng cây xanh lưu niệm trong hoa viên dọc kênh Tân Hóa-Lò Gốm./.