Một dấu ấn lịch sử trong quan hệ Mỹ - Cu-ba
TCCSĐT - Trước khi bước sang năm 2015, cộng đồng quốc tế chứng kiến một sự kiện nổi bật trong quan hệ quốc tế khi Mỹ và Cu-ba tuyên bố sẽ bình thường hóa quan hệ ngoại giao vốn đã bị đứt đoạn từ tháng 01-1961. Trong vô số bình luận về sự kiện này, Tạp chí The Guardian (Anh) cho rằng, “không phải Cu-ba mà chính là Mỹ vừa tái gia nhập hàng ngũ “loài người tiến bộ”(1).
Cho dù sự kiện này sẽ tiếp tục thu hút nhiều sự chú ý, quan tâm của dư luận nhiều chiều trong thời gian tới, nhưng đây thực sự là kết quả của những nỗ lực từ nhiều phía trong tiến trình tìm giải pháp cho thế bế tắc trong quan hệ Mỹ - Cu-ba nhiều năm qua.
Tiến trình bình thường hóa quan hệ Mỹ - Cu-ba
Trong suốt hơn nửa thế kỷ qua, kể từ khi hai nước cắt đứt quan hệ ngoại giao từ tháng 01-1961 và Mỹ áp đặt lệnh cấm vận kinh tế đối với Cu-ba, quan hệ hai nước chìm trong bế tắc và nghi kỵ lẫn nhau.
Trong suốt thời gian Mỹ cấm vận Cu-ba, về cơ bản chính sách của Mỹ áp dụng nhằm cô lập Cu-ba chủ yếu thông qua các lệnh cấm vận về kinh tế khiến nước này thiệt hại đến 116,8 tỷ USD, người dân không có điều kiện tiếp cận các loại thuốc men chữa bệnh hiểm nghèo, không được tiếp cận nhiều loại hàng hóa, công nghệ hiện đại và bị loại khỏi dòng chảy thương mại của các cơ chế tín dụng quốc tế lớn. Từ khi lên cầm quyền, chính quyền của Tổng thống B. Ô-ba-ma tiếp tục chính sách này, tuy nhiên phần nào đã có những động thái nhằm cải thiện mối quan hệ, như cho phép kiều dân Cu-ba tăng số kiều hối và số lần về thăm quê hương cũng như giảm sự tái can dự vào Cu-ba trong một số vấn đề song phương. Song, mặc dù hoan nghênh việc thả các “tù nhân chính trị” trong năm 2010 và 2011 của Cu-ba, chính quyền của Tổng thống B. Ô-ba-ma tiếp tục chỉ trích Cu-ba về việc đàn áp các đối tượng bất đồng chính trị thông qua việc bắt giữ ngắn hạn hoặc bạo lực có chủ đích. Đặc biệt, chính quyền Mỹ đã liên tục kêu gọi Cu-ba trả tự do cho A-lanh Grốt (Alan Gross - nhà thầu Mỹ bị Cu-ba bắt giữ năm 2009 và tuyên án 15 năm tù vào năm 2011 vì tội chống Cu-ba) và xem đây là nguyên nhân chính cản trở tiến trình xây dựng quan hệ song phương một cách tích cực.
Sau 18 tháng đàm phán bí mật với sự hỗ trợ của một số bên thứ ba, quan hệ Mỹ - Cu-ba đang đứng trước một dấu ấn lịch sử về việc sẽ tái thiết lập quan hệ ngoại giao sau cuộc điện đàm ngày 16-12-2014 giữa Tổng thống B. Ô-ba-ma và Chủ tịch Ra-un Ca-xtơ-rô cùng với việc trao trả các tù nhân được hai bên quan tâm cao. Trong bài phát biểu công khai sau đó, ngày 17-12-2014, Tổng thống B. Ô-ba-ma cho rằng, chính sách của Mỹ đối với Cu-ba trong suốt 50 năm qua là vô hiệu và đã đến lúc Mỹ cần phải có cách tiếp cận mới trong quan hệ với Cu-ba. Trong thông cáo ngày 17-12-2014, phía Mỹ cho biết, nước này sẽ tiến hành việc thảo luận với Cu-ba để tái thiết lập quan hệ ngoại giao, theo đó, Mỹ sẽ mở lại Đại sứ quán tại Thủ đô La Ha-ba-na và thu xếp các chuyến thăm cấp cao tới Cu-ba vào tháng 01-2015. Ngoài ra, Mỹ sẽ điều chỉnh chính sách để tạo thuận lợi việc tăng cường đi lại giữa hai nước theo 12 danh mục đang tồn tại, cho phép đi Cu-ba theo quy định của luật pháp Mỹ; tạo thuận lợi cho việc chuyển tiền cho người thân từ Mỹ tới Cu-ba; mở rộng trao đổi hàng hóa từ Mỹ đối với một số mặt hàng và dịch vụ; cho phép công dân Mỹ nhập thêm hàng hóa từ Cu-ba; xem xét việc Mỹ xếp Cu-ba vào danh sách các nhà nước tài trợ cho khủng bố;…
Quyết tâm chính trị của hai nước
Việc Mỹ và Cu-ba cải thiện quan hệ song phương diễn ra trong bối cảnh quan hệ quốc tế đang có những chuyển biến quan trọng. Trên thế giới, mặc dù chiến tranh, xung đột cục bộ, mâu thuẫn tiếp tục nổi lên trong các lĩnh vực kinh tế, chính trị, môi trường, an ninh phi truyền thống,… song hòa bình, hợp tác và phát triển vẫn là xu hướng chủ đạo trong quan hệ quốc tế. Kể từ khi Chiến tranh lạnh kết thúc, diễn biến tình hình quốc tế luôn được các nước quan tâm, theo dõi nhằm điều chỉnh chính sách phù hợp với xu hướng tăng cường hợp tác vì các mục tiêu phát triển, thúc đẩy an ninh chung và nâng cao vị thế quốc gia trên trường quốc tế. Việc quan hệ Mỹ - Cu-ba tồn tại mâu thuẫn mang tính đối kháng tuy không liên quan trực tiếp đến các tranh chấp lớn về an ninh và phát triển, nhưng vẫn luôn tiềm ẩn mối đe dọa đối với sự ổn định của khu vực cũng như thế giới. Do vậy, nhìn chung các nước đều mong muốn Mỹ và Cu-ba sớm có giải pháp để điều hòa mâu thuẫn, tiến tới bình thường hóa quan hệ song phương. Ngoài Va-ti-căng và Ca-na-đa làm trung gian hòa giải thúc đẩy hợp tác giữa hai nước trong suốt thời gian qua, các nước tại khu vực Mỹ La-tinh về cơ bản đều hoan nghênh việc Mỹ và Cu-ba sớm tái thiết lập quan hệ ngoại giao, xem đây là sự đóng góp tích cực cho tiến trình hội nhập khu vực, đồng thời cũng ngợi ca tinh thần kiên cường của Cu-ba trong suốt nhiều năm qua trước lệnh cấm vận hà khắc của Mỹ.
Một nguyên nhân quan trọng và cốt lõi của tiến trình bình thường hóa quan hệ Mỹ - Cu-ba chính là lợi ích của hai bên trong việc cải thiện quan hệ. Trong một xã hội toàn cầu hóa, khi về cơ bản các nước đều ra sức thúc đẩy hợp tác trên nhiều phương diện, trên cơ sở bình đẳng giữa các quốc gia có chủ quyền, việc cô lập hóa Cu-ba không những đi ngược lại xu hướng chung của quan hệ quốc tế mà còn phương hại đến lợi ích chính đáng của nhân dân hai nước. Thông qua việc cải thiện và bình thường hóa quan hệ, cả Mỹ và Cu-ba sẽ có được nhiều lợi ích to lớn. Nhân dân Mỹ sẽ có cơ hội tận hưởng các lợi ích về du lịch, tiếp cận các loại hàng hóa nổi tiếng của Cu-ba, thăm thân, đầu tư vào một đất nước đang tiến hành những cải cách mạnh mẽ nhằm phát triển kinh tế và tham gia tiến trình hội nhập toàn cầu. Nhân dân Cu-ba, bên cạnh những bạn bè truyền thống và chung thủy của mình, sẽ có thêm cơ hội trong học tập, hợp tác kinh tế, giao lưu văn hóa,… không chỉ với Mỹ mà cả với phương Tây. Mặt khác, thông qua việc cải thiện quan hệ, hai nước nâng cao hơn nữa vị thế tại khu vực như là những quốc gia có trách nhiệm với tiến trình hội nhập và phát triển tại châu Mỹ - điều cả Mỹ và Cu-ba đều mong muốn.
Triển vọng quan hệ Mỹ - Cu-ba trong thời gian tới
Có thể nói, việc Mỹ và Cu-ba bình thường hóa quan hệ sau nhiều thập niên trắc trở là một trong những sự kiện được trông đợi nhất không chỉ ở Mỹ La-tinh mà còn cả thế giới. Việc cải thiện quan hệ Mỹ - Cu-ba là phù hợp với chiều hướng quan hệ quốc tế, tuy rằng phía trước vẫn còn rất nhiều việc phải làm để hai bên có thể thực sự bình thường hóa quan hệ. Trong thời gian tiếp theo, điều đầu tiên và quan trọng nhất chính là việc hai bên phải nỗ lực thay đổi các quy định đã được luật hóa tại Mỹ liên quan đến việc cấm vận Cu-ba, như quy định kiểm soát tài sản của Cu-ba (CACR) (được Bộ Tài chính Mỹ ban hành lần đầu vào năm 1963; tạo khung tổng hợp về trừng phạt kinh tế đối với Cu-ba, bao gồm việc cấm giao dịch tài chính với Cu-ba và đóng băng tài sản của Chính phủ Cu-ba tại Mỹ); Luật Dân chủ Cu-ba (CDA) (ban hành năm 1992; cấm cá nhân/tổ chức Mỹ giao dịch thương mại với Cu-ba và cấm tàu biển chở hàng ra vào Mỹ nếu trước đó có giao dịch thương mại với Cu-ba); Luật củng cố dân chủ và tự do cho Cu-ba (ban hành năm 1996; tạo sức ép với Cu-ba và khuyến khích các hoạt động giúp đỡ Cu-ba nếu Cu-ba phát triển theo đường lối dân chủ phương Tây);…
Hai nước cũng cần tranh thủ tình hình chính trị khá thuận lợi hiện nay để tăng cường các hợp tác thực chất, đặc biệt về trao đổi thương mại, du lịch, giáo dục để đáp ứng những nhu cầu của nhân dân hai nước và tạo nền tảng bền vững cho quan hệ lâu dài. Ngoài ra, cần tiếp tục tranh thủ sự ủng hộ từ nội bộ đối với tiến trình bình thường hóa quan hệ một cách thực chất cũng như giảm sức ép và nghi ngại liên quan đến các vấn đề dân chủ, nhân quyền vốn có thể làm chậm tiến trình cải thiện quan hệ ở những mức độ nhất định.
Bên cạnh những thuận lợi, trong tiến trình bình thường hóa quan hệ Mỹ - Cu-ba vẫn còn những thách thức, trở ngại. Đầu tiên phải kể đến là sự phức tạp chính trị trong nội bộ Mỹ. Một bộ phận trong cộng đồng người Mỹ gốc Cu-ba (hiện có khoảng 2 triệu người) vẫn chống lại việc bình thường hóa quan hệ Mỹ - Cu-ba một cách khá quyết liệt. Một số cá nhân thậm chí còn cho rằng, quyết định của Tổng thống B. Ô-ba-ma là một “sự phản bội” đối với cộng đồng người Mỹ gốc Cu-ba. Nhiều nghị sỹ phe Cộng hòa và nghị sỹ Mỹ gốc Cu-ba chỉ trích quyết định của Tổng thống B. Ô-ba-ma và cho biết sẽ ngăn cản chính quyền Mỹ bằng cách không thông qua ngân sách để mở Đại sứ quán và đề cử Đại sứ Mỹ tại Cu-ba. Đó là chưa kể đến việc các nghị sỹ Dân chủ cũng có ý kiến khác nhau về vấn đề này. Một số nhà bình luận độc lập, như Giáo sư C. Thay-ơ tại Học viện Quốc phòng Ô-xtrây-li-a dù không chống lại việc bình thường hóa quan hệ, cũng tỏ ra khá bất ngờ trước những diễn biến gần đây; và điều này cho thấy nội bộ Mỹ chưa có dấu hiệu thống nhất cao đối với vấn đề này. Quốc hội Mỹ sẽ tiếp tục là một thách thức đối với tiến trình này nói chung và với các nỗ lực của chính quyền Mỹ nói riêng trong bình thường hóa quan hệ với Cu-ba.
Ngoài ra, hồ sơ về các vấn đề phức tạp giữa Mỹ và Cu-ba vẫn chưa thể giải quyết trong một thời gian ngắn, như vấn đề chủ quyền liên quan đến căn cứ quân sự Goan-ta-na-mô, vấn đề quốc hữu hóa tài sản,…Sự khác biệt về trình độ phát triển, mức độ hội nhập khu vực và quốc tế cũng có thể tạo ra những rào cản kỹ thuật làm chậm tiến trình cải thiện quan hệ giữa Mỹ và Cu-ba trong dài hạn, bất chấp những quyết tâm chính trị của cả hai bên trong thời gian trước mắt.
Tuy nhiên, Tổng thống B. Ô-ba-ma bày tỏ quyết tâm thúc đẩy giải quyết sớm vấn đề này, bởi đây có thể là một trong số những “di sản” tiêu biểu mà Tổng thống B. Ô-ba-ma để lại trong hai nhiệm kỳ cầm quyền, và ông B. Ô-ba-ma sẽ trở thành Tổng thống Mỹ đầu tiên đi thăm Cu-ba trong hơn 50 năm qua. Việc cải thiện quan hệ Mỹ - Cu-ba mang lại lợi ích cho nhiều bên, trước hết là quyền lợi chính đáng của nhân dân hai nước và sự ổn định, hợp tác và phát triển trong khu vực. Về thương mại, sau khi Quốc hội Mỹ cho phép (năm 2000) cấp giấy phép xuất khẩu hàng nông sản sang Cu-ba, kể từ 2001, Mỹ đã xuất khẩu sang Cu-ba 4,8 tỷ USD. Trong những năm 2002 - 2012, Mỹ là đối tác cung cấp thực phẩm, hàng nông sản lớn nhất cho Cu-ba (với các sản phẩm chủ yếu là gia cầm, bánh dầu đậu tương, ngô, đậu tương). Việc bình thường hóa quan hệ kinh tế - thương mại sẽ tạo điều kiện cho việc bùng nổ trao đổi thương mại giữa hai nước, mở ra những cơ hội lớn về hợp tác tài chính, khai thác dầu khí (Cu-ba đang rất hạn chế các nước tham gia hợp tác tìm kiếm và khai thác dầu khí, bao gồm cả Tây Ban Nha, Ấn Độ, Ma-lai-xi-a, Nga, Vê-nê-xu-ê-la…) và nhiều lĩnh vực khác. Việc cải thiện quan hệ Mỹ - Cu-ba cũng sẽ tạo điều kiện thuận lợi để thúc đẩy hợp tác song phương trong các vấn đề khu vực và quốc tế, khi mà Cu-ba luôn nỗ lực và có lợi thế kể cả khi bị Mỹ cấm vận và gây sức ép trong suốt nhiều năm qua./.
-------------------------------------
(1) “It’s not Cu-ba that has just decided to rejoin the modern world - it’s the US” (The Guardian, tháng 18-12-2014).
Ra mắt Quỹ Đổi mới công nghệ quốc gia  (09/01/2015)
Công tác vận động nhân dân của Đảng qua gần 30 năm đổi mới: Những kết quả chủ yếu, bài học kinh nghiệm và vấn đề đặt ra  (09/01/2015)
Công tác vận động nhân dân của Đảng qua gần 30 năm đổi mới: Những kết quả chủ yếu, bài học kinh nghiệm và vấn đề đặt ra  (09/01/2015)
Ngày làm việc thứ tư Hội nghị Trung ương 10 khóa XI  (08/01/2015)
Thủ tướng điều động cán bộ lãnh đạo Bộ Công an, Bộ Ngoại giao  (08/01/2015)
Kinh tế Việt Nam sẽ tiếp tục phục hồi trong năm 2015  (08/01/2015)
- Một số giải pháp đổi mới phương thức cầm quyền của Đảng hiện nay
- Phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở Thành phố Hồ Chí Minh qua gần 40 năm thực hiện đường lối đổi mới của Đảng
- Hoàn thiện hệ thống chính sách hỗ trợ và thúc đẩy đổi mới sáng tạo đối với doanh nghiệp trên địa bàn thành phố Hà Nội
- Một số vấn đề cơ bản về phân công, phối hợp và kiểm soát quyền lực nhà nước trong xây dựng nhà nước pháp quyền
- Việt Nam chủ động, tích cực hội nhập quốc tế, thúc đẩy đối ngoại quốc phòng, góp phần bảo vệ Tổ quốc từ sớm, từ xa bằng các biện pháp hòa bình
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Một số lý giải về cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay và tính toán chiến lược của các bên