Sáng 21-12, Tập đoàn Điện lực Việt Nam trang trọng tổ chức Lễ kỷ niệm 60 năm ngày truyền thống (21-12-1954) và đón nhận Huân chương Hồ Chí Minh ghi nhận những thành tích to lớn của các thế hệ cán bộ, công nhân ngành điện trong quá trình xây dựng và phát triển.

Tới dự Lễ có Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng, Phó Chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải, các đồng chí nguyên Chủ tịch nước Trần Đức Lương, nguyên Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Văn An cùng lãnh đạo các bộ, ngành, cơ quan trung ương, các tổ chức quốc tế, các Đại sứ quán nước ngoài tại Việt Nam.

Những dấu ấn tự hào

Qua 60 năm, ngành Điện lực Việt Nam đã thực hiện thực hiện tốt các nhiệm vụ được Đảng và Chính phủ giao phó. Đó là việc dũng cảm tiếp quản nguyên trạng các Nhà máy điện từ chế độ cũ để lại, giữ cho dòng điện ổn định liên tục. Trong cuộc chiến tranh phá hoại miền Bắc, các nhà máy điện là mục tiêu đánh phá hàng đầu của địch. Nhưng với tinh thần "Tổ quốc cần điện như cơ thể cần máu", những người thợ điện Việt Nam đã không quản ngại khó khăn, nguy hiểm để bảo vệ, phát triển nguồn điện để phục vụ sản xuất và chiến đấu của đất nước.

Sau ngày thống nhất đất nước, nhất là trong giai đoạn đổi mới của đất nước, ngành Điện lực Việt Nam đã phát triển nhanh, đáp ứng nhu cầu điện cho phát triển kinh tế-xã hội của đất nước với chất lượng và độ tin cậy cung cấp điện ngày càng được cải thiện, nâng cao.

Bình quân giai đoạn 1990-2014, tốc độ tăng nhu cầu điện bình quân là 13,4%/năm. Việt Nam trở thành một trong những nước có nhu cầu điện tăng nhanh nhất so với các nước trong khu vực và trên thế giới. Để đạt được tốc độ tăng này, ngành điện đã có những nỗ lực vượt bậc trong quá trình đầu tư, xây dựng, vận hành các công trình. Nhờ đó, khoảng cách về tiêu thụ điện giữa Việt Nam với các nước trong khu vực đã được thu hẹp lại. Nếu năm 1990, điện bình quân đầu người của VN bằng 27% điện bình quân đầu người của các nước ASEAN, thì đến năm 2013 điện bình quân đầu người của Việt Nam đã bằng các nước ASEAN.

Thực hiện được khối lượng đầu tư lớn, quy mô nguồn và lưới điện không ngừng được mở rộng. Nếu năm 1990, tổng công suất nguồn điện cả nước mới chỉ có 2.510 MW, sản lượng 8,7 tỷ kWh, thì đến nay công suất nguồn điện đã đạt 34.000 MW (tăng gần 13,5 lần), điện năng sản xuất đạt khoảng 140 tỷ kWh (tăng 16 lần).

Hiệu quả vận hành hệ thống điện được nâng cao, thể hiện qua tỷ lệ tổn thất điện năng giảm từ gần 26% năm 1990 xuống mức còn một con số, gần 9% năm 2013; khoảng 8,45% năm 2014 và còn 8% vào năm 2015 (theo phê duyệt của Thủ tướng Chính phủ).

Đầu tư điện cho nông thôn, vùng sâu, vùng xa có bước phát triển vượt bậc. Đến nay, 100% số huyện, trên 99% số xã và trên 98% số hộ dân nông thôn có điện, cao hơn nhiều nước trong khu vực. Điều này góp phần thay đổi căn bản diện mạo kinh tế và xã hội ở nông thôn, miền núi, vùng sâu, vùng xa, đóng góp to lớn trong công cuộc xóa đói, giảm nghèo của Đảng và Nhà nước. Ngành điện đã vừa làm tốt chức năng công cụ điều tiết vĩ mô vừa thực hiện chính sách an sinh xã hội của Chính phủ.

Thành tích nổi bật nữa là từng bước chuyển từ độc quyền nhà nước sang hoạt động theo cơ chế thị trường, với sự tham gia của nhiều thành phần kinh tế, kể cả các đơn vị có 100% vốn đầu tư nước ngoài. Thị trường phát điện cạnh tranh chính thức được đưa vào hoạt động trên 2 năm, tạo ra sự cạnh tranh, minh bạch hơn đối với khách hàng sử dụng điện.

Tập trung 6 nhiệm vụ trọng tâm

Thay mặt Đảng và Chính phủ, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải nhiệt liệt biểu dương những thành tựu mà ngành điện đã đạt được và ghi nhận công lao to lớn của các thệ hệ của ngành trong 60 năm qua.

Điểm lại những thàch tích, mốc son đáng tự hào của ngành điện, Phó Thủ tướng nhấn mạnh, phát triển điện đi trước một bước để đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế xã hội, bảo đảm an ninh, quốc phòng của đất nước, trong điều kiện hội nhập kinh tế quốc tế là nhiệm vụ quan trọng của Điện lực Việt Nam.

Ngoài nhiệm vụ phải đảm bảo cung cấp đủ điện cho sản xuất và đời sống nhân dân, ngành điện phải tiếp tục nâng cao chất lượng điện năng, cung cấp dịch vụ điện với chất lượng ngày càng cao. Ngành phải có giải pháp sử dụng có hiệu quả nguồn tài nguyên năng lượng của đất nước, đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia. Cần phát triển điện gắn với bảo vệ tài nguyên, bảo vệ môi trường sinh thái, bảo đảm sự phát triển bền vững của đất nước.

Phát huy truyền thống đã đạt được trong 60 năm qua, để thực hiện tốt được các mục tiêu và nhiệm vụ trên, trong những năm tiếp theo, Phó Thủ tướng mong muốn ngành điện Việt Nam tập trung 6 nhiệm vụ chính.

Theo đó ngành điện cần đầu tư phát triển nguồn và hệ thống lưới điện, đảm bảo cung cấp đầy đủ, vững chắc nhu cầu điện cho phát triển kinh tế xã hội; thực hiện thị trường hóa giá điện nhằm đạt mục tiêu khuyến khích đầu tư cho phát triển ngành điện; thực hiện tái cơ cấu, tiếp tục quá trình phát triển thị trường điện lực theo lộ trình đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Đồng thời, thực hiện các giải pháp tổng thể để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực và tăng năng suất lao động; thu hẹp, tiến tới đuổi kịp các nước tiên tiến trong khu vực về năng suất lao động; tăng cường công tác sử dụng điện tiết kiệm, hiệu quả để bảo vệ môi trường, phát triển bền vững và cuối cùng là hoàn thành chương trình đưa điện về nông thôn để đến năm 2020 đạt mục tiêu hầu hết số hộ dân nông thôn có điện, góp phần hoàn thành chương trình xây dựng nông thôn thôn mới của Chính phủ; hoàn thành Điện khí hoá toàn quốc, làm nền tảng cho công nghiệp hoá, hiện đại hoá nền kinh tế./.