TCCSĐT - Ngày 16-12-2014, tại thành phố Yên Bái, tỉnh Yên Bái, Ban Chỉ đạo Tây Bắc phối hợp với Ban Phát triển nông thôn và xóa nghèo nước Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào tổ chức Hội đàm “Hợp tác tuyến biên giới Việt Nam - Lào ổn định và phát triển”.

Chủ trì Hội đàm gồm các đồng chí: Trương Xuân Cừ, Phó Trưởng Ban phụ trách Ban Chỉ đạo Tây Bắc; Xổm-xạ-nit Xu-văn-na-lạt, Thứ trưởng Thường trực Văn Phòng Chính phủ, Phó Trưởng Ban Phát triển nông thôn và xóa nghèo nước Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào; đại diện các bộ, ban, ngành liên quan và các địa phương vùng Tây Bắc.

Thực hiện chủ trương Hợp tác xây dựng tuyến biên giới Việt Nam - Lào ổn định và phát triển toàn diện, năm 2014, chương trình phối hợp giữa các bộ, ban, ngành liên quan và các địa phương vùng Tây Bắc với Ban Phát triển nông thôn và xóa nghèo Trung ương Lào đạt được những kết quả quan trọng, góp phần giữ vững ổn định chính trị, quốc phòng - an ninh được củng cố, kinh tế - xã hội phát triển; nhân dân hai bên biên giới tin tưởng vào hai Đảng; tình hữu nghị đặc biệt Việt Nam - Lào ngày càng được củng cố và phát triển vững chắc. Hai bên tiếp tục phối hợp xây dựng bản và cụm bản phát triển; tập trung đào tạo cán bộ thôn bản, củng cố, kiện toàn hệ thống chính trị cơ sở. Hầu hết các bản đều có chi bộ, cụm bản đã thành lập đảng bộ, không còn bản trắng đảng viên.

Tại các bản đều thành lập tiểu đội dân quân, cụm bản thành lập trung đội dân quân. Cùng với việc tổ chức huấn luyện tại chỗ, các đơn vị phối hợp với địa phương bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ nhằm nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ có đủ khả năng xử lý khi có tình huống xảy ra.

Năm 2013, hai nước đã phối hợp xây dựng xong 13 cụm bản, tại mỗi cụm bản, các đơn vị đều bố trí một tổ từ 3 đến 7 người cắm bản hướng dẫn nhân dân sử dụng và bảo dưỡng các công trình. Hiện nay, hai nước đang triển khai xây dựng 2 cụm bản Thượng Lào, trị giá hơn 100 tỷ đồng (Chính phủ Việt Nam bố trí 120 tỷ đồng, Chính phủ Lào bố trí 19,91 tỷ kíp). Đến hết tháng 8-2014, giá trị hoàn thành đạt 42,96 tỷ đồng. Hai bên đã phối hợp xây dựng hoàn chỉnh hệ thống kết cấu hạ tầng về văn hóa, giáo dục, nâng cao dân trí. Hoạt động y tế tại các bản và cụm bản phát huy tốt hiệu quả trong việc tổ chức khám, chữa bệnh và chăm sóc sức khỏe cho nhân dân.

Hợp tác Việt Nam - Lào trong lĩnh vực giao thông - vận tải năm 2014 khá toàn diện và hiệu quả, tạo sự kết nối giao thông thuận lợi cho cả hai nước. Bộ Giao thông - Vận tải Việt Nam giúp Lào lập dự án khả thi đầu tư xây dựng tuyến đường từ Pu Thít Phòng đi Na Son (huyện Điện Biên Đông, tỉnh Điện Biên) có chiều dài 110 km, với tổng mức đầu tư khoảng 1.961 tỷ đồng; tuyến đường huyện Xăm Tạy, tỉnh Hủa Phăn đến Tà Lẩu biên giới Việt Nam - Lào dài 67 km, với tổng mức đầu tư khoảng 955 tỷ đồng, dự kiến khởi công vào đầu năm 2015. Năm 2014, khai trương tuyến hàng không Vinh - Viên Chăn với tầng suất 3 chuyến/tuần, nhằm thúc đẩy du lịch của hai nước phát triển. Hai bên đã hợp tác, tổ chức nhiều tuyến, tour du lịch Việt Nam - Lào và ngược lại. Công tác tăng đầy, tạo mốc quốc giới đã cơ bản hoàn thành.

Hợp tác cấp tỉnh của hai nước tiếp tục được đẩy lên một bước. Các địa phương có chung đường biên giới đã tổ chức hàng trăm đoàn các cấp sang thăm hữu nghị chính thức, chúc mừng nhân dịp lễ ký kết văn bản kết nghĩa, tổ chức thực hiện các chương trình hợp tác và học hỏi kinh nghiệm lẫn nhau. Hai bên phối hợp tuyên truyền, vận động nhân dân vùng biên giới chấp hành tốt các chủ trương, chính sách, pháp luật của hai Đảng, hai nhà nước.

Trong lĩnh vực phối hợp đầu tư phát triển kinh tế - xã hội trên tuyến biên giới, các tỉnh tiếp tục ưu tiên đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng tại các cửa khẩu, chợ biên giới, tạo điều kiện cho các tổ chức kinh tế của hai bên tăng cường trao đổi hàng hóa, tham gia hội chợ thương mại, cung ứng vật tư, giống cây trồng, vật nuôi có giá trị kinh tế cao.

Hợp tác về chuyển giao khoa học - công nghệ được đẩy mạnh. Năm 2014, tỉnh Hà Tĩnh triển khai xây dựng mô hình sản xuất thử nghiệm và chuyển giao quy trình sản xuất trồng lúa ERVT, TH3-3 chất lượng cao với quy mô diện tích 4 ha, năng suất đạt 50 - 60 tạ/vụ. Tỉnh Bô Ly Khăm Xay và Khăm Muộn đang tiếp tục mở rộng diện tích gieo trồng hai giống lúa nói trên. Tỉnh Nghệ An hỗ trợ 100% kinh phí xây dựng nhà văn hóa tỉnh Xiêng, dự kiến tháng 12-2014 hoàn thành. Tỉnh Sơn La hỗ trợ các tỉnh bạn Lào 10,3 tỷ đồng, bao gồm: xây dựng khu hành chính mới tỉnh Phông Sa Lỳ 5,1 tỷ đồng, xây trường học phổ thông Na Siêng Đi, huyện Mường Hum, tỉnh U Đôm Xay 2,3 tỷ đồng, xây dựng trường học tại bản Móng Nặm, huyện Xiềng Khọ, tỉnh Hủa Phăn 2,9 tỷ đồng.

Kim ngạch xuất khẩu từ Việt Nam sang Lào qua tỉnh Nghệ An và tỉnh Hà Tĩnh đạt trên 76 triệu USD, chủ yếu là xăng, dầu, thủy sản, vật liệu xây dựng, máy móc thiết bị,… Nhập khẩu vào Việt Nam đạt gần 138 triệu USD, chủ yếu là gỗ, đồ điện tử,… Hai bên tăng cường hợp tác trong phòng, chống bệnh dịch bệnh và tạo thuận lợi để nhân dân khu vực biên giới được khám, chữa bệnh tại bệnh viện các tuyến.

Các tỉnh vùng Tây Bắc đang đào tạo trên 2 nghìn cán bộ, sinh viên Lào, nhiều là nhất là tỉnh Hà Tĩnh (1.400 học sinh), Sơn La (403 học sinh, sinh viên); bồi dưỡng nghiệp vụ cho hàng ngàn lượt cán bộ của các tỉnh Bắc Lào. Và ngược lại, các tỉnh Bắc Lào cũng đào tạo học sinh một số tỉnh của Việt Nam đạt kết quả tốt.

Lực lượng bảo vệ biên giới hai bên đã phối hợp nắm chắc tình hình khu vực biên giới, tăng cường phối hợp về quốc phòng, an ninh, duy trì tốt chế độ hội đàm, trao đổi, cung cấp thông tin, tuần tra song phương. Phát hiện triệt phá nhiều vụ buôn bán ma túy, thu giữ 182 kg và 162 bánh hê-rô-in, trên 50 kg thuốc phiện, 106.000 viên ma túy tổng hợp, 22 khẩu súng quân dụng, 19 súng tự chế, 95,5 kg thuốc nổ và nhiều tang vật khác. Tích cực phối hợp tìm kiếm hài cốt chuyên gia và quân tình nguyện Việt Nam hy sinh tại Lào, đến nay đã quy tập được 136 bộ hài cốt liệt sĩ.

Phát huy kết quả đã đạt được, trong thời gian tới hai nước quyết tâm hợp tác xây dựng tuyến biên giới Việt Nam - Lào ổn định và phát triển toàn diện, nhằm phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống nhân dân hai bên biên giới, làm thất bại mọi âm mưu chống phá cách mạng hai nước của các thế lực thù địch; tập trung hoàn thành 2 cụm bản ở Thượng Lào để đưa vào sử dụng; tăng cường phối hợp bảo đảm an ninh biên giới; khắc phục tình trạng di cư trái phép sang Lào, chủ động giải quyết tốt những vấn đề nảy sinh giữa 2 bên biên giới ngay từ cơ sở. Tiếp tục triển khai có hiệu quả hoạt động hợp tác đầu tư, phát triển; các tỉnh vùng Tây Bắc Việt Nam hỗ trợ đào tạo cho các tỉnh Bắc Lào; duy trì cơ chế phối hợp, hội đàm hằng năm giữa Ban Chỉ đạo Tây Bắc và Ban Phát triển nông thôn và xóa đói, giảm nghèo Trung ương Lào./.