Các doanh nghiệp nước ngoài có nhiều cơ hội đầu tư tại Việt Nam
TCCSĐT - Theo đặc phái viên TTXVN, tiếp tục các hoạt động trong khuôn khổ Hội nghị cấp cao kỷ niệm 25 năm quan hệ Đối thoại ASEAN - Hàn Quốc, ngày 11-12, tại thành phố Busan, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã tới dự và phát biểu tại Diễn đàn doanh nghiệp ASEAN - Hàn Quốc.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng |
Trên cơ sở tổng quan triển vọng hoàn tất 14 Hiệp định thương mại tự do trong thời gian tới, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh, môi trường pháp luật, kinh doanh Việt Nam sẽ thay đổi rất lớn, rất căn bản, thuận lợi hơn, cạnh tranh hơn.
Việt Nam sẽ trở thành một mắt xích quan trọng của mạng lưới liên kết kinh tế rộng lớn với 55 đối tác, trong đó có 15 thành viên Nhóm G-20.
Diễn đàn doanh nghiệp ASEAN - Hàn Quốc là dịp để các nhà lãnh đạo các quốc gia cũng như các doanh nghiệp của ASEAN và Hàn Quốc gặp gỡ, thảo luận về tình hình kinh tế khu vực châu Á; phân tích các cơ hội và thách thức đối với sự phát triển của mỗi quốc gia và cả khu vực cũng như trao đổi kinh nghiệm quản trị, đầu tư kinh doanh trên các lĩnh vực then chốt.
Đây là một trong những hoạt động thiết thực trong khuôn khổ Hội nghị Cấp cao kỷ niệm 25 năm quan hệ đối thoại ASEAN - Hàn Quốc, góp phần thúc đẩy quan hệ hợp tác kinh tế, thương mại và đầu tư giữa Hàn Quốc với các nước ASEAN.
Phát biểu trước lãnh đạo của hàng trăm doanh nghiệp lớn của ASEAN và Hàn Quốc, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng khái quát những nét nổi bật, những thành tựu quan trọng của Việt Nam trong phát triển kinh tế xã hội gần 30 năm qua, nhất là đến năm 2010 Việt Nam đã vươn lên trở thành nước có thu nhập trung bình với Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) bình quân đầu người năm nay đạt trên 2.000 USD.
Cùng với phát triển kinh tế, Việt Nam luôn coi trọng bảo đảm an sinh và công bằng xã hội gắn với bảo vệ môi trường. Việt Nam cũng đã hoàn thành trước thời hạn nhiều Mục tiêu phát triển Thiên niên kỷ của Liên Hợp quốc, bao gồm xóa đói giảm nghèo, bình đẳng giới, giáo dục phổ thông và chăm sóc sức khỏe cho người dân.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh trong giai đoạn suy giảm kinh tế toàn cầu nhưng với những nỗ lực của Chính phủ và sự ủng hộ của cộng đồng doanh nghiệp, Việt Nam vẫn giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát tốt lạm phát và giữ mức tăng trưởng kinh tế trung bình 5,6%/năm, xuất khẩu tăng 18%/năm, dự trữ ngoại tệ tăng mạnh.
Nền kinh tế Việt Nam năm 2014 tiếp tục đà phục hồi vững chắc với tốc độ tăng trưởng GDP dự kiến đạt khoảng 6%. Đến nay, hơn 100 quốc gia và vùng lãnh thổ đã đầu tư trên 17.000 dự án tại Việt Nam với vốn đầu tư khoảng 250 tỷ USD.
Hơn 100 tập đoàn, trong đó có nhiều tập đoàn lớn của Hàn Quốc trong danh sách 500 tập đoàn hàng đầu thế giới cũng đã có mặt tại Việt Nam.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cho biết nhận thức rõ những khó khăn, thách thức và cả những hạn chế, yếu kém trong môi trường đầu tư của mình, Chính phủ Việt Nam, từ trung ương đến chính quyền địa phương thường xuyên tổ chức các cuộc đối thoại với các nhà đầu tư để tìm hiểu các khó khăn, vướng mắc và cùng chung tay có biện pháp hỗ trợ, tháo gỡ kịp thời.
Quốc hội Việt Nam cũng vừa thông qua hai đạo luật rất quan trọng là Luật Đầu tư và Luật Doanh nghiệp với những bước cải tiến đáng kể về thủ tục đầu tư kinh doanh... theo hướng đơn giản hóa thủ tục và minh bạch, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp kinh doanh ổn định, bình đẳng và phù hợp với kinh tế thị trường và thông lệ quốc tế.
Bên cạnh đó, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cũng khẳng định Chính phủ Việt Nam đang tập trung thực hiện tái cơ cấu nền kinh tế gắn với chuyển đổi mô hình tăng trưởng, nâng cao hiệu quả và sức cạnh tranh, trong đó, tập trung vào ba lĩnh vực quan trọng nhất là tái cơ cấu đầu tư công, tái cơ cấu hệ thống ngân hàng tài chính và tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước.
Việt Nam đang đẩy mạnh việc cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước, nhất là các tập đoàn, tổng công ty, ngân hàng lớn đồng nghĩa sẽ có rất nhiều cơ hội đầu tư kinh doanh mở ra cho khu vực tư nhân, các nhà đầu tư nước ngoài tham gia đầu tư mua cổ phần hay trở thành các đối tác chiến lược trong các doanh nghiệp của Việt Nam.
Đồng thời Việt Nam đang có nhu cầu lên tới hàng trăm tỷ USD để đầu tư vào các dự án phát triển kết cấu hạ tầng về điện, năng lượng tái tạo, giao thông đô thị, cảng biển, sân bay...
Đây là cơ hội tốt cho các doanh nghiệp nước ngoài đầu tư xây dựng hạ tầng, cung cấp dịch vụ công theo mô hình đối tác công - tư (PPP) và đây cũng là thế mạnh của các nhà đầu tư Hàn Quốc.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cũng cho biết, cùng với 8 Hiệp định Thương mại Tự do (FTA) song phương đã ký kết, Việt Nam đang đàm phán 6 FTA có tiêu chuẩn cao với Liên minh châu Âu (EU), với Khối thương mại tự do châu Âu, với Liên minh thuế quan Nga - Belarus - Kazakhstan, với Hàn Quốc và Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP). Trong đó, việc kết thúc đàm phán FTA giữa Việt Nam và Hàn Quốc sẽ mở ra cơ hội to lớn cho các doanh nghiệp cả Việt Nam và Hàn Quốc.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nêu rõ: “Tối 10-12, tôi và bà Tổng thống Hàn Quốc đã chứng kiến hai bộ trưởng của hai nước ký Tuyên bố về kết thúc đàm phán FTA Việt Nam-Hàn Quốc”.
“Nhìn tổng quan với triển vọng hoàn tất 14 FTA trong thời gian tới, môi trường pháp luật, kinh doanh Việt Nam sẽ thay đổi rất lớn, rất căn bản, thuận lợi hơn, cạnh tranh hơn. Việt Nam sẽ trở thành một mắt xích quan trọng của mạng lưới liên kết kinh tế rộng lớn với 55 đối tác, trong đó có 15 thành viên các nước G-20. Điều này sẽ mở ra nhiều cơ hội cho các doanh nghiệp đến Việt Nam đầu tư, kinh doanh có thể xuất khẩu hàng hóa, dịch vụ sang các nước đối tác của Việt Nam với mức thuế xuất thấp và các hàng rào kỹ thuật được dỡ bỏ. Khi đó Việt Nam sẽ là cửa ngõ quan trọng để các nhà đầu tư tiếp cận thị trường các nước ASEAN và mở rộng ra cả các nước EU, Hoa Kỳ... với các cơ chế ưu đãi theo các FTA”.
* Tiếp tục các hoạt động trong khuôn khổ Hội nghị cấp cao kỷ niệm 25 năm quan hệ Đối thoại ASEAN - Hàn Quốc, ngày 11-12, tại thành phố Busan, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã có các cuộc tiếp lãnh đạo các tập đoàn hàng đầu Hàn Quốc như Tập đoàn Doosan, CJ, Teakwang, Lotte, Posco, Samsung... Đây là những tập đoàn đã và đang đầu tư lớn tại Việt Nam.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng dự Đối thoại với cộng đồng Doanh nghiệp Hàn Quốc |
Với việc hai nước kết thúc đàm phán và chuẩn bị ký kết và thực hiện Hiệp định Thương mại tự do (FTA) song phương, các doanh nghiệp Hàn Quốc đánh giá quan hệ kinh tế, thương mại, đầu tư, du lịch hai nước sẽ có bước phát triển vượt bậc với khả năng sẽ có một “làn sóng”, một “cuộc đổ bộ” lớn về đầu tư của doanh nghiệp Hàn Quốc vào Việt Nam trong thời gian tới.
Trong khi Tập đoàn Doosan quan tâm đầu tư mở rộng các cơ sở công nghiệp nặng sản xuất tuốcbin điện thì Posco và Teakwang quan tâm đến đầu tư xây dựng các nhà máy nhiệt điện lớn, các tổ hợp luyện thép công nghệ hiện đại không sử dụng than cốc.
Tập đoàn Samsung cam kết sẽ hoàn thành tổ hợp sản xuất điện thoại thông minh tại Thái Nguyên vào giữa năm 2015 và nâng số công nhân làm việc cho các nhà máy Samsung ở Việt Nam lên gần 100.000 người.
Các lĩnh vực dệt - nhuộm, sản xuất phân bón và thức ăn chăn nuôi cũng được các doanh nghiệp đề xuất. Ngoài lĩnh vực công nghiệp, các doanh nghiệp Hàn Quốc cũng đề xuất nhiều dự án đầu tư mới tại Việt Nam liên quan đến các lĩnh vực như nghiên cứu - phát triển, trong đó có nghiên cứu và phát triển tế bào gốc; đào tạo nghề, trong đó có xây dựng các trường nghề phục vụ cho doanh nghiệp Hàn Quốc tại Việt Nam; các dự án sản xuất lúa gạo, nông sản, thủy sản chất lượng cao gắn với chế biến để xuất khẩu trở lại thị trường Hàn Quốc; các dự án liên quan đến đầu tư xây dựng đô thị; phát triển công nghệ 4G và 5G, truyền hình, sản xuất phim và nội dung số.
Bên cạnh đó, các doanh nghiệp Hàn Quốc cũng bày tỏ quan tâm và mong muốn tham gia vào quá trình cổ phần hóa các doanh nghiệp nhà nước tại Việt Nam.
Phát biểu tại các cuộc tiếp, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng hoan nghênh các dự án đầu tư thành công tại Việt Nam cũng như những đề xuất về các dự án mới của doanh nghiệp Hàn Quốc trong thời gian tới.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cho biết với tư cách là nhà đầu tư trực tiếp lớn nhất tại Việt Nam, là đối tác thương mại lớn thứ 3 của Việt Nam, các doanh nghiệp Hàn Quốc đã chứng tỏ khả năng và sự thành công của mình tại thị trường Việt Nam.
Với việc FTA song phương được ký kết và thực hiện trong thời gian tới, chắc chắn các doanh nghiệp Hàn Quốc sẽ có điều kiện hơn nữa để gia tăng, mở rộng đầu tư, thương mại và thành công tại thị trường Việt Nam.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng bày tỏ ủng hộ các đề xuất và các dự án của các doanh nghiệp Hàn Quốc, nhấn mạnh thành công của các nhà đầu tư nước ngoài tại Việt Nam cũng chính là thành công của Việt Nam; đồng thời khẳng định sẽ tạo các điều kiện thuận lợi để các doanh nghiệp Hàn Quốc đầu tư, kinh doanh thành công tại Việt Nam, đem lại lợi ích thiết thực cho cả hai bên.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng mong muốn các doanh nghiệp Hàn Quốc trong quá trình phát triển và mở rộng đầu tư, kinh doanh tại Việt Nam cần quan tâm đến lĩnh vực nghiên cứu phát triển, triển khai công nghệ mới, công nghệ cao, thân thiện với môi trường; nâng cao tỷ lệ nội địa hóa sản phẩm, phát triển công nghiệp phụ trợ; tăng cường chế biến và xuất khẩu, phân phối hàng hóa Việt Nam tại thị trường Hàn Quốc, nhất là hàng nông sản, thủy sản; cùng với đó cần quan tâm lĩnh vực đào tạo nghề cho người lao động Việt Nam và quan tâm đến điều kiện làm việc, sinh hoạt, nhà ở cho công nhân Việt Nam làm việc trong các doanh nghiệp Hàn Quốc.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng một lần nữa khẳng định sự coi trọng và đánh giá cao các dự án đầu tư của Hàn Quốc tại Việt Nam.
Chính phủ Việt Nam cũng như chính quyền các địa phương của Việt Nam sẽ tạo các điều kiện thuận lợi để các nhà đầu tư nước ngoài, các nhà đầu tư và các doanh nghiệp của Hàn Quốc đầu tư kinh doanh thành công, bền vững, lâu dài ở Việt Nam.
Việt Nam luôn coi sự thành công của các nhà đầu tư nước ngoài, trong đó có các doanh nghiệp Hàn Quốc cũng chính là thành công của Việt Nam./.
Chuẩn bị cho hoạt động kỷ niệm các ngày lễ lớn năm 2015  (11/12/2014)
Việt Nam dự hội nghị tại Anh về bảo vệ trẻ em trực tuyến  (11/12/2014)
Tòa án Việt - Lào đẩy mạnh chia sẻ kinh nghiệm trong xét xử  (11/12/2014)
Hoa Kỳ hỗ trợ thúc đẩy quyền của người khuyết tật ở Việt Nam  (11/12/2014)
Công an Hà Nội dồn lực lượng đảm bảo trật tự đêm bán kết AFF Cup  (11/12/2014)
Một địa chỉ tin cậy trong chăm sóc điều trị bệnh chất lượng cao  (11/12/2014)
- Bảo đảm quyền lợi của người lao động trong mô hình kinh tế chia sẻ
- Vai trò của Nhà nước trong giải quyết mối quan hệ giữa phát triển kinh tế - xã hội với phục dựng, bảo tồn di sản văn hóa
- Hoàn thiện một số quy định của Luật Hòa giải, đối thoại tại tòa án, đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp theo tinh thần Đại hội XIII của Đảng
- Hợp tác Việt Nam - Liên minh châu Âu trong bảo đảm an ninh lương thực: Cơ hội và thách thức
- Tăng cường củng cố, xây dựng tổ chức cơ sở đảng và nâng cao chất lượng đội ngũ đảng viên trong bối cảnh mới
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay