1. Hội nghị cấp cao Trung Quốc - Liên minh châu Âu lần thứ 12

Ngày 31-11-2009, tại Nam Kinh (Giang Tô, Trung Quốc) đã diễn ra Hội nghị cấp cao Trung Quốc - Liên minh châu Âu (EU) lần thứ 12 với sự tham dự của Thủ tướng Trung Quốc Ôn Gia Bảo, Chủ tịch Ủy ban châu Âu H. Ba-rô-xô và Thủ tướng Ph.Rai-phên của Thụy Điển - nước đang giữ cương vị Chủ tịch luân phiên EU. Tại cuộc gặp, các nhà lãnh đạo Trung Quốc và châu Âu đã trao đổi ý kiến sâu sắc về quan hệ song phương, cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu và vấn đề biến đổi khí hậu. Sau cuộc gặp, hai bên ký kết các văn kiện hợp tác về khoa học - công nghệ, bảo vệ môi trường. Cuộc gặp cấp cao Trung - Âu là cơ chế tham vấn chính trị cấp cao nhất giữa Trung Quốc và EU, được khởi động vào năm 1998. Năm 2003, Trung Quốc và EU xây dựng quan hệ đối tác chiến lược toàn diện. Đến nay, hai bên đã thiết lập hơn 50 cơ chế tham vấn và đối thoại ở các cấp khác nhau liên quan đến các lĩnh vực chính trị, kinh tế - thương mại, khoa học - công nghệ, năng lượng, môi trường… EU liên tục trong nhiều năm liền là bạn hàng số một của Trung Quốc. Năm 2008, kim ngạch thương mại giữa Trung Quốc và EU đạt 425 tỉ USD, chiếm 17% tổng kim ngạch ngoại thương của Trung Quốc.

2. Hiệp ước Li-xbon của Liên minh châu Âu bắt đầu có hiệu lực

Ngày 1-12-2009, Hiệp ước Li-xbon về cải cách các thể chế quyền lực của Liên minh châu Âu (EU) bắt đầu có hiệu lực. Đây là bước tiến quan trọng góp phần tạo ra mối liên kết chặt chẽ hơn giữa các thành viên với thế giới, giúp EU tiếp tục khẳng định vị thế mới trên trường quốc tế. Hiệp ước Li-xbon đưa EU tiến thêm một bước lớn trên con đường nhất thể hóa. Văn bản pháp lý quan trọng này sẽ mang lại cho EU một diện mạo mới bằng sự thịnh vượng và đoàn kết. Việc Hiệp ước Li-xbon nhận được sự đồng thuận của tất cả 27 thành viên được xem là tiền đề để EU thực hiện những kế hoạch đầy tham vọng trong tương lai. Song, mọi sự tập trung của dư luận châu Âu đang hướng về Chủ tịch đầu tiên Héc-man Van Rôm-puy - người sẽ chèo lái con thuyền EU với hơn 500 triệu dân trên diện tích gần 4,4 triệu km2 này như thế nào để nâng cao vị thế của EU trên vũ đài quốc tế.

3. Mỹ công bố Chiến lược mới về Áp-ga-ni-xtan

Ngày 2-12-2009, Tổng thống Mỹ Ba-rắc Ô-ba-ma chính thức công bố “Chiến lược mới của Mỹ về Áp-ga-ni-xtan”, theo đó, Mỹ quyết định điều động thêm 30.000 quân nữa tới chiến trường này với hy vọng đẩy nhanh nhất tiến trình chuyển giao cho các lực lượng Áp-ga-ni-xtan. Trong tuyên bố của mình, Tổng thống B. Ô-ba-ma khẳng định: “Chúng ta sẽ theo đuổi các mục tiêu, tận diệt hang ổ cuối cùng của tổ chức khủng bố An Kê-đa”; giành thế chủ động trước Ta-li-ban và loại bỏ khả năng trở lại cầm quyền của chúng ở Áp-ga-ni-xtan; giúp đỡ các cơ quan an ninh và chính phủ Áp-ga-ni-xtan tự chịu trách nhiệm trước tương lai và vận mệnh của mình”. Việc gửi thêm quân tham chiến đến Áp-ga-ni-xtan sẽ tiêu tốn từ 25 đến 30 tỉ USD trong ngân sách quốc gia Mỹ năm 2010. Từ tháng 7-2011, Mỹ dự định bắt đầu rút quân khỏi Áp-ga-ni-xtan.

4. Đại hội đồng Liên hợp quốc thông qua 54 nghị quyết về an ninh quốc tế và giải trừ quân bị

Ngày 3-12-2009, Đại hội đồng Liên hợp quốc khóa 64 thông qua 54 nghị quyết về an ninh quốc tế và giải trừ quân bị, gồm 16 nghị quyết về lĩnh vực vũ khí hạt nhân; nghị quyết kêu gọi Triều Tiên nhanh chóng trở lại bàn đàm phán 6 bên để giải quyết chương trình hạt nhân của nước này; nghị quyết khẳng định quyết tâm loại trừ hoàn toàn vũ khí hạt nhân trong đó yêu cầu các nước đang sở hữu loại vũ khí này giảm dần số lượng một cách minh bạch và khuyến khích Nga và Mỹ thực hiện đầy đủ các nghĩa vụ theo Hiệp ước giảm vũ khí tiến công chiến lược và giảm nhiều hơn nữa các loại vũ khí này; 21 nghị quyết về giải trừ các loại vũ khí giết người hàng loạt, vũ khí thông thường, buôn bán bất hợp pháp các loại vũ khí nhỏ và nhẹ; cấm quân sự hóa khoảng không vũ trụ; giải trừ quân bị và an ninh khu vực; cơ chế giải trừ quân bị; hiệp ước về khu vực phi hạt nhân ở Đông Nam Á; phi vũ khí hạt nhân hóa bán cầu Nam; 8 nghị quyết về các biện pháp giải trừ quân bị; quan hệ giữa giải trừ quân bị và phát triển tuân thủ các tiêu chuẩn môi trường trong thực hiện các biện pháp giải trừ quân bị; tăng cường an ninh quốc tế; vai trò của khoa học - công nghệ trong giải trừ quân bị và an ninh quốc tế; phát triển thông tin và viễn thông trong bối cảnh an ninh quốc tế; thông tin khách quan về các vấn đề quân sự và minh bạch trong chi phí quân sự.

5. Hội nghị Bộ trưởng các nước xuất khẩu dầu mỏ A-rập (OAPEC) lần thứ 83

Ngày 5-12-2009, tại Cairo (Ai Cập), Hội nghị Bộ trưởng các nước xuất khẩu dầu mỏ Arập (OAPEC) lần thứ 83 đã khai mạc dưới sự chủ trì của Bộ trưởng Dầu mỏ Ai Cập Sameh Fahmi. Đây là hội nghị quan trọng đối với các nước thành viên nhằm trao đổi hợp tác và phối hợp khi giá dầu trên thị trường thế giới thay đổi nhanh chóng. Bộ trưởng các nước thành viên (OAPEC) thảo luận hợp tác đối phó với những thách thức của ngành công nghiệp dầu khí trong nền kinh tế các nước thành viên. Tại hội nghị này, OAPEC cũng xem xét thực hiện các dự án dầu khí chung. Bộ trưởng Dầu mỏ Ai Cập Sameh Fahmi cho rằng, đây là cơ hội tốt để các nước thành viên OAPEC trao đổi ý tưởng, suy nghĩ cũng như thảo luận về các vấn đề liên quan tới dầu mỏ trong giai đoạn bị ảnh hưởng của cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu.

6. Nga - Mỹ nhất trí lùi thời hạn hoàn tất thoả thuận thay thế START-1

Ngày 5-12-2009, Hiệp ước cắt giảm vũ khí tiến công chiến lược giai đoạn 1 (START-1) hết hiệu lực, song vì còn một số bất đồng, Tổng thống Nga Đ. Mét-vê-đép và Tổng thống Mỹ B. Ô-ba-ma đã ra Tuyên bố chung, khẳng định, hai nước tiếp tục hợp tác theo tinh thần của START nhằm duy trì ổn định chiến lược giữa hai nước, đồng thời chủ trương nhanh chóng ký kết và đưa vào thực hiện START mới. Tuyên bố nêu bật đóng góp đáng kể của Bê--la-rút, Ca-dắc-xtan U-crai-na đối với việc thực hiện thành công START-1 do Liên Xô trước đây ký với Mỹ, đồng thời xác nhận ba nước này hiện là các quốc gia không sở hữu vũ khí hạt nhân. Phát biểu tại Oa-sinh-tơn, cố vấn an ninh cấp cao Mỹ Giêm Giôn bày tỏ sự lạc quan về một thỏa thuận mới sẽ được ký kết cho dù vẫn còn bất đồng giữa hai nước. Trong khi đó, Thư ký báo chí Nhà Trắng Rô-bớt Gíp cũng xác nhận các cuộc đàm phán về Hiệp ước mới thay thế START-1 đang vào giai đoạn cuối.

7. I-xra-en tạm ngừng xây dựng khu định cư trong 10 tháng

Ngày 6-12-2009, Thủ tướng I-xra-en Nê-ta-ni-a-hu tái khẳng định quyết định tạm thời ngừng xây dựng các khu định cư trong 10 tháng để tiếp tục các cuộc đàm phán hoà bình. Đây là quyết định đầu tiên với thời gian cụ thể. Thủ tướng I-xra-en Nê-ta-ni-a-hu nói rằng, đây không phải là một quyết định dễ dàng nhưng nó là một bằng chứng để thế giới thấy I-xra-en mong muốn hoà bình. Trong một diễn biến liên quan, Bộ trưởng Ngoại giao I-xra-en Gioóc-đan Na-xơ Giu-dét (Jordan Nasser Judeh) thông báo ủng hộ Pa-le-xtin-tin tiếp tục đàm phán nếu I-xra-ren ngừng xây dựng các khu định cư ở Bờ Tây và Giê-ru-xa-lem. Ông G. Na-xơ cho rằng, tuyên bố tạm thời ngừng xây dựng các khu định cư ở Bờ Tây trong vòng 10 tháng, trừ Giê-ru-xa-lem của I-xra-en không đủ để phục hồi đàm phán. Cộng đồng quốc tế cần hỗ trợ thực hiện giải pháp hai nhà nước và xây dựng nhà nước Pa-le-xtin độc lập bên cạnh I-xra-en, bởi vấn đề Pa-le-xtin là cốt lõi của xung đột A-rập - I-xra-en./.