TCCSĐT - Tiếp tục phiên họp thứ 31, ngày 29-9, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã tiến hành chất vấn Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường và Thống đốc Ngân hàng Nhà nước về các vấn đề “nóng” thuộc phạm vi quản lý nhà nước của bộ, ngành.

Phiên chất vấn được tổ chức dưới hình thức trực tuyến tại 63 tỉnh, thành phố và tường thuật trực tiếp trên Đài Truyền hình Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam để đông đảo cử tri và nhân dân cùng theo dõi.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng phát biểu khai mạc và cho biết tại phiên chất vấn này, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ chất vấn Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường và Thống đốc Ngân hàng nhà nước Việt Nam về hai nội dung lớn: việc thực hiện những lời hứa tại phiên chất vấn trước và những vấn đề cần tập trung triển khai trong giai đoạn tiếp theo.

Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường trả lời về các vấn đề "nóng"

Trả lời chất vấn của Ủy viên Thường trực Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Nguyễn Sỹ Cương về việc cấp sổ đỏ ở Hà Nội rất chậm trễ, có biểu hiện tiêu cực, nhũng nhiễu, Bộ trưởng Nguyễn Minh Quang cho rằng chậm trễ có nhiều nguyên nhân, trong đó có sự nhũng nhiễu như phản ánh của người dân và có cả trách nhiệm Văn phòng đăng ký đất đai của địa phương, nhất là ở các thành phố lớn như Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh. Bộ trưởng đánh giá, tại Hà Nội, tình hình này khá phức tạp. Thực hiện nhiệm vụ của mình, Bộ đã cử nhiều đoàn công tác xuống làm việc, kiểm tra, đến nay tình hình đã được cải thiện hơn. Trong thời gian tới, Bộ trưởng cho biết sẽ tiếp tục tăng cường hơn nữa công tác hướng dẫn và thanh tra, kiểm tra.

“Thủ tục cấp sổ đỏ hiện nay đã được rút ngắn hơn nhiều, tuy nhiên, việc thực hiện của các cơ quan thế nào đòi hỏi sự vào cuộc của các cơ quan thanh tra,” Bộ trưởng nhấn mạnh.

Trả lời chất vấn về sự quản lý lỏng lẻo, lãng phí đất đai tại các nông, lâm trường, Bộ trưởng Nguyễn Minh Quang thẳng thắn thừa nhận đúng như cử tri phản ánh, việc sử dụng, quản lý đất đai tại các nông, lâm trường thời gian qua chưa hiệu quả; kết quả sắp xếp các đơn vị này cũng còn hạn chế. Thực hiện Nghị quyết 30 của Bộ Chính trị về tiếp tục sắp xếp, đổi mới và phát triển, nâng cao hiệu quả hoạt động của công ty nông, lâm nghiệp, sẽ giải quyết dứt điểm, không để kéo dài.

Tuy nhiên, để làm được, Bộ trưởng nhấn mạnh cần có sự phối hợp giữa các bộ, ngành và địa phương. Riêng Bộ Tài nguyên và Môi trường đã có hướng dẫn các nông, lâm trường đo vẽ diện tích còn lại (ngoài diện tích đã giao) để cấp giấy chứng nhận.

“Bộ Tài nguyên Môi trường sẽ tập trung hướng dẫn, kiểm tra, đôn đốc và đến năm 2015 sẽ hoàn thành việc đo vẽ đất nông, lâm trường,” Bộ trưởng Nguyễn Minh Quang khẳng định.

Bộ trưởng cũng lý giải thêm, nguyên nhân chậm trễ cấp giấy chứng nhận tại các nông, lâm trường, thực tế do các nông, lâm trường hoạt động rất khó khăn. Hầu hết các đơn vị đã chuyển sang mô hình Ban quản lý, hằng năm không có kinh phí đo vẽ. Hướng xử lý khi thu hồi đất vi phạm tại các nông, lâm trường sẽ ưu tiên cho các hộ đồng bào đang thiếu đất ở, đất sản xuất, giúp đồng bào ổn định đời sống.

Ủy viên Thường trực Ủy ban Tư pháp Đỗ Văn Đương cho biết xử lý vi phạm khai thác trái phép tài nguyên khoáng sản rất nhẹ. Đại biểu nhận định đây là hành vi "rút ruột quốc gia," hủy hoạt nghiêm trọng môi trường, chiếm đoạt quyền lợi của nhân dân mà việc xử lý hiện còn rất nhẹ.

“Người dân cho rằng phải có sự tiếp tay của cán bộ có thẩm quyền trong cấp phép cho đối tượng khai thác khoáng sản như cát tặc, lâm tặc? Một tàu hút cát trên sông Hồng thu được 50-60 triệu đồng, không dễ gì mà lấy được giấy phép đó,” đại biểu Đỗ Văn Đương đặt vấn đề.

Trả lời nội dung này, Bộ trưởng Nguyễn Minh Quang nêu rõ, về vấn đề khai thác cát trái phép trên sông, gây sạt lở và nhiều hậu quả cho người dân hai bên bờ sông, Bộ đã báo cáo Chính phủ và đang khẩn trương xây dựng Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường trách nhiệm của các bộ, ngành, địa phương trong thực thi chính sách, pháp luật về khoáng sản.

Bộ tiếp tục tiến hành rà soát, hệ thống hóa văn bản quy phạm pháp luật về khoáng sản để chính thức công bố danh mục các văn bản đã hết hiệu lực, cần bãi bỏ; các văn bản đang còn hiệu lực hoặc còn hiệu lực một phần và kế hoạch xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật về khoáng sản cần ban hành mới hoặc thay thế.

Bên cạnh đó, Bộ Tài nguyên và Môi trường sẽ chủ trì, phối hợp với các bộ: Xây dựng, Giao thông, Vận tải và Ủy ban Nhân dân một số tỉnh, thành phố liên quan kiểm tra hoạt động khai thác cát, sỏi lòng sông và việc triển khai các dự án nạo vét, khơi thông luồng hàng hải kết hợp thu hồi sản phẩm là cát để đề xuất các giải pháp quản lý theo quy định của Luật Khoáng sản.

Đại biểu Võ Thị Hồng Thoại (Bạc Liêu), Ngô Văn Minh (Quảng Nam) và nhiều ý kiến khác phản ánh tình hình khiếu nại, tố cáo liên quan tới đất đai, môi trường rất phức tạp nhưng đến nay vẫn chưa được cải thiện.

Bộ trưởng Nguyễn Minh Quang đánh giá nguyên nhân là do việc sử dụng đất thiếu ổn định (do thực hiện chính sách đất đai; do cho thuê, cho mượn, cầm cố đất, cho ở nhờ, ở đậu...). Chính sách, pháp luật về quản lý, sử dụng đất đai qua các thời kỳ có nhiều thay đổi bất cập, trong thời gian ngắn có nhiều văn bản được ban hành gây lúng túng trong việc tổ chức thực hiện.

Việc văn bản được ban hành sau lại quy định theo hướng có lợi hơn cho người sử dụng đất gây ra sự so bì, cố tình không bàn giao đất và nhận tiền bồi thường để khiếu nại, yêu cầu được áp dụng chính sách mới. Công tác bồi thường giải phóng mặt bằng có nhiều bất cập, nhất là trong việc định giá đất bồi thường, giải quyết việc làm cho người có đất bị thu hồi.

Công tác lãnh đạo, chỉ đạo về giải quyết khiếu nại, tố cáo một số nơi còn thiếu quyết liệt, nhận thức về pháp luật và trách nhiệm trong giải quyết khiếu nại, tố cáo của một bộ phận cán bộ còn yếu, thiếu tinh thần trách nhiệm hoặc chưa quan tâm đến quyền và lợi ích chính đáng của người khiếu nại.

Nhận thức của người dân về chính sách, pháp luật về khiếu nại, tố cáo nhìn chung còn nhiều hạn chế; nhiều trường hợp người dân mặc dù hiểu rõ các quy định của pháp luật, song cố tình không chấp hành...

Phát biểu kết luận nội dung phiên chất vấn và trả lời chất vấn của Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Nguyễn Minh Quang, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đánh giá, Bộ trưởng đã thẳng thắn, trả lời nghiêm túc các nội dung liên quan tới lĩnh vực quản lý ngành.

Qua chất vấn và trả lời chất vấn đã làm rõ được các vấn đề quản lý nhà nước của ngành. Phó Chủ tịch Quốc hội nêu rõ Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường cần nghiêm túc tiếp thu và khẩn trương phối hợp cùng các bộ, ngành có liên quan tìm biện pháp để các vấn đề đặt ra trong phiên chất vấn này sẽ được triển khai tốt hơn trong thời gian tới.

Thống đốc Nguyễn Văn Bình: Đến cuối năm, nợ xấu còn khoảng 6%

Báo cáo với Quốc hội, Thống đốc Nguyễn Văn Bình cho biết, đối với các ngân hàng thương mại Nhà nước, Ngân hàng Nhà nước đã phê duyệt đề án tái cơ cấu của Ngân hàng Thương mại cổ phần Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) và Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (Agribank), đang hoàn thiện để phê duyệt phương án cơ cấu lại của Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV), Ngân hàng Phát triển Nhà Đồng bằng sông Cửu Long (MHB).

Đối với các ngân hàng thương mại cổ phần, trong số 9 ngân hàng yếu kém được xác định từ năm 2012, Ngân hàng Nhà nước đã phê duyệt 8 phương án cơ cấu lại, trong thời gian tới, Ngân hàng Nhà nước sẽ trình Thủ tướng Chính phủ phương án cơ cấu lại đối với 01 ngân hàng còn lại. Hiện nay, các ngân hàng này đang tích cực triển khai các giải pháp cơ cấu lại theo đúng phương án được duyệt.

Thống đốc cho biết, hầu hết các phương án tái cơ cấu ngân hàng thương mại cổ phần yếu kém, kể cả sáp nhập, hợp nhất đều được tiến hành trên nguyên tắc tự nguyện. Ngân hàng Nhà nước chưa phải áp dụng biện pháp can thiệp bắt buộc đối với trường hợp nào theo quy định của pháp luật. Sau khi sáp nhập, hợp nhất hoặc phương án cơ cấu lại được Ngân hàng Nhà nước chấp thuận, các ngân hàng đã và đang tích cực triển khai các giải pháp cơ cấu lại toàn diện về tài chính, hoạt động, quản trị và khắc phục các sai phạm dưới sự giám sát của Ngân hàng Nhà nước.

Đến cuối tháng 6-2014, tổng tài sản của 09 ngân hàng thương mại cổ phần yếu kém tăng 3,17% so với cuối năm 2013; huy động vốn tăng 3,28% so với cuối năm 2013; tổng dư nợ thị trường tăng 10,18% so với cuối năm 2013.

Đối với các ngân hàng thương mại cổ phần hoạt động bình thường, Ngân hàng Nhà nước đã nhận phương án tái cơ cấu của 24/25 ngân hàng; trong đó, Ngân hàng Nhà nước đã phê duyệt 18 phương án tái cơ cấu, đồng thời yêu cầu các ngân hàng còn lại tiếp tục hoàn thiện phương án.

Trả lời câu hỏi của đại biểu Quốc hội về trách nhiệm của Thống đốc khi để xảy ra sai phạm của Ngân hàng Xây dựng (VNCB), Thống đốc khẳng định: “Dù sai phạm ở đâu, khi nào, dù lúc đó tôi là Thống đốc hay không thì hiện giờ tôi là Thống đốc, tôi xin hoàn toàn nhận trách nhiệm.”

Thống đốc cũng nhấn mạnh, trong thời gian qua, Ngân hàng Nhà nước đã triển khai chặt chẽ việc thanh tra giám sát nhưng với phương châm không hình sự hóa các quan hệ dân sự mà chỉ phát hiện và tạo điều kiện cho các bên khắc phục. Nếu không khắc phục được, sẽ xử lý theo quy định của pháp luật.

Theo Thống đốc, nhờ các hoạt động thanh tra giám sát tại chỗ rất sát sao trong thời gian vừa qua mà các sai phạm cực lớn như Huyền Như, bầu Kiên, Công ty Tài chính II Agribank … đã được phát hiện.

Về vấn đề nợ xấu, một số đại biểu cho rằng nợ xấu là vấn đề rất cấp bách nhưng mới chỉ được nêu lên vấn đề, còn xử lý thì hết sức lúng túng, VAMC ra đời nhưng chưa mang lại hiệu quả.

Trả lời chất vấn, Thống đốc cho biết, tổng nợ xấu đã được xử lý đến nay là 249.000 tỷ đồng, giảm đáng kể so với con số 464.000 tỷ đồng vào tháng 9-2012, khi bắt đầu triển khai đề án xử lý nợ xấu.

Thống đốc cũng cho biết, nợ xấu của hệ thống ngân hàng có xu hướng tăng trong các tháng đầu năm 2014 do tình hình kinh tế vĩ mô chưa có nhiều cải thiện, hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp còn khó khăn, tổ chức tín dụng áp dụng chuẩn mực mới về phân loại nợ chặt chẽ hơn để phản ánh chính xác hơn chất lượng tín dụng và thực trạng nợ xấu, từ đó thúc đẩy xử lý nợ xấu. Tuy nhiên, tính từ đầu năm, tháng Bảy có tốc độ tăng nợ xấu thấp nhất (tăng 0,79% so với tháng trước) cho thấy chất lượng tín dụng đang có chiều hướng cải thiện.

Cũng theo Thống đốc, trước đây các ngân hàng có xu hướng che giấu nợ xấu để làm đẹp sổ sách, báo cáo, từ đó chia cổ tức cao. Ba năm qua Ngân hàng Nhà nước làm chặt và xử lý nghiêm những trường hợp nợ xấu cao mà vẫn chia cổ tức, chia lợi nhuận. Nhiều ngân hàng đã ngừng chia cổ tức, dùng tiền thặng dư để xử lý nợ xấu.

Theo lý giải của Thống đốc, sở dĩ có sự khác biệt trong con số nợ xấu thời gian qua là vì “việc giám sát minh bạch hơn, do vậy Ngân hàng Nhà nước quản lý rất sát tình hình hoạt động và phân loại nợ”.

Ngân hàng Nhà nước quản lý rất sát tình hình hoạt động cũng như việc phân loại nợ của các tổ chức tín dụng. Thực hiện chủ trương cho phép các tổ chức tín dụng tiến hành cơ cấu lại nợ đối với khách hàng nhằm tạo điều kiện cho khách hàng. Trong tổng số nợ hơn 300.000 tỷ đồng cơ cấu lại, có khoảng 157.000 tỷ đồng nếu không tiến hành cơ cấu sẽ biến thành nợ xấu.

“Với tốc độ xử lý nợ xấu như hiện nay, tỷ lệ nợ xấu theo báo cáo của các tổ chức tín dụng sẽ ở trong khoảng hơn 3% còn giám sát của Ngân hàng Nhà nước sẽ đưa về trong khoảng 6% cuối năm nay”.

Đề cập rõ hơn về VAMC, vị tổng tư lệnh ngành ngân hàng cho hay, VAMC mới hoạt động được một năm. Việc mua nợ xấu là cố gắng lớn. Ngay từ đầu, hoạt động mua bán nợ của VAMC đã có chủ trương không dùng tiền ngân sách để xử lý nợ xấu, nên đây là điểm khác biệt giữa Việt Nam với nước ngoài. Trong bối cảnh không có tiền ngân sách nhưng VAMC đã tạo ra được cơ chế tháo gỡ khó khăn, giảm nợ xấu trong thời gian nhất định.

Đến nay, VAMC đã mua được gần 60.000 tỷ đồng nợ xấu. Tính cả phần các ngân hàng báo cáo đã tự xử lý khoảng 20.000 tỷ đồng so với cuối năm ngoái, tổng số nợ xấu được xử lý từ đầu năm đến nay vào khoảng 105.000 tỷ đồng, tăng đáng kể so với hai năm trước (năm 2012 là 69.000 tỷ đồng, 2013 là 98.000 tỷ đồng).

Thống đốc nhìn nhận đây là một cố gắng rất lớn trong bối cảnh xử lý nợ xấu thời gian qua chưa được hỗ trợ từ ngân sách nhà nước.

Vì vậy, Thống đốc cho biết ông đồng tình với quan điểm của một số đại biểu Quốc hội về việc nếu không có tiền từ ngân sách thì phải có cơ chế và trao thêm công cụ cho VAMC. Mặt khác, sẽ phải tăng năng lực tài chính bằng cách tăng vốn điều lệ của VAMC từ 500 tỷ đồng hiện nay lên 2.000 tỷ đồng.

Bên cạnh đó, Thống đốc cũng trả lời các đại biểu về tốc độ giải ngân gói 30.000 tỷ đồng, Nghị định 41, giảm lãi suất trong thời gian tới.../.