TCCSĐT - Ước tính, đến năm 2020, có khoảng 35%-40% dân số toàn quốc sẽ sinh sống tại các vùng biển, hải đảo và ven biển. Vì vậy, việc bảo đảm chăm sóc sức khỏe cho người dân vùng biển, đảo là một nhiệm vụ quan trọng, cần tập trung mọi nguồn lực.

Nhằm bảo đảm cho người dân sinh sống ở các vùng biển, đảo có điều kiện chăm sóc sức khỏe tốt nhất, Bộ Y tế triển khai Ðề án “Phát triển y tế biển, đảo Việt Nam đến năm 2020” (Ðề án 317). Ðề án này được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 317/QÐ-TTg, ngày 07-02-2013.

Theo đó, Ðề án 317 sẽ được triển khai tại 151 quận, huyện, thị xã, thành phố trực thuộc 28 tỉnh, thành phố ven biển, với tổng ngân sách lên đến 8.200 tỷ đồng. Mục tiêu của đề án là bảo đảm cho người dân sinh sống, làm việc ở vùng biển đảo được tiếp cận, sử dụng dịch vụ y tế cơ bản; mở rộng khả năng tiếp cận và sử dụng dịch vụ y tế có chất lượng cao. Ðồng thời, hướng đến củng cố mạng lưới y tế đủ năng lực và phù hợp đặc thù hoạt động bảo vệ, chăm sóc sức khỏe người dân vùng biển, đảo; phát triển nguồn nhân lực đủ về số lượng và chất lượng, qua đó tăng năng lực cấp cứu, vận chuyển khám, chữa bệnh, phòng, chống dịch bệnh và các bệnh tật đặc thù vùng biển, đảo...

Bộ trưởng Bộ Y tế, Trưởng Ban Chỉ đạo quốc gia về y tế biển, đảo Nguyễn Thị Kim Tiến, cho biết: Sau hơn một năm thực hiện đề án, hầu hết các bộ, ngành liên quan và các tỉnh, thành phố đã thành lập được ban chỉ đạo. Riêng trong năm 2013, trên toàn tuyến biển, đảo Việt Nam, các cơ sở y tế đã cấp cứu cho hơn 1.600 người; khám bệnh và cấp thuốc hơn 32 nghìn lượt người; phẫu thuật cho hơn 750 người bệnh; cấp thuốc miễn phí cho hơn 13 nghìn lượt người... Ðiều đáng mừng là một số địa phương đã sớm phê duyệt kế hoạch triển khai đề án phát triển y tế vùng biển, đảo trên địa bàn của mình.

Tại Hà Tĩnh: Ủy ban nhân dân tỉnh đã ban hành kế hoạch triển khai Đề án “Phát triển y tế biển, đảo Hà Tĩnh đến năm 2020” nhằm bảo đảm cho người dân sinh sống và làm việc ở vùng biển, đảo được tiếp cận và sử dụng dịch vụ y tế cho nhu cầu dự phòng, cấp cứu, khám, chữa bệnh và nâng cao sức khỏe, góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu của “Chiến lược Biển Việt Nam đến năm 2020”.

Theo kế hoạch, đến năm 2020, tỉnh Hà Tĩnh có 100% đơn vị y tế tuyến huyện ven biển có bác sĩ được đào tạo, bổ túc về y học biển để có đủ năng lực cấp cứu, khám chữa bệnh các bệnh lý đặc thù vùng biển; tiếp tục duy trì bảo đảm 100% đơn vị y tế tuyến huyện các huyện ven biển đủ năng lực khám dự phòng, tư vấn sức khỏe, phòng, chống bệnh nghề nghiệp, phòng, chống dịch bệnh cho nhân dân, lực lượng lao động vùng biển; 100% người lao động trên các tàu biển, nhà dân vùng biển có kiến thức tự bảo vệ sức khỏe và biết kêu gọi sự trợ giúp khi có tình huống cấp cứu; 100% tàu vận tải biển thực hiện đầy đủ các quy định quốc tế về bảo đảm y tế biển.

Để đạt các chỉ tiêu cụ thể nói trên, tại 5 huyện ven biển (Nghi Xuân, Lộc Hà, Thạch Hà, Cẩm Xuyên, Kỳ Anh) sẽ tập trung triển khai 7 nhóm nội dung: nâng cao nhận thức và năng lực quản lý nhà nước về y tế biển; củng cố và phát triển cơ sở y tế dự phòng; phát triển mạng lưới khám, chữa bệnh; tổ chức mạng lưới vận chuyển, cấp cứu; phát triển nguồn nhân lực cho y tế biển, đảo; thực hiện chính sách về tài chính, đầu tư cho y tế phù hợp với đặc thù của vùng biển, đảo; tăng cường truyền thông, giáo dục sức khỏe cho người dân vùng biển.

Tại Quảng Ngãi: Ủy ban nhân dân tỉnh vừa ban hành Kế hoạch hành động thực hiện Đề án “Phát triển y tế biển, đảo Việt Nam đến năm 2020”.

Theo đó, phấn đấu đến năm 2020, Trung tâm Y tế Quân - Dân y kết hợp huyện Lý Sơn và 100% bệnh viện đa khoa các huyện, thành phố ven biển có bác sĩ được đào tạo, bổ túc chuyên môn về y học biển để có đủ năng lực cấp cứu, khám, chữa bệnh các bệnh lý đặc thù vùng biển, đảo; Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh, Trung tâm Y tế Quân - Dân y kết hợp huyện Lý Sơn và 100% trung tâm y tế dự phòng các huyện, thành phố ven biển có tổ chức 1 khoa/bộ phận chuyên trách đủ năng lực khám dự phòng, tư vấn sức khỏe, phòng, chống bệnh nghề nghiệp, phòng, chống dịch bệnh cho nhân dân, lực lượng lao động vùng biển, đảo; đầu tư nguồn lực cho Trung tâm Y tế Quân - Dân y kết hợp huyện Lý Sơn để có khả năng triển khai thực hiện được hơn 90% kỹ thuật ngoại khoa của bệnh viện hạng 3; các kỹ thuật điều trị, phục hồi chức năng đối với các bệnh lý đặc thù vùng biển, đảo và đầu tư xây dựng trạm y tế tại các xã của huyện Lý Sơn và 100% trạm y tế xã ven biển đạt tiêu chí chuẩn y tế cho vùng biển, đảo theo quy định của Bộ Y tế; 100% người lao động trên các tàu biển có kiến thức tự bảo vệ sức khỏe và biết kêu gọi sự trợ giúp khi có tình huống cấp cứu.

Tại Quảng Nam: Vừa qua, Ủy ban nhân dân tỉnh đã thông qua Kế hoạch triển khai Đề án “Phát triển y tế biển, đảo Việt Nam đến năm 2020” của tỉnh Quảng Nam, với tổng kinh phí thực hiện trên 80 tỷ đồng.

Theo đó, đề án sẽ được triển khai tại 27 xã, phường, thị trấn ven biển (kể cả xã đảo Tân Hiệp) thuộc 06 huyện, thành phố ven biển. Trong năm 2014 tiến hành sửa chữa, nâng cấp bệnh xá quân - dân y kết hợp Cù Lao Chàm đủ khả năng tổ chức phẫu thuật ngay tại bệnh xá. Đến năm 2020, ít nhất có 14 cán bộ được đào tạo, bổ túc bác sĩ về y học biển tại tuyến tỉnh và 6 huyện, thành phố ven biển. 100% trạm y tế xã ven biển và xã đảo được xây dựng kiên cố và tầng hóa, có đủ các phòng dịch vụ kỹ thuật, bảo đảm đủ năng lực bảo vệ, chăm sóc sức khỏe người dân trong vùng, ngay cả lúc bị cô lập hoặc khi tăng đột biến nhu cầu điều trị. Thiết lập 02 tổ vận chuyển cấp cứu trên biển phục vụ vận chuyển cấp cứu an toàn từ Cù Lao Chàm vào đất liền; 100% ngư dân Quảng Nam đi biển được tập huấn kiến thức sơ cấp cứu tai nạn, xử trí các bệnh thông thường và đưa người bị nạn đến các cơ sở cấp cứu ở vùng biển, đảo và tập huấn về phòng ngừa tai nạn lao động, ngộ độc thực phẩm.

Tại Khánh Hòa: Ủy ban nhân dân tỉnh vừa phê duyệt kế hoạch triển khai đề án phát triển y tế vùng biển, đảo trên địa bàn tỉnh từ nay đến năm 2020, với nguồn kinh phí trên 76 tỷ đồng.

Khánh Hòa hiện có 48 xã, phường, thị trấn trên đất liền tiếp giáp với biển và huyện đảo Trường Sa gồm: thị trấn Trường Sa, hai xã Sinh Tồn, Song Tử Tây.

Từ nay đến hết năm 2015, với kinh phí hơn 51 tỷ đồng, tỉnh Khánh Hòa ưu tiên đầu tư xây dựng bệnh viện huyện đảo Trường Sa với quy mô 30 giường bệnh, trung tâm thu nhận và điều trị bệnh đặc thù vùng biển, đảo tại Bệnh viện Quân y 87, đầu tư cho trung tâm cấp cứu 115 đủ khả năng phối hợp cấp cứu, vận chuyển cấp cứu trên biển…

Trong giai đoạn 2016 - 2020, tỉnh Khánh Hòa tiếp tục đầu tư hơn 25 tỷ đồng để xây dựng mô hình trợ giúp y tế từ xa (Telemedicine) từ Bệnh viện Quân y 87 (thành phố Nha Trang) đến Bệnh viện huyện đảo Trường Sa; tập huấn, đào tạo cho nhân viên y tế của 100% số tàu vận tải biển, tàu viễn dương thực hiện đầy đủ các quy định quốc tế về bảo đảm y tế biển; xây dựng 100% các trạm y tế độc lập đạt bộ tiêu chí về y tế vùng biển, đảo…

Tỉnh Khánh Hòa đã đưa ra các giải pháp thực hiện đề án này, trong đó nâng cao nhận thức và năng lực quản lý nhà nước về y tế biển; xây dựng chính sách về tài chính, đầu tư cho y tế phù hợp với đặc thù của vùng biển đảo; tăng cường công tác truyền thông, giáo dục sức khỏe cho người dân vùng biển đảo...

Tại Kiên Giang: Sáng 16-8-2014, tại Phú Quốc, Ban Chỉ đạo quốc gia về Y tế biển, đảo đã tổ chức Hội nghị triển khai Đề án “Phát triển y tế biển, đảo Việt Nam đến năm 2020” vùng biển, đảo Tây Nam. Tại Hội nghị, các đại biểu thảo luận bàn biện pháp đẩy nhanh tiến độ triển khai đề án phát triển y tế biển, đảo, những nội dung đã thống nhất giữa Bộ Y tế - Bộ Quốc phòng và Ủy ban nhân dân tỉnh Kiên Giang tại huyện đảo Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang; khả năng đáp ứng nhiệm vụ cứu chữa trên biển trong những tình huống đặc biệt ở tỉnh Kiên Giang.

Theo báo cáo của Ủy ban nhân dân tỉnh Kiên Giang, hiện nay, toàn tỉnh có 17 xã biển đảo thuộc 3 huyện và 1 thị xã với tổng số hơn 145.000 người dân. Thời gian qua, bằng nguồn vốn sổ xố kiến thiết, Kiên Giang đã đầu tư, nâng cấp nhiều trạm y tế. Trong đó, Trung tâm y tế huyện Kiên Hải, Bệnh viện Đa khoa huyện Phú Quốc và 17 trạm y tế, phòng khám khu vực thuộc xã biển, đảo đều được cải tạo, nâng cấp và xây mới, bảo đảm triển khai các phòng, khoa đáp ứng yêu cầu khám, chữa bệnh của nhân dân.

Theo quy hoạch của đề án, Bệnh viện Quân y 78 sẽ được thành lập dựa trên cơ sở hạ tầng và tổ chức của Đội điều trị 78, thuộc vùng Hải quân 5; và thành lập Trung tâm huấn luyện cấp cứu trên biển tại Bệnh viện Quân dân y 78 nhằm đáp ứng kịp thời những tình huống khẩn cấp trên biển. Tuy nhiên, việc triển khai đến nay còn chậm và gặp nhiều vướng mắc.

Tại Hội nghị, Thứ trưởng Bộ Y tế Phạm Lê Tuấn cho biết: “Thời gian tới một trong những nhiệm vụ quan trọng là phải đẩy nhanh triển khai bảo hiểm y tế cho ngư dân và người dân sinh sống trên đảo, vì tỷ lệ tham gia bảo hiểm y tế của người dân trên đảo hiện nay chưa cao. Hai là chú trọng nâng cao năng lực cung cấp dịch vụ y tế, nâng cao mô hình khám chữa bệnh quân dân y và cấp cứu y tế trên biển để đảm bảo cho việc chăm sóc sức khỏe cho người dân trên đảo...”.

Tại Bạc Liêu: Ủy ban nhân dân tỉnh đã có kế hoạch triển khai đề án “Phát triển y tế biển, đảo Việt Nam đến năm 2020” của tỉnh giai đoạn 2013 - 2015.

Theo kế hoạch, để thực hiện đề án, tỉnh Bạc Liêu tiến hành khảo sát các khu vực dân cư ven biển; nâng cấp bệnh viện các huyện ven biển để đáp ứng khả năng tiếp nhận cấp cứu và khám chữa bệnh cho người dân ven biển; thực hiện tuyển chọn theo tiêu chuẩn và chính sách ưu đãi đối với cán bộ, viên chức y tế công tác tại các xã ven biển; đưa cán bộ đi đào tạo, tập huấn các chương trình đào tạo ngắn hạn, dài hạn về y học biển; nghiên cứu cải tạo tàu thuyền có khả năng vận chuyển cấp cứu; hướng dẫn các địa phương tổ chức nhân lực, trang thiết bị và phương tiện cho đội cấp cứu ngoại viện vùng biển; xây dựng các dự án phát triển đáp ứng các nhu cầu phòng, chữa bệnh cho nhân dân vùng biển.

Tỉnh Bạc Liêu có 3 huyện, thành phố ven biển là huyện Đông Hải, Hòa Bình và thành phố Bạc Liêu. Theo kế hoạch, tỉnh sẽ thực hiện các nhiệm vụ trên của đề án đến quý III-2015./.