TCCSĐT - Cùng với những tác động tiêu cực do cuộc khủng hoảng kinh tế tài chính toàn cầu gây ra, những mâu thuẫn tồn tại bấy lâu nay trong nội bộ đang khiến Đảng Dân chủ Tự do (LDP) Nhật Bản, chính đảng gần như cầm quyền lãnh đạo suốt hơn 50 năm qua có nguy cơ sẽ trở thành đảng đối lập sau cuộc tổng tuyển cử được tổ chức vào cuối tháng 8 này.

Ngày 21-7 vừa qua, sau nhiều lần đắn đo cân nhắc dưới áp lực ngày càng gia tăng của phe đối lập và cả trong nội bộ đảng LDP, cuối cùng ông Ta-rô A-sô, người đang giữ cương vị chủ tịch LDP đồng thời là Thủ tướng Nhật đã phải quyết định giải tán Hạ viện để tổ chức bầu cử sớm, với hy vọng có thể cứu vãn phần nào uy tín và cơ hội chiến thắng của LDP trong cuộc bầu cử vào ngày 18-8. Như vậy, các đảng sẽ bắt đầu chiến dịch tranh cử và ngày 30-8 sẽ tiến hành tổng tuyển cử.

Giọt nước tràn ly

Không phải ngẫu nhiên Thủ tướng T.A-sô buộc phải đi đến quyết định giải tán Hạ viện. Mặc dù trước đó đã có dư luận từ phía công chúng và ngay trong nội bộ đảng tỏ ra không hài lòng với cách điều hành của ông T.A-sô, song phải cho tới khi kết quả cuộc bầu cử Hội đồng thành phố Tô-ky-ô ngày 12-7 vừa qua được công bố thì áp lực đối với ông T.A-sô mới ngày càng gia tăng.

Trong cuộc bầu cử này, LDP đã thất bại nặng nề khi chỉ giành được 38 trong tổng số 127 ghế của hội đồng địa phương. Đảng Công Minh (NKP) trong liên minh cầm quyền giành được 23 ghế. Trong khi đó, Đảng Dân chủ Nhật Bản (DPJ), đảng đối lập giành được 54 ghế và trở thành chính đảng có số ghế nhiều nhất trong Hội đồng thành phố.

Thất bại này được xem như giọt nước tràn ly, bởi mặc dù chỉ mang tính chất địa phương, nhưng cuộc bầu cử Hội đồng Thành phố Tô-ky-ô được coi là phép thử cho cuộc bầu cử quốc gia và uy tín của các chính đảng. Hơn nữa, đây cũng đã là thất bại thứ tư của LDP trong các cuộc bầu cử địa phương kể từ tháng 4-2009.

Sau thất bại này, nhiều thành viên LDP đã lên tiếng kêu gọi thay đổi lãnh đạo đảng. Hai cựu Tổng thư ký LDP là ông Na-ka-ga-oa và ông Ta-kê-bê cho rằng: Thủ tướng T.A-sô nên từ chức trước cuộc bầu cử. Thị trưởng Tô-ky-ô I-si-ha-ra, một thành viên của LDP, cũng đã chỉ trích Thủ tướng T.A-sô và cho rằng, bầu cử Hạ viện sắp tới cũng sẽ có kết quả tương tự. Thậm chí, ngày 13-7, Nghị sỹ Kô-ta-rô Na-ga-xa-ki đã tuyên bố rút khỏi đảng này. Chưa hết, đã có hơn 130 thành viên trong đảng ký vào một bản đề nghị tổ chức một hội nghị các thành viên trong đảng nhằm gây sức ép yêu cầu ông T.A-sô từ chức. Bên ngoài, DPJ và 3 đảng đối lập khác cũng đã cùng nhau trình bản dự thảo bất tín nhiệm với ông T.A-sô lên Quốc hội…

Dù đang phải chịu áp lực từ nhiều phía, song Thủ tướng T.A-sô vẫn tuyên bố không có ý định từ chức. Ông T.A-sô khẳng định: "Tôi sẽ tiếp tục phát biểu với tư cách là Thủ tướng và là người giành được sự tin cậy của đảng LDP cho dù đảng có tổ chức hội nghị hay không".

Tuy nhiên, hiện kết quả các cuộc thăm dò dư luận ở Nhật Bản đều cho thấy, tỷ lệ ủng hộ LDP và ông Ta-rô A-sô đang ở mức thấp. Trong cuộc thăm dò công bố ngày 19-7, 36,2% số người được hỏi cho biết sẽ bầu cho DPJ, nhiều gấp hơn hai lần so với số cử tri ủng hộ LDP (15,6 %). Đối với cá nhân hai lãnh đạo LDP và DPJ, 45% số người được hỏi cho rằng: Chủ tịch DPJ Y-u-ki-ô Ha-tô-ya-ma là người thích hợp để điều hành đất nước, trong khi con số ủng hộ dành cho Thủ tướng T.A-sô chỉ là 25%. Nếu kết quả thăm dò này được giữ nguyên trong cuộc tổng tuyển cử sắp tới thì DPJ sẽ đánh bại LDP, chấm dứt hơn 50 năm cầm quyền gần như liên tục của LDP.

Ba năm 3 thủ tướng

Từ hơn nửa thế kỷ qua, Nhật Bản không hề trải qua hiện tượng các đảng phái thay phiên nhau nắm quyền. Trừ một thời gian rất ngắn (giai đoạn năm 1993 - 1994 không nắm quyền), LDP đã liên tục giữ vai trò lãnh đạo ở Nhật Bản và đã giúp đất nước này trở thành nền kinh tế đứng thứ hai thế giới. LDP được sự tín nhiệm của người dân vì đã đưa ra một chính sách phù hợp với lợi ích quốc gia cũng như của công chúng trong giai đoạn Chiến tranh Lạnh. Sau chiến tranh thế giới thứ hai, Nhật Bản đã tập trung sức lực để khôi phục và phát triển nền kinh tế, cải thiện điều kiện sống của người dân. Trong thập niên 1960-1980, LDP đã đưa Nhật Bản trở thành một “hiện tượng thần kỳ” về kinh tế, được coi là thời kỳ kỳ vàng son của Nhật Bản, khiến nhiều nước phải ngưỡng mộ.

Tuy nhiên, phần lớn nguồn vốn để mở rộng sản xuất của Nhật Bản cuối những năm 1980 có được thông qua lạm phát tài sản trong các thị trường chứng khoán, ngân hàng và bất động sản mà người Nhật gọi là "nền kinh tế bong bóng". Bong bóng này được tạo ra thông qua sự kết hợp của lãi suất cho vay thấp của ngân hàng, việc nới lỏng từng phần các quy định tài chính, sự tăng giá trên thị trường chứng khoán Tô-ky-ô, và giá bất động sản tăng vọt phi lý.

Chính vì vậy, bước vào thập kỷ 90 của thế kỷ XX, kinh tế Nhật Bản khủng hoảng và suy giảm triền miên, chuyển sang một thời kỳ ảm đạm chưa từng có, thậm chí, nhiều người bi quan rằng nó đang trong đường hầm không lối thoát. Nhiều năm liền, kinh tế tăng trưởng thấp, có năm kinh tế còn tăng trưởng âm (-1,1% năm 1998, -0,2% năm 2001).

Kinh tế suy giảm khiến chính trị cũng gặp nhiều bất ổn. Trong vòng ba năm gần đây nhất, LDP thay tới ba thủ lĩnh, cũng là ba thủ tướng, đó là các ông Sin-dô A-bê kế nhiệm ông Kôi-dư-mi từ 26-9-2006 đến 12-9-2007; sau đó là ông Fu-ku-đa từ 19-9-2007 đến 1-9-2008 và ông Ta-rô A-sô từ 24-9-2008 đến nay.

Thách thức chờ đợi chính quyền mới

Cuộc tổng tuyển cử được ấn định vào ngày 30-8 tới đang đến gần và cử tri Nhật sẽ là người cuối cùng lựa chọn số ghế của các đảng trong Quốc hội. Tuy nhiên, bất kể người chiến thắng là đảng nào thì chính phủ sắp tới cũng sẽ phải đối mặt với một loạt thách thức đang chờ đợi phía trước.

Trước hết, đó là việc đối phó với cuộc khủng hoảng kinh tế đang tác động tiêu cực đến nền kinh tế Nhật Bản. Trong khi những nỗ lực nhằm vực dậy nền kinh tế của Chính phủ vẫn chưa phát huy được hiệu quả thì việc bơm quá nhiều tiền vào nền kinh tế đã đẩy các khoản nợ công lên mức kỷ lục, tương đương khoảng 170% GDP.

Thứ hai, sức ép về tình trạng dân số già đi. Theo các số liệu thống kê, tỷ lệ người già hiện chiếm 21,5% dân số Nhật Bản và dự kiến sẽ tăng lên 38,9% vào năm 2050. Khi tỷ lệ người già ngày càng tăng lên, số người trong độ tuổi lao động giảm xuống sẽ hạn chế tốc độ tăng trưởng kinh tế, giảm nguồn thu thuế và ảnh hưởng tới ngân sách chi tiêu của Chính phủ và khả năng chi trả các khoản phúc lợi xã hội như chăm sóc y tế, lương hưu… Các chuyên gia kinh tế cho rằng, để đáp ứng các khoản phúc lợi xã hội này, Chính phủ Nhật buộc phải tăng 5% mức thuế tiêu dùng. Tuy nhiên, việc tăng thuế thường sẽ gây phản ứng tiêu cực trong dân chúng.

Thứ ba, giải quyết các mối quan hệ đối ngoại, trong đó trọng tâm là đối phó với mối đe dọa hạt nhân từ bán đảo Triều Tiên và xử lý mối quan hệ với Trung Quốc, những vấn đề quan trọng trong chính sách đối ngoại của Nhật Bản.

Nhật Bản hiện vẫn là nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới nhưng vị trí này đang bị Trung Quốc đe dọa thay thế trong một tương lai không xa.

Huyền thoại về sự thần kỳ Nhật Bản trong những thập kỷ 60-70 của thế kỷ trước cũng đang dần bị lu mờ do nền kinh tế Nhật suy thoái kéo dài cũng như do sự nổi lên của những nền kinh tế khác năng động hơn.

Hy vọng, sau cuộc tổng tuyển cử ngày 30-8 tới, Nhật Bản sẽ xây dựng được một chính phủ mạnh, đủ sức đưa Nhật lấy lại thế ổn định và phát triển xứng đáng với vai trò và vị trí của nước này./.