Kinh tế trang trại ở Đồng Nai - khởi sắc, nhưng chưa hết khó khăn
TCCS - Với những lợi thế đặc thù về tự nhiên và kinh tế - xã hội, Đồng Nai là tỉnh có điều kiện để phát triển một nền nông nghiệp đa dạng nói chung và kinh tế trang trại nói riêng. Những năm gần đây, loại hình kinh tế này ở Đồng Nai đang không ngừng khởi sắc với những thành quả bước đầu đáng ghi nhận. Tuy nhiên, kinh tế trang trại của Đồng Nai đang đứng trước không ít khó khăn, thách thức. Làm thế nào để loại hình kinh tế này tiếp tục phát triển ổn định và bền vững cả về quy mô cũng như hiệu quả kinh tế? Đó là nỗi băn khoăn, trăn trở hiện nay của các cấp lãnh đạo cũng như các chủ trang trại của tỉnh Đồng Nai và cả nước nói chung.
Những khởi sắc đáng ghi nhận
Tỉnh Đồng Nai hiện có 3.666 trang trại, tăng 549 trang trại so với năm 2003; với tổng diện tích đất sản xuất - kinh doanh là 13.109 ha; trong đó có: 1.547 trang trại trồng cây lâu năm, 195 trang trại trồng cây hằng năm, 1.464 trang trại chăn nuôi, 223 trang trại thủy sản, 15 trang trại lâm nghiệp, 222 trang trại tổng hợp... Tổng vốn đầu tư sản xuất của các trang trại trên toàn địa bàn là 1.361 tỉ đồng, mức vốn bình quân cho một trang trại đạt hơn 371 triệu đồng; trong đó vốn tự có là 1.138 tỉ đồng, vốn vay ngân hàng và các đối tượng khác hơn 223 tỉ đồng...
Đa số các trang trại ở Đồng Nai đều áp dụng các tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào sản xuất để nâng cao hiệu quả kinh tế. Các trang trại trồng trọt đều đưa giống mới vào sản xuất, áp dụng biện pháp xử lý ra hoa trên cây ăn quả, quản lý dịch hại tổng hợp (IPM) trên đồng ruộng, có hệ thống tưới nước tiết kiệm. Các trang trại chăn nuôi đều sử dụng giống mới, một số trang trại đã sử dụng hệ thống làm mát chuồng trại, chủ động sản xuất, chế biến nguồn thức ăn chăn nuôi. Tổng vốn đầu tư cho lĩnh vực chăn nuôi của các trang trại hiện đạt trên 1.992 tỉ đồng (bình quân 625 triệu đồng/trang trại) và đạt tổng thu nhập bình quân 382,83 tỉ đồng/năm, bình quân một trang trại chăn nuôi đạt 120 triệu đồng/năm. Tính chung, tổng giá trị sản lượng hàng hóa và dịch vụ của kinh tế trang trại toàn tỉnh (cả trồng trọt và chăn nuôi) đạt 1.220 tỉ đồng/năm, bình quân 333 triệu đồng/trang trại. Bên cạnh thu hút một khối lượng lớn tiền vốn trong dân đầu tư vào sản xuất nông nghiệp, việc phát triển kinh tế trang trại của Đồng Nai đã giải quyết việc làm thường xuyên cho 11.292 lao động, 6.769 lao động thời vụ, có ý nghĩa rất lớn trong việc xóa đói giảm nghèo và gián tiếp góp phần ổn định trật tự an toàn xã hội ở vùng nông thôn.
Để hỗ trợ cho kinh tế trang tại phát triển, thời gian qua, chi nhánh Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Đồng Nai đã giúp hơn 1.000 trong tổng số 3.666 trang trại trong tỉnh vay hơn 100 tỉ đồng, giúp các chủ trang trại tháo gỡ khó khăn ban đầu về vốn trong sản xuất, kinh doanh. Phần lớn các chủ trang trại sau khi vay vốn đều làm ăn có hiệu quả và giữ chữ tín với ngân hàng. Hiện Chi nhánh Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Đồng Nai đã xây dựng mạng lưới chân rết đến tận các cụm xã và liên xã, nhất là ở các huyện miền núi Xuân Lộc, Tân Phú, Cẩm Mỹ... Riêng ở các huyện Trảng Bom, Thống Nhất, Vĩnh Cửu - nơi phong trào thành lập trang trại phát triển mạnh, ngân hàng bố trí cán bộ xuống trực tiếp thẩm định tài sản, nhu cầu vốn của từng dự án của trang trại để cho vay vốn. ở huyện miền núi Xuân Lộc, nơi có tới 840 trang trại, thời gian qua, các chủ trang trại đã được ngân hàng cho vay khoảng 36 tỉ đồng, chiếm hơn 10% tổng vốn đầu tư để phát triển trồng trọt, chăn nuôi của toàn huyện. Từ nguồn vốn này, các trang trại đã tập trung đầu tư chiều sâu để phát triển vườn cây ăn trái chất lượng cao hoặc chăn nuôi gia súc, gia cầm theo quy trình hiện đại. Bà Huỳnh Thị Nhân, Giám đốc Chi nhánh Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Đồng Nai, cho biết: Ngân hàng sẵn sàng đáp ứng đủ nguồn vốn cho các chủ trang trại để phát triển sản xuất - kinh doanh, với điều kiện là các trang trại có tài sản thế chấp hợp lệ và dự án sản xuất, kinh doanh có tính khả thi.
Những vấn đề đang đặt ra
Có thể nói, kinh tế trang trại ở Đồng Nai thời gian qua tuy có khởi sắc nhưng vẫn chưa hết những khó khăn. Trước hết là, các địa phương trong tỉnh còn thiếu quy hoạch cả về lâu dài cũng như trước mắt cho phát triển kinh tế trang trại. Phần lớn các chủ trang trại chưa nắm được quy hoạch vùng cũng như các chương trình, dự án sẽ được triển khai trên địa bàn. Vì thế, các chủ trang trại luôn bị động, việc triển khai hoạt động sản xuất - kinh doanh chủ yếu theo hình thức tự phát, còn mang nặng tính chủ quan và theo sở thích cá nhân.
Khó khăn nổi cộm nhất hiện nay của các hộ nông nghiệp nói chung, các chủ trang trại nói riêng ở Đồng Nai là vấn đề tiêu thụ sản phẩm. Các trang trại ở Đồng Nai đều có quy mô trung bình và lớn, nhưng sức tiêu thụ của thị trường còn hạn hẹp, chưa tạo ra được những đầu mối lớn và tập trung trong tiêu thụ sản phẩm, nên thường bị tư thương ép giá.
Khó khăn nữa là mấy năm gần đây, giá vật tư phục vụ sản xuất nông nghiệp luôn có sự biến động theo xu hướng ngày càng tăng, trong khi tình hình dịch bệnh lại diễn biến phức tạp... đã ảnh hưởng đáng kể đến năng suất, chất lượng cũng như việc tiêu thụ sản phẩm, bảo đảm có lãi.
Về nguồn vốn, mặc dù ngân hàng đã có quyết định cho các trang trại nông, lâm nghiệp vay đến 20 triệu đồng, trang trại nuôi thủy sản vay dưới 50 triệu đồng không phải thế chấp, nhưng nguồn vốn đó quá ít. Muốn vay nhiều hơn lại vướng phải thủ tục còn rườm rà và không kém phần nhiêu khê, trong đó việc ngân hàng đòi hỏi phải có đủ các giấy tờ cần thiết và quy định khá ngặt nghèo trong vấn đề tài sản thế chấp... đang là những thử thách không nhỏ đối với các chủ trang trại.
Một vấn đề khác đang khiến các chủ trang trại băn khoăn lo lắng là tình trạng ô nhiễm môi trường và việc xử lý chất thải trong sản xuất, (nhất là đối với các trang trại chăn nuôi và nuôi trồng thủy sản) đang ngày càng trở nên trầm trọng. Một số chủ trang trại có ý thức từ đầu về việc xử lý ô nhiễm trong sản xuất, nhưng do có nhiều chủ trang trại không tuân thủ các quy định nên cuối cùng đã buông xuôi, trong khi lực lượng chức năng chưa thể hiện rõ trách nhiệm của mình trong việc kiểm tra, đôn đốc, xử lý. Nếu đầu tư hệ thống xử lý đạt tiêu chuẩn thì giá thành sản phẩm của trang trại rất cao, rất khó cạnh tranh trong tiêu thụ sản phẩm.
Cuối cùng, trong vấn đề tiêu thụ sản phẩm, các chủ trang trại hiện đều tự tìm kiếm đầu ra. Trong khi quy mô sản xuất cũng như lợi nhuận đang đòi hỏi phải có sự liên kết giữa các chủ trang trại cũng như liên kết vùng trong tiêu thụ sản phẩm. Bên cạnh đó, hoạt động sản xuất của các trang trại phần lớn chưa gắn với chế biến, đặc biệt là chưa có sự liên kết giữa các “nhà” nên hiệu quả sản xuất - kinh doanh còn rất hạn chế. Thực trạng hiện nay cho thấy, trong mối “liên kết bốn nhà”: nhà nông chưa mạnh dạn đầu tư cho kinh tế trang trại theo hướng lâu dài, bền vững; nhà doanh nghiệp chưa thực sự tôn trọng hợp đồng và luôn sợ rủi ro; nhà khoa học chưa thực sự gắn với thực tiễn; còn nhà nước chưa đóng vai trò chủ đạo trong quản lý điều hành.
Để trang trại thực sự là hạt nhân, dẫn dắt kinh tế hộ
Để kinh tế trang trại tiếp tục phát triển ổn định và bền vững, qua ý kiến của các chủ trang trại ở Đồng Nai, bước đầu có một số ý kiến đề xuất như sau.
Về phía Nhà nước, sớm xây dựng chính sách tổng thể về kinh tế trang trại trên tất cả các mặt: từ chính sách đất đai, tín dụng, thông tin... đến khoa học - kỹ thuật, đào tạo, kể cả việc sử dụng hàng rào thuế quan để ngăn chặn hàng nhập khẩu cũng như có chiến lược xây dựng các vùng nguyên liệu để bảo đảm sản xuất ổn định, giảm nhập khẩu các hàng hóa, sản phẩm mà kinh tế trang trại trong nước có thể đảm đương được.
Đối với các địa phương và cơ sở, để khắc phục tình trạng kinh tế trang trại hình thành theo kiểu tự phát, cần có chủ trương và kế hoạch cụ thể đối với việc xây dựng và phát triển loại hình kinh tế này; trong đó cần gắn quy hoạch phát triển kinh tế trang trại với quy hoạch chung về phát triển kinh tế - xã hội, cũng như quy hoạch phát triển hạ tầng, phát triển công nghiệp chế biến và các chương trình kinh tế - xã hội khác như định canh, định cư, xóa đói, giảm nghèo...
Đối với các chủ trang trại, trong sự nỗ lực và khát vọng làm giàu từ kinh tế trang trại, cần lựa chọn những mô hình thích hợp với điều kiện tự nhiên, với năng lực tài chính, điều hành của mình, tránh tình trạng làm theo phong trào mà không xem xét các yếu tố cụ thể. Đặc biệt, cần chú trọng gắn sản xuất với chế biến để nâng cao giá trị hàng hóa và lợi nhuận; đi đôi với gắn sản xuất với thị trường, trong đó cần có sự liên kết với các chủ trang trại cùng lĩnh vực, cùng địa bàn hoặc liên vùng v.v... Chỉ trên cơ sở đó mới tạo ra được một nguồn sản phẩm lớn, ổn định và tập trung, đủ sức cạnh tranh trên thị trường trong điều kiện hội nhập.
Nhìn trên tổng thể, có thể khẳng định, trong việc phối kết hợp để phát triển loại hình kinh tế trang trại, cả bốn “nhà” đều đang có những hạn chế nhất định, từ đó dẫn đến thiếu tính chuyên nghiệp cả về quy hoạch, sản xuất; cả về xây dựng thị trường tiêu thụ sản phẩm. Tuy nhiên, thực tiễn cũng cho thấy, các vùng sản xuất hàng hóa mới được hình thành do sự chuyển dịch cơ cấu thời gian gần đây đều bắt đầu từ “hạt nhân” là các trang trại. Trang trại đang được đánh giá là nơi chuyển giao kỹ thuật nhanh nhất, hiệu quả nhất. Khi gặp thuận lợi và có sự kết nối sẽ nhanh chóng phát triển thành những vùng hàng hóa lớn và tập trung.
Kinh tế trang trại, nếu được đặt đúng khu vực, xác định đúng tầm quy mô, nhất là có cơ chế, chính sách tốt sẽ càng có cơ hội phát triển nhanh, mạnh; trở thành một loại hình kinh tế chủ lực, đi tiên phong trong cuộc hành trình trên con đường hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn, đưa người nông dân sớm đi tới đích ấm no, giàu mạnh./.
Quyết định số 108-QĐ/TW, ngày 21-11-2007 của Bộ Chính trị về chức năng, nhiệm vụ, tổ chức bộ máy của Tạp chí Cộng sản  (02/08/2010)
Gặp mặt điển hình tiên tiến trong phong trào thi đua "Vì An ninh Tổ quốc"  (02/08/2010)
Khu Trung tâm Hoàng thành Thăng Long (Hà Nội) được công nhận là Di sản văn hóa thế giới  (02/08/2010)
Đón một kênh truyền hình chuyên biệt dành cho nông dân  (02/08/2010)
Bổ sung chức năng, nhiệm vụ của Ủy ban Quốc gia về Thanh niên Việt Nam  (02/08/2010)
- Bảo đảm quyền lợi của người lao động trong mô hình kinh tế chia sẻ
- Vai trò của Nhà nước trong giải quyết mối quan hệ giữa phát triển kinh tế - xã hội với phục dựng, bảo tồn di sản văn hóa
- Hoàn thiện một số quy định của Luật Hòa giải, đối thoại tại tòa án, đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp theo tinh thần Đại hội XIII của Đảng
- Hợp tác Việt Nam - Liên minh châu Âu trong bảo đảm an ninh lương thực: Cơ hội và thách thức
- Tăng cường củng cố, xây dựng tổ chức cơ sở đảng và nâng cao chất lượng đội ngũ đảng viên trong bối cảnh mới
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Một số lý giải về cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay và tính toán chiến lược của các bên