Gặp mặt điển hình tiên tiến trong phong trào thi đua "Vì An ninh Tổ quốc"
13:04, ngày 02-08-2010
Nhân dịp kỷ niệm 65 năm Ngày truyền thống Công an nhân dân (19-8-1945 - 19-8-2010) và năm năm Ngày hội Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc, ngày 1-8, tại Hà Nội, Báo Nhân Dân phối hợp Bộ Công an tổ chức "Gặp mặt điển hình tiên tiến trong phong trào thi đua "Vì an ninh Tổ quốc".
Tới dự và chủ trì cuộc gặp mặt, có đồng chí Ðinh Thế Huynh, Ủy viên Trung ương Ðảng, Tổng Biên tập Báo Nhân Dân; Trung tướng Lê Quý Vương, Thứ trưởng Công an. Tới dự, còn có đại diện các bộ, ngành ở Trung ương, các đơn vị thuộc Bộ Công an, Báo Nhân Dân; các tập thể, cá nhân Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân và các điển hình tiên tiến, tiêu biểu được tôn vinh tại Ðại hội thi đua "Vì an ninh Tổ quốc" lần thứ VI của lực lượng Công an nhân dân (CAND).
Phát biểu ý kiến khai mạc cuộc gặp mặt, đồng chí Ðinh Thế Huynh nhấn mạnh: Trải qua 65 năm xây dựng, chiến đấu và trưởng thành, các thế hệ CAND đã góp phần rất quan trọng, xứng đáng vào sự nghiệp cách mạng của dân tộc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Những năm qua, Phong trào "Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc" đã có nhiều chuyển biến tích cực, bám sát nhiệm vụ chính trị của đất nước, phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân tộc, góp phần làm thất bại âm mưu và hoạt động "diễn biến hòa bình" của các thế lực thù địch, giữ vững an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội (TTATXH). Trong quá trình hoạt động của mình, Báo Nhân Dân luôn coi trọng việc tuyên truyền phản ánh về đề tài giữ gìn an ninh quốc gia (ANQG) và TTATXH, xác định đây là một nhiệm vụ rất quan trọng. Sự phối hợp giữa Báo Nhân Dân và lực lượng CAND qua mọi thời kỳ, trong bất kỳ hoàn cảnh nào, đều khăng khít, gắn bó, trở thành truyền thống tốt đẹp. Việc tuyên truyền được đẩy mạnh trên nhiều lĩnh vực, với nhiều thể loại báo chí và hình thức thể hiện phong phú, tập trung nhất là chuyên mục "Trên mặt trận bảo vệ ANQG và TTATXH" đăng định kỳ hai số mỗi tuần. Cuộc sống và chiến đấu, khó khăn gian khổ, hy sinh của CBCS công an, thách thức mới trong cuộc đấu tranh phòng, chống tội phạm; đặc biệt là những tấm gương tiêu biểu, xuất sắc, những điển hình trong phong trào "Toàn dân bảo vệ An ninh Tổ quốc" được biểu dương, phản ánh sinh động trên các ấn phẩm của Báo Nhân Dân. Những tin, bài đăng báo đã góp phần cổ vũ, động viên các đơn vị, cán bộ, chiến sĩ CAND khắc phục khó khăn, gian khổ, hăng hái thi đua lập công, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao. Qua đó, nhân dân ngày càng tin yêu, giúp đỡ lực lượng Công an và tích cực tham gia phong trào quần chúng bảo vệ an ninh Tổ quốc.
Tại cuộc gặp mặt, 14 tấm gương tiêu biểu xuất sắc, đại diện cho 171 điển hình tiên tiến thuộc lực lượng công an các đơn vị, địa phương về dự Ðại hội thi đua lần thứ VI của Bộ Công an diễn ra hôm nay (2-8) tại Hà Nội đã phát biểu ý kiến, trao đổi kinh nghiệm về những cách làm sáng tạo, sự mưu trí dũng cảm, luôn cầu thị phấn đấu rèn luyện đạo đức và nghiệp vụ, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao.
Mở đầu cuộc giao lưu, Ðại tá Trần Quang Vinh, Trưởng phòng Cảnh sát điều tra (CSÐT) tội phạm về ma túy, Công an TP Hải Phòng chia sẻ những kinh nghiệm lập nên thành tích trấn áp hiệu quả tội phạm ma túy ở thành phố cảng. Những năm qua, đơn vị liên tục khám phá thành công nhiều đường dây ma túy lớn, các tụ điểm ma túy phức tạp gây nhức nhối trong dư luận quần chúng, điển hình là chuyên án 108M bắt Dư Kim Dũng và đồng bọn, thu 51 nghìn viên thuốc lắc, 39 khẩu súng, hơn bốn nghìn viên đạn cùng nhiều vũ khí.
Theo anh, ngoài nỗ lực của tập thể CBCS trong đơn vị vượt qua mọi khó khăn, gian khổ chiến đấu trên mặt trận vô cùng cam go, nóng bỏng và sự cảm thông và ủng hộ từ hậu phương, thành tích đó còn có sự hỗ trợ, tạo điều kiện của chính quyền, Ban giám đốc công an thành phố và đông đảo nhân dân. Ðối mặt với một trong những loại tội phạm nguy hiểm nhất, Phòng luôn luôn bám sát các phong trào thi đua, cụ thể hóa bằng chương trình hành động, việc làm thiết thực, đẩy mạnh thi đua nội bộ, giao khoán chỉ tiêu thi đua, có chế độ khen thưởng kịp thời. Quân số đơn vị không nhiều, cuộc sống của CBCS còn gặp nhiều khó khăn, thiếu thốn nhưng Ðại tá Trần Quang Vinh cùng lãnh đạo đơn vị xây dựng tinh thần đoàn kết trong nội bộ, đùm bọc thương yêu nhau như anh em trong một nhà, đồng cam cộng khổ vượt qua mọi khó khăn, hoàn thành tốt nhiệm vụ.
Từ mảnh đất Tây Bắc hùng vĩ và giàu đẹp, Thiếu tá Vũ Việt Cường, Ðội trưởng, thuộc phòng CSÐT tội phạm ma túy, Công an tỉnh Sơn La đến với cuộc gặp mặt bằng những câu chuyện cảm động, chân thực về cuộc đấu tranh khốc liệt chống tội phạm ma túy mà anh và đồng đội ngày đêm đối mặt. Là tỉnh biên giới với hàng trăm km đường biên hiểm trở, việc kiểm soát, ngăn chặn ma tuý thẩm lậu hết sức khó khăn.
Các đối tượng tham gia vận chuyển ma túy thường dày dạn kinh nghiệm đối phó với cơ quan công an, thủ đoạn hoạt động rất tinh vi, xảo quyệt. Phần lớn đối tượng được trang bị vũ khí nóng, rất manh động và liều lĩnh, khi bị phát hiện, sẵn sàng chống trả quyết liệt, "một mất một còn" lực lượng vây bắt. Lần phối hợp cùng Công an quận Long Biên (Hà Nội) bắt khẩn cấp đối tượng Sồng A Chồng ở bản Co Tang, Loóng Luông, Mộc Châu (Sơn La), hắn cùng đồng bọn dùng súng AK bắn thẳng vào tổ công tác, làm hỏng hai xe ô-tô của Công an tỉnh rồi nhanh chóng tẩu thoát vào rừng. Quyết không để tên tội phạm nguy hiểm thoát thân, anh trực tiếp chỉ huy một tổ trinh sát hóa trang xuống địa bàn Co Tang nắm tình hình, áp dụng các biện pháp nghiệp vụ xác định mọi di biến động của đối tượng. Ðến ngày 13-1-2009, khi đối tượng chở vợ đi trên xe máy ra khỏi địa bàn lên Mộc Châu, các trinh sát trong vai những người dân đi mua cành đào Tết mật phục, bắt gọn tên Chồng tại đỉnh dốc Chiềng Ði, thu giữ trên người hắn một khẩu AK cùng 30 viên đạn, khiến hắn không kịp trở tay. Anh tâm sự, đã 15 năm gắn bó với nghề trinh sát ma túy, có đối tượng từng mua chuộc, ngã giá cả tỷ đồng nhưng với cương vị đội trưởng đội chống mua bán, tàng trữ, vận chuyển trái phép chất ma túy, bản thân luôn gương mẫu, cố gắng tìm tòi học hỏi, không ngừng nâng cao trình độ nghiệp vụ, bản lĩnh chính trị vững vàng, không dao động để đối tượng xấu lợi dụng làm phương hại đến uy tín, danh dự lực lượng CAND và đơn vị.
Câu chuyện đồng chí Hoàng Văn Tuân, cán bộ Ðội Kiểm soát 3 nhặt được số ngoại tệ quy đổi gần 100 triệu đồng trả lại người mất, một dẫn chứng điển hình việc tốt ghi trong cuốn sổ vàng "Mỗi ngày làm một việc tốt vì nhân dân" được Thượng tá Trần Quang Tám, Trưởng Ðồn Công an Cửa khẩu Nội Bài, Cục Quản lý xuất nhập cảnh - Tổng cục An ninh I kể lại tại hội trường thu hút sự chú ý của nhiều đại biểu.
Công tác kiểm soát xuất nhập cảnh tại cửa khẩu Cảng hàng không quốc tế Nội Bài luôn chứa đựng nhiều yếu tố phức tạp, nhạy cảm, trong khi phần đông chiến sĩ trong đồn còn trẻ tuổi. Với nội dung "Ðẩy mạnh các hoạt động xây dựng đơn vị vững mạnh, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ công tác chuyên môn", thời gian qua, Ðảng ủy và lãnh đạo đồn luôn trăn trở suy nghĩ, tìm tòi những hình thức phù hợp và hiệu quả nhất trong tổ chức hoạt động phong trào, gắn với hiệu quả thiết thực của công việc. Do yêu cầu đặc thù công việc, hằng ngày CBCS thường xuyên tiếp xúc với hành khách, trong đó có nhiều khách quốc tế đến từ những nền văn hóa khác nhau, đơn vị luôn quan tâm tổ chức nhiều hình thức giáo dục CBCS rèn luyện, trau dồi văn hóa nghề nghiệp, bồi dưỡng kỹ năng giao tiếp, ứng xử. Ngoài ra, tổ chức tập huấn nghiệp vụ, đổi mới cách thức bồi dưỡng, nâng cao kiến thức chuyên môn thông qua các hội thi, hội thảo, với hình thức đa dạng, phong phú. Mỗi CBCS luôn nghiêm túc, kính trọng, hòa nhã, vui vẻ, tận tình giúp đỡ hành khách khi làm thủ tục xuất nhập cảnh, không có lời nói, hành động gây phiền hà, sách nhiễu. Những người không biết, không hiểu hoặc có vướng mắc thủ tục đều được hướng dẫn, giải thích chu đáo, giải quyết thoả đáng. Người già yếu, tàn tật, phụ nữ có con nhỏ đều được giúp đỡ, ưu tiên làm thủ tục; người có dấu hiệu vi phạm pháp luật luôn được xem xét tỉ mỉ, tránh oan sai.
Ðối mặt với tội phạm hình sự ngày càng diễn biến phức tạp, theo Thượng tá Trần Minh Quang, Trưởng phòng CSÐT tội phạm về trật tự xã hội Công an tỉnh Thái Bình, để duy trì được "phong độ" chiến đấu của một đơn vị chủ công, xung kích đấu tranh phòng, chống tội phạm, tập thể CBCS phòng đã không ngừng cố gắng, luôn nêu cao tinh thần dũng cảm, mưu trí, sáng tạo, ý chí tiến công tội phạm đến cùng. Từ năm 1998 đến nay, đơn vị đã thụ lý, điều tra, khám phá hơn 4.200 vụ án, vận động đầu thú gần một nghìn đối tượng có lệnh truy nã; được Ðảng, Nhà nước và nhân dân khen ngợi.
Với tinh thần dám nghĩ, dám làm, đổi mới phương pháp chỉ huy, chú trọng chăm lo, đào tạo bồi dưỡng cán bộ, xây dựng lực lượng trong sạch, vững mạnh, lãnh đạo đơn vị phát động CBCS thực hiện tốt phong trào "ba xây ba chống". Ðặc biệt là bài trừ tư tưởng trung bình chủ nghĩa, tác phong làm việc qua loa, từ đó thi đua lập nhiều chiến công xuất sắc, góp phần quan trọng kiềm chế sự gia tăng của tội phạm và tệ nạn xã hội; không để hình thành các băng, ổ nhóm tội phạm có tổ chức, hoạt động theo kiểu xã hội đen, các tụ điểm phức tạp về trật tự xã hội gây bức xúc trong nhân dân, phục vụ hiệu quả phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương. Ngoài ra, đơn vị còn chủ động làm tốt vai trò tham mưu cho các cấp, các ngành phát động mạnh mẽ phong trào Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc, xây dựng nhiều mô hình quần chúng tự quản, tự phòng, tự bảo vệ như: Tiếng kẻng ba phòng, Chiếc gậy an ninh, Liên gia, liên bảo... Chiến công xuất sắc nhất của đơn vị được Nhà nước tặng thưởng Huân chương Chiến công hạng ba là chuyên án điều tra, khám phá nhanh vụ đặt bom phá hủy chùa Tây Khánh, xã Quang Hưng, huyện Kiến Xương.
Qua câu chuyện giao lưu với Thượng tá Phạm Văn Hưng, Trung đoàn trưởng Trung đoàn Cảnh sát cơ động (CSCÐ), Công an TP Hà Nội, các đại biểu đồng cảm, sẻ chia với những vất vả, khó khăn của CSCÐ Thủ đô, những con người giữ bình yên cho thành phố vì hòa bình, trái tim của cả nước. Anh cho biết, mọi người vẫn thấy hình ảnh quen thuộc của CSCÐ trên đường tuần tra "thức cho dân ngủ, gác cho dân vui chơi" nhưng CSCÐ còn có những hy sinh rất thầm lặng, phải đối mặt với nhiều khó khăn, thử thách trong cuộc sống hằng ngày và công tác.
Anh em ăn ở tập trung nhưng phòng nghỉ chật hẹp, phương tiện công tác còn nhiều thiếu thốn, thường xuyên phải trực 100% quân số ở đơn vị bất kể ngày lễ, ngày nghỉ... Anh tâm sự, do đặc thù công tác ngay cả việc giải quyết cho CBCS nghỉ một ngày cũng khó khăn, 95% số CBCS chưa có nhà ở, có CBCS phải tranh thủ giờ nghỉ chạy xe ôm để có thêm thu nhập. Tuy nhiên, do sự quan tâm của Ban giám đốc công an thành phố, nỗ lực của mỗi CBCS, đơn vị luôn chú trọng giáo dục chính trị tư tưởng cho CBCS có bản lĩnh chính trị vững vàng, đoàn kết thống nhất, chấp hành tốt kỷ cương của ngành. Trong những ngày cận kề với Ðại lễ kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội, công việc giữ gìn ANTT của các chiến sĩ cơ động càng vất vả hơn. Kinh nghiệm những lần bảo vệ tuyệt đối an toàn các sự kiện trọng đại, hội nghị quốc tế lớn tại Thủ đô, nhưng Trung đoàn CSCÐ vẫn không lơ là, chủ quan.
Từ khi TP Vinh được nâng cấp lên đô thị loại một, công việc của CBCS công an thành phố vất vả hơn. Ðại tá Hồ Xuân Hòa, Trưởng Công an TP Vinh, tỉnh Nghệ An cho biết, những năm qua, Công an TP Vinh đã làm tốt vai trò là cầu nối giữa chính quyền với nhân dân, khẳng định vai trò nòng cốt bảo đảm trật tự xã hội ở địa phương, hỗ trợ lực lượng công an xã và bảo vệ dân phố - cánh tay nối dài cho công an chính quy làm tốt công tác giữ gìn ANTT ở cơ sở.
Ðồng thời, phát động hiệu quả phong trào quần chúng bảo vệ an ninh Tổ quốc; nhất là ở các địa bàn trọng điểm mới sáp nhập về thành phố. Tình hình tội phạm được kiềm chế. Tự hào với truyền thống đơn vị anh hùng thời kỳ đổi mới, CBCS Công an thành phố quê hương Bác Hồ luôn xác định tổ chức phong trào thi đua "Vì an ninh Tổ quốc" gắn kết với Cuộc vận động "Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh - CAND vì nước quên thân, vì dân phục vụ".
Cả hội trường hồi hộp khi nghe Thượng tá Ngô Xuân Tư, Phó Trưởng Công an huyện Châu Thành, tỉnh Tiền Giang kể về chiến công xuất sắc triệt phá đường dây buôn lậu hàng trăm kg vàng. Từ tin báo của quần chúng và thông qua biện pháp nghiệp vụ, các trinh sát phát hiện đường dây nhiều lần vận chuyển vàng lậu từ Cam-pu-chia vào nội địa, mỗi lần hàng chục kg.
Tuy nhiên, thủ đoạn hoạt động của đối tượng rất tinh vi, thoắt ẩn, thoắt hiện, lúc vận chuyển bằng xe ô-tô khách, lúc bằng xe du lịch, nếu không có phương án bắt giữ hợp lý sẽ khó bắt quả tang. Khi phát hiện đối tượng từ biên giới chuẩn bị chở "hàng" về trên xe ô-tô biển kiểm soát 67M-2029, các tổ trinh sát đeo bám, bất ngờ vây ráp bắt gọn đối tượng cùng tang vật 92 kg vàng. Ðấu tranh mở rộng chuyên án, công an huyện đã khởi tố bắt giam tám bị can, trong đó cầm đầu là hai đối tượng Nguyễn Ngọc Luân và Nguyễn Thị Tuyết, thu 282 lượng vàng và hơn một tỷ đồng. Ðến nay, chúng khai nhận hành vi buôn lậu trót lọt hàng trăm kg vàng đưa về TP Hồ Chí Minh tiêu thụ.
Thượng tá Cao Xuân Hòa, Phó Trưởng Công an huyện Long Ðiền (Bà Rịa - Vũng Tàu) đến với cuộc giao lưu bằng những hoạt động thiết thực của đơn vị với việc phát động phong trào quần chúng bảo vệ ANTQ phù hợp tình hình thực tiễn của một huyện có đông giáo dân. Mỗi năm, thị trấn Long Hải đón khoảng 300 nghìn lượt khách du lịch tới tham quan và nghỉ dưỡng, tiềm ẩn nguy cơ phát sinh tai nạn giao thông và phức tạp về an ninh trật tự.
Công an huyện đã tham mưu cấp ủy, UBND huyện làm tốt công tác giữ gìn trật tự an toàn giao thông, tranh thủ sự ủng hộ của các linh mục khi giảng đạo kết hợp tuyên truyền bà con chấp hành tốt Luật Giao thông đường bộ, không uống rượu bia khi điều khiển phương tiện. Do đó, tai nạn giao thông dần được kiềm chế. Hằng năm, đơn vị có kế hoạch xây dựng điển hình tiên tiến, tổ chức triển khai đến toàn thể CBCS, các đội nghiệp vụ, công an các xã. Căn cứ vào nội dung tiêu chí kế hoạch đề ra, các đội nghiệp vụ cụ thể hóa thành kế hoạch của đơn vị, đội mình. Các cá nhân đề ra chỉ tiêu và đăng ký danh hiệu thi đua trong năm. Thông qua các buổi giao ban, đọc báo buổi sáng, các đơn vị đôn đốc, theo dõi CBCS một cách thường xuyên, từ đó nhận xét, đánh giá kết quả thực hiện xây dựng điển hình tiên tiến thiết thực hơn, kịp thời biểu dương khen thưởng CBCS có thành tích xuất sắc, chấn chỉnh ngay những lệch lạc, hạn chế.
Những câu chuyện của anh Vàng A Kỷ, Trưởng Công an xã Phìn Hồ, huyện Mường Chà, tỉnh Ðiện Biên cuốn hút nhiều đại biểu trong hội trường bởi chính sự tâm huyết và chân thành của người công an xã dân tộc Mông. Anh tâm sự, ngày mới chia tách, Phìn Hồ có khoảng hai nghìn dân, sinh sống tại bảy bản, thành phần dân cư chủ yếu là người Mông và Xạ Phang. Tình hình ANTT rất phức tạp, nhất là bản Ðề Pú, có tới 50 trong số 90 hộ là dân tộc Xạ Phang, thường xuyên nổi lên tệ nạn buôn bán ma túy, trộm cắp tài sản, vượt biên trái phép.
Ðịa bàn rộng, nhà cửa thưa thớt, giao thông đi lại khó khăn, trình độ dân trí còn nhiều hạn chế, thành phần dân cư phức tạp, trong khi lực lượng công an xã còn mỏng. Ðể tuyên truyền cho bà con không nghe theo lời kẻ xấu, anh tìm tòi nhiều tài liệu về pháp luật, chính sách của Nhà nước đối với bà con dân tộc thiểu số vùng sâu, vùng xa, sử dụng cách truyền đạt ngắn gọn, dễ hiểu nhất.
Cùng sẻ chia về những khó khăn, gian khổ của những cán bộ, chiến sĩ công an cắm bản, anh Sùng A Súa, Phó Trưởng phòng An ninh xã hội, Công an tỉnh Lai Châu cho biết, anh và đồng nghiệp trong phòng công tác ở trên tỉnh nhưng có khi cả tháng "bốn cùng" với bà con ở các bản làng. Anh kể, những lần tới các bản vùng sâu, vùng xa, đường sá hiểm trở, đi vài ngày đường mới tới nơi đã trở thành chuyện thường tình.
Vượt qua những khó khăn ấy, Sùng A Súa cùng đồng đội đã vận động bà con không nghe lời kẻ xấu, cảm hóa số đối tượng cầm đầu, qua đó làm chuyển đổi tư tưởng, hạn chế và vô hiệu hóa hoạt động phức tạp của các đối tượng truyền đạo trái phép, lôi kéo người dân di cư bất hợp pháp. Năm 2005, tại xã Nậm Pan, huyện Sìn Hồ có gần 50 hộ chỉ trong một đêm di cư sang bên kia biên giới. Kiên trì, khéo léo vận động thuyết phục, bà con đã hiểu rõ âm mưu thâm độc của kẻ xấu, từ bỏ ý định di cư, trở về yên tâm lao động sản xuất, ổn định cuộc sống.
Cùng là công an xã, nhưng công việc của anh Trần Văn Thắng, Trưởng công an xã Phong Thạnh Tây B, huyện Phước Long (Bạc Liêu) ở mảnh đất phương nam lại có đặc thù riêng. Anh tâm sự, trong công tác tuyên truyền vận động nhân dân phòng, chống tội phạm và hòa giải, giải quyết triệt để những mâu thuẫn trong đời sống nhân dân ngay từ khi mới phát sinh, đòi hỏi những người cán bộ như anh phải bám sát địa bàn, gần gũi bà con, nắm bắt kịp thời tâm tư, nguyện vọng cũng như bức xúc nổi cộm trong dân.
Ở xã, thực tế những năm qua đã phát sinh nhiều mâu thuẫn như tranh chấp đất nuôi tôm, đất nông nghiệp... Nếu không giải quyết kịp thời sẽ làm tình hình ANTT thêm phức tạp. Các anh đã phối hợp những người lớn tuổi, có nhiều kinh nghiệm hòa giải để giải quyết, do đó tỷ lệ hòa giải thành công đạt 70%. Anh phối hợp đồng bộ với các ban, ngành, đoàn thể tổ chức nhiều đợt tuyên truyền, giáo dục sâu rộng đến các tổ viên, hội viên và quần chúng nhân dân bằng nhiều hình thức như tọa đàm, họp dân, trưng bày pa-nô áp-phích, truyền thanh... qua đó vận động nhân dân mạnh dạn tham gia tố giác tội phạm, bài trừ tệ nạn xã hội.
Nhắc đến lực lượng công an, mọi người thường nghĩ đến trinh sát ma túy, hình sự trực tiếp chiến đấu hay Cảnh sát giao thông, ít người nhắc đến lực lượng hậu cần. Thượng tá Lương Văn Bền, Phó Trưởng phòng Hậu cần - Kỹ thuật, Công an Cần Thơ đã kể câu chuyện khi tuyển dụng một kỹ sư xây dựng vào làm công tác tại đơn vị. Bà mẹ đồng chí kỹ sư nhất định không đồng ý vì bà muốn con trai vào ngành công an, nhưng phải công tác ở lĩnh vực khác như điều tra hình sự...
Bản thân anh đã phải dày công giải thích, thuyết phục mãi bà mới thông. Năm năm qua, phong trào thi đua "Vì an ninh Tổ quốc" đã được đơn vị cụ thể hóa trong từng công việc hết sức cụ thể với những cách làm sáng tạo, đáp ứng kịp thời yêu cầu bảo vệ an ninh trật tự và xây dựng lực lượng CAND trong tình hình mới. Trong các khâu mua sắm phương tiện, trang thiết bị kỹ thuật, cải tạo, sửa chữa, xây dựng mới các công trình nâng cao điều kiện làm việc, ăn ở cho CBCS, đơn vị luôn đặt mục tiêu bảo đảm tiết kiệm, chất lượng, không tiêu cực, lãng phí. Ðồng thời thực hiện cải cách thủ tục hành chính về quản lý tài chính, tài sản, cấp phát, trang bị phương tiện vật tư kỹ thuật và thủ tục xây dựng cơ bản. Cán bộ trong phòng còn đi khám bệnh cho nhân dân ở các vùng sâu, vùng xa, tặng quà người già, gia đình chính sách, tạo hình ảnh cán bộ công an gần gũi với bà con.
Còn trẻ cả tuổi đời và tuổi nghề, kinh nghiệm thực tiễn còn hạn chế, nhưng được sự động viên, quan tâm giúp đỡ, định hướng đúng của các đồng chí lãnh đạo và sự đoàn kết tương thân, tương ái của đồng đội, Thượng úy Ðặng Ngọc Triệu - Ðiều tra viên, Ðội phó Ðội CSÐTTP về TTXH, Công an huyện Ngọc Hiển thuộc Công an tỉnh Cà Mau đã không ngừng cố gắng, học hỏi, vượt qua mọi khó khăn, liên tiếp lập nhiều thành tích xuất sắc. Mới sáu năm công tác trong nghề điều tra,
Thượng úy Ðặng Ngọc Triệu đã khắc phục mọi khó khăn gian khổ, liên tục lập công, góp phần phá nhiều chuyên án lớn. Về công tác tại huyện Ngọc Hiển, một huyện nằm ở phía tây nam của tỉnh Cà Mau, có rất đông người từ nơi khác đến ngụ cư, trình độ dân trí thấp, nhiều đối tượng phạm tội dạt về lẩn trốn, do đó tình hình an ninh trật tự phức tạp. Trước tình hình tội phạm có dấu hiệu gia tăng, Thượng úy Triệu đã tham mưu cho lãnh đạo Công an huyện đề ra kế hoạch phòng ngừa, đấu tranh hiệu quả. Anh đã nhiều lần được UBND tỉnh, huyện tặng bằng khen, ba năm liền đạt danh hiệu Chiến sĩ thi đua cơ sở.
Ðại tá Trần Hữu Thông, Giám thị trại giam Thủ Ðức, đơn vị vinh dự hai lần được Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng LLVTND đến với cuộc giao lưu bằng những kinh nghiệm về công tác giáo dục, cải tạo phạm nhân. Ðồng chí cho biết, từ khu rừng lá đá mài, đất đai bạc mầu, khô cằn, khí hậu khắc nghiệt, nắng nóng quanh năm, đến nay Trại giam Thủ Ðức ngày càng khang trang, đời sống của CBCS ngày một nâng cao. Mặc dù giam giữ số lượng phạm nhân đông, thành phần phức tạp và nguy hiểm, song CBCS đã chủ động khắc phục mọi khó khăn, tận tụy với công việc, bảo đảm tuyệt đối an toàn trại giam trong mọi tình huống, phát hiện, ngăn chặn kịp thời nhiều vụ có âm mưu trốn, chống phá, vi phạm quy chế, nội quy trại giam; giúp đỡ phạm nhân cải tạo tiến bộ.
Thông qua lao động và dạy nghề, đơn vị đã làm tốt công tác giáo dục, thực hiện chế độ, chính sách đối với phạm nhân, tạo môi trường lành mạnh để phạm nhân yên tâm học tập, sửa sai, trở thành người có ích cho xã hội. Ðịnh kỳ hằng tháng, Ban giám thị tổ chức các buổi đối thoại trực tiếp với phạm nhân để nghe các phạm nhân phát biểu ý kiến, đề đạt tâm tư, nguyện vọng và biện pháp chấn chỉnh, khắc phục kịp thời, đem lại hiệu quả cao trong giáo dục, phối hợp các Trung tâm dạy nghề tổ chức thi và cấp chứng chỉ nghề cho hàng trăm phạm nhân, tạo điều kiện cho họ có việc làm ổn định sau khi hết thời hạn chấp hành hình phạt tù.
Phát biểu ý kiến kết thúc cuộc gặp mặt, Trung tướng Lê Quý Vương nhấn mạnh, trong 65 năm qua, lực lượng CAND luôn quan tâm và thường xuyên đẩy mạnh phong trào thi đua yêu nước, điển hình là phong trào thi đua "Vì an ninh Tổ quốc", "Học tập và thực hiện Sáu điều Bác Hồ dạy CAND", "Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc" và gần đây là Cuộc vận động "Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh - CAND vì nước quên thân, vì dân phục vụ".
Các phong trào thi đua trong lực lượng CAND luôn được kế thừa, phát triển sâu rộng và thật sự trở thành động lực thúc đẩy, động viên CBCS khắc phục khó khăn, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được Ðảng, Nhà nước và nhân dân giao phó. Qua nội dung giao lưu của các điển hình rất cụ thể, súc tích và xúc động, đã làm nổi bật nội dung quan trọng, đó là: Phát huy vai trò nòng cốt trong sự nghiệp bảo vệ ANTQ, lực lượng CAND đã từng bước đổi mới các mặt công tác, kịp thời đề xuất với Ðảng, Nhà nước những chủ trương và giải pháp bảo vệ ANTT. Ðã phối hợp chặt chẽ với các ngành, các cấp, các đoàn thể, tổ chức xã hội động viên đông đảo quần chúng, tích cực chủ động tham gia bảo vệ an ninh quốc gia, đấu tranh phòng, chống tội phạm, giữ gìn TTATXH, góp phần quan trọng vào sự nghiệp CNH, HÐH đất nước. Trong suốt quá trình thực hiện nhiệm vụ của mình, lực lượng CAND đã nhận được sự ủng hộ, giúp đỡ tích cực của các cơ quan thông tấn báo chí; nhất là sự giúp đỡ nhiệt tình và có hiệu quả cao của Báo Nhân Dân. Trung tướng Lê Quý Vương cũng khẳng định, phát huy truyền thống 65 năm chiến đấu, xây dựng và trưởng thành, lực lượng CAND sẽ tiếp tục đoàn kết, tăng cường kỷ cương, kỷ luật, thực hiện tốt các phong trào thi đua gắn với Cuộc vận động "Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh - CAND vì nước quên thân, vì dân phục vụ". Tiếp tục xây dựng, nhân rộng và phát huy vai trò của điển hình tiên tiến, hướng vào mục tiêu xây dựng lực lượng CAND cách mạng, trong sạch, vững mạnh, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại./.
Khu Trung tâm Hoàng thành Thăng Long (Hà Nội) được công nhận là Di sản văn hóa thế giới  (02/08/2010)
Đón một kênh truyền hình chuyên biệt dành cho nông dân  (02/08/2010)
Bổ sung chức năng, nhiệm vụ của Ủy ban Quốc gia về Thanh niên Việt Nam  (02/08/2010)
Nhân sự mới Hội đồng nhân dân tỉnh Đắk Nông  (02/08/2010)
- Bảo đảm quyền lợi của người lao động trong mô hình kinh tế chia sẻ
- Vai trò của Nhà nước trong giải quyết mối quan hệ giữa phát triển kinh tế - xã hội với phục dựng, bảo tồn di sản văn hóa
- Hoàn thiện một số quy định của Luật Hòa giải, đối thoại tại tòa án, đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp theo tinh thần Đại hội XIII của Đảng
- Hợp tác Việt Nam - Liên minh châu Âu trong bảo đảm an ninh lương thực: Cơ hội và thách thức
- Tăng cường củng cố, xây dựng tổ chức cơ sở đảng và nâng cao chất lượng đội ngũ đảng viên trong bối cảnh mới
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Một số lý giải về cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay và tính toán chiến lược của các bên