Những sự kiện quốc tế đáng chú ý trong tuần (từ ngày 26-5 đến ngày 01-6-2014)
Tỷ phú Pi-ốt Pô-rô-sen-cô giành được gần 54% số phiếu bầu
Ông Pi-ốt Pô-rô-sen-cô đã giành được 53,72% số phiếu ủng hộ. Ảnh: AFP/TTXVN
Ngày 26-5-2014, sau khi tiến hành kiểm 60,89% số phiếu bầu, Ủy ban bầu cử Trung ương (SIC) U-crai-na cho biết, ứng cử viên Pi-ốt Pô-rô-sen-cô (Petro Poroshenko) đã giành được 53,72% số phiếu ủng hộ. Theo SIC, với việc giành được đa số phiếu bầu nói trên, tỷ phú P. Pô-rô-sen-cô đã bỏ xa ứng cử viên có tiềm năng thứ hai là cựu Thủ tướng Y-u-li-a Ti-mô-sen-cô (Yulia Tymoshenko) khi bà chỉ giành được 13,08%. Các ứng cử viên còn lại có số phiếu ủng hộ rất thấp, dưới 10%. Nếu số phiếu mà “Ông hoàng Sô-cô-la” thuộc Đảng Udar nhận được đến thời điểm này được xác nhận trong kết quả kiểm phiếu cuối cùng, U-crai-na sẽ không phải tiến hành bầu cử tổng thống vòng hai.
Ngay sau khi kết quả trên được công bố, dư luận quốc tế cho thấy sự ủng hộ đối với ông P. Pô-rô-sen-cô. Trong những lời chúc mừng sớm nhất đến ông P. Pô-rô-sen-cô có lời chúc của Tổng thống Mỹ Ba-rắc Ô-ba-ma, Tổng Thư ký Hội đồng châu Âu Thóp-gion Giắc-len (Thorbjorn Jagland), các Ngoại trưởng Thụy Điển và Ê-xtô-ni-a. Bộ Ngoại giao Anh cũng bày tỏ sẵn sàng đối thoại với Tổng thống mới của U-crai-na. Ngoại trưởng Đức Phranh Van-tơ Xtên-mai-ơ (Frank Walter Steinmeier) bày tỏ hy vọng U-crai-na sớm được ổn định. Kết quả cuối cùng cuộc bầu cử tổng thống U-crai-na sẽ được công bố vào ngày 04-6 tới.
EU xem xét lại các ưu tiên chính sách sau cuộc bầu cử EP
Ngày 27-5-2014, tại Hội nghị thượng đỉnh không chính thức của Liên minh châu Âu (EU) ở Thủ đô Brúc-xen (Bỉ), lãnh đạo 28 nước thành viên nhất trí xem xét lại các ưu tiên chính sách của tổ chức này, đồng thời trao cho Chủ tịch Hội đồng châu Âu Héc-man Van Rôm-pơi (Herman Van Rompuy) sứ mệnh hoạch định các mục tiêu chính sách về một loạt vấn đề từ việc làm đến năng lượng. Tại cuộc họp, lãnh đạo EU cũng thảo luận việc lựa chọn những người đứng đầu các thể chế trong EU, đặc biệt chức Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) đầy quyền lực. Lãnh đạo Anh, Đức, Hung-ga-ri và Thụy Điển ủng hộ đề xuất của các đảng trong EP chỉ định Thủ tướng Lúc-xem-bua Giăng-Clốt Giăng-cơ (Jean-Claude Juncker) giữ chức vụ này, song có không ít ý kiến trái chiều.
Trong cuộc bầu cử EP vừa diễn ra tại 28 quốc gia thành viên EU, các đảng cực hữu và chống EU đã giành được một số thắng lợi, tạo cơn chấn động và gây lo ngại trong toàn EU. Theo giới phân tích, khủng hoảng kinh tế kéo theo hệ quả là tỷ lệ người thất nghiệp gia tăng và các chương trình “thắt lưng buộc bụng” nhằm cân bằng ngân sách đã khiến cử tri quay sang ủng hộ các đảng cực hữu và theo xu hướng chống EU. Tuy nhiên, các lực lượng chống EU khó có thể là trở ngại chính đối với tiến trình nhất thể hóa của tổ chức này do khối Đảng Nhân dân châu Âu (EPP) và khối các đảng Xã hội sẽ vẫn là hai lực lượng lớn nhất trong EP.
Hội nghị tư vấn của Liên hợp quốc về đại dương và luật biển
Từ ngày 27-5 đến ngày 30-5-2014, tại trụ sở chính Liên hợp quốc ở thành phố Niu Oóc (Hoa Kỳ) diễn ra Hội nghị lần thứ 15 tiến trình tư vấn của Liên hợp quốc về đại dương và luật biển với chủ đề “Vai trò của thủy - hải sản với an ninh lương thực toàn cầu”. Tại Hội nghị, đại diện các quốc gia cũng như các chuyên gia đều đánh giá cao tầm quan trọng của thủy sản - hải sản trong chiến lược an ninh lương thực toàn cầu. Để hạn chế tác động tiêu cực, bảo đảm sự tăng trưởng bền vững của sản lượng thủy sản - hải sản trong tương lai, các đại biểu cho rằng các quốc gia cần tăng cường hợp tác thông qua các hình thức như trao đổi thông tin, chuyển giao công nghệ…
ASEAN tăng cường hợp tác chống tội phạm mạng và khủng bố
Thông cáo báo chí của Ban Thư ký Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) cho biết hai cơ chế mới trong xử lý tội phạm mạng là các Nhóm làm việc quan chức cấp cao ASEAN về tội phạm mạng và chống khủng bố đã được thành lập trong khuôn khổ Hội nghị quan chức cấp cao ASEAN về tội phạm xuyên quốc gia (SOMTC) tổ chức mới đây tại Xin-ga-po. Thông báo nêu rõ Hội nghị SOMTC hoàn toàn nhất trí về mối đe dọa của tội phạm mạng trong khu vực, sự cần thiết thể hiện cam kết của ASEAN trong việc giải quyết thách thức an ninh phi truyền thống đang nổi lên này và hoàn thành lộ trình ASEAN về chống tội phạm mạng.
Ngay sau Hội nghị SOMTC, trong hai ngày 29 và 30-5, cũng tại Xin-ga-po đã diễn ra Đối thoại ASEAN - Nhật Bản về tội phạm mạng (AJCC) và Đối thoại ASEAN - Nhật Bản về chống khủng bố (AJTC) lần thứ chín. Đây là những hoạt động trong khuôn khổ thực thi các cam kết được nhất trí tại Hội nghị thượng đỉnh ASEAN - Nhật Bản kỷ niệm 40 năm quan hệ đối tác đối thoại giữa hai bên hồi tháng 12-2003 tại Tô-ki-ô. Đối thoại tập trung vào xem xét đánh giá tiến bộ trong hợp tác giữa ASEAN và Nhật Bản về chống tội phạm mạng và khủng bố, nhất là việc thực hiện các dự án hợp tác trong các lĩnh vực an ninh vận tải, bao gồm cả an ninh hàng không; kiểm soát biên giới và nhập cư; thực thi pháp luật, an ninh hàng hải;…
Bế mạc Đối thoại Shangri-La lần thứ 13
Hầu hết các đại biểu tham dự Đối thoại đều bày tỏ quan ngại về hành động đặt giàn khoan trái phép của Trung Quốc. Ảnh: TTXVN
Ngày 01-6-2014, Đối thoại Shangri-La lần thứ 13 đã bế mạc sau 3 ngày nhóm họp với 5 phiên thảo luận chung về các chủ đề liên quan đến an ninh trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Một trong những chủ đề được nhiều diễn giả, học giả tham dự diễn đàn quan tâm nhất chính là những diễn biến mới đây về việc Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương 981 tại Vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam. Hầu hết các đại biểu tham dự đều bày tỏ quan ngại, khẳng định đây là hành động gây căng thẳng trong khu vực.
Tại phần hỏi đáp sau thảo luận, các học giả đến từ nhiều nước trên thế giới tập trung yêu cầu ông Vương Quán Trung - Phó Tổng Tham mưu trưởng Quân Giải phóng nhân dân Trung Quốc - giải thích về cái gọi là “đường 9 đoạn” của Trung Quốc trên Biển Đông. Ông Vương Quán Trung cho biết Trung Quốc chuẩn bị “đàm phán trực tiếp” với từng nước có liên quan.
Cũng tại phiên thảo luận, Thứ trưởng Quốc phòng Nga A-na-tô-li An-tô-nốp (Anatoly Antonov) khẳng định mục tiêu chính của Nga là bảo đảm hòa bình và an ninh trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Để đối phó với các nguy cơ an ninh, cần phải dựa vào các nỗ lực phối hợp dưới sự bảo trợ của Liên hợp quốc và Hội đồng Bảo an, cũng như các cấu trúc khu vực và tiểu khu vực, như Hội nghị thượng đỉnh Đông Á, Diễn đàn khu vực về an ninh ASEAN, Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng ASEAN mở rộng (ADMM+).../.
Thêm một nguồn tư liệu khẳng định chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa  (03/06/2014)
Bảo đảm an ninh trật tự góp phần thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của Lai Châu  (03/06/2014)
Sửa đổi, bổ sung một số điều quy định về Quỹ bảo trì đường bộ  (03/06/2014)
Quy định về tiêu chuẩn xã, phường, thị trấn phù hợp với trẻ em  (03/06/2014)
Người Việt ở Na Uy biểu tình chống Trung Quốc đặt giàn khoan  (03/06/2014)
Chủ động xây dựng nền kinh tế phù hợp với tình hình mới  (03/06/2014)
- Tự quản trong cộng đồng xã hội đối với quá trình xây dựng nền dân chủ xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam (kỳ 1)
- Thực hiện chính sách xã hội, bảo đảm an sinh và phúc lợi xã hội trong tình hình mới
- Tư tưởng Hồ Chí Minh về chỉnh huấn cán bộ, đảng viên và một số giải pháp trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng hiện nay
- Tổ hợp công nghiệp quốc phòng và gợi mở hướng nghiên cứu về mô hình tổ hợp công nghiệp quốc phòng công nghệ cao ở Việt Nam
- Tỉnh Quảng Trị tập trung lãnh đạo, chỉ đạo một số nhiệm vụ trọng tâm tổ chức đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội XIV của Đảng
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Một số lý giải về cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay và tính toán chiến lược của các bên