TCCSĐT - Sáng ngày 03-6, tại Hà Nội, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam đã tổ chức họp báo giới thiệu cuốn sách: Một số tư liệu hán nôm về chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa và các vùng biển của Việt Nam ở Biển Đông.

GS, TS. Nguyễn Xuân Thắng, Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam chủ trì họp báo. Tham dự họp báo có đại diện lãnh đạo Ban Tuyên giáo Trung ương, Văn phòng Chính phủ, Bộ Ngoại giao,… cùng đông đảo phóng viên trong nước và quốc tế.

 
 Quang cảnh buổi họp báo.

Phát biểu khai mạc, GS, TS. Nguyễn Xuân Thắng nhấn mạnh Biển Đông có vị trí địa chính trị, kinh tế quan trọng. Từ khi Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan trong vùng thềm lục địa, vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam, tình hình trên Biển Đông trở nên căng thẳng, đe dọa hòa bình, ổn định, an ninh, an toàn hàng hải quốc tế. Trong bối cảnh đó, việc công bố những tư liệu khẳng định chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa và các vùng biển của Việt Nam ở Biển Đông có ý nghĩa quan trọng, góp phần thực hiện đường lối của Đảng và Nhà nước Việt Nam kiên quyết, kiên trì đấu tranh bảo vệ chủ quyền biển đảo thiêng liêng của mình bằng biện pháp hòa bình.

Theo GS, TS. Nguyễn Xuân Thắng, từ trước đến nay đã có nhiều công trình, đề tài khoa học nghiên cứu về vấn đề này. Phương pháp tiếp cận, xuất phát từ các nguồn tư liệu khác nhau nhưng các công trình, đề tài đều khẳng định Hoàng Sa, Trường Sa là của Việt Nam. Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam có nhiều tư liệu khẳng định điều này. Cuốn sách: Một số tư liệu hán nôm về chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa và các vùng biển của Việt Nam ở Biển Đông là một phần kết quả nghiên cứu khoa học của Viện Hán Nôm, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam vừa được ấn hành, đã công bố nhiều tư liệu có giá trị khoa học, trong đó có nhiều tư liệu gốc lần đầu công bố nguyên bản, khẳng định từ xa xưa, nhà nước phong kiến Việt Nam đã xác lập và thực hành chủ quyền đối với các quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.

PGS, TS. Trịnh Khắc Mạnh, thay mặt nhóm tác giả, giới thiệu nội dung chủ yếu cuốn sách. Trong sách công bố 46 tư liệu, bao gồm 18 bản đồ, 17 bộ sử, địa chí và các hội điển, thơ văn, văn bản hành chính,… Nhiều tư liệu trong đó lần đầu tiên được công bố nguyên bản, thể hiện nhất quán sự quản lý của nhà nước Việt Nam, không chỉ với Hoàng Sa, Trường Sa mà cả với vùng biển của Việt Nam trên Biển Đông.

 
 PGS, TS. Trịnh Khắc Mạnh, thay mặt nhóm tác giả giới thiệu những nội dung chủ yếu của cuốn sách.

Theo PGS, TS. Trịnh Khắc Mạnh, các tư liệu công bố trong sách: Một số tư liệu hán nôm về chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa và các vùng biển của Việt Nam ở Biển Đông tập trung làm rõ các nội dung:

Một là, hàng năm, nhà nước Việt Nam phái người ra quần đảo Hoàng Sa để đo đạc, cắm mốc, vẽ bản đồ về mang trình tấu triều đình. Ví dụ, theo những ghi chép trong bộ Đại Nam thực lục, vua Gia Long khi thiết lập vương triều Nguyễn, đã tiếp tục công việc của các chúa Nguyễn là phái người đi thăm dò đường biển ra đảo Hoàng Sa, tiếp tục đo đạc, cắm mốc, vẽ bản đồ để khẳng định chủ quyền của nhà nước Việt Nam đối với quần đảo này. Bên cạnh các tư liệu lịch sử, ghi lại các đợt đi khảo sát, đo vẽ và cắm mốc ở quần đảo Hoàng Sa của người Việt Nam thời Nguyễn, còn các tài liệu mang tính pháp quy của nhà nước ban hành cũng ghi chép hết sức tường tận về vấn đề này, đó là các tài liệu Châu bản.

Hai là, nhà nước Việt Nam đặt đội hải thuyền mang tên Hoàng Sa, Bắc Hải thực hiện những chuyến ra khơi để quản lý biển, đảo. Không những cử người ra Hoàng Sa, nhà nước còn cho xây dựng miếu và đặt bia trên đảo Hoàng Sa. Điều này được ghi rõ trong Đại Nam thực lục như sau: “Nhà vua bảo Bộ Công rằng: Một dải xứ Hoàng Sa thuộc địa phận vùng biển Quảng Ngãi xa trông trời nước một mầu, không phân biệt được sâu nông, gần đây thuyền buôn thường bị gặp nạn, nay nên chuẩn bị tàu thuyền đến sang năm cử người ra đó dựng đền lập bia, trồng nhiều cây cối”.

Ba là, nhà nước phong kiến Việt Nam luôn quan tâm giáo dục ý thức coi trọng chủ quyền đối với Hoàng Sa, Trường Sa và các vùng biển ở Biển Đông cho người Việt Nam.

Những dẫn chứng trên cho thấy, nhà nước phong kiến Việt Nam luôn có ý thức bảo vệ chủ quyền đối với hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa và các vùng biển của Việt Nam ở Biển Đông. Hai quần đảo này từ rất lâu đã trở thành địa điểm của cư dân Việt Nam sinh sống và khai thác sản vật, thành đối tượng ghi chép và nghiên cứu của các nhà khoa học Việt Nam. Căn cứ vào các tài liệu Hán Nôm, chúng ta có đủ bằng chứng có giá trị, chứng minh một cách thuyết phục về chủ quyền của nhà nước Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa và các vùng biển ở Biển Đông. Đây là những căn cứ vững chắc về lịch sử, về khoa học và về pháp lý trong cuộc đấu tranh bảo vệ chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc./.