Bộ đội Phòng không - Không quân bảo vệ đường Hồ Chí Minh - đường Trường Sơn trong kháng chiến chống Mỹ, cứu nước
TCCSĐT - Thực hiện quyết tâm chiến lược của Đảng, với tinh thần và tình cảm tất cả vì miền Nam thân yêu, bộ đội Phòng không - Không quân đã phát huy trí tuệ tập thể, sáng tạo cách đánh và vận dụng tốt nghệ thuật quân sự Việt Nam, phù hợp với tình hình, đặc điểm hoạt động của địch và địa hình chiến trường Trường Sơn - đường Hồ Chí Minh.
Ngày 19-5-1959, tuyến đường vận tải quân sự chiến lược - đường Hồ Chí Minh - đường Trường Sơn ra đời. Đoàn 559 vinh dự được Bộ Chính trị, Quân ủy Trung ương giao nhiệm vụ tổ chức tuyến chi viện chiến lược này. Lực lượng ban đầu gồm 500 cán bộ, chiến sĩ với điểm đầu tuyến đường là khu rừng khe Hó - Bãi Hà (Gio Linh, Quảng Trị). Đoàn vừa vận chuyển, vừa mở đường hành quân, với phương châm “Đi không dấu, nấu không khói, nói không tiếng” để bảo đảm bí mật tối đa.
Quán triệt và thực hiện chỉ thị, nghị quyết của Quân ủy Trung ương và Bộ Quốc phòng, Đảng ủy, Bộ Tư lệnh Quân chủng Phòng không - Không quân chỉ thị cho các đơn vị tham gia bảo vệ tuyến vận tải chiến lược Trường Sơn - đường Hồ Chí Minh chuẩn bị tốt về mọi mặt, sớm nghiên cứu tình hình địch, xây dựng phương án tác chiến để nhanh chóng cùng các đơn vị bảo vệ vững chắc hành lang vận chuyển chiến lược này.
Trong bảo vệ tuyến vận chuyển chiến lược Trường Sơn - đường Hồ Chí Minh, bộ đội Phòng không - Không quân đã quán triệt, vận dụng hai hình thức tác chiến phòng không rất linh hoạt, đầy sáng tạo, phù hợp với đặc thù của chiến trường Trường Sơn - đường Hồ Chí Minh, đó là:
Thứ nhất, phối hợp thực hiện nhiều biện pháp kỹ - chiến thuật để che giấu lực lượng, nghi binh đánh lừa địch. Cụ thể là, bộ đội Phòng không - Không quân đã phối hợp với các lực lượng khác tổ chức triển khai làm nhiều đường vòng, đường tránh, hạn chế lực lượng xe qua các khu vực trọng điểm địch đánh phá, đồng thời, xây dựng các trận địa giả, làm các xe giả, khí tài giả, cung đường vận chuyển giả để nghi binh, đánh lừa, thu hút không quân địch. Với những biện pháp, nghệ thuật tác chiến linh hoạt, bộ đội ta đã đưa các xe vận tải hỏng ra các tuyến đường, lắp đèn pin vào đầu các xe, làm cho không quân địch tưởng nhầm là đoàn xe vận tải của ta đang chạy trên tuyến đường; tổ chức bố trí kế tiếp nhiều xe giả thành cung đường giả để thu hút không quân địch, nhằm bảo toàn cho đoàn xe của ta vận chuyển trên cung đường chiến lược khác.
Thường xuyên thay đổi quy luật giờ xe chạy, từ khu tập kết ra tuyến đường vận chuyển và ngược lại, thường xuyên thay đổi thời gian xe chạy từ tuyến đường vào các bãi tập kết, các kho chứa hàng, làm cho không quân địch không thể nào phát hiện, theo dõi được quy luật vận chuyển hàng của ta trên các nút trọng điểm cũng như trên toàn tuyến vận chuyển chiến lược Trường Sơn.
Khai thác triệt để yếu tố địa hình, địa vật, thiên nhiên trên dãy Trường Sơn để thiết lập các bãi tập kết, các chân hàng chiến lược, các kho chứa hàng, tránh sự trinh sát, phát hiện của không quân địch, hạn chế tổn thất khi địch tổ chức đánh phá. Đồng thời, khai thác hệ thống sông, suối dọc theo dải Trường Sơn hùng vĩ, tạo ra những cung đường vận chuyển hết sức độc đáo bằng cách bao gói hàng và thả hàng trôi theo dòng nước, làm cho địch không thể phát hiện được.
Đặc biệt, có những lúc trời quang, mây tạnh mà phải vận chuyển hàng gấp, ta mạnh dạn tổ chức cho xe tải kéo cành cây lớn chạy trước đoàn xe chở hàng, để tạo ra luồng khí bụi phía sau che lấp đội hình xe chạy, làm cho không quân địch không thể nào trinh sát, phát hiện được, bảo đảm an toàn cho các chuyến hàng vào chiến trường. Bộ đội Trường Sơn còn tạo ra những con “đường ống” bằng các hàng cây tự nhiên xanh tốt trên dãy Trường Sơn, để cho xe con của ta chạy vào ban ngày dưới các hàng cây, bảo đảm tuyệt đối bí mật, an toàn cho vận chuyển một số hàng hóa đặc biệt như đạn dược, thuốc men, máu khô cung cấp cho tuyến trước và đưa đón các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước ra vào chỉ đạo chiến trường được an toàn.
Tại các trọng điểm địch đánh phá ác liệt, bộ đội ta đều tổ chức hai vọng quan sát phòng không ở hai đầu để báo động cho các lực lượng vận chuyển kịp thời sơ tán trước khi địch tổ chức không quân vào trinh sát cũng như đánh phá. Quân chủng Phòng không - Không quân thường xuyên tổ chức triển khai hai đại đội ra-đa ở Trung Lào và Hạ Lào để phát hiện máy bay địch, ngay từ khi chúng bắt đầu cất cánh ở các sân bay trên đất Thái Lan; thông báo, báo động phòng không kịp thời, chính xác cho các binh trạm tổ chức phòng tránh, bảo đảm an toàn. Ngoài ra, Quân chủng còn tổ chức trạm trinh sát điện tử trên đỉnh núi cạnh ngầm Kà Roòng để phối hợp với các trạm ra-đa phát hiện máy bay địch từ xa.
Thứ hai, tổ chức, sử dụng và bố trí lực lượng kiên quyết đánh trả địch. Vào những mùa vận chuyển chiến lược, bộ đội Phòng không - Không quân luôn có mặt trên toàn tuyến vận chuyển chiến lược Trường Sơn - đường Hồ Chí Minh để đánh không quân địch, với phương châm “Thọc sâu, trụ lâu, đánh thắng”. Trong điều kiện địa hình, thời tiết, khí hậu vô cùng phức tạp của Trường Sơn, việc cơ động lực lượng phòng không nói chung và lực lượng tên lửa phòng không nói riêng vào chiến trường phải vượt qua muôn vàn khó khăn, phức tạp. Chỉ có bộ đội tên lửa Việt Nam, với ý chí quyết tâm đánh thắng giặc Mỹ xâm lược, mới có thể đưa được khí tài tên lửa nặng trên chục tấn vượt qua các trọng điểm giao thông bị địch đánh phá ác liệt suốt ngày đêm và những cung đường, đỉnh dốc cheo leo, vắt vẻo trên đỉnh dãy Trường Sơn để vào triển khai đánh trả không quân địch, bảo vệ an toàn tuyến vận chuyển chiến lược.
Quán triệt và vận dụng đường lối chiến tranh nhân dân của Đảng vào điều kiện thực tiễn của chiến trường Trường Sơn, ta đã tổ chức hệ thống phòng không ba thứ quân thống nhất, gồm: bộ đội phòng không chủ lực (là lực lượng nòng cốt), các tay súng của những lái xe, thanh niên xung phong và các đơn vị bộ binh đang hành quân trên tuyến. Với cách tổ chức mạng lưới phòng không như vậy, ta có đủ điều kiện thực hiện hai phương pháp tác chiến phòng không cơ bản: tác chiến tại chỗ rộng khắp và tác chiến tập trung ở các khu vực vận chuyển chiến lược.
Trong thời kỳ đầu tham gia chiến dịch trên tuyến vận chuyển chiến lược Trường Sơn, tiêu chí đặt ra giữa Bộ Tư lệnh Quân chủng Phòng không - Không quân và Bộ Tư lệnh Đoàn 559 chưa được thống nhất. Bộ Tư lệnh Phòng không - Không quân lấy tiêu diệt máy bay địch làm mục đích tác chiến chủ yếu, trong khi Bộ Tư lệnh Đoàn 559 lại lấy bảo đảm an toàn tối đa cho các đoàn vận chuyển trên toàn tuyến làm mục đích tác chiến. Qua thực tiễn chiến đấu, Bộ Tư lệnh Quân chủng Phòng không - Không quân và Bộ Tư lệnh Đoàn 559 đã thống nhất xác định: Bảo đảm an toàn tối đa cho vận chuyển chiến lược là mục đích hoạt động tác chiến của bộ đội Phòng không - Không quân trên toàn tuyến vận tải chiến lược Trường Sơn. Đặc biệt, đối với bộ đội tên lửa và không quân, yêu cầu đánh tiêu diệt máy bay địch rất khó thực hiện được. Nhưng, sự xuất hiện của tên lửa phòng không đã làm cho không quân địch bất ngờ và hoảng loạn thực sự, thậm chí phải tạm ngừng đánh phá tại khu vực trọng điểm có khi đến hằng tuần, hằng tháng.
Khi địch sử dụng máy bay B.52 đánh phá khu vực đèo Mụ Giạ - cửa khẩu đường 12, chỉ ba ngày sau, bộ đội tên lửa đã cơ động xuống phía nam Hà Tĩnh, vươn tầm hỏa lực đánh địch, gây cho chúng bất ngờ lớn. Mặc dù không tiêu diệt được B.52, nhưng sự xuất hiện bất ngờ của hỏa lực đạn tên lửa nổ trên không phận cửa khẩu đã làm cho địch phải ngừng sử dụng B.52 đánh phá cửa khẩu hằng tháng. Có những ngày địch đánh phá ác liệt tại khu vực Tà Lê trên đường 20, ta cho các biên đội không quân MiG xuất kích vào tuyến hành lang nhằm nghi binh, lôi kéo không quân địch ra không chiến ở khu vực khác, giảm áp lực đánh phá của chúng ở khu vực trọng điểm, tạo điều kiện cho các đoàn xe vượt tuyến an toàn.
Để phục vụ tác chiến bảo vệ tuyến vận tải chiến lược Trường Sơn, lực lượng ra-đa của Quân chủng đã chủ động tổ chức trinh sát phát hiện máy bay địch kịp thời từ xa. Chỉ tính riêng trong bốn năm chống chiến tranh phá hoại lần thứ nhất, mạng lưới ra-đa đã phát hiện được 67.741 tốp máy bay địch, phục vụ yêu cầu chiến đấu và thông báo, báo động cho bộ đội phòng không Trường Sơn; nhờ đó, bộ đội phòng không Trường Sơn đã đánh trên 3.000 trận, bắn rơi hàng nghìn máy bay địch, trong đó, lực lượng tên lửa phòng không đánh 33 trận, bắn rơi 10 máy bay (có cả máy bay B.52).
Tóm lại, về cách đánh: Trong nhiệm vụ bảo vệ giao thông, vận tải ở địa bàn tác chiến ác liệt, cách đánh phòng không được Quân chủng Phòng không - Không quân xác định là: tập trung lực lượng chốt bảo vệ các trọng điểm và bảo vệ lực lượng vận chuyển qua các trọng điểm kết hợp với cơ động ứng cứu trên toàn tuyến; kết hợp đánh tập trung với đánh độc lập một cách linh hoạt; triệt để khai thác yếu tố bí mật, bất ngờ; tích cực tiêu diệt địch, bảo vệ mục tiêu và giữ gìn lực lượng, lấy việc bảo vệ mục tiêu là mục đích cao nhất của cách đánh.
Về tổ chức, sử dụng và bố trí lực lượng: Để thực hiện ý định bảo vệ vững chắc tuyến vận chuyển chiến lược, bộ đội Phòng không - Không quân phải được tổ chức một cách hợp lý, gồm hai bộ phận: bộ phận chốt bảo vệ trọng điểm và bộ phận cơ động ứng cứu trên toàn tuyến. Đối với trọng điểm lớn, tổ chức thành trung đoàn, có từ 5 đến 6 đại đội bố trí vòng trong và từ 1 đến 2 tiểu đoàn pháo 37 mm cơ động vòng ngoài. Đối với các trọng điểm nhỏ, tổ chức thành tiểu đoàn, có từ 3 đến 4 đại đội. Đối với các bến phà lớn, tổ chức thành hai cụm ở hai phía. Đối với bộ phận cơ động, tổ chức thành phân đội nhỏ, với quy mô từ cấp tiểu đoàn trở xuống, có sức cơ động cao và khả năng tác chiến độc lập.
Về tổ chức chỉ huy: Trong tổ chức chỉ huy, bảo đảm tập trung, thống nhất để phát huy sức mạnh tổng hợp là nguyên tắc cao nhất. Do vậy, trong quá trình hoạt động tác chiến, thường có sự chuyển đổi quyền chỉ huy trực tiếp đối với các đơn vị là tất yếu khách quan.
Có thể rút ra những bài học kinh nghiệm từ thực tiễn tổ chức, sử dụng lực lượng Phòng không - Không quân bảo vệ tuyến vận chuyển chiến lược - đường Hồ Chí Minh - đường Trường Sơn trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước như sau:
1- Chỉ huy các đơn vị Phòng không - Không quân phải luôn giữ mối quan hệ chặt chẽ với các binh trạm để nắm vững kế hoạch vận chuyển trong từng đợt, từng ngày, có như vậy mới tổ chức bố trí, sử dụng lực lượng Phòng không - Không quân một cách hợp lý để bảo vệ vận chuyển chiến lược kịp thời, hiệu quả.
Để bảo đảm tính thống nhất giữa hoạt động vận chuyển và hoạt động bảo vệ của lực lượng phòng không, có lúc ta đã tạm thời đưa một số đơn vị phòng không của Quân chủng Phòng không - Không quân đặt dưới sự chỉ huy trực tiếp của các binh trạm. Điển hình như năm 1969, Sư đoàn Phòng không 367 đã chuyển giao 3 trung đoàn Pháo cao xạ cho 3 binh trạm của Đoàn 559 quản lý. Cũng trong năm 1969, Bộ Tư lệnh Quân chủng Phòng không - Không quân đã bàn giao toàn bộ Sư đoàn Phòng không 377 cho Bộ Tư lệnh Đoàn 559 toàn quyền sử dụng, chỉ huy theo yêu cầu, nhiệm vụ vận chuyển chiến lược.
2- Tại các trọng điểm vận chuyển chiến lược, địch tổ chức đánh phá ác liệt, ta phải tổ chức cụm phòng không mạnh, hệ thống lưới lửa phòng không nhiều tầng, như súng máy phòng không 12 mm và 14,5 mm, pháo cao xạ 37 mm và 57 mm, hỏa lực của tên lửa tầm xa. Đồng thời, vừa tổ chức lực lượng phòng không chốt điểm, vừa tổ chức các đơn vị không quân sẵn sàng xuất kích khi có lệnh; bố trí các đơn vị phòng không ở hai đầu của các trọng điểm nhằm đánh địch để giải tỏa các điểm ùn tắc bất ngờ do địch đánh phá hoặc do thời tiết, thiên nhiên gây ra và sẵn sàng cơ động lực lượng phòng không về các vị trí trọng điểm để đáp ứng yêu cầu bảo vệ vận chuyển chiến lược.
3- Do tuyến đường vận chuyển chiến lược có rất nhiều mục tiêu nhỏ lẻ, phân tán cần được bảo vệ, nên bộ đội Phòng không - Không quân cần tổ chức lực lượng ở quy mô tiểu đoàn làm đơn vị chiến thuật cơ bản là phù hợp. Thực tiễn hoạt động bảo vệ tuyến vận chuyển chiến lược Trường Sơn cho thấy, các trung đoàn pháo cao xạ hoạt động trên tuyến đều phải bố trí từ 3 đến 4 tiểu đoàn để chiến đấu.
4- Cần tổ chức hiệp đồng hết sức chặt chẽ, cụ thể giữa các đơn vị phòng không và các đơn vị vận chuyển. Trên thực tế, mối quan hệ này đã được thực hiện rất tốt. Nhiều trường hợp, ngoài việc vận chuyển hàng hóa, vũ khí, trang bị từ miền Bắc vào các chiến trường, các đơn vị vận chuyển còn vận chuyển cả lương thực, thực phẩm, đạn pháo phòng không từ hậu cứ phía sau cho các đơn vị phòng không phía trước. Ngược lại, cũng có nhiều trường hợp, bộ đội Phòng không - Không quân đã phải sử dụng xe kéo pháo để cứu các xe vận tải bị hỏng trên đường, thậm chí có lúc phải sử dụng đến cả xe xích của tên lửa phòng không để tời kéo xe tải chở hàng hóa bị lật đổ trên đường, bảo đảm vận chuyển an toàn, kịp thời./.
Góp phần tìm hiểu thêm về sự vận dụng sáng tạo học thuyết Mác - Lê-nin của Chủ tịch Hồ Chí Minh  (20/05/2014)
Khai mạc trọng thể Kỳ họp thứ 7 Quốc hội khóa XIII  (20/05/2014)
Kịch bản nào cho U-crai-na  (20/05/2014)
Tuần tin cải cách hành chính từ ngày 12 đến ngày 18-5-2014  (20/05/2014)
- Phát huy vai trò của công tác cán bộ để nâng cao năng lực lãnh đạo, cầm quyền của Đảng
- Ấn Độ: Hướng tới cường quốc kinh tế và tri thức toàn cầu trong nhiệm kỳ thứ ba của Thủ tướng Na-ren-đra Mô-đi
- Một số vấn đề về xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa: Thành tựu phát triển lý luận của Đảng qua gần 40 năm tiến hành công cuộc đổi mới (kỳ 1)
- Nhìn lại công tác đối ngoại giai đoạn 2006 - 2016 và một số bài học kinh nghiệm về đối ngoại trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam
- Ý nghĩa của việc hiện thực hóa hệ mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh” trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam
-
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển