Văn hóa - giáo dục trong chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ
TCCSĐT - Thắng lợi vĩ đại của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược mà đỉnh cao là chiến thắng Điện Biên Phủ mãi mãi là niềm tự hào của dân tộc ta. Thắng lợi đó bắt nguồn từ nhiều nguyên nhân, trong đó không thể không kể đến những đóng góp to lớn của mặt trận văn hóa - giáo dục.
Văn hóa - giáo dục là mặt trận quan trọng của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và chiến thắng Điện Biên Phủ
Về so sánh lực lượng, cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp của nhân dân ta là cuộc kháng chiến của một dân tộc nhỏ, yếu chống lại sự xâm lược của một đế quốc hùng mạnh. Khi xâm lược nước ta, thực dân Pháp đã bộc lộ rõ sự thâm độc qua chính sách cai trị về chính trị, kinh tế, xã hội và văn hóa, nhằm mưu đồ thống trị lâu dài đất nước ta. Bởi thế, trong Bản chỉ thị “Toàn quốc kháng chiến” ngày 22-12-1946, Ban Thường vụ Trung ương Đảng đã nêu rõ đường lối kháng chiến của ta là kháng chiến toàn dân, kháng chiến toàn diện và kháng chiến trường kỳ. Kháng chiến toàn diện là kháng chiến không chỉ về mặt quân sự, chính trị, mà kháng chiến cả về mặt kinh tế và văn hóa. Kháng chiến về mặt văn hóa có vị trí và vai trò đặc biệt quan trọng; không chỉ nhằm đánh đổ văn hóa xâm lược của thực dân Pháp mà còn nhằm tuyên truyền giáo dục, giác ngộ, động viên nhân dân, góp sức xây dựng lực lượng kháng chiến của ta.
Cuộc đấu tranh nhằm thực hiện hai mục tiêu trên diễn ra rất gay go, phức tạp. Sau gần một trăm năm thống trị, thực dân Pháp đã sử dụng nhiều biện pháp thâm độc hòng nô dịch nhân dân ta về mặt văn hóa như: lập ra nhà tù nhiều hơn trường học; dùng thuốc phiện, rượu cồn để làm cho nòi giống ta suy nhược; phá hoại những tập tục, truyền thống tốt đẹp của dân tộc ta; cổ súy tư tưởng nô lệ, ươn hèn, ỷ lại trong sinh hoạt cộng đồng và đời sống xã hội… Thực dân Pháp vừa tuyên truyền, mị dân thông qua sách báo, truyền đơn, đài phát thanh, vừa tiến hành khủng bố, đàn áp dã man các lực lượng văn hóa - giáo dục của ta, giết hại nhiều chiến sĩ văn hóa kháng chiến như: trạng sư Thái Văn Lung, bác sĩ Nguyễn Văn Luyện, cụ Nguyễn Quang Oánh… và biết bao người con ưu tú khác của nền văn hóa dân tộc. Sau Cách mạng tháng Tám năm 1945, nền văn hóa mới của dân tộc Việt Nam đã bắt đầu được gây dựng nhưng văn hóa thực dân cũ vẫn ảnh hưởng tới đời sống tinh thần, tư tưởng của cán bộ và nhân dân ta.
Như vậy, bên cạnh mặt trận quân sự, chính trị, kinh tế thì văn hóa đã trở thành một mặt trận đấu tranh có vai trò quan trọng trong thắng lợi của nhân dân ta trước thực dân Pháp, nhằm đánh đổ chính sách ngu dân, đánh bại thứ “văn hóa nô dịch” của Pháp. Thời gian đầu, không phải cấp bộ, địa phương hay người dân nào cũng hiểu phải thực hiện kháng chiến như thế nào và bằng cách nào để thắng lợi. Bên cạnh đó, còn không ít trí thức đương thời vẫn giữ thái độ bàng quan trước cuộc kháng chiến của toàn dân tộc. Ngay trong các lực lượng vũ trang cũng không phải ai cũng hết lòng hy sinh, dám xả thân vì nước. Trước thực trạng trên, Đảng ta xác định công tác chính trị tư tưởng và văn hóa - giáo dục cần được tăng cường hơn lúc nào hết, nhằm xây dựng lực lượng kháng chiến ngày càng lớn mạnh, đáp ứng yêu cầu cấp bách của cuộc kháng chiến toàn dân, toàn diện. Kháng chiến càng tiến tới, mặt trận văn hóa - giáo dục càng phải được đẩy mạnh, nhất là vào giai đoạn kết thúc, khi quân và dân ta bước vào trận quyết chiến ở Điện Biên Phủ. Để chiến thắng địch về quân sự, ta phải đồng thời thắng địch về văn hóa. Tại thời điểm đó, trước hết, văn hóa phải góp phần đắc lực vào việc tuyên truyền, giác ngộ, giáo dục từ cán bộ, chiến sĩ đến mọi tầng lớp nhân dân về ý nghĩa lịch sử lớn lao và tính chất chiến lược của Chiến dịch Điện Biên Phủ; từ đó quy tụ nhân dân trong khối đại đoàn kết, đồng tâm hiệp lực, dồn sức cho chiến thắng. Khi mà lực lượng quân sự được tổng động viên, lực lượng toàn dân được hướng cả ra tiền tuyến thì lực lượng văn hóa cũng ra quân toàn diện. Ở hậu phương, ngoài tiền tuyến, trên các nẻo đường ra chiến dịch hay trên từng chiến hào giáp mặt với quân thù, đâu đâu cũng có sự góp mặt của các chiến sĩ văn hóa, cũng cần có sự góp sức của văn hóa và giáo dục.
Những đóng góp quan trọng của văn hóa - giáo dục trong 09 năm kháng chiến chống thực dân Pháp
Trong suốt 09 năm kháng chiến và nhất là trong Chiến dịch Điện Biên Phủ, mặt trận văn hóa - giáo dục đã có những đóng góp rất to lớn, tiêu biểu ở 02 lĩnh vực: giáo dục và văn học - nghệ thuật.
Về giáo dục
Đảng ta luôn xác định, mỗi người dân Việt Nam cần hiểu biết quyền lợi của mình, cần nắm vững đường lối kháng chiến của Đảng, để từ đó có hành động đúng, tham gia một cách tích cực, có hiệu quả vào công cuộc kháng chiến kiến quốc. Muốn thế, trước hết họ cần biết đọc, biết viết và được bổ túc văn hóa, nâng cao trình độ hiểu biết. Chủ tịch Hồ Chí Minh từng nói: một dân tộc dốt, là một dân tộc yếu. Bởi vậy, sau Cách mạng tháng Tám năm 1945, theo sự chỉ đạo của Người, Đảng ta đã rất coi trọng công tác diệt giặc dốt và coi đó là một trong sáu nhiệm vụ cấp bách được đặt ngang hàng với nhiệm vụ chống giặc ngoại xâm. Ngày 08-9-1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký sắc lệnh thành lập Nha bình dân học vụ. Tiếp đó, tháng 10-1945, Người ra lời kêu gọi chống nạn thất học, phát động trong cả nước một phong trào thi đua diệt giặc dốt. Phong trào đã được toàn dân ủng hộ nhiệt liệt. Người người đi học, nhà nhà thành lớp, đâu đâu cũng râm ran những tiếng đánh vần. Người biết chữ dạy người không biết chữ, con bảo cha, vợ bảo chồng, anh em bảo nhau, tất cả đều quyết tâm học chữ. Phong trào phát triển trong suốt cuộc kháng chiến trường kỳ. Chỉ tính đến ngày 08-9-1946, cả nước đã mở được 74.950 lớp học với 95.660 giáo viên tham gia, thanh toán nạn mù chữ cho 2.520.600 học viên. Trong 8 năm, nước ta đã có trên 10 triệu người dân được xóa nạn mù chữ; hàng chục tỉnh, huyện và hàng nghìn, thôn, bản được công nhận là những đơn vị hoàn thành xóa nạn mù chữ, người dân thêm yêu tiếng Việt, yêu nước và căm thù giặc sâu sắc. Chính sự giác ngộ về ý thức, về lòng tự hào dân tộc của quân và dân ta đã tạo ra một sinh khí mới chống quân thù. Đó thực sự là một thành quả to lớn của mặt trận văn hóa, giáo dục.
Một năm sau ngày toàn quốc kháng chiến, Đảng ta phát động phong trào bổ túc văn hóa và tiếp tục được toàn dân hưởng ứng nhiệt liệt. Phong trào được duy trì trong suốt thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp. Từ năm 1948 đến năm 1954, riêng vùng tự do, chúng ta có khoảng 300.000 đến 400.000 học viên theo học tại 10.450 lớp. Trong lực lượng vũ trang, mỗi đơn vị cũng trở thành một trường học văn hóa bình dân. Ở đó, người đội viên hết mù chữ, hiểu chính trị, nắm được những kiến thức cơ bản về quân sự, dân vận. Sau kháng chiến, đại đa số các cán bộ trong hệ thống các cơ quan chính quyền nhà nước và Đảng ở các cơ sở, trong các lực lượng vũ trang, các đoàn thể quần chúng đều đã biết chữ; một bộ phận không nhỏ trong số họ đã được bổ túc văn hóa, nâng cao trình độ.
Cùng với phong trào xóa nạn mù chữ, bổ túc văn hóa, công tác giáo dục cũng không ngừng phát triển. Hệ thống giáo dục phổ thông, giáo dục trung học chuyên nghiệp, cao đẳng và đại học được khôi phục lại sau cách mạng đã từng bước đi vào ổn định và ngày càng mở rộng trong những năm kháng chiến. Chương trình học được thay đổi, những tư tưởng cũ kỹ, lạc hậu đều được thay thế bằng việc giáo dục lòng yêu nước, tự hào dân tộc, ý chí quyết tâm kháng chiến thắng lợi, ý thức học tập để kháng chiến, kiến quốc. Thành công của cuộc cải cách giáo dục lần thứ nhất đã góp phần xây dựng nên một nền giáo dục mới, của dân, do dân và vì dân, dựa trên ba nguyên tắc cơ bản: dân tộc, khoa học và đại chúng. Nền giáo dục ấy phù hợp với lợi ích của nhân dân lao động, đáp ứng tích cực cho cuộc kháng chiến của nhân dân ta. Sau cải cách, ngành giáo dục bước vào một thời kỳ phát triển mới, số học sinh phổ thông tăng lên rõ rệt. Nếu như năm 1950, cấp I chỉ có 284.314 học sinh, cấp II là 21.849 và cấp III là 735 thì đến năm 1952, số học sinh cấp I là 474.746, cấp II là 52.369 và cấp III là 2.089. Số học sinh trung học, cao đẳng, đại học cũng tăng lên nhiều, tính đến năm 1954, tổng số người theo học đại học và chuyên nghiệp là 4.247 người. Từ năm 1951 đến năm 1953, ngành giáo dục đã đào tạo được hơn 7.000 cán bộ khoa học - kỹ thuật.
Như vậy, trong những năm kháng chiến, ngành giáo dục không chỉ phát triển mà còn đạt được mục tiêu đào tạo con người mới, cán bộ mới cho công cuộc kháng chiến và kiến quốc. Chính từ đây, đội ngũ trí thức mới của nước ta được hình thành, nhiều kỹ sư, bác sĩ, kiến trúc sư, văn nghệ sĩ, nhà báo… đều sát cánh bên nhau, cống hiến cho dân tộc; nhiều sáng kiến, phát minh đã được áp dụng trong thực tiễn sản xuất, chiến đấu, nhất là trong lĩnh vực quân giới và y dược.
Về văn học - nghệ thuật
Trong kháng chiến chống thực dân Pháp, trên đất nước ta tồn tại hai khuynh hướng văn học - nghệ thuật đối lập nhau và đấu tranh quyết liệt với nhau. Đó là thứ văn học - nghệ thuật phản dân tộc của thực dân Pháp, của bọn Việt gian phản động, và văn học - nghệ thuật yêu nước, kháng chiến của nhân dân ta. Thứ văn học - nghệ thuật phản dân tộc của thực dân Pháp và bọn Việt gian, bằng nhiều hình thức khác nhau, ca ngợi chế độ thực dân phong kiến, tuyên truyền tư tưởng nô lệ và xuyên tạc công cuộc kháng chiến của nhân dân ta. Còn văn học - nghệ thuật yêu nước và kháng chiến đã trở thành vũ khí sắc bén tố cáo tội ác quân thù đồng thời khơi dậy lòng yêu nước, chí khí anh hùng, tinh thần đoàn kết và hun đúc ý chí quyết tâm vượt mọi khó khăn, gian khổ để chiến đấu và chiến thắng của nhân dân ta.
Trên thực tế, ngay từ những ngày đầu của cuộc kháng chiến, trên mặt trận văn hóa, Hội Văn hóa cứu quốc đã giữ vai trò hết sức quan trọng. Những văn nghệ sĩ chân chính của dân tộc vừa bước ra khỏi cuộc cách mạng giành độc lập đã bước ngay vào cuộc kháng chiến gian khổ với tư cách người chiến sĩ trên mặt trận văn hóa - tư tưởng, đấu tranh chống thứ văn học - nghệ thuật phản dân tộc. Đến tháng 11-1946, để động viên và tiếp sức thêm cho đội ngũ văn nghệ sĩ, Hội nghị Văn hóa toàn quốc lần thứ nhất được tổ chức, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đọc diễn văn khai mạc. Khi cuộc kháng chiến toàn quốc bùng nổ, hầu hết trí thức, văn nghệ sĩ đã theo Đảng ra vùng tự do tham gia kháng chiến. Tháng 7-1948, tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc lần thứ hai, đồng chí Trường Chinh đã trình bày bản báo cáo quan trọng “Chủ nghĩa Mác và văn hóa Việt Nam”. Bản báo cáo không chỉ giải quyết những vấn đề lý luận căn bản mà còn vạch rõ phương hướng tiến lên cho một nền văn hóa dân tộc, góp phần giải đáp những băn khoăn, day dứt trong tâm hồn của một số trí thức, văn nghệ sĩ. Một không khí mới, một sức sống mới đã đến với văn học - nghệ thuật cách mạng Việt Nam. Ngày càng có nhiều văn nghệ sĩ cùng tham gia các chiến dịch, cùng sống và chiến đấu với quân đội. Từ thực tế cuộc kháng chiến gian khổ mà thần thánh của dân tộc đã khơi nguồn cảm hứng sáng tác và là chất liệu để nhiều văn nghệ sĩ cho ra đời những tác phẩm có giá trị. Những tác phẩm đó không chỉ là bức tranh thu nhỏ của cuộc kháng chiến mà còn là vũ khí sắc bén tấn công mọi thứ “văn hóa” thực dân, đồi trụy và phản động. Ngoài ra, khẩu hiệu “ kháng chiến hóa văn hóa, văn hóa hóa kháng chiến” do Chủ tịch Hồ Chí Minh đề xướng cũng tạo nên một phong trào quần chúng sáng tác ở khắp nơi; trong đó chủ yếu là các sáng tác thuộc thể loại thơ ca, hò vè; ngoài ra còn có trình diễn sân khấu kịch - lửa trại, báo tay, báo tường, thơ “báng súng”. Bên cạnh đó, các đoàn văn công, đội văn nghệ của các đơn vị bộ đội và nhân dân địa phương cũng hoạt động tích cực; các cuộc triển lãm tranh ảnh, xuất bản sách, báo được tăng cường. Nhiều nơi, quần chúng công - nông - binh vừa là tác giả, vừa là độc giả, vừa là diễn viên, đạo diễn lại vừa là khán giả, thính giả. Những hoạt động văn học nghệ thuật sôi nổi như thế đã làm cho cuộc sống trong kháng chiến vốn nhiều gian khổ, ác liệt trở nên vui tươi và lành mạnh hơn.
Từ năm 1953, mặt trận văn hóa - giáo dục càng có điều kiện mở rộng; không chỉ phục vụ cho cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược mà còn phục vụ cả cho công cuộc đánh đổ giai cấp phong kiến. Nông dân được giải phóng, sự nghiệp giáo dục có cơ sở phát triển cả ở nông thôn và thành thị. Trong Chiến dịch Điện Biên Phủ, mặt trận văn hóa - giáo dục đã đóng vai trò đặc biệt quan trọng cả ở hậu phương và tiền tuyến. Ở hậu phương, các chiến sĩ văn hóa hoạt động tích cực nhằm động viên toàn dân dồn sức người, sức của cho chiến dịch. Ở tiền tuyến, các chiến sĩ văn hóa có mặt trên khắp các nẻo đường, trong từng chiến hào để khích lệ dân công, động viên bộ đội, công an cùng nếm mật, nằm gai, quyết tâm chiến đấu và chiến thắng. Đông đảo trí thức, giáo viên, văn nghệ sĩ đã tình nguyện tham gia chiến dịch, phục vụ chiến đấu, sáng tác thơ ca, hò vè, truyện ngắn, truyện dài, diễn kịch, chiếu bóng, độc tấu...; mang đến cho các chiến sĩ từng cánh thư quê hương, từng tờ báo, cuốn sách còn thơm mùi mực mới; khơi dậy phong trào văn hóa - giáo dục ngay trong chiến hào, ngay lúc nghỉ chân dọc đường; góp phần làm cho cuộc sống thời chiến có thêm niềm vui, tinh thần lạc quan, ý chí quyết tâm đánh giặc và niềm hy vọng vào thắng lợi cuối cùng của dân tộc.
Chiến thắng Điện Biên Phủ không chỉ là đỉnh cao của chủ nghĩa anh hùng cách mạng Việt Nam thời đại mới, dưới sự lãnh đạo đúng đắn, sáng suốt của Đảng Cộng sản Việt Nam và Chủ tịch Hồ Chí Minh mà còn là kết quả hợp thành của các nhân tố dân tộc và thời đại; trong đó phải kể đến vai trò của mặt trận văn hóa - giáo dục. Cả lý luận và thực tiễn đều cho thấy, văn hóa - giáo dục luôn là động lực cơ bản, tạo ra sức mạnh tổng hợp vật chất và tinh thần, góp phần tạo nên thắng lợi của dân tộc ta trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược mà đỉnh cao là chiến thắng Điện Biện Phủ, mở ra một thời kỳ mới của lịch sử đất nước và thời đại mới của các dân tộc thuộc địa trên thế giới trong quá trình đấu tranh giải phóng dân tộc./.
Liên minh đoàn kết đặc biệt giữa hai nước Việt Nam - Lào trong kháng chiến chống Pháp  (30/04/2014)
Khẳng định vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam đối với giai cấp, dân tộc và xã hội  (30/04/2014)
Huyện Lang Chánh triển khai nhiều giải pháp cụ thể làm theo tư tưởng, tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh  (30/04/2014)
Huyện Lang Chánh triển khai nhiều giải pháp cụ thể làm theo tư tưởng, tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh  (30/04/2014)
Đẩy mạnh giải ngân dự án đầu tư gắn với đảm bảo chất lượng  (29/04/2014)
Bộ trưởng Bộ Y tế: Bài học lớn nhất là phát huy vai trò của truyền thông  (29/04/2014)
- Từ Chỉ thị thành lập Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân của Chủ tịch Hồ Chí Minh đến xây dựng Quân đội nhân dân Việt Nam vững mạnh về chính trị trong tình hình mới
- Nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức cơ sở đảng, đảng viên trong Công an nhân dân đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới
- Một số vấn đề về xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa: Thành tựu phát triển lý luận của Đảng qua gần 40 năm tiến hành công cuộc đổi mới (kỳ 2)
- Phát huy hệ giá trị con người Việt Nam, hoàn thiện chuẩn mực đội ngũ cán bộ ngành ngoại giao trong thời kỳ mới
- Xây dựng, hoàn thiện tổ chức bộ máy hệ thống chính trị Việt Nam “Tinh - Gọn - Mạnh - Hiệu năng - Hiệu lực - Hiệu quả” theo chỉ dẫn của Chủ tịch Hồ Chí Minh
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay