Đường lối quân sự của Đảng Cộng sản Việt Nam trong chiến dịch Điện Biên Phủ năm 1954
Nghiên cứu đường lối quân sự của Đảng trong chiến dịch Điện Biên Phủ (năm 1954) để một lần nữa thấy rõ tầm vóc vĩ đại và những tác động lớn lao của chiến thắng này đối với tiến trình lịch sử dân tộc cũng như lịch sử nhân loại suốt hơn nửa thế kỷ qua, làm sáng rõ thêm những giá trị còn tiềm ẩn, làm sống dậy tinh thần Điện Biên Phủ và rút ra những điều bổ ích cho công cuộc đổi mới, xây dựng đất nước hiện nay.
Đặc điểm, âm mưu và thủ đoạn của thực dân Pháp và can thiệp Mỹ
Sau khi nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra đời, thực dân Pháp trở lại xâm lược nước ta một lần nữa. Sau hơn 7 năm (1945 - 1952) tiến hành chiến tranh xâm lược nước ta, thực dân Pháp đã mất hàng chục vạn sĩ quan và binh lính. Thất bại và buộc phải đình chiến ở Triều Tiên, đế quốc Mỹ tăng cường can thiệp vào chiến tranh Đông Dương, gánh trên 70% chiến phí, buộc thực dân Pháp phải kéo dài và mở rộng chiến tranh xâm lược, phục vụ cho chiến lược toàn cầu của Mỹ. Trước những thất bại liên tiếp ở Đông Dương và trước phong trào đấu tranh ngày càng mạnh của nhân dân Pháp đòi chấm dứt chiến tranh xâm lược, vấn đề cấp thiết đặt ra cho thực dân Pháp là: Hoặc phải thắng nhanh, hoặc phải chịu thua, hoặc đề nghị Mỹ nhảy vào thay thế. Chính phủ Pháp chủ trương xin thêm viện trợ của Mỹ, tập trung mọi cố gắng đẩy mạnh chiến tranh hòng tìm lối thoát bằng thắng lợi quân sự.
Chủ trương kế hoạch quân sự của Pháp, Mỹ trong những năm 1953 - 1954: Tháng 5-1953, với sự thỏa thuận của Mỹ, Tướng Hăng-ri Na-va, Tham mưu trưởng lục quân của khối Bắc Đại Tây Dương được cử làm Tổng chỉ huy quân đội viễn chinh Pháp ở Đông Dương - viên tướng có nhãn quan chiến lược khá sắc sảo, vừa tới Đông Dương, Na-va đã phát hiện đồng bằng Bắc Bộ không còn là cái then cửa của vùng Đông Nam Á nữa. Với những thắng lợi của chiến dịch Đông Xuân 1952 - 1953, đối phương đã có những căn cứ ở Tây Bắc Việt Nam và ở Thượng Lào để mượn đường Tây Trường Sơn vu hồi toàn cõi Đông Dương. Đây chẳng những là tình thế khó khăn đối với quân viễn chinh Pháp, mà còn là một sự uy hiếp nghiêm trọng đối với phòng tuyến chống cộng của Mỹ ở Đông Nam châu Á.
Na-va vạch một kế hoạch quân sự của Pháp, Mỹ trong 2 năm (1953 - 1954), hòng chuyển bại thành thắng. Trọng tâm của kế hoạch này là tổ chức khối chủ lực tác chiến. Kế hoạch tác chiến của Na-va chia thành 2 bước: Bước 1 (từ thu đông 1953 đến mùa xuân năm 1954), giữ thế phòng ngự chiến lược, tránh quyết chiến ở phía Bắc, thực hiện tiến công chiến lược ở phía Nam nhằm chiếm đóng vùng tự do của ta ở Khu 5 (Trung Nam Bộ) và ở Hậu Giang (Nam Bộ). Bước 2 (từ mùa thu năm 1954), sẽ tập trung toàn bộ lực lượng tác chiến trên chiến trường phía Bắc, giành thắng lợi quyết định. Kế hoạch Na-va là một kế hoạch chiến lược có quy mô rộng lớn và là cố gắng cuối cùng của thực dân Pháp trong chiến tranh xâm lược Việt Nam, buộc ta phải chấp nhận đàm phán theo ý đồ và những điều kiện do Pháp định sẵn.
Sau những đòn chủ động tiến công đầu tay bị chặn lại, phát hiện quân ta chuyển hướng lên Tây bắc, Na-va lập tức đổ quân xuống Điện Biên Phủ vào ngày 20-11-1953. Tiếp đó, ngày 03-12-1953, Na-va hạ quyết tâm xây dựng Điện Biên Phủ trở thành một tập đoàn cứ điểm mạnh, hòng nghiền nát các đại đoàn chủ lực của Việt Minh. Rõ ràng, Điện Biên Phủ là nơi thể hiện ý chí xâm lược và nỗ lực cao nhất, niềm hy vọng lớn nhất của thực dân Pháp và can thiệt Mỹ trong tình thế ngày càng nguy khốn ở Đông Dương. Kế hoạch quân sự Na-va và sự xuất hiện tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ thật sự là một thách thức lớn đối với cuộc kháng chiến của nhân dân ta.
Sự lãnh đạo của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh - nhân tố quyết định đưa đến chiến thắng của nhân dân ta đối với chủ nghĩa thực dân Pháp ở Đông Dương
Trước âm mưu và cuồng vọng của kẻ thù, trí tuệ, bản lĩnh và sự lãnh đạo sáng suốt của Đảng ta càng ngời sáng; phương hướng tiến công chiến lược của Đảng trong Đông Xuân 1953 - 1954, được hoạch định ngay sau chiến dịch Tây Bắc (cuối năm 1952) và trong suốt quá trình xây dựng triển khai kế hoạch mới.
Hội nghị lần thứ tư Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa II họp từ ngày 25-01 đến ngày 30-01-1953, đã vạch ra phương hướng chiến lược, phương hướng tác chiến và tư tưởng chỉ đạo tác chiến trong chiến cuộc Đông Xuân 1953 - 1954. Tại Hội nghị này, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đọc bản báo cáo quan trọng, phát triển và cụ thể hóa đường lối cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân và đường lối kháng chiến của Đảng. Người nhấn mạnh hai nhiệm vụ chủ yếu để đưa kháng chiến đến thắng lợi: Một là, chỉ đạo kháng chiến và chính sách quân sự trong giai đoạn tiến công chiến lược. Hai là, phát động quần chúng phải thực hiện cải cách ruộng đất. Về chính sách ruộng đất, Hội nghị nêu rõ: “Nền tảng của vấn đề dân tộc là vấn đề nông dân, vì nông dân là tối đại đa số trong dân tộc… Muốn kháng chiến hoàn toàn thắng lợi, dân chủ nhân dân thật thà thực hiện, thì phải thiết thực nâng cao quyền lợi kinh tế chính trị của nông dân, phải chia ruộng đất cho nông dân”(1).
Về chỉ đạo kháng chiến và chính sách quân sự trong giai đoạn tiến công chiến lược Nghị quyết (2) xác định:
Một là, phương hướng chiến lược của ta là: Tránh chỗ mạnh, đánh chỗ yếu để phân tán lực lượng địch và tiêu diệt sinh lực địch, mở rộng vùng tự do, tạo điều kiện giải phóng hoàn toàn Bắc Bộ.
Hai là, từ phương hướng chiến lược đó, Trung ương quyết định phương hướng tác chiến với tinh thần chủ động đáp ứng yêu cầu phát triển của kháng chiến: Quân đội ta phải đánh địch ở những nơi địch sơ hở, đồng thời phải hoạt động mạnh sau lưng địch; tập trung lực lượng mở những cuộc tiến công vào những hướng quan trọng về chiến lược mà địch tương đối yếu nhằm tiêu diệt một bộ phận sinh lực địch, giải phóng đất đai, đồng thời buộc chúng phải phân tán lực lượng đối phó với ta.
Ba là, cũng tại Hội nghị này, tư tưởng chỉ đạo tác chiến của quân đội ta một lần nữa được khẳng định: Không chủ quan khinh địch, không nóng vội, không mạo hiểm, đánh ăn chắc, tiến ăn chắc. Chắc thắng thì kiên quyết đánh cho kỳ thắng, không chắc thắng thì kiên quyết không đánh.
Bốn là, về việc xây dựng củng cố lực lượng vũ trang, Hội nghị xác định: Ngoài việc tăng cường bộ đội chủ lực và xây dựng bộ đội địa phương, các vùng tự do và vùng căn cứ du kích cần phải xây dựng những tổ chức dân quân du kích không thoát ly sản xuất, để đàn áp bọn phản cách mạng, giữ gìn trị an, bảo vệ lợi ích quần chúng đấu tranh với địch, phối hợp tác chiến với bộ đội chủ lực; phải phối hợp mặt trận trước mặt địch với mặt trận sau lưng địch một cách linh hoạt.
Trong giai đoạn tiến công chiến lược cần phải nhận rõ tính chất trường kỳ của kháng chiến; phải tăng cường công tác chính trị, luôn luôn nâng cao trình độ chính trị và giác ngộ giai cấp của bộ đội ta; phải luôn xem trọng việc huấn luyện bộ đội, phải có kế hoạch về việc xây dựng và bổ sung bộ đội; cần tăng cường và cải thiện dần việc trang bị cho bộ đội, nhất là xây dựng pháo binh.
Có thể nói, những chủ trương chính sách quân sự của Hội nghị Trung ương 4 khóa II của Đảng là sự tổng kết sâu sắc những kinh nghiệm chỉ đạo đấu tranh vũ trang và xây dựng lực lượng vũ trang nhân dân trong những năm kháng chiến đã qua, vạch phương hướng cho quân và dân ta tiến vững chắc đến thắng lợi, thể hiện rõ quan điểm, tư tưởng của Đảng về nghệ thuật chỉ đạo chiến tranh giải phóng ở giai đoạn cuối này, tính chủ động của Đảng ta sẵn sàng làm thất bại những âm mưu và hành động xâm lược mới của thực dân Pháp và can thiệp Mỹ.
Xác định chủ trương tác chiến trong chiến lược Đông Xuân 1953 - 1954
Tháng 9-1953, Bộ Chính trị Trung ương Đảng họp dưới sự chủ tọa của Chủ tịch Hồ Chí Minh, khẳng định phương hướng chiến lược đúng đắn do Hội nghị Trung ương 4 Đảng đề ra từ đầu năm 1953. Bộ Chính trị đã phê chuẩn phương án tác chiến do Tổng quân ủy trình bày với hướng tiến công chiến lược: Tây Bắc Việt Nam, Tây Nguyên và vùng Trung - Hạ Lào là những nơi địch yếu nhưng chúng không thể bỏ. Đưa bộ đội chủ lực lên hướng đó, tuy có nhiều khó khăn về tiếp tế, vận tải nhưng ta buộc địch phải phân tán lực lượng để đối phó, tranh thủ tiêu diệt nhiều sinh lực địch, đẩy mạnh hoạt động ở vùng sau lưng địch, tạo điều kiện giải phóng đồng bằng Bắc Bộ mà không phải đưa lực lượng đánh vào đồng bằng.
Bộ Chính trị đề ra phương châm hoạt động cho bộ đội ta là: Tích cực, chủ động, cơ động, linh hoạt, sẵn sàng đánh địch trong mọi tình huống. Nguyên tắc chỉ đạo tác chiến là: Đánh chắc thắng, đánh tiêu diệt, chọn nơi địch sở hở mà đánh, chọn nơi địch tương đối yếu mà đánh. Giữ vững chủ động, kiên quyết buộc định phải phân tán lực lượng. Tiêu diệt sinh lực địch, bồi dưỡng lực lượng ta. Tháng 01-1953, bộ đội ta tiến lên Tây Bắc nhằm tiêu diệt địch, giải phóng Lai Châu, vượt biên giới Việt Nam - Lào, phối hợp với Quân giải phóng Pa-thét Lào đánh địch ở Trung - Hạ Lào.
Bị uy hiếp ở chỗ sở hở nhất, ngày 20-11-1953, Na-va cho đổ quân xuống Điện Biên Phủ, chủ lực ta được lệnh bao vây Điện Biên Phủ. Ngày 03-12-1953, Na-va quyết định tiếp nhận cuộc chiến tại Điện Biên Phủ, tập trung xây dựng Điện Biên Phủ thành một tập đoàn cứ điểm mạnh chưa từng có ở Đông Dương.
Ngày 06-12-1953, Bộ Chính trị Trung ương Đảng quyết định mở chiến dịch chiến lược Điện Biên Phủ. Bộ chỉ huy mặt trận Điện Biên Phủ được thành lập do Đại tướng Võ Nguyên Giáp làm chỉ huy trưởng, kiêm Bí thư Đảng ủy mặt trận.
Đảng chỉ đạo các mặt trận khác trong cả nước cùng tích cực hoạt động phối hợp, nhân dân cả nước hăng hái phục vụ chiến dịch. Nhân dịp kỷ niệm lần thứ chín Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam (22-12-1953), Chủ tịch Hồ Chí Minh quyết định: “cho mỗi Đại đoàn và mỗi Liên khu một lá cờ “Quyết chiến, quyết thắng” để làm giải thưởng luân lưu”(3).
Cùng với cuộc tiến công chiến lược Đông Xuân 1953 - 1954, Trung ương Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh quyết định cho mở chiến dịch ngoại giao. Tháng 12-1953, báo Nhân dân và Đài Tiếng nói Việt Nam công bố những câu trả lời phỏng vấn của Hồ Chủ tịch với phóng viên báo Expressen (Thụy Điển) và bài nói của Người nhân dịp kỷ niệm 7 năm Ngày toàn quốc kháng chiến. Người tuyên bố: “Cuộc chiến tranh ở Việt Nam là do Chính phủ Pháp gây ra. Nhân dân Việt Nam phải cầm vũ khí anh dũng chiến đấu bảy, tám năm nay chống kẻ xâm lược chính để bảo vệ nền độc lập và quyền tự do được sống hòa bình… Nhưng nếu Chính phủ Pháp đã rút được bài học trong cuộc chiến tranh mấy năm nay, muốn đi đến đình chiến ở Việt Nam bằng cách thương lượng và giải quyết vấn đề Việt Nam theo lối hòa bình thì nhân dân và Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa sẵn sàng tiếp ý muốn đó”(4).
Cuộc kháng chiến toàn dân, toàn diện của nhân dân ta tiến đến giai đoạn quyết định, ngọn cờ hòa bình của Đảng và nhân dân ta giương cao cùng với ngọn cờ quyết chiến, quyết thắng.
Ngày 06-12-1953, Bộ Chính trị họp xem xét Phương án tác chiến mùa Xuân năm 1954, do Tổng Quân ủy báo cáo. Tổng Quân ủy dự kiến: Muốn bảo đảm thực hiện được quyết tâm của Trung ương là tiêu diệt và giải phóng Lai Châu - Phong Sa Lỳ cho đến Luông Pha Băng (Lào) trong Đông Xuân thì phải nhìn trường hợp địch tăng cường Điện Biên Phủ thành lập tập đoàn cứ điểm mà chuẩn bị. Phương án cũng dự kiến, nếu tiến công Điện Biên Phủ, thời gian có thể kéo dài 45 ngày và nhấn mạnh: Ta có nhiều điều kiện thuận lợi để thực hiện chủ trương của Trung ương, nhưng đồng thời cũng có nhiều khó khăn, khó khăn lớn nhất vẫn là vấn đề cung cấp, mà chủ yếu là vấn đề đường sá; có nhiều khó khăn cần ráo riết tập trung lực lượng mới làm kịp, nhưng nếu kiên quyết khắc phục khó khăn, hoàn thành được chiến dịch thì thắng lợi này sẽ là một thắng lợi rất lớn.
Ngày 20-12-1953, Bộ Chính trị họp nghe Tổng Quân ủy Trung ương báo cáo tình hình chiến sự và tình hình Điện Biên Phủ, thông qua chủ trương, kế hoạch quân sự và chính thức hạ quyết tâm tiêu diệt tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ. Như vậy, từ chỗ tránh chỗ mạnh, đánh chỗ yếu đến chỗ chọn Điện Biên Phủ - nơi mạnh nhất của địch lúc đó - để tiêu diệt là một quyết định đúng đắn, đầy bản lĩnh của Đảng ta, mở ra bước ngoặt quyết định của cuộc kháng chiến.
Công tác chuẩn bị cho chiến dịch Điện Biên Phủ được xúc tiến rất khẩn trương và dồn dập. Trước lúc các đơn vị bộ đội tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ ra mặt trận, Chủ tịch Hồ Chí Minh viết thư động viên cán bộ, chiến sĩ mặt trận Điện Biên Phủ (tháng 12-1953) phải: “chiến đấu anh dũng hơn, chịu đựng gian khổ hơn, phải giữ vững quyết tâm trong mọi hoàn cảnh”(5).
Ngày 05-01-1954, Sở chỉ huy tiền phương lên đường ra mặt trận, Chủ tịch Hồ Chí Minh căn dặn Tư lệnh: “Trận này quan trọng, phải đánh cho thắng, chắc thắng mới đánh, không chắc thắng không đánh”(6). Thấu triệt quyết tâm chiến lược và phương châm đánh chắc thắng của Đảng, căn cứ vào thực tế chiến trường, sau 11 ngày đêm suy nghĩ, ngày 26-01-1954, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã quyết định chuyển từ “đánh nhanh, thắng nhanh” sang phương án “đánh chắc, tiến chắc”. Quyết định trên đã được Đảng ủy mặt trận trao đổi, đồng ý và ngày 30-01- 1954, được Chủ tịch Hồ Chí Minh, Tổng Bí thư Trường Chinh và Bộ Chính trị phê chuẩn.
Thực hiện phương châm đánh chắc, tiến chắc trong chiến dịch Điện Biên Phủ, Trung ương Đảng và Chính phủ hết sức quan tâm chỉ đạo các ngành, các địa phương hoàn thành nhiệm vụ chiến đấu và phục vụ chiến dịch. Trong tháng 02-1954, Bộ Chính trị đã có những Chỉ thị quan trọng, tập trung cao độ sức mạnh về mọi mặt để hoàn thành mục tiêu của chiến dịch.
Ngày 15-3-1954, tức 2 ngày sau khi chiến dịch Điện Biên Phủ bắt đầu, Trung ương Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi điện động viên các chiến sĩ ngoài mặt trận: “Chiến dịch này là một chiến dịch lịch sử của quân đội ta, ta đánh thắng chiến dịch này có ý nghĩa quân sự và chính trị quan trọng… Ta phải cố gắng, chiến đấu kéo dài, bền bỉ, chớ chủ quan khinh địch, quyết giành toàn thắng cho chiến dịch này”(7). Ngày 19-4-1954, Bộ Chính trị ra Nghị quyết “Về tiếp tục thấu triệt phương châm đánh chắc, đề cao quyết tâm tích cực giành toàn thắng cho chiến dịch Điện Biên Phủ”.
Những sự kiện nổi bật trên đây cho thấy, sự lãnh đạo của Đảng là hết sức toàn diện, sâu sát, đúng đắn và sáng tạo trong cuộc chiến đấu tổng lực với kẻ thù. Nhờ vậy, Đảng ta đã khơi dậy và nhân lên gấp bội sức mạnh của lòng quả cảm và ý thức tự giải phóng của dân tộc ta, tạo nên sức mạnh vô địch tại Điện Biên Phủ, sự lãnh đạo của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh là nhân tố quyết định đưa đến thắng lợi Đông Xuân 1953 - 1954 và chiến dịch Điện Biên Phủ. Thắng lợi của chiến dịch Điện Biên Phủ “được ghi vào lịch sử dân tộc như một Bạch-đằng, một Chi-lăng, hay một Đống-đa trong thế kỷ 20 và đi vào lịch sử thế giới như một chiến công chói lọi đột phá thành trì của hệ thống nô dịch thuộc địa của chủ nghĩa đế quốc”(8).
Chiến thắng Điện Biên Phủ là tượng đài hùng vĩ của phẩm giá, trí tuệ, bản lĩnh và tinh thần con người Việt Nam. Điện Biên Phủ tạo nên lực lượng, ý chí và niềm tin để nhân dân ta đánh bại cuộc chiến tranh xâm lược của đế quốc Mỹ, đưa nước ta đi vào kỷ nguyên độc lập, tự do và từng bước đi lên chủ nghĩa xã hội. Chiến thắng Điện Biên Phủ đã nâng cao vị thế Việt Nam trên trường quốc tế. Điện Biên Phủ trở thành biểu tượng sức mạnh Việt Nam trong thế kỷ XX, có tác động to lớn vào lịch sử nhân loại, cổ vũ các dân tộc thuộc địa đứng lên đấu tranh thoát khỏi ách thống trị của chủ nghĩa thực dân, góp phần làm thay đổi cục diện chính trị thế giới trong thế kỷ XX./.
-------------------------------------------------------------
Chú thích:
(1) Văn kiện Đảng toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, H, 2001, t. 14, tr. 24
(2) Văn kiện Đảng toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, H, 2001, t. 14, tr. 21 - 23
(3) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, H, 2001, t. 7, tr. 196
(4) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, H, 2001, t. 7, tr. 168
(5) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, H, 2001, t. 7, tr. 198
(6) Chủ tịch Hồ Chí Minh với Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Nxb. Thông tấn, H, 2007, tr. 163
(7) Văn kiện Đảng toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, H, 2001, t. 15, tr. 53
(8) Lê Duẩn: Dưới lá cờ vẻ vang của Đảng, vì độc lập, vì tự do, vì chủ nghĩa xã hội, tiến lên giành những thắng lợi mới, Nxb. Sự thật, H, 1976, tr. 55 - 56
Tuần tin cải cách hành chính từ ngày 07 đến ngày 13-4-2014  (15/04/2014)
Đoàn đại biểu Đảng Cộng sản Trung Quốc thăm Việt Nam  (15/04/2014)
Đồng chí Huỳnh Đức Thơ được bầu làm Phó Chủ tịch Đà Nẵng  (14/04/2014)
Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh tiếp đồng chí Hồ Xuân Hoa  (14/04/2014)
- Bảo tồn các di sản văn hóa vật thể trước thách thức của biến đổi khí hậu ở thành phố Cần Thơ hiện nay
- Tự chủ chiến lược dưới tác động của các vấn đề an ninh phi truyền thống tại khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương
- Xây dựng nền văn hóa Việt Nam ngày càng bền vững, tiến bộ, bản sắc, tương xứng với trình độ phát triển kinh tế - xã hội hiện nay theo tinh thần Đại hội XIII của Đảng
- Từ Chỉ thị thành lập Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân của Chủ tịch Hồ Chí Minh đến xây dựng Quân đội nhân dân Việt Nam vững mạnh về chính trị trong tình hình mới
- Nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức cơ sở đảng, đảng viên trong Công an nhân dân đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay