Ngày 12-4-2014, tại Hà Nội, Hiệp hội các trường đại học, cao đẳng ngoài công lập Việt Nam đã tổ chức Hội thảo “Tái cơ cấu hệ thống giáo dục Việt Nam”. Hội thảo có sự tham gia của nhiều nhà quản lý, các chuyên gia hoạt động trong ngành giáo dục.
Tại Hội thảo, các đại biểu tập trung phân tích, đánh giá cấu trúc hệ thống giáo dục Việt Nam, phân tích những bất cập, khó khăn, từ đó đưa ra những kiến nghị, giải pháp phát triển hệ thống giáo dục Việt Nam.

Các chuyên gia cho rằng, đã đến lúc Việt Nam nên sắp xếp lại hệ thống giáo dục đảm bảo tính linh hoạt, gọn nhẹ và phù hợp với thế giới. Theo đó, giáo dục cần đi trước một bước để tạo nguồn nhân lực đồng bộ, lành nghề, từ đó thúc đẩy kinh tế phát triển. Bên cạnh đó, nên xem xét lại cơ chế phân bổ ngân sách giáo dục và nguồn lực huy động từ xã hội theo hướng ưu tiên đầu tư đồng thời vào hai mục tiêu: phổ cập giáo dục cơ bản và đào tạo nguồn nhân lực đồng bộ, lành nghề cho sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện thế giới đang hướng tới một nền kinh tế tri thức. Trong điều kiện nguồn lực còn hạn hẹp, Nhà nước phải có cơ chế chính sách rõ ràng để định hướng cho sự phát triển hài hòa và ổn định của toàn hệ thống giáo dục đại học và chuyên nghiệp.

Một số đại biểu cũng nhấn mạnh: trong lĩnh vực quản lý giáo dục cần xóa bỏ ngay cơ chế “xin-cho”, thực hiện quyền tự chủ của các cơ sở giáo dục; đồng thời, lôi cuốn các tổ chức xã hội, nghề nghiệp tham gia giám sát các cơ sở giáo dục đại học trong việc thực hiện các chuẩn mực được Nhà nước quy định.

PGS, TS. Lê Viết Khuyến - Ban Hỗ trợ chất lượng giáo dục đại học, Hiệp hội các trường đại học và cao đẳng ngoài công lập Việt Nam cho biết: Hiện nay, phần lớn nhân lực nước ta được đào tạo dưới chuẩn, công tác đào tạo chưa bám sát chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của đất nước và địa phương; thả nổi cho các cơ sở đào tạo dẫn tới cơ cấu trình độ, cơ cầu ngành nghề không hợp lý. Cơ chế đào tạo liên thông bất hợp lý, hầu như không có sự phân luồng người học và sự phân tầng cơ sở giáo dục. Vì vậy, trong quá trình tái cấu trúc hệ thống đào tạo nhân lực, Nhà nước nên tập trung chỉ đạo ở tầm vĩ mô, kết hợp với phân cấp hợp lý cho các địa phương, bộ, ngành. Các chương trình đào tạo cần được chuẩn hóa theo từng cấp: trung học nghề, cao đẳng, đại học, sau đại học. Quy hoạch đào tạo nhân lực cũng cần mềm dẻo, có thể điều chỉnh cho phù hợp với sự dịch chuyển cơ cấu kinh tế của từng vùng miền, địa phương./.