Hơn 100 phóng viên và các nhà quản lý báo chí đã tham gia hội thảo khoa học quốc tế “Kinh nghiệm Việt Nam và quốc tế về nghiệp vụ báo chí điều tra” diễn ra ngày 31-3 tại Hà Nội.

Đây là một trong những hội thảo quốc tế chuyên sâu đầu tiên về báo chí điều tra và nghiệp vụ nhập vai được tổ chức tại Việt Nam.

Hội thảo do Học viện Báo chí và Tuyên truyền, Trung tâm Sáng kiến Truyền thông và Phát triển, Văn phòng Đại diện Hội Nhà báo Việt Nam tại Thành phố Hồ Chí Minh đồng tổ chức, do Đại sứ quán Đan Mạch tài trợ.

Phát biểu tại hội thảo, phó giáo sư, tiến sỹ Trương Ngọc Nam, Giám đốc Học viện Báo chí và Tuyên truyền, cho biết: “Là cơ sở đào tạo báo chí lớn tại Việt Nam, Học viện Báo chí và Tuyên truyền coi xây dựng và phát triển chương trình giảng dạy là nhiệm vụ trọng tâm.

Chương trình đào tạo cần mang tính hiện đại, thiết thực và hiệu quả. Nghiệp vụ báo chí, trong đó có nghiệp vụ báo chí điều tra cần được giảng dạy một cách bài bản để sinh viên hành nghề phù hợp về mặt pháp luật và đạo đức”.

Ông Hoàng Hữu Lượng, Cục trưởng Cục báo chí, Bộ Thông tin và Truyền thông khẳng định: “Bộ Thông tin và Truyền thông luôn nhận thấy vai trò quan trọng của báo chí điều tra trong sự phát triển của đất nước và mục tiêu công nghiệp hoá, hiện đại hoá.

Chúng tôi ủng hộ nỗ lực đào tạo, phát triển nghiệp vụ báo chí điều tra hiện đại, chuyên nghiệp. Hội thảo là một đóng góp vào sự phát triển của báo chí điều tra Việt Nam”.

Ông John Nielsen, Đại sứ Đan Mạch tại Việt Nam nói: “Sau hơn 3 năm ở Việt Nam, tôi đã nhận thấy sự trưởng thành từng bước của báo chí Việt Nam. Các bạn có một thế hệ các nhà báo rất tâm huyết với nghề.

Tuy nhiên, tôi cũng hiểu rằng báo chí Việt Nam đang cần được đào tạo cao hơn, theo tiêu chuẩn quốc tế, để bắt kịp với tốc độ hội nhập nhanh của Việt Nam với thế giới. Thế giới đang thay đổi rất nhanh và báo chí truyền thông đang đối mặt với thách thức lớn phải làm mới mình và cải thiện độ tin cậy đối với độc giả.

Đan Mạch đang hỗ trợ Trung tâm Sáng kiến Truyền thông và Phát triển tổ chức các hoạt động nâng cao nghiệp vụ đối với các nhà báo Việt Nam. "Tôi tin rằng hội thảo này là khởi đầu sự hợp tác sâu hơn, lâu bền hơn giữa Việt Nam và Đan Mạch trong lĩnh vực phát triển báo chí truyền thông và là đóng góp một phần vào phát triển kỹ năng báo chí điều tra tại Việt Nam".

Bà Trần Lệ Thuỳ, Giám đốc Trung tâm Sáng kiến Truyền thông và Phát triển MDI, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam, nói: “Một số nhà báo Việt Nam đối mặt với nguy hiểm, áp lực để viết bài điều tra với nghiệp vụ không kém báo chí quốc tế.

Họ đưa ra ánh sáng nhiều việc có lợi ích công như chống tội phạm, giang hồ có tổ chức, các hành vi tham nhũng tiêu cực, bảo vệ an toàn sức khoẻ, môi trường với người dân. Nếu báo chí điều tra bị yếu đi thì sẽ mất một chỗ dựa quý giá cho người dân, cơ quan nhà nước, doanh nghiệp khi cần lên tiếng đảm bảo sự công bằng, phải trái trong xã hội.

Hiện nay, các nhà báo điều tra cần được pháp luật bảo vệ khi hành động vì lợi ích công. Họ cần được sự hỗ trợ bài bản từ nhà nước, từ ban biên tập, được đầu tư nghiệp vụ tốt hơn để đảm bảo sự chính xác, khách quan trong các bài báo, tránh những sai sót đáng tiếc”.

Hội thảo cũng sẽ được tổ chức vào ngày 2-4 tới, tại Thành phố Hồ Chí Minh./.