An sinh xã hội - chìa khóa thành công về trao quyền cho phụ nữ và trẻ em gái
TCCSĐT - Ngày 31-3, tại Hà Nội, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội phối hợp với Cơ quan Liên hợp quốc về bình đẳng giới và trao quyền cho phụ nữ (UN Women) tổ chức tọa đàm chính sách “Tăng cường sự tham gia của phụ nữ và trẻ em gái vào hệ thống an sinh xã hội: Ưu tiên cho phát triển”.
Buổi tọa đàm thu hút gần 150 đại biểu từ các cơ quan quản lý nhà nước, hoạch định chính sách, cơ quan nghiên cứu, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức phi chính phủ, tổ chức quốc tế và các chuyên gia về giới và an sinh xã hội, nhằm chia sẻ thông tin về những thành tựu và khó khăn trong quá trình triển khai chính sách an sinh xã hội cho phụ nữ và trẻ em gái ở Việt Nam.
Tọa đàm tập trung vào bốn nhóm chính sách cơ bản của an sinh xã hội, bao gồm: bảo đảm thu nhập tối thiểu và việc làm, tăng cường bảo hiểm xã hội, trợ giúp xã hội và tiếp cận với các dịch vụ xã hội cơ bản cho phụ nữ và trẻ em gái.
Phát biểu khai mạc tọa đàm, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Phạm Thị Hải Chuyền, nhấn mạnh: “Phát triển hệ thống an sinh xã hội là một trong những ưu tiên hàng đầu trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam. Cùng với việc chăm lo phát triển an sinh xã hội, Đảng và Nhà nước Việt Nam rất quan tâm tới thúc đẩy bình đẳng giới. Nhiều chính sách quan trọng về bình đẳng giới đã được ban hành và triển khai nhằm tạo dựng khung khổ pháp lý và môi trường thuận lợi cho việc thực hiện bình đẳng giới nói chung và trong lĩnh vực an sinh xã hội nói riêng”.
Bộ trưởng cũng chia sẻ, “Trong bối cảnh nền kinh tế Việt Nam phải đối mặt với suy giảm tăng trưởng kinh tế, tác động của biến đổi khí hậu ngày càng phức tạp, cùng việc lồng ghép giới chưa bảo đảm đầy đủ và hiệu quả trong các chính sách an sinh xã hội,… đang là những thách thức đối với an sinh xã hội cho phụ nữ và trẻ em gái”.
Phát biểu tại tọa đàm, bà Phumzile Mlambo-Ngcuka (Phum-lê-di Mờ-lăm-bô En-ku-ka), Phó Tổng Thư ký Liên hợp quốc kiêm Giám đốc điều hành UN Women cho rằng, “Một hệ thống an sinh xã hội hoạt động hiệu quả tạo nên sức mạnh để thay đổi thế giới, xây dựng nên các quốc gia tốt đẹp hơn, vững mạnh hơn và thịnh vượng hơn không những cho phụ nữ và trẻ em gái, mà còn cho tất cả chúng ta”.
Cũng theo bà Phum-lê-di Mờ-lăm-bô En-ku-ka, “An sinh xã hội là nền tảng của bình đẳng giới và là nền tảng để đạt được việc trao quyền đầy đủ cho phụ nữ và trẻ em gái. Tuy nhiên, khoảng 5,1 tỷ người, tương đương 75% dân số thế giới, hiện chưa được tham gia và thụ hưởng an sinh xã hội một cách đầy đủ”. Bà nhấn mạnh tầm quan trọng của an sinh xã hội đối với sự phát triển của mỗi quốc gia, đặc biệt là “trong cuộc đấu tranh chống nghèo khổ, an sinh xã hội là một trong số các công cụ được chứng minh là hiệu quả nhất,... An sinh xã hội đóng vai trò then chốt khi các chính phủ thực hiện tám Mục tiêu phát triển thiên niên kỷ. Điều này bao gồm thúc đẩy bình đẳng giới và trao quyền cho phụ nữ”.
Bà Phó Tổng Thư ký cho rằng, việc thông qua Nghị quyết số 15-NQ/TW năm 2012, của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI, về một số vấn đề về chính sách xã hội giai đoạn 2012 - 2020 đã thể hiện cam kết chính trị mạnh mẽ của Việt Nam trong việc phát triển kinh tế đi đôi với phát triển xã hội.
Tại phiên thứ nhất, TS. Nguyễn Thị Lan Hương, Viện trưởng Viện Khoa học - Lao động và Xã hội (thuộc Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội) đã chia sẻ những kết quả nghiên cứu ban đầu về “An sinh xã hội cho phụ nữ và trẻ em gái ở Việt Nam” với sự hỗ trợ tài chính và kỹ thuật của UN Women tại Việt Nam. Báo cáo là tài liệu tham khảo quan trọng về khía cạnh bình đẳng giới và an sinh xã hội cho các nhà hoạch định chính sách và quản lý trong quá trình triển khai thực hiện Nghị quyết 15.
Nhấn mạnh tầm quan trọng của nghiên cứu, bà Phum-lê-di Mờ-lăm-bô En-ku-ka cho biết, “Nghiên cứu này rất đúng thời điểm bởi vì ngay lúc này, trên thế giới đang diễn ra một cuộc đối thoại toàn cầu nhằm xác định chương trình nghị sự phát triển hậu 2015, tất cả các quốc gia sẽ kêu gọi xem xét kỹ lưỡng về hệ thống an sinh xã hội, coi đó là một phần của chiến lược phát triển bền vững, toàn diện”.
Tại phiên thứ hai, “Tăng cường sự tham gia của phụ nữ và trẻ em gái vào hệ thống an sinh xã hội: Ưu tiên cho phát triển”, đại diện các cơ quan quản lý nhà nước, các tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức quốc tế đã đóng góp ý kiến tham luận với các chủ đề như: chính sách, pháp luật về bình đẳng giới và những đóng góp trong cải thiện việc làm cho phụ nữ; kinh nghiệm trong xây dựng và triển khai các chính sách an sinh xã hội và cung cấp dịch vụ xã hội cho người dân; định hướng và cách tiếp cận phát triển an sinh xã hội cho phụ nữ và trẻ em gái, đặc biệt ưu tiên cho các nhóm yếu thế và dễ bị tổn thương như phụ nữ nghèo, phụ nữ dân dân tộc thiểu số, lao động nữ di cư,...
Kết thúc tọa đàm, lãnh đạo Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đánh giá cao và cảm ơn sự hỗ trợ hợp tác tích cực của UN Women với Việt Nam trong nhiều hoạt động nhằm thúc đẩy bình đẳng giới và nâng cao nhận thức cộng đồng, nhằm bảo đảm các quyền của phụ nữ tại Việt Nam. UN Women cũng cam kết sẽ đồng hành và tiếp tục hỗ trợ những nỗ lực của Chính phủ Việt Nam trong việc tăng cường an sinh và công bằng xã hội, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế ổn định và bền vững hơn./.
Lãnh đạo CPC, Lào, Thái sẽ dự hội nghị Mekong ở Việt Nam  (31/03/2014)
“WB sẽ luôn ủng hộ, hỗ trợ Việt Nam trong các lĩnh vực”  (31/03/2014)
Thông quan hàng hóa tự động tạo thuận lợi cho doanh nghiệp  (31/03/2014)
Họp tham vấn chính trị lần thứ hai Việt Nam và Algeria  (31/03/2014)
Thiếu cơ sở pháp lý để thi hành quyết định xử lý về thanh tra  (31/03/2014)
Quảng Ninh có thêm Phó Chủ tịch mới nhiệm kỳ 2011 - 2016  (31/03/2014)
- Tỉnh Quảng Nam tích cực chuẩn bị tổ chức đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội Đảng bộ tỉnh nhiệm kỳ 2025 - 2030
- Thúc đẩy quá trình cổ phần hóa và thoái vốn nhà nước tại doanh nghiệp nhà nước
- Suy ngẫm những điều đặc biệt về cuộc đời, sự nghiệp của cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng
- Phát triển du lịch cộng đồng, góp phần giữ vững thương hiệu “Nha Trang - điểm đến an toàn, văn minh, thân thiện”
- Chính sách, pháp luật của Việt Nam về bảo vệ chủ quyền biển, đảo và đấu tranh phản bác quan điểm sai trái, thù địch về vấn đề biển, đảo
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Một số lý giải về cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay và tính toán chiến lược của các bên