Đại tướng Võ Nguyên Giáp với chiến thắng Điện Biên Phủ “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”
TCCSĐT - Cách đây 60 năm, dưới sự lãnh đạo đúng đắn, sáng tạo của Đảng, đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh, quân và dân ta đã làm nên chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ. Góp phần vào chiến thắng vĩ đại ấy, có vai trò to lớn của Đại tướng, Tổng Tư lệnh Võ Nguyên Giáp - “Người anh cả” kính mến của Quân đội Nhân dân Việt Nam.
“Điện Biên Phủ” - biểu tượng của sức mạnh Việt Nam
Cuối tháng 9-1953, trước tình thế địch ráo riết triển khai thực hiện Kế hoạch Na-va (Navarre), Bộ Chính trị họp dưới sự chủ trì của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã bàn nhiệm vụ quân sự trong Đông Xuân năm 1953 - 1954, xác định phương hướng chiến lược, chủ trương tác chiến, nhấn mạnh phương châm: “tích cực, chủ động, cơ động, linh hoạt” và nguyên tắc chỉ đạo tác chiến “tiêu diệt sinh lực địch, bồi dưỡng lực lượng ta; đánh chắc thắng; đánh tiêu diệt; chọn nơi địch sơ hở, nơi địch tương đối yếu mà đánh; giữ vững chủ động, kiên quyết buộc địch phải phân tán lực lượng để đối phó với ta trên nhiều hướng”(1).
Trong khi ta đang tích cực chuẩn bị theo kế hoạch tác chiến Đông Xuân năm 1953 - 1954, ngày 15-10-1953, quân Pháp mở cuộc hành quân “Hải Âu”, đánh ra khu vực phía Tây Nam tỉnh Ninh Bình. Trong tình thế đó, Đảng ta vừa chỉ đạo lực lượng vũ trang tổ chức chiến dịch tiến công đập tan cuộc hành quân “Hải Âu” của địch, đồng thời tích cực triển khai kế hoạch tác chiến đã định, đưa bộ đội chủ lực tiến quân lên Tây Bắc và sang Trung Lào, phối hợp chiến đấu với quân dân Lào, nhằm buộc địch phải phân tán lực lượng để đối phó.
Phát hiện thấy ta di chuyển lực lượng chủ lực lên Tây Bắc, Tổng chỉ huy quân đội Pháp H.Na-va (Henri Navarre) lúc bấy giờ đã quyết định điều lực lượng cơ động sang Trung Lào và tăng cường phòng giữ Điện Biên Phủ. Ngày 20-11-1953, Pháp mở cuộc hành quân Ca-xtô, cho quân nhảy dù xuống đánh chiếm Điện Biên Phủ, từng bước biến Điện Biên Phủ thành một tập đoàn cứ điểm mạnh nhất Đông Dương. Ngày 03-12-1953, H.Na-va quyết định giao chiến với ta tại Điện Biên Phủ. Trước những diễn biến mới của tình hình, ngày 06-12-1953 (tức 16 ngày sau khi địch mở chiến dịch Ca-xtô), Bộ Chính trị họp khẩn cấp để nghe Tổng Quân ủy báo cáo, đã quyết định mở chiến dịch Điện Biên Phủ và nhất trí thông qua phương án tác chiến của Tổng Quân ủy. Như vậy, việc Điện Biên Phủ trở thành điểm quyết chiến chiến lược hoàn toàn nằm ngoài Kế hoạch Na-va.
Bộ chỉ huy quân đội Pháp tin rằng, tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ là một giải pháp chiến lược quân sự mầu nhiệm. Họ hy vọng với hình thức phòng ngự này, quân đội Pháp có thể vô hiệu hóa để tiến tới tiêu diệt các binh đoàn chủ lực trang bị còn hạn chế của đối phương. Họ không hề biết rằng, sau đợt I của chiến cuộc Đông Xuân năm 1953-1954 và khi tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ hình thành, vấn đề đặt ra với Bộ Chỉ huy ta nói chung và Đại tướng Võ Nguyên Giáp nói riêng không phải là tiến công hay không tiến công, mà là đánh như thế nào để tiêu diệt được một tập đoàn cứ điểm mạnh như vậy? Không đánh bại được hình thức phòng ngự chiến lược mới này của quân Pháp, có nghĩa là không mở được một cục diện thuận lợi cho cuộc kháng chiến phát triển. Đó chính là quyết tâm không lay chuyển và cũng là niềm tin của Đại tướng Võ Nguyên Giáp khi ông rời căn cứ Việt Bắc hành quân ra tiền tuyến.
“Đánh chắc, tiến chắc” - một quyết định lịch sử
Trước khi Đại tướng Võ Nguyên Giáp lên đường ra trận, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã hỏi: “Chú đi xa như vậy, chỉ đạo chiến trường có gì trở ngại?”. Đại tướng Võ Nguyên Giáp trả lời: “Thưa Bác! Chỉ trở ngại là ở xa, khi có vấn đề quan trọng khó xin ý kiến Bác và Bộ Chính trị”. Chủ tịch Hồ Chí Minh nói: “Tướng quân tại ngoại, trao cho chú toàn quyền quyết định rồi báo cáo sau”. Khi chia tay, Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ thị cho Đại tướng: “Trận này rất quan trọng, phải đánh cho thắng, chắc thắng mới đánh. Không chắc thắng không đánh”(2).
Do tình hình lúc đầu binh lực của địch còn hạn chế, trận địa phòng ngự của địch còn sơ sài; bộ đội ta sau đợt chỉnh huấn chính trị và học tập kỹ thuật, chiến thuật mới đang sung sức, xét thấy có nhiều điều lợi nên phương châm tác chiến của chiến dịch được xác định là “đánh nhanh, thắng nhanh”. Phương châm đó có lợi là cuộc chiến đấu không kéo dài nên ít tiêu hao, mệt mỏi và việc bảo đảm hậu cần chiến dịch bớt khó khăn, trở ngại. Ngày 14-01-1954, Đại tướng Võ Nguyên Giáp được Bộ Chính trị giao nhiệm vụ trực tiếp làm Bí thư Đảng ủy kiêm Chỉ huy trưởng chiến dịch Điện Biên Phủ, đã chính thức quán triệt phương châm tác chiến và giao nhiệm vụ cho các đơn vị.
Theo kế hoạch tác chiến phổ biến tại Hội nghị cán bộ chiến dịch ngày 14-01-1954, ngày 25-01-1954, quân ta nổ súng mở màn chiến dịch Điện Biên Phủ. Tuy nhiên, do đài kỹ thuật của sở chỉ huy phát hiện địch thông báo cho nhau về ngày giờ nổ súng của ta, đồng thời chưa tìm được lời giải của bài toán về cách đánh, đặc biệt là phương châm “đánh nhanh, thắng nhanh”, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã quyết định lui thời gian mở màn chiến dịch thêm 24 giờ nữa, tức đến chiều ngày 26-01-1954, để tiếp tục suy nghĩ một cách thận trọng nhất về chiến dịch đặc biệt quan trọng này.
Điều trăn trở của Đại tướng Võ Nguyên Giáp không chỉ vì Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ thị chiến dịch này rất quan trọng, chỉ được thắng, không chắc thắng thì không đánh, mà còn vì trách nhiệm trước xương máu của chiến sĩ quân đội ta. Lúc này, 3/4 lực lượng cơ động chiến lược đã dồn lên chiến trường Điện Biên Phủ. Nếu chiến dịch không thắng, hơn 4 đại đoàn chủ lực bị thương vong lớn thì tiền đồ cuộc kháng chiến chống Pháp sẽ ra sao, vị thế đoàn ngoại giao của ta tại Hội nghị Giơ-ne-vơ sẽ như thế nào?
Sau một đêm thức trắng, sáng ngày 26-01-1954, Đại tướng Võ Nguyên Giáp quyết định gặp Trưởng đoàn Cố vấn quân sự Trung Quốc Vi Quốc Thanh. Đại tướng thẳng thắn bày tỏ suy nghĩ của mình, nêu lên những khó khăn về chiến thuật mà bộ đội Việt Nam chưa có điều kiện khắc phục và khẳng định “đánh nhanh” không bảo đảm thắng lợi cho chiến dịch quan trọng này. Cuối cùng, Đại tướng Võ Nguyên Giáp nói rõ ý định tạm hoãn cuộc tiến công, kéo pháo ra, thu quân về tập kết, chuẩn bị lại từ đầu để đánh theo phương châm “đánh chắc, tiến chắc”.
Trong buổi họp Đảng ủy Mặt trận ngày 26-01-1954, Đại tướng Võ Nguyên Giáp với vai trò là Bí thư Đảng ủy Mặt trận nhắc lại tinh thần Nghị quyết Hội nghị Trung ương lần thứ tư, nhắc lại Chỉ thị của Chủ tịch Hồ Chí Minh và đề nghị các đồng chí đảng ủy viên vì trách nhiệm trước Đảng, trước nhân dân và quân đội, hãy trả lời một câu hỏi cốt lõi lúc này là đánh như vậy có 100% chắc thắng hay không? Trải qua vài giờ trao đổi với tinh thần đoàn kết và ý thức trách nhiệm cao, cuối cùng tập thể Đảng ủy Mặt trận cũng thấy rằng thay đổi kế hoạch tác chiến sẽ gặp rất nhiều khó khăn, nhất là về vận tải tiếp tế khi mùa mưa đến, nhưng không thể vì những khó khăn trở ngại do chiến dịch có thể kéo dài mà chọn một cách đánh không bảo đảm chắc thắng lợi. Đảng ủy nhất trí cho rằng, thay đổi phương châm tác chiến là một quyết tâm rất lớn, thể hiện cụ thể sự quán triệt tư tưởng chỉ đạo đánh chắc thắng của Trung ương. Kết thúc buổi họp, Đại tướng Võ Nguyên Giáp yêu cầu lãnh đạo các đơn vị phải đồng tâm nhất trí thay đổi cách suy nghĩ và hành động cho phù hợp với tình hình mới. Đại tướng sẽ thay mặt Đảng ủy Mặt trận báo cáo và đề nghị Trung ương động viên hậu phương dốc toàn lực cùng bộ đội ở tuyền tuyến khắc phục mọi khó khăn để giành thắng lợi trọn vẹn cho chiến dịch (3).
Kế hoạch tác chiến mới nhanh chóng được chuyển đến Đảng ủy tất cả các đơn vị tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ, với nội dung: Tạm dừng tấn công, cho kéo pháo ra xây dựng trận địa kiên cố để đánh dài ngày, không để hỏa khí lộ và tập trung như trước; chuẩn bị công sự ngụy trang chắc chắn và củng cố tinh thần, tư tưởng bộ đội nhất là cán bộ một cách vững vàng, bền bỉ để vượt qua khó khăn thử thách quyết liệt trong chiến dịch, có quyết tâm lãnh đạo và chỉ huy bộ đội dũng cảm, ngoan cường chiến đấu, giành toàn thắng cho chiến dịch (4).
Theo đúng phương châm và kế hoạch tác chiến mới đề ra, sau khi có sự chuẩn bị chu đáo về mọi mặt, 13 giờ ngày 13-3-1954, quân ta nổ súng tiến công Điện Biên Phủ. Sau 3 đợt tiến công, đến ngày 07-5-1954, tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ bị tiêu diệt hoàn toàn.
Một thiên tài quân sự
Với việc 16.200 tên địch (kể cả bộ chỉ huy mặt trận) đều bị tiêu diệt hoặc bắt sống, quân và dân Việt Nam đã làm nên một chiến dịch Điện Biên Phủ lịch sử, “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”. Chiến thắng này đã đặt dấu chấm hết cho Pháp tại Đông Dương, đồng thời đưa Đại tướng Võ Nguyên Giáp đi vào lịch sử thế giới, lịch sử Việt Nam như một thiên tài quân sự.
Nhà sử học phương Tây Giuyn Roa đã viết: “Điện Biên Phủ là nỗi kinh hoàng khủng khiếp, là sự thất bại lớn nhất của phương Tây, báo hiệu sự sụp đổ của chủ nghĩa thực dân cũ và sự cáo chung của một nền cộng hòa Pháp” (5). Còn tác giả G.Bu-đa-ren viết trên tờ Người quan sát cho rằng: “Điện Biên Phủ là một trong những trận giao chiến đã thay đổi số phận thế giới” (6).
Có thể nói, quyết định hoãn kế hoạch tấn công, kéo pháo ra, thay đổi phương châm tiêu diệt địch, từ “đánh nhanh, thắng nhanh” sang “đánh chắc, tiến chắc” là một quyết định lịch sử và là quyết định khó khăn nhất trong cuộc đời chỉ huy của Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Mười năm sau, nhân kỷ niệm chiến thắng Điện Biên Phủ, Đại tướng Võ Nguyên Giáp mới được nghe một số cán bộ Đại đoàn nói thực với ông về ý nghĩ của mình. Và cũng chỉ đến khi đó ông mới biết rằng, trong Hội nghị cán bộ chiến dịch ngày 14-01-1954, cán bộ thuộc quyền đều cảm thấy nhiệm vụ quá nặng, cụ thể là lo phải đột phá liên tục, trận đánh kéo dài, không giải quyết được vấn đề thương binh và tiếp tế khi vào “tung thâm”. Cũng chỉ khi đó, Đại tướng Võ Nguyên Giáp mới nghe được đồng chí Vương Thừa Vũ nói rằng: “Nếu theo phương châm đánh nhanh thì cuộc kháng chiến chống Pháp sẽ kéo dài thêm 10 năm”. Còn đồng chí Lê Trọng Tấn khẳng định: “Nếu đánh như vậy thì chúng tôi đã không còn có mặt trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước” (7). Đại tá Nguyễn Minh Phương, nguyên trợ lý của Đại tướng Võ Nguyên Giáp từ chiến dịch Biên giới năm 1950 đến sau Đại thắng Mùa Xuân 1975, nói: “Tư duy chiến lược cực kỳ xuất sắc của Đại tướng là một nhân tố quyết định góp phần làm nên chiến thắng Điện Biên Phủ” (8). Đặc biệt, ngay sau khi Đại tướng Võ Nguyên Giáp qua đời ngày 04-10-2013, Hãng Thông tấn AFP đã gọi Đại tướng Võ Nguyên Giáp là tác giả gây ra thất bại thảm hại cho đội quân viễn chinh Pháp tại vùng lòng chảo Điện Biên Phủ - sự kiện đặt dấu chấm hết cho sự xâm lược của thực dân Pháp tại Đông Dương và khẳng định: Sự kiện đó đã đưa ông trở thành tượng đài trong lòng nhân dân.
Đối với Đại tướng Võ Nguyên Giáp, sau này mỗi khi nói và viết về quyết định lịch sử trong chiến dịch Điện Biên Phủ, Đại tướng bao giờ cũng cho rằng, cơ sở hình thành của nó chính là tư tưởng quân sự Hồ Chí Minh cùng với sự chỉ đạo tài tình của Người với chiến dịch Điện Biên Phủ cũng như với toàn bộ tiến trình cuộc kháng chiến. Nhớ về sự hình thành quyết định lịch sử này, Đại tướng Võ Nguyên Giáp nhấn mạnh: “Ngay sau khi có quyết định thay đổi cách đánh, tôi xin ý kiến của Bác và anh Trường Chinh. Cũng như sự tin cậy của Trung ương đã giao phó trước khi vào chiến dịch, tôi đã nhận được sự ủng hộ hoàn toàn” (9). Nhưng dù khiêm nhường thế nào đi chăng nữa, với vị trí, vai trò và dấu ấn sâu đậm của Đại tướng Võ Nguyên Giáp trong chiến dịch Điện Biên Phủ, Đại tướng đã quy tụ đầy đủ sáu điểm về phẩm chất và tư cách người làm Tướng theo tư tưởng Hồ Chí Minh: Trí - Tín - Dũng - Nhân - Liêm - Trung. Hôm nay, tuy Đại tướng đã về cõi vĩnh hằng, nhưng công lao to lớn và dấu ấn sâu đậm của Đại tướng trong chiến dịch Điện Biên Phủ năm xưa vẫn còn mãi với dân tộc ta, non sông đất nước ta. Đó là sự cổ vũ lớn lao để toàn Đảng, toàn quân và toàn dân ta phấn đấu vươn lên giành thêm nhiều Điện Biên Phủ hơn nữa trong công cuộc dựng xây Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa, dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh, sánh vai với các cường quốc năm châu như Bác Hồ mong đợi lúc sinh thời./.
Điện Biên Phủ là trận đánh lớn nhất trong Chiến tranh Đông Dương lần thứ nhất diễn ra tại lòng chảo Mường Thanh, châu Điện Biên, tỉnh Lai Châu (nay thuộc thành phố Điện Biên Phủ, tỉnh Điện Biên), giữa Quân đội Nhân dân Việt Nam và quân đội Liên hiệp Pháp (gồm lực lượng viễn chinh Pháp, lê dương Pháp, phụ lực quân bản xứ và Quân đội quốc gia Việt Nam). Đây là chiến thắng quân sự lớn nhất trong cuộc kháng chiến chống Pháp (năm 1945 - 1954) của Việt Nam, không chỉ mở đầu sự sụp đổ của chủ nghĩa thực dân cũ, mà còn cổ vũ mạnh mẽ phong trào đấu tranh giải phóng dân tộc trên toàn thế giới trong thế kỷ XX. Bằng thắng lợi quyết định này, lực lượng Quân đội Nhân dân do Đại tướng Võ Nguyên Giáp chỉ huy đã buộc quân Pháp tại Điện Biên Phủ phải đầu hàng vào tháng 5-1954, sau 2 tháng chịu trận liên tiếp. |
Tài liệu tham khảo:
(1) Tỉnh ủy, Ủy ban Nhân dân tỉnh Điện Biên, Bộ Tư lệnh Quân khu II, Viện Lịch sử quân sự Việt Nam: Chiến thắng Điện Biên Phủ - Sức mạnh đại đoàn kết dân tộc, bài học và giá trị lịch sử, Điện Biên Phủ, tháng 03-2009, tr.2
(2) Võ Nguyên Giáp: Thế giới còn thay đổi, nhưng tư tưởng Hồ Chí Minh sống mãi, Ban Khoa học Xã hội Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh, 1991, tr.79
(3) Xem thêm: Chiến thắng Điện Biên Phủ - Sức mạnh đại đoàn kết dân tộc, bài học và giá trị lịch sử, Điện Biên Phủ, tháng 03-2009
(4) Võ Nguyên Giáp: Điện Biên Phủ - Xưa và nay, Tạp chí Xưa và Nay, số 2, 1994, tr.8
(5) Tổng cục Chính trị Quân đội Nhân dân Việt Nam: Lịch sử công tác đảng, công tác chính trị chiến dịch trong kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ (1945-1975), Nxb. Quân đội Nhân dân, Hà Nội,1998, tr.230
(6) Võ Nguyên Giáp: Điện Biên Phủ - Xưa và nay, Tạp chí Xưa và Nay, số 2, 1994, tr.8
(7) Điện Biên Phủ - Hợp tuyển công trình khoa học, Nxb. Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 2005, tr.107
(8) Xem thêm: Tỉnh ủy, Ủy ban Nhân dân tỉnh Điện Biên, Bộ Tư lệnh Quân khu II, Viện Lịch sử quân sự Việt Nam: Chiến thắng Điện Biên Phủ - Sức mạnh đại đoàn kết dân tộc, bài học và giá trị lịch sử, Điện Biên Phủ, tháng 3-2009, tr.8
(9) Tướng Giáp với những vũ khí bí mật làm nên chiến thắng Điện Biên Phủ, Báo Thanh niên, ngày 10-10-2013
Chương trình Lễ hội hoa Anh Đào Hạ Long 2014  (27/03/2014)
Lễ ký kết hợp tác toàn diện giữa Tỉnh ủy Lâm Đồng với Tạp chí Cộng sản  (27/03/2014)
Đưa doanh nghiệp về nông thôn: bài toán khó giải  (27/03/2014)
Đưa doanh nghiệp về nông thôn: bài toán khó giải  (27/03/2014)
Thái Lan có ảnh vệ tinh 300 vật thể nghi của MH370  (27/03/2014)
Chủ tịch Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thăm Singapore  (27/03/2014)
- Hoàn thiện hệ thống chính sách hỗ trợ và thúc đẩy đổi mới sáng tạo đối với doanh nghiệp trên địa bàn thành phố Hà Nội
- Một số vấn đề cơ bản về phân công, phối hợp và kiểm soát quyền lực nhà nước trong xây dựng nhà nước pháp quyền
- Việt Nam chủ động, tích cực hội nhập quốc tế, thúc đẩy đối ngoại quốc phòng, góp phần bảo vệ Tổ quốc từ sớm, từ xa bằng các biện pháp hòa bình
- Tỉnh Quảng Nam tích cực chuẩn bị tổ chức đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội Đảng bộ tỉnh nhiệm kỳ 2025 - 2030
- Thúc đẩy quá trình cổ phần hóa và thoái vốn nhà nước tại doanh nghiệp nhà nước
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Một số lý giải về cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay và tính toán chiến lược của các bên